Phát triển loại hình nghệ thuật hài kịch ứng tác

Không đạo cụ, phục trang, cũng không có ý tưởng hay kịch bản, người diễn tức thì đưa ra lời thoại, tình huống liên tiếp sao cho ráp lại thành câu chuyện. Ðó chính là sức hấp dẫn của hài kịch ứng tác - một loại hình nghệ thuật mới đang được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Trên sân khấu nhỏ The Rotten Grapes nằm trên phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội, có gần chục diễn viên, dưới khán phòng chỉ khoảng ba, bốn chục khán giả nhưng họ như hòa vào làm một trong không gian hơn 80m2. Sân khấu trống không, không phông màn, đạo cụ, người diễn không chuẩn bị trước mà ứng tác theo những đề xuất ngẫu hứng để tạo thành vở kịch ngắn. Có khi, khán giả được yêu cầu bật mí một bí mật hay được phát những mẩu giấy ghi tình huống, người diễn phải căn cứ vào đó diễn theo sao cho hợp lý. Cũng có lúc, khán giả được mời lên diễn cùng, bị đẩy theo diễn biến bất ngờ của câu chuyện. Ðể rồi những tiếng cười, hò reo vang lên không ngớt. "Ðó chính là lúc những căng thẳng của cuộc sống được giải tỏa, những năng lượng bị dồn ứ bấy lâu có dịp thoát ra. Ðây cũng là sức hấp dẫn của hài kịch ứng tác-loại hình sân khấu mà lời thoại, câu chuyện, tình tiết chỉ tồn tại trong chính khoảnh khắc đó, trước đây chưa có và cũng không lặp lại lần sau" - trưởng nhóm The Rotten Grapes Lê Hoàng Long cho biết.

Ðặc trưng của hài kịch ứng tác là diễn viên phải thật nhanh để đưa ra quyết định trước áp lực của diễn biến tình huống mà không được chần chừ suy nghĩ. Diễn viên kịch ứng tác phải hội đủ nhiều yếu tố như: khả năng ứng biến, sự linh hoạt, cách dùng cơ thể để biểu lộ suy nghĩ, khả năng diễn đạt ngôn ngữ… Tuy nhiên, theo chia sẻ của cô gái sinh năm 1990 Phạm Hoài Thương, tiêu chí để tuyển chọn diễn viên không hề khó khăn, chỉ cần có đam mê diễn xuất, không nhất thiết phải được đào tạo bài bản, chỉ cần tham gia một khóa học với sáu buổi, được hướng dẫn và chơi các trò chơi để luyện khả năng ghi nhớ, phản xạ nhanh, sáng tạo và liên tưởng.

Chia sẻ về cơ duyên đến với hài kịch ứng tác, chàng trai sinh năm 1994 Hoàng Long tâm sự: Năm 2015, tình cờ gặp một người bạn Pháp giới thiệu về hài kịch ứng tác, tôi thấy tò mò và thích ngay. Càng tìm hiểu, càng đam mê, tới khi cảm thấy có đủ kiến thức cơ bản, tôi mạnh dạn tập hợp một số người bạn cùng sở thích lập nhóm hài The Rotten Grapes. Hài kịch ứng tác khá quen thuộc trên thế giới nên nhóm thu hút được nhiều sự quan tâm của người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Ðến nay, nhóm có gần 40 thành viên, người là giáo viên tiếng Anh, nhân viên đại sứ quán, người là lưu học sinh, sinh viên quốc tế. Nhóm cũng tổ chức nhiều sô diễn hằng tuần ở các tụ điểm giải trí, quán cà-phê hay các không gian sáng tạo. Thời gian gần đây, với mong muốn đưa hài kịch ứng tác đến gần hơn với công chúng Việt Nam, Hoàng Long và Hoài Thương cùng bắt tay xây dựng phiên bản tiếng Việt lấy tên là Tông Lào. Qua gần một tháng hoạt động, Tông Lào đã thu hút hơn 20 thành viên là các bạn trẻ thủ đô tham gia. Ðể có thể toàn tâm toàn ý cho "đứa con tinh thần" của mình, Hoàng Long đã quyết định từ bỏ công việc ở ngân hàng để theo đuổi hài kịch ứng tác, tự thuê một căn phòng rộng ở tầng hai, trên phố Nguyễn Khuyến để cải tạo thành một "nhà hát" nhỏ giúp các thành viên trong nhóm có địa điểm tập luyện, biểu diễn ổn định.

Hoài Thương cho biết, hài kịch ứng tác giúp cả người diễn và người xem luôn tràn đầy năng lượng. Những tình huống khó lường đòi hỏi phải ứng biến cho tôi hiểu cuộc sống luôn diễn ra với những điều không thể định trước, và mỗi người cần bình tĩnh để đối mặt, xử lý một cách linh hoạt và vượt qua nó. Kỹ thuật ứng tác không chỉ đem lại tiếng cười hay sự bất ngờ mà còn trở thành bài học sống khi ta biết lắng nghe, biết cộng hưởng để làm cho tập thể tốt hơn. Bên cạnh đó là tác dụng nâng cao khả năng làm việc nhóm, độ tập trung và đặc biệt là khả năng thích ứng với các tình huống.

Trên thế giới, sân khấu ứng tác đã xuất hiện từ hàng chục năm trước và tồn tại như một loại hình sân khấu riêng biệt. Ở Mỹ, thậm chí nhiều bang có nhà hát ứng tác và các liên hoan ứng tác được tổ chức đều đặn hằng năm. Ở nước ta, kịch ứng tác mới chỉ tồn tại dưới dạng một môn học trong các trường đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp. Theo một số chuyên gia sân khấu, loại hình này khá phù hợp để tổ chức diễn ở những sân khấu nhỏ hay câu lạc bộ nhằm mở rộng biên độ cảm thụ nghệ thuật cho khán giả, kéo gần hơn khoảng cách giữa khán giả với sân khấu; đồng thời giúp nâng cao khả năng ứng xử trước nhiều tình huống kịch của diễn viên.

Trang Anh / nhandan.com.vn

Tags : ý tưởng kịch bản tức thì tình huống liên tiếp sao cho câu chuyện hấp dẫn hài kịch loại hình nghệ thuật sân khấu hà nội diễn viên khán giả không gian trống không chuẩn bị ngẫu hứng tạo thành