Rộn rã chiếu chèo

Cái nắng như đổ lửa cuối tháng 5 không làm vơi đi nhiệt tình của các thí sinh cùng những tiếng hát, nhịp đàn rộn rã trong Cuộc thi hát chèo và dân ca xã Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Ðặc biệt, câu lạc bộ (CLB) chèo thôn Bắc Am còn có một dàn diễn viên nhí, độ tuổi lên chín, lên mười tham gia thi tài, càng tăng thêm niềm vui, cảm xúc của người dân nơi đây.
 


 Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang phối hợp Trung tâm Văn hóa huyện Sơn Ðộng
 tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật hát chèo cho 69 học viên người cao tuổi. 
Ảnh: Xuân Thỏa

Tiếp nối dòng chảy truyền thống

Bắc Giang vốn là đất chèo. Ðặc biệt, phong trào hát chèo không chuyên đang phát triển khá mạnh, dưới hình thức các CLB tại Nhà văn hóa thôn hoặc hộ gia đình. Ghé thăm CLB chèo làng Hạ, huyện Tân Yên, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Trọng Nguyên, giọng ca "vang bóng một thời" duy nhất còn lại của một thế hệ tên tuổi Ðội chèo làng Hạ, được thành lập từ những năm 1957, 1958. Ông Nguyên năm nay 78 tuổi, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) năm 2015, là nghệ nhân đầu tiên ở lĩnh vực chèo của Bắc Giang được phong danh hiệu này. Trong câu chuyện say sưa về nghề, ông cho chúng tôi biết, CLB chèo làng Hạ có 64 thành viên, ở độ tuổi từ 30 đến 50. Ngoài thời gian làm nông nghiệp, họ thường tập trung tại Nhà văn hóa thôn để học hát vào thứ bảy, chủ nhật. Trước đây, mọi người chỉ hát được một hoặc hai làn điệu, nay đã có thể thuộc được khoảng 20 điệu ca; cách nhả chữ cũng chuyên nghiệp hơn, nhịp phách ăn khớp nhịp nhàng. Chèo làng Hạ đã gặt hái khá nhiều thành tích trong các cuộc thi không chuyên cấp xã, huyện, tỉnh và chương trình giao lưu với các địa phương. Ðiều khiến nghệ sĩ của CLB chèo làng Hạ tự tin là ông chủ nhiệm - NNƯT Nguyễn Trọng Nguyên giàu kinh nghiệm, luôn say sưa sáng tạo cái mới; đảm nhận vai trò viết kịch bản, sáng tác lời và đạo diễn. Bên cạnh đó, CLB có dàn nhạc cổ giỏi với bảy tay đàn vững nghề không kém các nghệ sĩ chuyên nghiệp và bộ nhạc cụ tương đối đầy đủ, đạt tiêu chuẩn, do UBND xã Cao Thượng tài trợ. Tuy nhiên, những nhạc công "tay ngang" này cũng đã trên dưới 50 tuổi, khiến không ít người lo lắng về đội ngũ kế cận.

Nếu CLB chèo làng Hạ tự hào vì dàn nhạc "xịn" thì các đồng nghiệp tại CLB chèo thôn Bắc Am, xã Tư Mại lại tự tin vì dàn múa nữ, với những vũ công gồm nông dân, tiểu thương vô cùng uyển chuyển trong các làn điệu dân gian. Với 24 thành viên, người cao tuổi nhất 75, trẻ nhất 25, trung bình mỗi tháng, CLB chèo thôn Bắc Am nhận một show diễn. Tuy không phải nhiều, song đó cũng là niềm mơ ước của nhiều nghệ sĩ nghiệp dư. Ông Nguyễn Tiến Tài, thành viên CLB cho biết, đây là CLB duy nhất trong chín CLB chèo của huyện Yên Dũng hoạt động dưới sự quản lý của UBND xã, bởi bề dày truyền thống văn nghệ của thôn; nhờ đó tính chuyên nghiệp trong học tập và biểu diễn được nâng lên đáng kể. Các nghệ sĩ làng quê tự đặt ra chỉ tiêu không thua kém một đơn vị nghệ thuật: một năm phải học hát hai đến ba làn điệu mới; dàn dựng hai đến ba tiểu phẩm mới. Mỗi lần tham dự cuộc thi hay sự kiện quan trọng đều mời nghệ sĩ chuyên nghiệp về dạy. Mọi hoạt động của xã như hội họp, bầu cử, đại hội Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, giao lưu…, các nghệ sĩ CLB đều được mời biểu diễn. Tuy sinh hoạt theo hình thức tự nguyện, phương thức xã hội hóa, song CLB chèo Bắc Am vẫn nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền địa phương. Năm 2014, CLB được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tài trợ bộ loa đài chất lượng tốt. "Mỗi khi có sự kiện lớn, UBND xã cấp kinh phí khoảng 3 đến 4 triệu đồng; thôn Bắc Am cũng ủng hộ tiền mỹ phẩm, trang phục. Các thành viên tham gia biểu diễn được ghi thêm công điểm, khi đến kỳ hạn được trừ tiền nộp thóc" - ông Nguyễn Tiến Tài hồ hởi "khoe". Số tiền tuy không nhiều, song là nguồn cổ vũ lớn để các diễn viên, dù bận rộn đến mấy, cũng tạm gác công việc, tập trung cho niềm vui nghệ thuật. Ðó cũng là lý do CLB chèo Bắc Am ngày càng được trẻ hóa.

 

Vốn là diễn viên Ðoàn văn công tỉnh Bắc Giang từ những năm 1964-1965, sau này, ông Nguyễn Tiến Tài đi bộ đội, rồi về thôn, là một trong những người thành lập và là chủ nhiệm CLB chèo. Khi tuổi cao, ông nhường lại vị trí này cho em trai mình là Nguyễn Thế Cử, hai cô con dâu nhà ông Tài cũng tích cực tham gia CLB. Chị Lưu Thị Thêm, con dâu ông cho biết: "Khi lấy chồng, tôi chỉ hát quan họ, không biết hát chèo, song bố chồng cứ động viên tham gia. Quả thật, với chèo, không theo thì thôi, chứ càng theo càng thích. Trước đây, tôi bán hàng bận rộn, nay chuyển sang làm nghề trông trẻ để có nhiều thời gian tập luyện, biểu diễn". Chị Thêm đã vào CLB được bốn năm, từng đóng vai Cô Son trong tác phẩm cùng tên tham gia Hội diễn nghệ thuật chèo không chuyên của tỉnh, được giải A toàn đoàn và giải A cá nhân. Ngoài trông trẻ, chị còn tham gia công việc của thôn, công tác dân số của xã; việc trở thành nghệ sĩ chèo nghiệp dư giúp chị rất nhiều trong công tác xã hội. "Tôi vốn nhút nhát, nhưng nhờ giao lưu, biểu diễn trên sân khấu mà năng khiếu diễn thuyết được phát huy. Vì thế, tôi làm được những việc mà trước kia mình không hề nghĩ đến" - chị Thêm bộc bạch.

Các CLB chèo thôn, làng thường biểu diễn dịp hội hè, đình đám, phục vụ hoạt động của địa phương và tham gia các cuộc thi không chuyên. Vì thế, nghệ thuật chèo làng quê cũng phát triển theo hướng riêng. Bên cạnh làn điệu cổ, những bài ca mới luôn được ra đời, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Ngoài các trích đoạn kinh điển như "Quan âm Thị Kính", "Lưu Bình Dương Lễ", "Xúy Vân"..., những tiểu phẩm mới được sáng tác nhằm hưởng ứng các cuộc thi liên quan vấn đề xã hội. Không chỉ phong phú về các bài hát ca ngợi Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu quê hương đất nước, hạnh phúc gia đình, chèo Bắc Giang còn có nhiều bài phê phán thói hư tật xấu của xã hội, như mê tín dị đoan, nghiện hút… NNƯT Nguyễn Trọng Nguyên từng nhận giải sáng tạo, đạo diễn xuất sắc cho tiết mục về phòng, chống bạo lực gia đình trong một số cuộc thi. CLB chèo thôn Bắc Am từng được giải A của huyện Yên Dũng với tác phẩm phê phán tệ nạn nghiện hút ma túy…

Phát triển nguồn lực từ đội ngũ không chuyên

Hơn mười năm trước, nhận thấy phong trào hát chèo các thôn phát triển mạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã giao Nhà hát Chèo Bắc Giang chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo để gìn giữ nghệ thuật dân tộc và ươm mầm tương lai. Hát chèo ở làng, xã vốn tự phát, theo kinh nghiệm dân gian; vì thế tuy mạnh nhưng vẫn có nguy cơ chệch hướng, nhiều giọng ca tốt vẫn có thể hát sai. Bản thân nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từng chịu sức ép từ sự phát triển, biến động của cuộc sống nên có những biến đổi, sân khấu chính thống cũng từng xuất hiện loại chèo pha tạp. Vì thế, sự tham gia của những nghệ sĩ chuyên nghiệp vào phong trào phát triển các CLB chèo rất quan trọng; là hợp tác hai bên cùng có lợi.

 

Hằng năm, Nhà hát Chèo Bắc Giang cử hai đội xuống các làng tập huấn cho giọng ca không chuyên từ 15 đến 20 ngày. Mỗi khi có cuộc thi hay hội diễn, các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng hỗ trợ đồng nghiệp làng xã dựng vở, dạy diễn xuất, mua sắm trang, thiết bị. Nguồn kinh phí này được tỉnh cấp cho nhà hát để thực hiện nâng cao, chuyên môn hóa biểu diễn của các CLB nghiệp dư. Sau hơn 10 năm thực hiện, hoạt động phong trào tự phát đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Nhiều diễn viên không chuyên hát hay, diễn giỏi không kém diễn viên chuyên nghiệp. Trên hành trình theo đuổi nghệ thuật khó khăn, không ít nghệ sĩ chuyên nghiệp chán nản, muốn bỏ nghề; song khi thấy ngọn lửa nhiệt tình của những người dân yêu chèo, niềm đam mê lại bùng lên. NSND Trần Thông, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang cho biết, nhiều nông dân, vì yêu ca hát đã đem cả thóc đến quyên góp cho CLB, khiến các nghệ sĩ thật sự xúc động. "Phong trào nghệ thuật không chuyên phát triển mạnh là điều đáng mừng cho nghệ thuật chính thống. Bởi khi đó, trách nhiệm nghề nghiệp của người nghệ sĩ cũng được nâng cao" - NSND Trần Thông tâm sự. Quan tâm phát triển phong trào nghệ thuật nghiệp dư, không chỉ góp phần nuôi dưỡng niềm yêu nghề đối với các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, mà còn nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật cho khán giả. Bởi khi họ đã rành về nghệ thuật, sẽ đi xem biểu diễn và "soi" diễn viên từng ly, từng tý. Diễn viên càng chịu áp lực sẽ càng tiến bộ. Các diễn viên của nhà hát khi xuống thôn là thầy giáo, nhưng khi trở về vẫn phải đi diễn theo nhiệm vụ. Trò diễn cho thầy áp lực một, thầy diễn cho trò áp lực gấp mười lần. Mỗi năm, nhà hát vẫn phải bảo đảm chỉ tiêu diễn phục vụ nhân dân địa phương từ 120 đến 130 đêm; vì thế, diễn viên lỡ hát sai, diễn chệch thì… "biết tay" học trò!

Phong trào hát chèo tại địa phương phát triển mạnh chính là nguồn cung cấp diễn viên cho Nhà hát Chèo Bắc Giang. Trước đây, khi hình thức hoạt động còn nặng tính tự phát, mỗi khi tuyển được diễn viên nhà hát lại gửi lên Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội đào tạo. Nhưng khi tốt nghiệp, các diễn viên thường không quay về, vì vậy nhiều năm liền, đơn vị này bị mất nguồn diễn viên đã tuyển. Song từ khi phong trào không chuyên được chuyên nghiệp hóa, khi tuyển được diễn viên, nhà hát đào tạo ngay tại Trường trung cấp Văn hóa du lịch tỉnh Bắc Giang. Sinh viên học xong được về nhà hát làm việc, nhà hát không còn phải lo về nguồn lực kế cận.

Thu Huyền / nhandan.com.vn

Tags : nhiệt tình thí sinh rộn rã dân ca yên dũng bắc giang câu lạc bộ diễn viên tham gia cảm xúc trung tâm văn hóa phối hợp tổ chức nghệ thuật học viên