Người đi tìm sử thi Bahnar

Hiếm có một người nào yêu Tây Nguyên, say Tây Nguyên và đau đáu với Tây Nguyên như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ. Mấy chục năm nay, anh âm thầm sưu tầm và quảng bá sử thi Bahnar, mặc dù con đường anh đi rất ít bạn đồng hành...

Nguyễn Quang Tuệ là tác giả của nhiều công trình sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa dân gian Tây Nguyên. Đây là một công việc cực kỳ vất vả, là kết quả của vô vàn những chuyến về làng của anh trong suốt gần ba chục năm qua. Nhiều người cứ nghĩ cán bộ nghiên cứu văn hóa về làng là được thết đãi gà, rượu linh đình, nhưng Nguyễn Quang Tuệ chia sẻ: “Một ngày đi làng, mình được cấp 150.000 đồng tiền ăn, ngủ, xăng lẫn mòn xe”. Hãy xem những gì anh phải trải qua: “Vượt hơn trăm cây số, vượt vài cái suối lớn, nhưng có khi vô làng chẳng gặp được ai, lại phải quay về. Mệt lắm!”. Năm 2012, anh có kỷ niệm khó quên khi vào làng Krong Ktu để gặp một nghệ nhân sử thi Bahnar. Muốn tới được làng Krong Ktu phải vượt qua một con suối hung dữ đang vào mùa mưa. Vào đến nơi, anh không trở ra được vì lũ, phải ở lại làng trong 10 ngày với tình trạng: Không gạo, không muối, không mì ăn liền, không lương khô… nhưng anh đã sống nhờ sự chở che của dân làng.  

Sử thi Bahnar đang kêu cứu. Bước chân của Nguyễn Quang Tuệ đã mòn trên những cung đường “khó khăn nhất, xa xôi nhất”, những nơi tưởng văn minh chưa ngó ngàng, thế nhưng, điều anh nhận được thật xót xa. Những cụ già lưu giữ sử thi nói với anh rằng: “Tao cũng thích hát lắm, nhưng giờ có ai nghe nữa đâu mà hát? Không lẽ hát cho một mình tao?”. Đó là một thực trạng đáng buồn, khi những người Bahnar chính gốc cũng không đoái hoài đến “gia tài” văn hóa cha ông để lại. Bây giờ, những nghệ nhân sử thi Tây Nguyên cũng chẳng khác nào những người già cô đơn ở làng, Nguyễn Quang Tuệ miêu tả. Mỗi khi Nguyễn Quang Tuệ đến, họ lại hát cho nhà nghiên cứu nghe: “Hát hết tiếng tao thì thôi!”, họ nói với anh. Anh lặng lẽ ghi âm, ghi chép lại. Có lần anh mơ có chiếc camera để ghi lại hoạt động của các nghệ nhân sử thi Tây Nguyên khi còn sống vì “độ chục năm nữa sẽ có giá trị lắm đấy”. Nhưng biết kiếm đâu chiếc camera, khi thu nhập của nhà nghiên cứu lâu nay vốn bèo bọt?

Nguyễn Quang Tuệ (bên trái) trong một lần xuống ăn, ở với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. 

Có người bạn trách anh: “Tại sao cứ phải in sách văn hóa Tây Nguyên làm gì cho tốn kém, khổ sở ra?”. Anh tâm sự: “Thì gọi là ngu. Mình bỏ tiền túi, cặm cụi dăm bảy năm làm được cuốn sử thi song ngữ dày dặn, in nợ xong thì đi van nài, lạy lục khắp nơi, cuối cùng chỉ có bạn bè thương tình từ thiện mua cho mấy chục cuốn”. Khổ sở thế vẫn in sách, bởi không in lại mặc cảm có lỗi với văn hóa dân tộc. Mỗi lần sách ra lại thấy Nguyễn Quang Tuệ hào hứng ôm “đứa con tinh thần” chụp một tấm hình làm kỷ niệm, nào là: “Câu đố Bahnar”, “Bok Set phát rừng đá của Yang”… Đây là những công trình anh dày công sưu tầm và biên soạn, được in song ngữ. Háo hức, nâng niu sách là thế, nhưng bạn đọc mấy ai quan tâm, dù Nguyễn Quang Tuệ ra sức quảng cáo từ mạng xã hội tới trực tiếp đứng ở gian hàng sách trên đường phố để chào mời. Anh hài hước chia sẻ nỗi lòng bán sách: “Đêm không ăn, ngày không ngủ, thao thức cả lúc tắm giặt. Vì sao ư? Nát óc nghĩ cách bán sách sử thi. Mỗi ngày viết ít nhất một dòng trạng thái trên trang cá nhân, điện thoại mở 24/24 giờ, có tin nhắn là mừng đánh thót… Hóa ra toàn tin rác”. Sách ế trầm trọng, nhưng đến nay Nguyễn Quang Tuệ đã in tới 10 cuốn sử thi Bahnar.

Trong một khóa học tại Hy Lạp, đất nước của sử thi rực rỡ và công tác gìn giữ sử thi cũng tuyệt vời, những nghệ nhân sử thi được dựng tượng đầy trân trọng. Anh chợt nhớ đến những nghệ nhân sử thi của Tây Nguyên quê mình rồi viết những dòng đầy tâm trạng: “Em lại trở về quê nhà. Lại lang thang xuống làng. Mưa chau mưa chút, cha đi chăn bò chưa về. Mẹ từ rẫy nghe có khách, lật đật bắc nồi cơm rồi bảo mày lại muốn ông ấy hát nữa à? Mấy hôm nay lạnh quá, chả biết có hát nổi nữa không… Quê em rồi chắc chẳng có ai dựng tượng đâu? Cả những người hát sử thi tài danh lẫn những nhân vật huyền thoại trong các câu chuyện xưa…”. Nguyễn Quang Tuệ đau với sử thi Bahnar và những gì liên quan đến văn hóa Tây Nguyên.

Ngoài công việc sưu tầm, nghiên cứu, Nguyễn Quang Tuệ còn chăm chỉ với công tác từ thiện cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Anh thường xuyên xuống làng, ăn ở với đồng bào dân tộc, nói thành thạo tiếng Bahnar, Jrai. Nhà nghiên cứu còn huy động xây dựng chương trình “Chung tay bảo tồn sử thi Ba Na Tây Nguyên”.  Nhờ chương trình này, 8 nghệ nhân sử thi Bahnar ở Gia Lai, Kon Tum có tiền “lương” 300.000 đồng/tháng, tính ra mỗi nghệ nhân có trợ cấp 10.000 đồng/ngày. Nhưng để có được số tiền ít ỏi ấy, Nguyễn Quang Tuệ cũng phải nhiệt tình kêu gọi.  

Đời sống của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian chẳng khá gì. Lương của vị Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chỉ đủ để anh và cậu con trai học đại học chia nhau sống "thoi thóp". Có lần anh tự giễu: “Con người ta có điều kiện du học, con mình không suy dinh dưỡng là may”. Già làng ra thành phố Pleiku thường ghé qua nhà Nguyễn Quang Tuệ, khi về không quên so sánh: “Mày cứ chê về làng tao đi vệ sinh khó. Chỗ nhà mày còn khó hơn…”, là vì nhà anh nhỏ, phòng tắm cũng nhỏ xíu. Cuộc sống đời thường cũng khổ như ai, nhưng Nguyễn Quang Tuệ thương mình thì ít, xót cho những nghệ nhân sử thi thì nhiều. Cứ cuối tuần anh lại lượn về làng, anh ở bên nghệ nhân sử thi từ khi họ còn khỏe mạnh cho đến lúc sự sống của họ chỉ tính bằng ngày. Họ dựa thân hình xác xơ lên đôi chân khoanh tròn của nhà nghiên cứu rồi nở nụ cười. Nhà nghiên cứu tiễn đưa họ về với đất, viết những dòng xót xa: “Nhớ một người Bahnar đáng kính. Ông đã để lại cho đời áng sử thi độc đáo rồi lặng lẽ ra đi. Không danh hiệu, không một sự tôn vinh nào…”. Mới đây nhất, Nguyễn Quang Tuệ là người loan báo với anh em văn nghệ sĩ trong nước tin buồn: Nghệ sĩ dân gian Hben, người vợ của Anh hùng Núp đã ra đi, để lại người con trai, là con chung của nghệ sĩ Hben và Anh hùng Núp, không có khả năng tự lo được cuộc sống của mình, kể cả những nhu cầu nhỏ nhất. “Anh đã sống dựa vào mẹ hơn nửa thế kỷ nay. Giờ bà mất, anh không còn chỗ nương tựa…”, Nguyễn Quang Tuệ viết. Anh định bàn với văn nghệ sĩ Tây Nguyên tìm cho người đàn ông kém may mắn ấy một mái ấm từ thiện. Nhưng chưa kịp thực hiện thì may quá, một cơ sở y tế đã nhận nuôi giúp con trai của nghệ sĩ Hben và Anh hùng Núp. Cuộc sống của Nguyễn Quang Tuệ mấy chục năm qua cứ bận rộn tíu tít với việc sưu tầm, gìn giữ kho báu sử thi Tây Nguyên và làm bạn đồng hành với những nghệ nhân hát sử thi còn ít ỏi trên đất Tây Nguyên.

Nhưng Nguyễn Quang Tuệ biết nỗ lực của cá nhân anh không thể cứu vãn được sự mất dần của những giá trị văn hóa quá khứ. Làm được gì cứ làm, vì không thể thờ ơ khoanh tay đứng nhìn “cái chết lù lù áp sát đã được báo trước từ lâu”, anh chia sẻ. Sự tấn công của cái mới khiến những gì thuộc về xưa cũ bị tàn phá kinh hoàng: “Tây Nguyên là xứ rừng, xứ gỗ thế mà nay người dân chết chẳng có hòm gỗ để chôn, phải mua quan tài xi măng; Tây Nguyên là xứ sở thâm u, nhà ở trong rừng, rừng ở trong làng, thế mà nay, cửa rừng tất thảy đều đóng sập, người dân muốn chặt cây rừng cũng không thể…”. Còn những bài ca dân gian giờ chỉ được những người già cất lên từ những mái tranh nghèo, trong những đêm buồn bã. Mà rồi: “Như cỏ, như hoa. Các cụ mất dần. Những âm thanh cũng mất dần. Chỉ có nỗi buồn là nhiều thêm”, Nguyễn Quang Tuệ thở dài.

Thở dài nhưng anh vẫn đêm ngày miệt mài với sử thi Tây Nguyên. Bài báo này, không phải "kêu khó, kêu khổ" hộ Nguyễn Quang Tuệ, mà mong rằng, cộng đồng biết đến sự hy sinh thầm lặng của anh, để ai có tấm lòng với sử thi thì chung tay, góp sức, để bản sắc văn hóa Tây Nguyên trường tồn và phát triển!

Bài và ảnh: NÔNG HỒNG DIỆU 

Tags : tây nguyên nghiên cứu văn hóa âm thầm sưu tầm mặc dù