Gốm Chu Đậu vào chèo

Vừa qua, Nhà hát Chèo Hải Dương công diễn vở “Kỳ nữ Hải Đông”. Vở chèo không chỉ khắc họa hình ảnh người phụ nữ “kỳ tài” của Việt Nam ở thế kỷ 15 Bùi Thị Hý mà còn tôn vinh nghề gốm cổ truyền của dân tộc.

Vở chèo “Kỳ nữ Hải Đông” (tác giả kịch bản: Trần Đình Ngôn; đạo diễn: NSƯT Đoàn Vinh; âm nhạc: NSƯT Kim Hoàn; thiết kế mỹ thuật: NSƯT Nguyễn Đạt Tăng...) đã được tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương trình diễn sau thời gian luyện tập công phu. Vở diễn xoay quanh số phận cuộc đời nhân vật chính Bùi Thị Hý-nữ sĩ, họa sĩ, doanh nhân, nhà hàng hải thế kỷ 15, bà tổ nghề gốm Chu Đậu (thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).

Câu chuyện mở màn khi Đặng gia bắt đầu gặp cơn nguy khó. Ông chủ họ Đặng cùng các anh em phu thuyền đem hàng vượt biển với mong muốn hàng sản xuất ra được đem “bán tận ngọn”, được phương Bắc, phương Tây và cả thế giới biết đến sản phẩm gốm Chu Trang (Chu Đậu) của nước ta. Tuy nhiên, không may cho ông chủ họ Đặng khi bị bọn gian thương hãm hại (do có kẻ liều mình đục thuyền cho nước tràn vào), thuyền bị đắm, toàn bộ hàng và người bị chìm xuống đáy biển, may mắn có một phu thuyền còn sống sót đã được bà Trịnh Tố Nga-một thương gia, bạn của bà Hý ở Bắc Quốc cứu vớt. Anh Lực-người phu thuyền sống sót trở về-kể lại toàn bộ câu chuyện về vụ đắm tàu cho bà Hý nghe. Biết có kẻ âm mưu hãm hại Đặng gia, bà Hý lệnh cho anh Lực phải giữ bí mật chuyện này, đồng thời cho người phao tin rằng: Thuyền của Đặng gia bị đắm do gặp cơn bão tố giữa biển khơi... Sau khi ông chủ họ Đặng mất, bà Hý (trên danh nghĩa là vợ hai của ông Đặng) đã cùng với bà cả hợp sức cáng đáng mọi việc trong nhà. Thế nhưng, “giậu đổ bìm leo”, nhà họ Đặng lại thêm nỗi khổ vì bị ép phải bán hàng giá rẻ để lấy tiền nộp thuế cho triều đình... Cơ nghiệp nhà họ Đặng và sản phẩm gốm Chu Trang đứng trước nguy cơ bị phá sản.

 

Một cảnh trong vở chèo “Kỳ nữ Hải Đông”. 

Với tài năng và sự thông minh, sáng suốt của bà Hý khi biết lường trước sự việc, cuối cùng sự thật đã được sáng tỏ, kẻ gian thương độc ác đã phải trả giá. Chủ tớ nhà họ Đặng đoàn kết một lòng vượt qua giông tố. Sự nghiệp gốm Chu Trang được gìn giữ và phát triển hưng thịnh đến ngày nay, tất cả cũng nhờ công lao to lớn của bà Bùi Thị Hý-người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được vinh danh là “Nữ sĩ, họa sĩ, doanh nhân, nhà hàng hải” nổi tiếng của thế kỷ 15. Sau khi chồng mất, đích thân bà Hý đã “giương buồm lộng gió ra khơi”, đem sản phẩm gốm Chu Trang (Chu Đậu) đến với thế giới thông qua con đường hàng hải.

 

Lớp kịch ấn tượng làm dâng trào cảm xúc của khán giả, khi tất cả những người thợ gốm-những gia đình bị mất chồng, mất con vẫn không hề oán thán, trách móc nhà họ Đặng. Trái lại, họ nghe bà Hý, mạnh mẽ đứng lên, đồng sức, đồng lòng với gia chủ. Họ day dứt, băn khoăn khi hàng tồn đọng nhiều trong kho chưa bán được, rồi sẵn sàng gom lại những đồng lương vừa mới nhận của mình để nhà họ Đặng thêm vào nộp thuế cho quan... Đó là những lớp diễn ấn tượng đối với người xem, bởi trong gian khó, đau thương vẫn luôn lấp lánh tình đời-tình người. Phải chăng đó là giá trị nhân văn cao cả của vở diễn?

Qua việc khắc họa sâu sắc hình tượng nhân vật bà Bùi Thị Hý-người phụ nữ đa tài, đa nghệ, tiêu biểu trong lịch sử nước nhà, vở diễn cũng góp phần tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp và tài năng, trí tuệ chẳng kém các bậc nam nhi. Bên cạnh tôn vinh người phụ nữ “kỳ tài” của Việt Nam ở thế kỷ 15, vở chèo cũng góp phần tôn vinh nghề gốm cổ truyền của dân tộc, khẳng định gốm Việt Nam từ xa xưa đã sánh ngang với các cường quốc...

Bài và ảnh: TRẦN PHƯƠNG HẠNH

Tags : nhà hát dương công phụ nữ kỳ tài thế kỷ cổ truyền