Nơi khơi mạch sáng tác

Khi nhắc đến các nhà sáng tác của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Đại tá, nhà văn quân đội Dương Duy Ngữ đã nhận xét rằng: “Nhà sáng tác là sự ưu ái đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với văn nghệ sĩ”… Nơi đây mỗi năm đã giúp khơi mạch, “bấm huyệt” cho hàng ngàn tác giả để các tác phẩm ra đời.

Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi nước ta còn nhiều khó khăn thì Nhà sáng tác Quảng Bá (Hà Nội) ra đời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến các văn nghệ sĩ. Đây là nơi để văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo, bồi dưỡng kiến thức và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, quyết liệt thì những khóa bồi dưỡng nhà văn trẻ vẫn được tổ chức và từ đây, nhiều người sau này đã trở thành nhà thơ, nhà văn tên tuổi như: Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật…  

Các tác phẩm ra đời tại các nhà sáng tác năm 2015-2016. 

Đến nay, các nhà sáng tác vẫn hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là: Nhà sáng tác Đại Lải, Tam Đảo, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu và mới đây là Nhà sáng tác Đà Nẵng. Sắp tới, dự kiến sẽ có thêm Nhà sáng tác Cần Thơ. Các nhà sáng tác đã tạo được không gian sáng tạo, kích thích các văn nghệ sĩ sáng tác, hoàn thiện tác phẩm và giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Như nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Nhà sáng tác là nơi khơi mạch, khích lệ, bấm huyệt sáng tác. Nơi đó đã giúp bao ý tưởng của các văn nghệ sĩ tràn ra trang giấy, từ trang giấy tràn vào tác phẩm, từ tác phẩm tràn lên sân khấu… đến với công chúng”.

Chỉ trong hai năm 2015, 2016, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã phối hợp với các hội chuyên ngành, cơ quan trong cả nước tổ chức thành công 131 trại sáng tác với hơn 2.000 văn nghệ sĩ tham gia và cho ra đời hơn 5.700 tác phẩm ở các loại hình văn học nghệ thuật. 

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, các trại sáng tác đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ cũng như việc sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị. Trong đợt trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật năm 2017, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có 12 tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước thì có tới 8 tác giả đã trải qua các trại sáng tác, nhiều tác phẩm được sáng tác ở các trại sáng tác được giải thưởng. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các văn nghệ sĩ và các hội chuyên ngành, cơ quan, đơn vị là làm sao tiếp tục nâng cao chất lượng các tác phẩm từ các trại sáng tác. Vừa qua, tại Hội thảo “Đổi mới tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật để nâng cao hiệu quả tác phẩm của văn nghệ sĩ dự trại sáng tác" do Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến kinh phí, thời gian, hình thức tổ chức các trại sáng tác; tuyên truyền quảng bá các tác phẩm từ trại sáng tác; tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng các nhà sáng tác… 

Thực tế, các trại sáng tác không phải là yếu tố quyết định cho sự ra đời các tác phẩm. Hiện nay, các trại sáng tác thường được tổ chức kéo dài 15 ngày, một số kéo dài 1 tháng đến 3 tháng. Với thời gian như vậy không thể phù hợp để hoàn thành tác phẩm với tất cả các thể loại, loại hình văn học nghệ thuật. Thông thường, các tác giả đã có ý tưởng, đề cương, đang thực hiện dang dở, thậm chí đã gần như hoàn thành công trình sáng tạo của mình, sau khi qua các trại sáng tác có thể hoàn thiện tác phẩm. Bởi vậy, công tác tuyển chọn trại viên cũng như chất lượng tác phẩm ở nhiều hội chuyên ngành, đơn vị được thực hiện rất kỹ lưỡng, yêu cầu trại viên phải có đề cương gần như hoàn thiện, như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam…

Từ những thành quả đạt được qua các trại sáng tác, việc đổi mới, nâng cao chất lượng các tác phẩm từ các trại sáng tác là yêu cầu không thể thiếu. Nhưng, suy cho cùng, yếu tố quyết định nhất lại chính là từ các văn nghệ sĩ. Như NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nói: “Chúng ta cần đổi mới đồng bộ, từ hoạt động của các nhà sáng tác, cách tổ chức trại sáng tác đến tư duy của các văn nghệ sĩ. Nhà sáng tác cung cấp các điều kiện sáng tác, còn quan trọng nhất chính là trách nhiệm của các hội chuyên ngành, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, giới thiệu trại viên. Đặc biệt là trách nhiệm, nhận thức của văn nghệ sĩ trước yêu cầu của xã hội, nhu cầu của công chúng”.

Cùng quan điểm ấy, nhà văn Chu Lai-người đã có nhiều tác phẩm chất lượng từ các trại sáng tác-cũng luôn cho rằng, chất lượng sáng tác phụ thuộc vào thái độ, tư duy của tác giả. Dù công chúng có nhiều phong cách khác nhau nhưng tác giả chỉ cần đi theo cách của mình, đó là phải đi từ trái tim sáng tạo bay đến chân trời thẩm mỹ với tất cả sự kính cẩn, đau đáu, không nghĩ gì khác. Bởi nếu đã dấn thân cho sáng tạo thì dù ở hoàn cảnh nào, tuổi nào cũng có thể dấn thân, sáng tạo. Có khi văn nghệ sĩ vì vui mừng mà thăng hoa sáng tạo nhưng cũng có khi là phẫn uất, tức tối mà có cảm xúc để hình thành tác phẩm. Dù tuổi còn trẻ hay ngoài thất thập như nhà văn Chu Lai thì “Nếu chỉ nghỉ ngơi hưởng thụ thì cuộc sống thật vô nghĩa. Nếu mỗi ngày người sáng tác như tôi không neo được tâm hồn loạng choạng vào những trang giấy thì sẽ càng xiêu vẹo hơn. Bởi chỉ cần hết lòng yêu thương, sáng tạo thì tôi vẫn có thể cho ra đứa con tinh thần, dù có thể không vạm vỡ như xưa nhưng vẫn ra hình hài, có khi còn đằm sâu hơn”.

Có lẽ, không chỉ tại các nhà sáng tác mà ở bất cứ đâu thì “Văn nghệ sĩ trước hết phải đam mê, quyết tâm, coi việc sáng tạo như cuộc sống của mình, máu thịt của mình”, như NSND Vương Duy Biên từng nói.

Bài và ảnh: DƯƠNG THU

Tags : sáng tác trung tâm hỗ trợ văn học nghệ thuật du lịch nhà văn quân đội nhận xét ưu ái đặc biệt nhà nước nghệ sĩ tác giả tác phẩm