Khoảng trống của sân khấu kịch đương đại

Sinh thời, nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký, một bậc thầy về nghệ thuật tuồng nói rằng: “Một thành phố mà không có kịch nói thì cũng giống anh nhà quê”. Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm, đã có lần từ chối những tác phẩm lịch sử, dân gian và chỉ chấp nhận những vở diễn đề tài đương đại nhằm khuyến khích các đơn vị nghệ thuật hãy “nói thẳng nói thật” những trăn trở của cuộc sống hôm nay. Một nền sân khấu mạnh bao gồm nhiều yếu tố, trong đó kịch nói phải đóng vai trò tiên phong trong phản ánh các vấn đề nóng bỏng.

Thời hoàng kim ngắn ngủi

Ngay từ khi xuất hiện ở phương Tây, nghệ thuật kịch nói đã chứng tỏ được khả năng phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm của con người trong xã hội hiện đại một cách sâu sắc. Được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 20, kịch nói cũng chứng tỏ được sức mạnh của một thể loại sân khấu trong một đất nước chưa hoàn toàn giải phóng nhưng đã bước vào giai đoạn đổi mới với những thay đổi cuộc sống, những chuyển biến trong quan niệm nhân sinh.

Còn nhớ, cách đây không lâu, khán giả yêu sân khấu mỗi tối đều nô nức xếp hàng mua vé vào rạp thưởng thức các vở diễn như: “Nhân danh công lý”, “Hà My của tôi”, “Tôi và chúng ta”, “Ông không phải bố tôi”… Đến nay, người làm nghề vẫn không quên nhắc nhở những ngày hoàng kim xa xưa ấy, khi rất nhiều anh tài hội tụ ở sàn diễn từ tác giả, đạo diễn, diễn viên. Ai cũng một lòng hăng say, lao động quên mình dưới ánh đèn sân khấu. 

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cuộc sống của người dân Việt Nam bước sang một trang mới với vô vàn vấn đề, khi ấy, sân khấu kịch nói sẵn sàng “lao vào điểm nóng”, phản ánh trực diện và sâu sắc các vấn đề bức xúc của xã hội, trước cả báo chí truyền thông. Nhiều người tự hỏi, phải chăng sân khấu lúc đó đã làm quá tốt nhiệm vụ của mình? Nhưng những ngày vàng son của kịch nói ấy chẳng được bao lâu. Từ sau sự ra đi đột ngột của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, sân khấu kịch bỗng rơi vào một khoảng trống mênh mông. Cũng từ đó, loại hình được coi là mũi nhọn, xung kích nhất trong các thể loại sân khấu đã như đám lửa gặp mưa, dù có cố khơi lên cũng chẳng thể bùng được. Sân khấu kịch hiện nay đang yếu về các vấn đề nóng bỏng của xã hội, trong khi đây chính là nhiệm vụ quan trọng của thể loại này.

Bởi thật khó để phản ánh một vấn đề thời sự nóng hổi vừa kịp thời, vừa sâu sắc với những nhân vật điển hình mẫu mực, những câu thoại đầy tính triết lý trong một vở diễn với nhiều thành phần sáng tạo. Những năm 80 của thế kỷ trước, sân khấu có thể nhanh hơn báo chí. Song ở thời buổi công nghệ thông tin này, về độ nhanh nhạy, sàn diễn không thể đọ được với các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Môi trường xung quanh dường như là một “ma trận” cho các cây bút muốn sáng tác về sân khấu. Cuộc sống đang trôi hối hả, mấy tác giả đủ kiên nhẫn viết một kịch bản trong thời gian dài để rồi chẳng biết có được dàn dựng hay không?

Một cảnh trong vở "Bệnh sĩ" của Nhà hát kịch Việt Nam. 

Chỉ một số ít tác giả đã vững nghề, nắm rõ các thủ thuật cũng như yêu cầu căn bản để một kịch bản có thể “lên sàn” là gắn bó được với sân khấu. Con số này không nhiều, và cũng ít người đi được đường dài. Họ hụt sức bởi nỗi lo "cơm áo gạo tiền", sức ép thị trường, trượt giá. Ai cũng biết, nghề cầm bút rất khắc nghiệt, phải cháy hết mình với tác phẩm, với nhân vật, và phải hy sinh nhiều thứ. Trong khi, không ít người sáng tác chỉ coi việc viết kịch bản sân khấu giống kiểu làm công ăn lương. Họ ngồi trong phòng kính, đọc báo, xem truyền hình, thi thoảng đi thực tế, song cũng không khác một chuyến du lịch. Thế thì vốn sống ở đâu mà viết, mà nhào nặn, so sánh, xây dựng thành hình tượng nhân vật? Cuộc sống đang thay đổi từng ngày từng giờ, con người cũng thay đổi từng tháng từng năm mà các tác giả không nắm được. Họ không thể lý giải, nhìn nhận, đánh giá con người ở mọi phương diện, mọi đối tượng, mọi thành phần trong xã hội vốn đang vô cùng phức tạp. Một thực tế dễ nhận thấy là các tác giả đang bế tắc về phương pháp sáng tạo. Người cầm bút hôm nay đang nhìn nhận, đánh giá cuộc sống bằng lăng kính chủ quan và hết sức mơ hồ. Chính vì thế, họ không đủ khả năng lý giải cuộc sống, không tìm được mâu thuẫn xung đột của thời đại, con người. Nói cách khác, điều khán giả đang cần thì tác giả không nói được. Hầu hết, những tác phẩm đi vào minh họa, chạy theo hiện thực, vì thế hời hợt và thiếu chân thực. Sân khấu đương đại chấp nhận những vấn đề gai góc, nóng bỏng, không sợ đụng chạm nhưng tìm mãi không thấy tác phẩm nào làm được điều ấy.

Cần một cơ chế nuôi dưỡng nhân tài

Theo nhận xét của một nghệ sĩ gạo cội ở TP Hồ Chí Minh, sân khấu Việt Nam đã tụt hậu so với thế giới khoảng một thế kỷ. Lấy ví dụ, đề tài đồng tính luyến ái đã được nghệ thuật điện ảnh, nhiếp ảnh khai thác ở nhiều góc độ gây xúc động lòng người từ bao năm nay, song trên sân khấu, nhân vật đồng tính hầu như chỉ để gây cười hoặc tạo sự thương cảm chút ít từ khán giả.

Hiện chúng ta thiếu vắng những tác phẩm tầm vóc đáp ứng nhu cầu con người thời đại, xứng đáng tỏa sáng ở “thánh đường nghệ thuật”-nơi cả khán giả lẫn nghệ sĩ đều bị cám dỗ bởi những nhân vật tuy xa mà gần, không là ai mà là chính mình. Không phải người xem quay lưng lại với sân khấu, song vì họ đã không tìm thấy cái mình muốn, không giải tỏa được điều mình đang bức xúc, nên họ đành “tìm vui” nơi khác. Sân khấu cần những tác giả, đạo diễn giỏi “phù phép” để bức tranh cuộc sống đa dạng ngoài đời kia tỏa sáng trên sàn diễn. Song, những người này vẫn chưa chịu hiện hữu một cách cụ thể, nhất là khi họ luôn đứng giữa dòng xoáy của thị trường, của sự vội vã. Người có khả năng, có khát vọng còn bận lo toan cho nhu cầu cuộc sống ngày một lên cao. Họ rất muốn được ngồi trong tĩnh lặng để viết những tác phẩm mình ôm ấp, để nói những điều nung nấu bấy lâu. Nhưng điều ấy không dễ. Đội ngũ làm nghề vẫn đông, song trong số ấy không ít người kém tài, họ đến với sân khấu vì lý do “chả biết làm gì khác”. Thầy cô giảng dạy trong Trường Đại học Sân khấu điện ảnh thừa nhận, cái nôi đào tạo nghệ sĩ hàng đầu cả nước hiện nay đứng trước nguy cơ thiếu trầm trọng sinh viên thi tuyển. Ví dụ, chỉ tiêu tuyển sinh ngành biên kịch sân khấu là 20, song chỉ có 2 thí sinh đạt yêu cầu thì nhà trường vẫn phải chấp nhận đào tạo thêm 18 em không có năng khiếu nhưng có nhu cầu một tấm bằng đại học. Đầu vào đã kém thì làm sao đầu ra tốt được?

Chưa kể, hơn 100 đơn vị nghệ thuật trong cả nước có đến già nửa đơn vị sân khấu đang tồn tại bằng "bầu sữa ngân sách". "Bầu sữa" này làm cho con người ta trì trệ từ nhận thức đến suy nghĩ, hành động vì làm hay không làm thì vẫn sống được, không bị quăng quật ra ngoài xã hội để tìm đường sống. Đó là nguyên nhân chính kìm hãm sự sáng tạo. Không hiếm những đơn vị bỏ hàng tỷ đồng để dựng vở, diễn được ba buổi rồi đắp chiếu mà không vấn đề gì. Những chuyện đau lòng này đã níu kéo sự phát triển của nghệ thuật sân khấu trong nhiều năm, ai cũng biết mà không thể làm gì được. Vì thế, điều cần thiết là phải thay đổi cơ chế. Một cơ chế tốt sẽ tạo nhận thức, tư duy nghệ thuật tốt để cải tạo nền nghệ thuật sân khấu đang lao dốc. Nhưng để có cơ chế tốt thì sự chuyển động phải đến từ các cấp quản lý vĩ mô.

Bài và ảnh: THU HUYỀN 

Tags : sinh thời nghiên cứu nghệ thuật thành phố kịch nói nhà quê sân khấu toàn quốc tổ chức từ chối tác phẩm lịch sử chấp nhận khuyến khích đơn vị nói thẳng nói thật trăn trở hôm nay bao gồm yếu tố