Nghiên cứu mới về khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2 trong không khí

(Dân trí) - Các nhà khoa học Anh đã công bố kết quả nghiên cứu về khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 sau khi phát tán trong không khí.

Nghiên cứu mới về khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2 trong không khí - 1

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Pháp (Ảnh: AFP).

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Khí dung thuộc Đại học Bristol (Anh), virus SARS-CoV-2 sẽ mất đi 90% khả năng lây lan trong vòng 20 phút kể từ khi phát tán trong không khí, đồng thời khả năng lây nhiễm của virus giảm đi nhiều nhất trong vòng 5 phút đầu tiên.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu tỷ lệ lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong vòng 20 phút và nhận thấy sự sụt giảm gần như ngay lập tức về khả năng lây nhiễm. Theo đó, virus mất khả năng lây nhiễm từ 50-60% trong vòng vài giây sau khi được phát tán vào không khí và trong 2 phút đầu tiên, khả năng lây nhiễm giảm tới 90%. Sau 10 phút, chỉ có 10% virus vẫn còn lây nhiễm.

"Điều đó có nghĩa là nếu hôm nay tôi gặp bạn bè ăn trưa trong quán rượu, thì rủi ro chính có thể xảy ra là tôi truyền virus cho bạn bè của mình hoặc bạn bè của tôi truyền virus cho tôi, hơn là virus được truyền từ ai đó trên phía bên kia của căn phòng", giáo sư Jonathan Reid, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí dung của Đại học Bristol và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu trên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ khoảng cách và đeo khẩu trang để hạn chế sự lây lan của virus. Hệ thống thông gió cũng mang lại hiệu quả, dù ít có tác động hơn.

"Mọi người thường tập trung vào vấn đề thông gió kém và cho rằng virus lây truyền trong không khí qua khoảng cách hàng mét hoặc xuyên qua một căn phòng. Tôi không nói điều đó không xảy ra, nhưng tôi nghĩ nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là khi bạn ở gần một người nào đó", giáo sư Reid cho biết.

"Khi bạn giữ khoảng cách, không những giọt bắn giảm xuống, mà khả năng lây nhiễm của virus cũng mất dần (theo thời gian)", giáo sư Reid cho biết thêm.

Theo nghiên cứu mới, tại những nơi có không khí tương đối khô như môi trường văn phòng, virus mất khoảng 50% khả năng lây nhiễm trong vòng 5 giây đầu tiên tiếp xúc không khí, sau đó tỷ lệ giảm chậm hơn và mất thêm 19% khả năng lây nhiễm trong 5 phút tiếp theo. Ở nơi có độ ẩm khoảng 90% như trong phòng xông hơi ướt hoặc phòng tắm, sự suy giảm khả năng lây nhiễm diễn ra chậm hơn. 52% giọt bắn vẫn có thể lây nhiễm sau 5 phút, sau đó giảm tiếp 10% sau 20 phút.

Các nhà nghiên cứu tại Anh cho biết, nhiệt độ của không khí không tạo ra sự khác biệt nào đối với khả năng lây nhiễm của virus, trái ngược với một số nhận định trước đây cho rằng khả năng lây nhiễm virus thấp hơn ở nơi có nhiệt độ cao.

Covid-19 khởi phát cuối năm 2019 và được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến nay, đại dịch này đã khiến hơn 314 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, lấy đi sinh mạng của hơn 5,5 triệu người. Thế giới đã chạy đua để phát triển, phân phối vaccine ngừa Covid-19 nhằm ngăn virus lây lan. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 vẫn đang gây lo ngại, trong đó có biến chủng Delta và biến chủng mới nhất có tên gọi Omicron.

Theo www.theguardian.com