Thực hiện chính sách tôn giáo theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, có tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào, có tôn giáo nội sinh. Trong những năm qua tôn giáo ở Việt Nam phát triển phong phú và đa dạng làm cho tình hình tôn giáo ở Việt Nam có những thay đổi cơ bản.

                Đến năm 2010, cả nước có 12 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Ba’hai, Minh Chơn đạo, Minh Lý đạo, Bửu Sơn Kỳ Hương đang hoạt động, với 32 tổ chức giáo hội, hội thánh có trên 20 triệu tín đồ các tôn giáo, với trên 85.000 chức sắc, nhà tu hành và trên 26.000 cơ sở thờ tự các tôn giáo ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trước tình hình tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết đồng bào tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo, hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được in ấn kinh sách, sửa sang, làm mới cơ sở thờ tự, tổ chức sinh hoạt bình thường. Hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện của các tôn giáo ngày càng được mở rộng. Các tổ chức giáo hội từng bước được củng cố; quan hệ của tôn giáo với Nhà nước ngày càng được hoàn thiện.

Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tôn giáo những năm qua được nâng lên, đa số chức sắc, chức việc, tín đồ phấn khởi, tin tưởng trước những thành tựu đổi mới của đất nước và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; các tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hành đạo theo pháp luật, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm từ thiện, xây dựng đời sống văn hóa,… góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo và công tác tôn giáo, như Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị (khóa VI); đặc biệt sau khi có Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “công tác tôn giáo”, các tỉnh, thành phố đều xây dựng chương trình hành động; nhiều tỉnh, thành phố có Nghị quyết chuyên đề về công tác tôn giáo, thành lập Ban chỉ đạo công tác tôn giáo để chỉ đạo thống nhất trong hệ thống chính trị thực hiện công tác tôn giáo.

Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý về công tác tôn giáo được nâng lên, trong xử lý những vấn đề liên quan đến tôn giáo đã vận dụng linh hoạt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, giải quyết tương đối kịp thời các nhu cầu chính đáng về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào; tạo điều kiện giúp đỡ các giáo hội, chức sắc sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tích cực vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các đoàn thể đẩy mạng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào tôn giáo, tích cực phát triển đoàn viên, hội viên, tăng cường xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào quần chúng ở địa phương.

Công tác quản lý Nhà nước có chuyển biến, đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tôn giáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chính phủ có Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; rồi Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành,…

Hệ thống pháp luật trên là công cụ pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, giúp các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đã cụ thể hóa một cách hữu hiệu, tích cực đường lối chủ trương của Đảng đối với công tác tôn giáo trong thời kỳ mới, đồng thời toát lên tinh thần dân chủ đối với hoạt động tôn giáo, đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời đảm bảo được tính tương thích của luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết hoặc gia nhập.

Sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương đã tạo được sự thống nhất trong việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với tôn giáo, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà. Các bộ, ban, ngành chủ động cùng với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ triển khai chủ trương công tác đối với đạo Tin lành, đề xuất chủ trương công tác đối với những vấn đề tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo Đại hội nhiệm kỳ theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Chính phủ và các địa phương đã giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật về nhu cầu hoạt động tôn giáo và một số nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, như phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc các tôn giáo; cho xây mới và cải tạo nhiều cơ sở thờ tự. Nhiều tỉnh, thành đã tích cực giải quyết việc lập hồ sơ, xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo sinh hoạt bình thường, đúng theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX) về Công tác tôn giáo đã nêu: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh với hành vi lợi dụng tôn giáo, để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Để thực hiện tốt chính sách tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong những năm tới, theo chúng tôi cần làm tốt những nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là, thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Đảng, Nhà nước, quan tâm đúng mức đối với các vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và dân trí cho nhân dân trong đó có đồng bào các tôn giáo.

Hai là, nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đối với công tác tôn giáo. Trên cơ sở triển khai nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tôn giáo, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ yêu cầu nhiệm vụ của công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Ba là, đẩy mạnh công tác tham mưu, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác tôn giáo, tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về tôn giáo, đồng thời bổ sung kịp thời những chính sách đối với tôn giáo ở những vùng, miền khác nhau. Trước mắt, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo để thống nhất nhận thức về công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tập trung tuyên truyền sâu rộng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vè một số công tác đối với đạo Tin lành; các địa phương đảm bảo tốt thông tin hai chiều, tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong công tác tôn giáo như: đất đai, cơ sở thờ tự, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Bốn là, thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, tạo điều kiện giúp đỡ Đại hội, Hội nghị thường niên của các tổ chức tôn giáo, xem xét cho đăng ký hoạt động một số tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật. Xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật và mọi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia; góp phần đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chủ trương, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác tôn giáo hiện nay. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng đông tôn giáo.

Sáu là, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Vận động chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo” thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hướng dẫn các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức lành mạnh, hướng thiện của các tôn giáo phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc.

Bẩy là, công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo trong tình hình hiện nay, cần chủ động và tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành trong việc đối thoại và xử lý những vấn đề tôn giáo nhạy cảm đang được các thế lực thù địch lợi dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” để xuyên tạc tình hình tôn giáo và chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, gây sức ép với Nhà nước về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Tích cực triển khai công tác đấu tranh ngăn chặn chống đối trong các tôn giáo. Thực hiện tốt công tác tranh thủ, động viên và với những phần tử lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đi ngược lại tôn chỉ, mục đích và đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo.

Tám là, tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo của Đảng , chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở. Đồng thời xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nhằm động viên kịp thời cán bộ toàn ngành quản lý nhà nước về tôn giáo./.

 

Chấn Hưng

Tags : quốc gia tôn giáo phát triển phong phú làm cho tình hình thay đổi