Tham luận của Viện Âm nhạc tại Hội nghị chuyên đề ICTM 2010, Hà Nội, Việt Nam

Từ ngày 20 tới ngày 30 tháng 7 năm 2010, 74 đại biểu đến từ 29 quốc gia đã tụ họp tại Hà Nội để tham dự hội nghị lần thứ VI - nhóm nghiên cứu ICTM “Âm nhạc và các dân tộc thiểu số” và hội nghị lần thứ II - nhóm nghiên cứu ICTM “Âm nhạc dân tộc học ứng dụng”. Viện Âm nhạc vinh dự được đăng cai tổ chức sự kiện khoa học lớn này với sự tài trợ của chương trình Sự chuyển đổi (Na Uy). Nhóm nghiên cứu ICTM “Âm nhạc và các dân tộc thiểu số” do bà Ursula Hemetek (áo) làm chủ tịch đã làm việc trong 17 phiên họp với 44 tham luận. Nhóm nghiên cứu ICTM “Âm nhạc dân tộc học ứng dụng” do ông Svanibor Pettan (Slovenia) làm chủ tịch đã thảo luận trong 13 phiên họp với 30 tham luận.

Viện Âm nhạc đóng góp 6 tham luận, đã giúp cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về tình hình nghiên cứu âm nhạc ở Việt Nam hiện nay. Tại hội nghị của nhóm nghiên cứu “Âm nhạc và các dân tộc thiểu số” có các tham luận: Công tác sưu tầm, bảo tồn âm nhạc dân tộc ít người ở Việt Nam (Lê Văn Toàn); Âm nhạc dân gian của tộc người Thái ở tỉnh Sơn La, Việt Nam những năm gần đây và tình hình tổ chức truyền dạy (Nguyễn Bình Định); Âm nhạc dân tộc Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa và vai trò của nó trong việc duy trì cộng đồng thiểu số (Hồ Thị Hồng Dung); Một số vấn đề liên quan tới việc sưu tầm, bảo tồn nhạc cụ của các dân tộc thiểu số (thông qua trường hợp nhạc cụ của người Khơ mú ở Việt Nam) (Tạ Quang Động); Về tính bền vững của âm nhạc dân gian trong đời sống một số dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam qua khảo sát, điền dã (Hoàng Anh Thái, Phạm Minh Hương). Tại hội nghị của nhóm nghiên cứu “Âm nhạc dân tộc học ứng dụng” có tham luận dưới dạng video clip: Sự gặp gỡ giữa các yếu tố xưa - nay trong nghệ thuật đường phố qua Xẩm và Hip-hop (Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thủy Tiên).

Thông báo khoa học xin giới thiệu tới quý độc giả những tham luận của Viện Âm nhạc tại các phiên họp thuộc nhóm “Âm nhạc và các dân tộc thiểu số”.

CÔNG TÁC SƯU TẦM, BẢO TỒN ÂM NHẠC 
DÂN TỘC ÍT NGƯỜI Ở VIỆT NAM

                                                                                             PGS.TS Lê Văn Toàn                                                              

Khái quát chung

Việt Nam đất nước có hơn bốn ngàn năm lịch sử xây dựng và phát triển. Sự có mặt của 54 thành phần tộc người với chủ thể là tộc người Việt (Kinh) cùng  53 tộc ít người đã cư trú trên các vùng văn hóa tiêu biểu khắp ba miền: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Trong đó vùng văn hóa như Đông Bắc, Tây Bắc có các tộc ít người tiêu biểu như: Mường, Tày, Nùng, Dao, Bố y, Cống, Giáy, Hà nhì, Kháng, Khơ mú, La chí, La ha, La hủ, Lào, Lô lô, Lự, Sán dìu, Si la, Sán chay, Thái… Miền Trung và cao nguyên Trung Bộ với các tộc ít người tiêu biểu: Bahnar, Brâu, Bru - Vân kiều, Chăm (Chàm), Chu ru, Co, Cơ tu, Cơ ho, Êđê, Jơ rai, Giẻ triêng, Mạ, Mnông, Ơ đu, Pà thẻn, Pu péo, Rơ măm, Raglai, Stiêng, Xinh mun, Xơ đăng (Ca dong)… Miền Nam với tộc ít người tiêu biểu: Hoa, Chăm, Khơ me.

Những di sản văn hóa âm nhạc đặc sắc của các tộc người Việt Nam thể hiện tính đa dạng, thống nhất của nền văn hóa lúa nước của đất nước có truyền thống lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến.          

Nhiều lễ hội truyền thống vẫn được duy trì, nhiều giá trị tích cực trong cuộc sống đương đại được phát huy. Nhiều lễ hội mới, nhiều festival với quy mô lớn mang tính giao lưu, hội nhập quốc tế mang lại nhiều nét mới của thời kỳ hội nhập quốc tế ở Việt Nam tạo nên một diện mạo văn hóa đa dạng trong đó có văn hóa âm nhạc với nhiều yếu tố cổ, yếu tố mới đan xen, hòa trộn. Con người mới, xã hội mới, văn hóa mới, môi trường văn hóa mới đã, đang có những biểu hiện tác động trực tiếp, gián tiếp đến sự tồn tại hay làm “biến đổi” bản sắc thể loại, hình thức sinh hoạt âm nhạc cổ truyền, truyền thống nếu cộng đồng, xã hội không kịp thời cảnh báo, ngăn chặn và có các giải pháp khoa học, đúng đắn trong thực tế cuộc sống đương đại Việt Nam.

Vậy làm thế nào để bản sắc văn hóa âm nhạc cổ Việt Nam không bị mất đi? Nhiệm vụ tiếp tục sưu tầm bảo tồn vốn âm nhạc cổ ở các tộc người cần được thực hiện tốt hơn, chất lượng hơn với tính bền vững cho sự tồn tại của mỗi thể loại trong đời sống văn hóa tinh thần mỗi tộc người, mỗi địa phương khi rất nhiều nhà máy thủy điện ra đời, nhiều công trường, nhà máy, mỏ khoáng sản xuất hiện, khai thác… đã có tác động không nhỏ đến đời sống, môi trường văn hóa truyền thống trước những cuộc di dân, chuyển vùng cư trú, hay từ nông dân trở thành công nhân nông trường, nhà máy…

Hoạt động sưu tầm, bảo tồn âm nhạc và kết quả đạt được ở Việt Nam

Từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám (1945) đến nay, việc tổ chức sưu tầm âm nhạc dân gian Việt Nam đã được quan tâm với những mức độ khác nhau cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản âm nhạc nhằm phục vụ xã hội, nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Đặc biệt từ 1975 đến nay, Việt Nam được hòa bình, từng bước xây dựng nền kinh tế phát triển, hội nhập thì nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn di sản âm nhạc các dân tộc Việt Nam đã có nhiều thành tựu mới. Nhiều đơn vị, nhiều cơ quan văn hóa nghệ thuật Trung ương và địa phương tham gia các hoạt động này, trong đó tiêu biểu có: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Âm nhạc, các trường văn hóa nghệ thuật như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế, Đại học Nghệ thuật sư phạm Trung ương, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trường Sân khấu điện ảnh, Trường Múa, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ múa, các cơ quan phổ thông trung học Trung ương và địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 63 tỉnh thành phố, v.v...

Kết quả đạt được

Công tác sưu tầm, bảo tồn âm nhạc nói riêng, văn hóa phi vật thể nói chung ở Việt Nam nhiều năm qua có những chương trình cụ thể với quy mô hoạt động từ cấp cơ sở huyện, tỉnh đến các cơ quan trung ương. Chẳng hạn, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhiều năm qua đã tổ chức xét và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 180 người. Trong số nghệ nhân thuộc lĩnh vực âm nhạc là 147 thì có 49 người đại diện nghệ nhân các tộc ít người Việt Nam[1]. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho nhiều địa phương, nhiều câu lạc bộ trong hoạt động sưu tầm, bảo tồn âm nhạc tại cộng đồng[2]. Nhiềuhoạt động hỗ trợ khác của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhiều dự án sưu tầm, bảo tồn âm nhạc từ nguồn kinh phí hỗ trợ của quốc tế hay các tổ chức phi chính phủ cũng đã được tổ chức thực hiện suốt nhiều năm qua.

Đặc biệt phải kể đến kế hoạch hoạt động quy mô lớn mang tênchương trình Mục tiêu quốc gia doBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Trong đó có nhiều địa phương, đơn vị được tham gia và tổ chức thực hiện.

Từ năm 1997 đến 2008, có 64 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã tham gia vào sưu tầm, bảo tồn văn hóa phi vật thể nói chung, trong đó có 378 dự án được thực hiện tại các tộc ít người. Trong đó có trên 100 dự án chuyên cho mục tiêu sưu tầm, bảo tồn âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn dân gian các tộc ít người ở Việt Nam.

Riêng Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã tham gia một số chương trình như: Mục tiêu quốc gia (văn hóa phi vật thể). Trong chương trình này, nhiều dự án tiêu biểu đã được thực hiện với kết quả khoa học cao như dự án: Âm nhạc múa dân tộc Ca dong, Co, Hrê ở tỉnh Quảng Ngãi; Phục hồi kịch hát Dá Hai tỉnh Cao Bằng; Âm nhạc tế lễ đình chùa Thanh Hóa;Nghệ thuật hát rối đầu gỗ chùa Bi Nam Định; Phục hồi, bảo tồn trò Tiên Cuội, Múa đèn, Thiếp ở Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa; Phục hồi, bảo tồn các hình thức nghệ thuật trong lễ hội khai xuân - Lập Thạch, Vĩnh Phúc; Sưu tầm, bảo tồn âm nhạc múa dân tộc Lô lô, Hà Giang; Sưu tầm bảo tồn biểu diễn âm nhạc dân gian của ba nghệ nhân (Tây Nguyên); Khôi phục và bảo tồn nghệ thuật Hạn Khuống dân tộc Thái đen ở Thuận Châu, Sơn La; Sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật âm nhạc của gia đình nghệ nhân Giàng Seo Gà, dân tộc Hmông - Sa Pa, Lào Cai; Âm nhạc và múa dân gian dân tộc Xinh mun và dân tộc Khơ mú, Sơn La; Âm nhạc và múa dân gian dân tộc Dao, Hà Giang; Âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn dân gian của dân tộc Êđê m’thur tỉnh Phú Yên;Phục hồi Chèo chải hê; Bảo tồn nhạc và múa dân gian dân tộc La chí và dân tộc Giáy, Hà Giang; Bảo tồn âm nhạc và múa dân gian dân tộc Si la, Cống tỉnh Lai Châu; Sưu tầm, bảo tồn âm nhạc và múa dân gian dân tộc Bố y, Hà nhì tỉnh Lào Cai; Điều tra, phục hồi bảo tồn nghệ thuật trò Nữ Quan ở xóm Thọ, Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa; Điều tra, bảo tồn nghệ thuật trò Trống Mõ tại Viên Khê, Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa; Âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn dân gian trong Tết cúng bản của dân tộc Hà nhì, Mường Nhé, Điện Biên...

Dự án hưởng kinh phí tài trợ từ vốn ODA của Nhật vào những năm 1997-2003, Viện Âm nhạc đã nhận được một số thiết bị như máy quay phim, thu thanh, ôtô… và các lớp tập huấn về kỹ năng sưu tầm âm nhạc. Nhờ những lớp tập huấn này, Viện đã có đội ngũ chuyên môn có khả năng đảm nhận nhiều nhiệm vụ sưu tầm âm nhạc với những tiêu chí và chất lượng đòi hỏi cao. Cụ thể nhiều năm qua Viện Âm nhạc cùng nhiều địa phương liên kết tổ chức thực hiện thành công nhiều hoạt động sưu tầm âm nhạc. Trong đó có hoạt động thuộc chương trình Hỗ trợ văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững do kinh phí quĩ SIDA Thụy Điển hỗ trợ. Trong phạm vi hoạt động của tiểu dự án này, Viện Âm nhạc đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các chuyên gia Thụy Điển cùng cán bộ của Viện, cán bộ các địa phương.

Hoạt động chính của dự án này gồm các nội dung sau:

- Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sưu tầm âm nhạc cho cán bộ văn hóa 20 tỉnh, thành phố;

- Tổ chức các lớp truyền dạy tại cộng đồng ở 20 tỉnh, thành phố; 

- Phối hợp với 20 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học - Nghệ thuật một số tỉnh để liên kết tổ chức sưu tầm, bảo tồn âm nhạc các tộc ít người tại địa phương;

- Viết báo cáo và tổ chức sản xuất các chương trình CD, VCD, DVD phục vụ truyên truyền, quảng bá nhằm kích thích phong trào sinh hoạt âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn tại cộng đồng và xã hội;

- Tổ chức liên hoan giao lưu âm nhạc Việt Nam-Thụy Điển với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện Việt Nam, Thụy Điển và 18 đơn vị tiêu biểu của các tỉnh được hưởng dự án này. 

Mô hình tổ chức truyền dạy tại cộng đồng là mô hình hoạt động mới của dự án này tại các địa phương thời gian qua đã đạt kết quả tốt. Trong đó nổi bật có trường hợp điển hình như tỉnh Lào Cai. Vào năm 2006, khởi đầu thực hiện dự án này, chúng tôi chỉ chọn ba câu lạc bộ đại diện tộc người Giáy, Hmông, Dao được hưởng dự án. Sau khi phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cùng chính quyền các xã, chúng tôi đã tổ chức lớp truyền dạy âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn tại cộng đồng. Từ mô hình ban đầu có kết quả đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã tiếp tục chỉ đạo các địa phương làm theo mô hình này, sau 5 năm tự tổ chức bằng nguồn kinh phí của cơ sở và quần chúng, đến nay toàn tỉnh đã có trên 50 câu lạc bộ ra đời và đi vào hoạt động tốt. Trong số đó có một số câu lạc bộ đã gắn hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian với nhiệm vụ phục vụ khách du lịch… đạt hiệu quả cao.

Tương tự cách làm này, trong chương trình Mục tiêu quốc gia Viện Âm nhạc góp phần cùng xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã phục hồi được hầu hết các trò diễn cổ độc đáo của các làng trong xã một thời bị lãng quên… Cụ thể, cách đây 8 năm, Viện cử cán bộ về tìm hiểu để cùng cộng đồng phục hồi một số trò múa hát cổ đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Cho đến năm 2009, 12 trò diễn cổ và nhiều bài bản dân ca, dân nhạc ở đây đã được phục hồi với sự giúp đỡ của cộng đồng, của chính quyền các cấp. Nhiều trò diễn cổ này đã được truyền dạy lại cho các cháu học sinh trong các trường học của địa phương với hiệu quả tốt. Nhiều cuộc liên hoan tại xã, huyện tỉnh đã trình diễn các trò diễn này nhờ đó đã đánh thức tình yêu, niềm tự hào của nhân dân về di sản văn hóa nghệ thuật của quê hương mình. 

Qua thí dụ trên cho thấy sức sống của di sản âm nhạc cổ truyền vững mạnh trong đời sống cộng đồng trong cuộc sống mới tốt hay không một phần quan trọng là phải phát huy được sự đồng thuận của cộng đồng, của các cấp chính quyền và người dân đối với mục tiêu sưu tầm, bảo tồn âm nhạc tại mỗi bản làng, tộc người. 

Trong đó mô hình sinh hoạt âm nhạc Việt Nam (đặc biệt với âm nhạc các tộc ít người) cần quan tâm chỉ đạo phù hợp nhu cầu, thẩm mỹ xã hội mới, con người mới trong cuộc sống đương đại trên cơ sở truyền thống văn hóa và thẩm mỹ của mỗi tộc người. Việc bảo tồn tốt các di sản âm nhạc các tộc ít người tại Việt Nam đạt được đã và sẽ góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào chung cho mọi người về di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc của tộc người mình, quê hương mình. Cụ thể chúng tôi từng gặp hiện tượng trước khi cộng đồng tham gia chương trình phục hồi, bảo tồn âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn dân gian, nhiều bà con, đặc biệt là lớp trẻ rất ngại mặc trang phục cổ, rất ngại phải trình diễn các tiết mục âm nhạc cổ truyền của tộc người mình trước người lạ. Nhưng sau khi việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh, âm thanh, tài nghệ biểu diễn của những đại diện cộng đồng mình trên VTV, trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam được thực hiện họ đã thấy tự hào và tích cực tham gia biểu diễn trong các chương trình hoạt động sưu tầm, bảo tồn âm nhạc trong nhiều năm qua. Lớp trẻ nếu trước kia chỉ ham mê học và hát nhạc mới, nhạc ngoại lai hip hop, Rock…thì nay ở những địa phương sau khi tham gia vào các hoạt động sưu tầm, bảo tồn âm nhạc do Viện Âm nhạc hay nhiều cơ quan khác tổ chức họ đã nhận rõ giá trị và nâng cao niềm tự hào về di sản âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của tộc người mình.

Trong khoảng 60 năm, từ 1950 đến 2009, hoạt động sưu tầm, bảo tồn âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn dân gian Việt Nam, Viện Âm nhạc nay đã lưu giữ được 25.944 bài bản dân ca dân nhạc, trong đó: 18.026 bài dân ca; 7.918 bài dân nhạc. Ngoài ra, có 103 tiết mục diễn xướng dân gian, biểu diễn trên sân khấu và trong các lễ hội dân tộc.

Gần đây, Việt Nam hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới với những danh hiệu khác nhau trong đó có: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Hát Ca trù và tới đây sẽ còn nhiều di sản âm nhạc khác của Việt Nam tiếp tục được xây dựng Hồ sơ trình UNESCO xét duyệt, ghi danh trong thời gian tới. Với những thành công đã làm được trong nhiều năm qua về công tác sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc Việt Nam, trong đó tiếp tục phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa âm nhạc Việt Nam - tộc ít người trong cuộc sống mới. Đặc biệt, những thành tựu đạt được trong đó cần có sự liên kết quốc gia, khu vực Đông Nam á và toàn thế giới.

Thời gian tới, Viện Âm nhạc tiếp tục phân loại, hệ thống hóa tư liệu âm nhạc các dân tộc Việt Nam trong đó có 53 tộc ít người. Từ nguồn tư liệu hiện có ấy và nguồn tư liệu tiếp tục sẽ được sưu tầm, Viện Âm nhạc từng bước hoàn thiện các nội dung từ công tác bảo tồn, quản lý, phục vụ, dịch vụ xã hội ở trong nước cũng như với bạn bè quốc tế.

Để công tác sưu tầm, bảo tồn các di sản âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc truyền thống các dân tộc ít người Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nhiều lĩnh vực cần sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng nghiệp trên thế giới, các bạn, các vị đại biểu có mặt trong Hội nghị này. Chúng tôi mong được chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và sự giúp đỡ từ tất cả các bạn trên mỗi lĩnh vực sưu tầm, quảng bá, giáo dục đào tạo, tuyên truyền, biểu diễn giao lưu với giới nhạc, ngành nhạc Việt Nam trong hiện tại và tương lai để các di sản văn hóa âm nhạc Việt Nam tồn tại, phát triển bền vững trong sự chia sẻ, trao đổi, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Nhân đây tôi xin chân thành cám ơn chính phủ Thụy Điển, chính phủ Nhật Bản, chính phủ Na Uy cùng nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các vị khách quý, các đồng nghiệp quốc tế, Việt Nam có mặt trong buổi họp này.

Xin trân trọng cảm ơn quý vị!

 

Tài liệu Tham khảo: 1.  Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2009. 2. Văn bản Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010-2015. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hà Nội, 2010. 3. Các báo cáo sưu tầm điền dã.Thư viện Viện Âm nhạc. 4. Thông báo khoa học. Viện Âm nhạc (từ số 1-27).

 

 

ÂM NHẠC DÂN GIAN CỦA TỘC NGƯỜI THÁI Ở TỈNH SƠN LA, 
VIỆT NAM NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
VÀ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC TRUYỀN DẠY

 

 

TS. Nguyễn Bình Định

 

Sơn La là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, có diện tích 14.125 km2, với địa hình bao gồm nhiều đồi núi, thung lũng, đất rừng, ruộng bậc thang và có hai cao nguyên: Mộc Châu, Nà Sản. Đây là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng thủy điện và du lịch sinh thái.

Sơn La có mười một đơn vị hành chính (gồm 1 thành phố và 10 huyện);  là địa bàn cư trú của mười hai tộc người (Thái, Kinh, Kháng, Dao, Hmông, Khơ mú, Hán, Tày, Lào, Mường, La ha, Xinh mun).

Tháng 2 năm 2009, Viện Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức thực hiện tiểu dự án Sưu tầm, bảo tồn, phát huy, phát triển âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc ít người ở tỉnh Sơn La. Qua khảo sát, sưu tầm điền dã trên địa bàn 3 huyện Yên Châu, Mường La, Quỳnh Nhai ở tỉnh Sơn La, chúng tôi đã tiến hành thu thập, ghi âm, quay phim được hơn 40 tiết mục âm nhạc với nghệ thuật trình diễn dân gian của ba dân tộc: Thái, Kháng và La ha. Bên cạnh việc tìm hiểu, khảo sát về thực trạng đời sống sinh hoạt âm nhạc; tình hình bảo tồn, lưu truyền và sử dụng nhạc cụ, dân ca, dân vũ, dân nhạc; chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn nhiều nghệ nhân, cán bộ quản lý văn hóa và các cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương để tìm ra những vấn đề đã làm và chưa làm được, nhằm giúp cho việc đề ra những định hướng tiếp theo sao cho hợp lý. Đồng thời, Viện Âm nhạc cũng đã giúp tỉnh Sơn La mở được hai lớp cho nghệ nhân của chính các địa phương nói trên truyền dạy nhạc cụ và âm nhạc dân gian; kết quả thu được rất khả quan. Ngoài ra, chúng tôi còn tư vấn, hướng dẫn cho các cán bộ quản lý văn hóa của Sơn La lập dự án, lập kế hoạch bảo tồn và phát triển vốn văn hóa âm nhạc dân gian của các dân tộc ở đây. Trong bài tham luận này, tôi sẽ sử dụng những tư liệu thu được qua đợt khảo sát, sưu tầm điền dã đầu năm 2009 nói trên để trình bày một số nét cơ bản về hiện trạng âm nhạc dân gian của tộc người Thái ở Sơn La và tình hình truyền dạy vốn âm nhạc dân gian ấy trong những năm gần đây.

Trước hết, xin nói vài nét về người Thái ở Sơn La. Trong số mười hai tộc người cùng sinh sống ở Sơn La, cộng đồng người Thái là đông nhất, chiếm 54% dân số toàn tỉnh và được chia thành ba nhóm chính: nhóm Thái đen, nhóm Thái trắng (căn cứ vào màu áo của phụ nữ) và nhóm Thái Mộc Châu.

Đồng bào Thái có ngôn ngữ, có chữ viết riêng, đời sống văn hóa rất phong phú và đặc sắc. Qua việc trực tiếp khảo sát, nghiên cứu ở Sơn La, chúng tôi nhận ra rằng, bản sắc văn hóa nghệ thuật của người Thái có một sức sống rất mạnh ở vùng Tây Bắc Việt Nam và nó đã tạo ra những tác động ảnh hưởng khá lớn, khá sâu sắc về nhiều mặt đối với nhiều dân tộc khác sinh sống ở gần họ (như các tộc người Hmông, Dao, Tày, Mường…). Thậm chí, có lúc, có chỗ có thể nói là nó đã ở mức độ “Thái hóa” đối với một số dân tộc ít người khác. Chẳng hạn như, trẻ em dân tộc La ha ở Mường La khi ra đường, khi đến trường toàn nói bằng tiếng Thái và tỏ ra rất ngại ngùng khi người ta biết mình là người La ha (theo lời kể của các ông bố, bà mẹ người La ha ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La).

Âm nhạc dân gian của người Thái ở Sơn La rất đa dạng và hấp dẫn, có thể phân chia thành hai nhóm: nhóm một - những loại hình âm nhạc liên quan đến vòng đời một con người; nhóm hai - những loại hình âm nhạc gắn với cuộc sống, thiên nhiên và cộng đồng.

ở nhóm thứ nhất, có các thể loại như: hát trong lễ ra cữ (lễ công nhận đứa trẻ là thành viên của gia đình, dòng họ), hát ru, đồng dao, giao duyên, hát trong đám cưới, hát mừng nhà mới, âm nhạc tang lễ… Phổ biến và được ưa thích nhất ở nhóm này là các bài hát giao duyên, như Púc sao tứn (gọi bạn gái dậy), những bài hát trong Hạn khuống (một hình thức hát đối đáp giao duyên đặc sắc của người Thái).

ở nhóm thứ hai, gồm những bài dân ca, dân nhạc sử dụng trong lao động (trên nương, trên sông, trên chòi canh lúa, ở bãi chăn trâu...); những làn điệu dùng trong các nghi lễ nông nghiệp (lễ cầu mưa, lễ cơm mới…);  những làn điệu dùng trong các nghi thức tế lễ (tế lễ giao hòa với tổ tiên, tế lễ thờ hồn mường…); những làn điệu dùng trong tín ngưỡng (cúng chữa bệnh, gọi hồn, bói nhân duyên…). Những làn điệu được ưa thích nhất trong nhóm này là: Khắp loong tôông, Khắp xu (hát thơ); Loong te, Tính doóng (các bài nhạc cho tính tẩu); Loong hứa (bản nhạc cho khèn).

Về nhạc cụ, người Thái có đầy đủ cả bốn họ nhạc cụ:

+ Nhạc cụ hơi - Aerophones (pí phướng, pí pặp, pí tam láy...)

+ Nhạc cụ dây - Chordophones (tính tẩu, xi xơ ló, đỉnh đơng...)

+ Nhạc cụ màng rung - Membranophones (coong xé, coong then...)

+ Nhạc cụ toàn thân vang - Idiophones (cồng, mõ…)

Trong số đó, các nhạc cụ được sử dụng nhiều nhất và được coi như nhạc cụ tiêu biểu của người Thái là tính tẩu (nhạc cụ dây) và các nhạc cụ hơi thuộc chi lưỡi gà rung tự do như pí tam láy, pí pặp và đặc biệt là khèn bè (nhạc cụ hơi đa thanh).

Bên cạnh hệ thống nhạc cụ, dân ca, dân nhạc phong phú, đặc sắc, đồng bào Thái ở Sơn La còn có một vốn liếng về nghệ thuật múa rất phát triển. Có thể nói rằng, trong số 54 tộc người sống trên đất Việt Nam, người Thái chính là tộc người có nghệ thuật múa dân gian phát triển mạnh nhất. Nổi tiếng và phổ biến rộng khắp là điệu múa Xé vóóng - tức xòe vòng, một hình thức múa đông người nắm tay nhau làm thành vòng tròn trên mặt sân, bãi đất rộng hay sàn nhà. Đương nhiên, kéo theo đó là âm nhạc cho múa cũng rất đa dạng và hấp dẫn.

Từ kết quả của đợt khảo sát, sưu tầm điền dã được tiến hành vào đầu năm 2009, chúng tôi rút ra được những tổng kết về hiện trạng âm nhạc dân gian của tộc người Thái ở Sơn La như sau:

* Về tình trạng của các thể loại nhạc hát (chủ yếu là dân ca):

Qua điều tra thực tế cho thấy, các thể loại dân ca của người Thái như: dân ca lao động, hát ru, hát giao duyên, các hình thức múa hát dân gian gắn liền với những nghi thức tế lễ, tín ngưỡng phong tục v.v... trước kia đã từng phổ cập rất rộng rãi và được thường xuyên sử dụng; đến nay vẫn tiếp tục tồn tại nhưng nó chỉ được sử dụng một cách có chọn lọc, sử dụng với tần suất có hạn, nhằm phục vụ những mục đích có phần mang tính thực dụng và chủ yếu là do những người ở lứa tuổi trung niên trở lên thực hiện.

* Về tình trạng của các thể loại nhạc đàn:

Không còn được quan tâm, sử dụng rộng rãi như trước đây; không còn có vị trí quan trọng trong những sinh hoạt tự nhiên của giới trẻ (ví dụ như trong các lễ hội, trong các sinh hoạt giao duyên ở lứa tuổi thanh niên...), mà phần lớn, hiện giờ chỉ còn thấy trong các hoạt động văn nghệ do chính quyền hay đoàn thể tổ chức; hoặc ở một số nghi thức, tập quán có tính chất bắt buộc, không thể chối bỏ. Chẳng hạn như các nghi lễ Cấp sắc cho thầy mo, thầy cúng; nghi lễ cúng tế người chết, cúng tế thần linh v.v... Trên thực tế, hiện nay số người Thái biết trình diễn, chế tác, truyền dạy nhạc cụ dân tộc và nắm được những bài bản khí nhạc dân gian cũng chỉ còn rất ít. Hơn thế nữa, những người có trình độ thành thạo, giỏi giang phần lớn là những người đã lớn tuổi. Có một điều rất may mắn là, hai nhạc cụ tiêu biểu của người Thái: khèn bè và tính tẩu hiện vẫn đang còn những nghệ nhân giỏi.

Tại bản Tủm, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La có nghệ nhân Lừ Hồng Xưa (69 tuổi) - người Thái đen rất giỏi về trình diễn, chế tác và truyền dạy khèn bè và pí pặp.

Tại bản Hé, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có nghệ nhân Lò Văn Đoan (59 tuổi) - người Thái trắng rất giỏi về trình diễn, chế tác và truyền dạy đàn tính (tính tẩu).

Chúng tôi cũng đã tiến hành quay phim, chụp ảnh được hai nghệ nhân nói trên giới thiệu về quy trình và kinh nghiệm chế tác nhạc cụ dân tộc của họ.

* Về tình hình truyền dạy nhạc cụ và âm nhạc dân gian:

Việc truyền dạy nhạc cụ và âm nhạc dân gian của tộc người Thái ở Sơn La những năm gần đây chủ yếu vẫn là tình trạng lẻ tẻ, tự phát; với số lượng người được truyền dạy không nhiều và chất lượng đạt được không cao. Trong năm 2009, Viện Âm nhạc đã hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La mở được hai lớp truyền dạy nhạc cụ và âm nhạc dân gian của tộc người Thái, do chính các nghệ nhân Thái giảng dạy cho thế hệ trẻ. Các lớp học này đã truyền dạy về khèn bè, tính tẩu, pí pặp, pí tam lay cho hơn ba mươi học viên người Thái đến từ các huyện khác nhau của Sơn La. Ngoài ra, Viện Âm nhạc cũng đã tư vấn, hướng dẫn cho các cán bộ quản lý văn hóa của tỉnh Sơn La những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để lập các kế hoạch, các dự án bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc dân gian của các dân tộc trong tỉnh.

Qua tất cả những gì mắt thấy, tai nghe về đời sống sinh hoạt âm nhạc dân gian và tình hình bảo tồn, truyền dạy nhạc cụ và âm nhạc dân gian của tộc người Thái ở tỉnh Sơn La, chúng tôi cho rằng:

Thứ nhất, những sự thay đổi diễn ra trong đời sống sinh hoạt âm nhạc dân gian của tộc người Thái (cũng như của các tộc người khác) những năm gần đây là vấn đề tất yếu sẽ xảy ra khi mà môi trường xã hội, điều kiện kinh tế… đã thay đổi. Có điều là, để tránh được những diễn biến xấu thì từ những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách cho đến những người thừa hành, làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan cần tỉnh táo, sáng suốt; nâng cao lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm với đất nước, với sự nghiệp âm nhạc của dân tộc; từ đó mới có thể có được những suy nghĩ và hành động đúng đắn, phù hợp, đạt hiệu quả đích thực.

Thứ hai, mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn có những khó khăn nhưng nếu biết cách dựa vào dân, lấy dân làm gốc; biết cách động viên, tận dụng, kết hợp mọi nguồn lực thì vẫn có thể có được những kết quả khả quan trong vấn đề gìn giữ và phát triển nền âm nhạc truyền thống của dân tộc.

ÂM NHẠC DÂN GIAN CỦA DÂN TỘC MƯỜNG Ở HUYỆN NGỌC LẶC, 
TỈNH THANH HÓA VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ 
TRONG VIỆC DUY TRÌ CỘNG ĐỒNG THIỂU SỐ

Ths. Hồ Thị Hồng Dung

Thanh Hóa là một tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ Việt Nam. Đây là vùng đất cổ, không chỉ lưu giữ dấu vết của người tiền cổ qua các kết quả nghiên cứu khảo cổ mà còn là nơi hình thành và tỏa sáng nhiều nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Đông Sơn (thời đại đồng thau) với sản vật tiêu biểu được thế giới biết đến là trống đồng Đông Sơn. Trong lịch sử Việt Nam đã ghi nhận hai lần Thanh Hóa được chọn làm kinh đô, hiện vẫn còn lưu giữ dấu tích thành nhà Hồ (thế kỷ XV) và Lam Kinh thời hậu Lê (thế kỷ XVI).

Thanh Hóa là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em đó là Kinh, Mường, Thái, Hmông, Dao, Thổ, Khơ mú. Người Mường có số dân nhiều nhất so với các dân tộc thiểu số khác trong tỉnh, sống tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân... Dân tộc Mường ở Thanh Hóa có hai nhánh là nhánh Mường trong xuất phát từ huyện Bá Thước được coi là Mường gốc và nhánh Mường ngoài chuyển từ tỉnh Hòa Bình sang.

Ngọc Lặc từng là thủ phủ của các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Người Mường ở nơi đây thuộc nhánh Mường trong. Người phụ nữ mặc áo khóm không xẻ, chít khăn đen, khi nhà có tang thì chít khăn trắng. Người phụ nữ thuộc nhánh Mường ngoài mặc áo khóm xẻ, chít khăn trắng. áo khóm khá đa dạng về màu sắc. Ngày thường, người trẻ mặc áo xanh da trời, áo hồng, trong đám cưới mặc áo trắng. Người già mặc áo tím, khi gần qua đời mặc áo đỏ. Nam giới trước kia mặc quần áo nâu, khi làng có lễ thì mặc áo màu thanh thiên, thắt lưng màu đỏ hoặc màu vàng.

Người Mường ở nhà sàn, quần tụ thành chòm bản theo chân đồi hoặc gần sông suối. Tùy theo hoàn cảnh gia đình mà nhà có kiến trúc 3 gian, 5 gian, 7 gian hay 9 gian. Nếu nhà có 5 gian, sẽ được cấu tạo: gian ngoài, gian chính, gian giữa, gian bếp và gian buồng. Gian ngoài là nơi đặt cầu thang, dùng để tiếp khách. Gian chính đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách nội tộc, để quan tài khi nhà có tang. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên bên ngoại, tiếp khách nữ cao tuổi. Gian bếp dành riêng cho đặt bếp, chạn bát và bàn thờ vua bếp. Gian buồng là nơi sinh hoạt của nữ giới.

Người Mường ở huyện Ngọc Lặc là chủ nhân của một kho tàng âm nhạc dân gian phong phú. Bên cạnh mảng nhạc hát phát triển, mảng nhạc đàn ghi nhận bộ cồng chiêng đặc sắc của người Mường góp phần làm giàu có cho âm nhạc cồng chiêng Việt Nam.

Người Mường được thiên phú khả năng đặc biệt về ca hát. Họ có thể hát ở mọi nơi, mọi lúc. Hát khi ru con ngủ, hát trên nương rẫy, và vui nhất là hát khi khách đến chơi nhà, hoặc trong những dịp lễ hội của bản làng.

Hát ru là những khúc giai điệu ngọt ngào đầu đời người mẹ dành cho con. Tùy theo thời gian, người Mường ở Ngọc Lặc có hai bài hát ru khác nhau, đó là ru con ban ngày và ru con lúc chập tối. Người ta kiêng hát hai bài này lẫn lộn nhau. Bài ru con ban ngày và buổi tối phân biệt chính ở câu hát đầu tiên. Ru con ban ngày thường mở đầu là: “Chống lêu lêu làng làng” nghĩa là “ru lời ru lỡi”. Bài ru con buổi tối lại được bắt đầu bằng câu: “Túc cùng túc kha” nghĩa là “cho gà cho lợn ăn”, nói lên thời điểm ru con ngủ không phải là vào đêm khuya mà là lúc chập tối khi con gà, con lợn vào chuồng, con ngủ đi không mò ra cổng là con ma bắt lấy cái vía.

Xường là lối hát yêu thích của người Mường. Câu hát Xường được vận dụng một cách phổ biến trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào như để chào nhau, để mời nước, mời cơm, thậm chí không ưa nhau người Mường cũng hát Xường để bày tỏ quan điểm của mình.

Đặc biệt, trước đây, mỗi khi khách đến chơi bản, người ta còn tổ chức hát Xường trai gái. Những cuộc hát này thường diễn ra vào sau vụ thu hoạch, lúc nông nhàn từ tháng 9 tới tháng 3 năm sau. Cuộc Xường dài nhất có thể là 4 đêm, ngắn nhất là 1 đêm. Nơi diễn ra cuộc Xường phải là một ngôi nhà sàn rộng, khang trang, đẹp đẽ, gia chủ phải là người hiểu biết, được dân bản tin cậy. Mỗi cuộc Xường nhất thiết phải trải qua hai phần: Xường dưới và Xường lên bậc. Xường dưới gồm có 14 rằng (rằng có nghĩa là chương theo cách chia ngày nay), có tên gọi là:

1. Rằng mở đầu

 2. Rằng qua cầu

 3. Rằng ngoảnh mặt

 4. Rằng khen cơm, ngó rạ

 5. Rằng khen song, ngó tre

 6. Rằng đánh thức xường

 7. Rằng gọi xường

 8. Rằng xường chào

 9. Rằng chim va dán

10. Rằng trồng cây gạo

11. Rằng trồng hoa

12. Rằng trồng kê

13. Rằng quên quạt

14. Rằng mở đường

   14 rằng diễn tả từ lúc gặp gỡ ban đầu, chưa quen biết nhau, còn phải giữ kín hình dáng, vẻ đẹp, giữ kín cả lời nói, giọng xường. Bằng cách thức riêng, bằng sự thông minh sáng tạo của mỗi bên, họ cùng bước vào cuộc thăm dò thử thách nhau thông qua những hình ảnh cây cầu bắc qua suối, sự tốt đẹp của đất này, mường này, rồi họ đánh thức xường dậy, họ gọi xường về, để rồi được hát chào tất cả từ ông đạo, ông mo, chào người già, người trẻ.

   Phần thứ hai có tên là xường lên bậc gồm 12 bậc. Bậc ở đây người Mường xưa muốn nói về cung bậc tình cảm trong quan hệ trai gái. Các bậc đều bằng tiếng Mường cổ nên rất khó dịch. Các nghệ nhân cung cấp cho chúng tôi tên gọi và dịch đại ý:

1. Cu nhu - coọp nhọp (Cóp nhặt lời xường)

2. Tứng phênh (Đứng dưới sân nhà sàn)

3. Lêu lao - lêu lớm (Lập lòe, mờ tỏ)

4. Pượt xợt (Nảy mầm)

5. Poọt xoọt (Chớm nở)

6. Poong xoong (Trống không, hụt hẫng)

7. Dờm dờm (Không sớm không muộn)

8. Dằng dắng (Lên hàng lên lối)

9. Mướng da (Mừng điều mới xuất hiện)

10. Là lá (Bất ngờ)

11. Pơờn phang (Trồng cây vang)

12. Tèn tèn (Chim bói cá)

Sau 12 bậc của xường lên bậc, khi tình cảm của đôi trai gái không thể chia rẽ, khẳng định một cách dứt khoát sẽ dẫn đến nên vợ nên chồng thì họ sẽ hát xường thề. Xường thề là tiết mục cuối cùng cũng khẳng định sự thành công của cuộc hát đối đáp giữa đôi bên nam nữ.

Hát đang cũng là lối hát đối đáp, có mặt trong những ngày vui của người Mường như đám cưới, nhà mới, lễ hội Pồn Pôông. So với hát xường thì hát đang không khó bằng vì không phải luyến giọng. Trong lễ hội Pồn Pôông, người ta hát đang khi đối đáp với người mường trời.

Đám cưới là mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, đánh dấu sự đơm hoa kết quả của tình yêu. Cũng như các dân tộc khác, đám cưới của người Mường tràn ngập niềm vui, câu ca điệu nhạc. Trải chiếu trong đám cưới là một phong tục đẹp cả người Mường, thường do người phụ nữ bên nhà gái đưa cô dâu về nhà chồng đảm nhiệm. Người phụ nữ vừa hát vừa kể về quá trình làm chiếu từ lúc trồng cây cói, thu hoạch về mang phơi, làm khung cửi dệt chiếu rồi mang ra chợ bán. Nhìn thấy đôi chiếu đẹp, người phụ nữ đã mua về để chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới có con trai, con gái, sống với nhau hạnh phúc tới đầu bạc răng long.

So với nhạc hát, nhạc đàn của người Mường ở huyện Ngọc Lặc khá khiêm tốn. Về nhạc cụ hơi có thể kể tới ôống ôi (sáo)nhạc cụ dây chi kéo như cò ke (đàn 2 dây), nhạc cụ dây chi gõ như tỉnh tang, nhạc cụ tự thân vang như cồng, ktheng (chuông), xao lại (chi vỗ, dập)...

Ôống ôi là nhạc cụ thân thiết của các chàng trai Mường để cùng giãi bày tâm sự vui buồn lúc thư nhàn sau những giờ lao động vất vả, đặc biệt còn được dùng thay lời gọi bạn, gọi người yêu đi chơi. Ôống ôi thường độc tấu, cũng có khi đệm cho hát xường trong các cuộc vui của dân làng. Ôống ôi là sáo thổi dọc, dài khoảng 63cm, đường kính 1cm, gồm 4 lỗ bấm. Âm sắc của ôống ôi như tiếng gió vi vu, âm lượng nhỏ, phù hợp với không gian yên tĩnh. 

Cò ke là nhạc cụ họ dây, chi cung kéo, tựa như cây đàn nguyệt của người Kinh. Cần đàn làm từ một đoạn tre, cắm xuyên qua một đoạn tre rỗng cả hai đầu. Phía trên cần đàn có đục lỗ để cắm trục vặn dây. Mặt đàn được bịt bằng da trăn hoặc da rắn. Hai dây đàn cò ke được làm bằng xơ dừa hoặc tơ tằm se lại, lên cách nhau một quãng 4 hoặc quãng 5.

Tỉnh tang là nhạc cụ họ dây, chi gõ, gồm 5 ống tre có kích cỡ tương đối giống nhau (đường kính khoảng 9-10cm, dài khoảng 43cm), hai đầu có mấu kín, được gắn kết với nhau bằng dây. Trên mỗi ống tre, người ta tách hai sợi tre từ chính thân ống rồi luồn hai miếng tre đệm ở dưới hai đầu để tạo thành dây đàn. Khi chơi, tỉnh tang được đặt nằm ngang trên mặt đất và gõ bằng hai dùi. Âm thanh của tỉnh tang mô phỏng lại các âm trong dàn cồng của người Mường. Đây là một nhạc cụ đơn giản, có thể chế tác và đánh ngay trên nương rẫy, cũng là trò chơi của trẻ nhỏ yêu thích mỗi khi chăn trâu.

Xao lại là nhạc cụ tự thân vang chi dỗ, dập. Nhạc cụ làm từ những ống tre có đường kính khoảng 6 cm, chiều dài 52-60cm. Mỗi ống có độ dài ngắn khác nhau để tạo sự khác biệt về độ cao. Người ta chọn ống tre già, có hai mấu, giữa hai mấu người ta khoét lỗ dài chạy dọc. Khi chơi, mỗi người cầm hai ống ở hai tay, dỗ, dập một đầu ống xuống sàn nhà hay một tấm ván. Người chơi cũng có thể đập hai ống vào với nhau mỗi khi tham gia nhảy múa. Xao lại thường do người phụ nữ chơi, thường đệm cho múa, tạo không khí rộn ràng, náo nhiệt trong ngày vui.

Cồnglà nhạc cụ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Mường. Với những biên chế dàn nhạc khác nhau, cồng tham dự vào nhiều nghi lễ của người Mường ở huyện Ngọc Lặc như trong đám cưới, mừng nhà mới, tang ma, lễ hội Pồn Pôông, hát Séc bùa. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, người ta sắp xếp số lượng cồng nhiều ít khác nhau:

Cồng một nghĩa là chỉ đánh 1 chiếc cồng, dùng trong đi săn, làm cồng lệnh hoặc báo đã bắt được thú rừng. Cồng một kết hợp với trống còn được dùng trong tang ma để báo hiệu cho dân làng biết trong nhà vừa có người mới qua đời.

Cồng đôi - 2 cồng và 1 trống được treo trên giá đánh trong lễ hội Pồn Pôông.

Cồng ba, cồng bốn, cồng năm và 1 trống dùng trong đám cưới, lễ nhà mới, lễ năm mới.

Cồng phường bùa của người Mường Ngọc Lặc gồm từ 12 tới 15 cồng với hai nhóm là nhóm cồng dóng và nhóm cồng khầm. Đây toàn bộ là những cồng có núm. Cồng dóng là những cồng nhỏ để chơi tiết tấu chính, thường là 3 hoặc 4 cồng, nhưng ít nhất là 3 cồng để đảm bảo giai điệu bong bính bong. Người Mường ở Ngọc Lặc còn gọi là chòng nọng nghĩa là đứng đầu như cái nhà có nóc. Cồng khầm là những cồng có kích thước to hơn, mang âm thanh trầm, tạo nên tiếng vọng của núi rừng hùng vĩ.

Hàng năm, từ mùng hai tới rằm tháng giêng, phường Bùa thường đến các nhà đánh cồng, hát chúc Tết gia chủ gọi là hát Séc bùa (nghĩa là xách cồng đi hát). Đội hình khi đi hát thường đi lần lượt theo hàng dọc. Dẫn đầu là Thầy thường (người có giọng hát hay và giỏi ứng tác), sau đó là nhóm cồng dóng, nhóm cồng khầm và cuối cùng là hai người khiêng thùng đựng gạo. Bài bản của phường Bùa đánh trên đường đi gồm đùm đing, bông trắng, bông vàng, rước đuốc, cà rầm. Tiếng cồng âm vang, lay động cả đất trời, báo hiệu mùa xuân lại về.

Pồn Pôông là lễ hội đặc sắc của người Mường. Theo tiếng Mường, Pồn Pôông nghĩa là hát, múa, vui chơi bên cây hoa. Lễ hội Pồn Pôông thường diễn ra vào rằm tháng giêng, tháng ba và tháng bảy âm lịch, do bà máy (người hát thuốc nam giỏi, có uy tín chữa bệnh) đứng làm chủ lễ, khách mời là các bà máy bạn, con mày (những người được bà máy chữa cho khỏi bệnh), nam thanh nữ tú trong bản. Người ta tổ chức lễ hội Pồn Pôông để tạ ơn tổ nghề thuốc cỏ và cầu sức khỏe, đời sống no đủ cho bà con dân làng.

Theo quan niệm của người Mường, cây hoa tượng trưng cho vũ trụ, cho trời đất, mỗi bông hoa gắn với số phận của một con người sống trên trái đất. Cây hoa được làm từ gỗ cây chạc pạc, một loại cây trồng trên đất ẩm, pha đất đá. Gỗ chạc pạc dẻo và mềm. Khi làm cây hoa người ta phải tiến hành qua nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ như đồ, phơi sương để khỏi mốc, rồi vẽ màu v.v... Mỗi cành hoa được cắm trên thân cây phải có từ 8 đến 20 bông. Trên cây hoa người ta treo các dụng cụ sinh hoạt trong cuộc sống con người như cày, bừa, súng, nỏ, cồng chiêng v.v… Ngày nay, do ảnh hưởng của công nghiệp hóa, các bà còn treo cả tivi, tủ lạnh, máy cày, máy bừa. Bà máy mới vào nghề dựng cây hoa 3 tầng rồi dần dần cao tới 5, 7, 9, và cao nhất là 12 tầng. Khi đã lên 12 tầng, bà máy nào còn trẻ thì trả cây bông về, để lên trên gác và dựng lại cây bông 3 tầng khác nghĩa là sức khỏe của bà còn tốt.

Cuộc sống của người Mường được thu nhỏ trong lễ hội Pồn Pôông từ mời thần tổ Thung Chấn cùng vua út, vua ả, vua Cả tới những nhân vật dân gian như bà nhác, bà lắm lý lắm lẽ, Nàng ờm - Bồng Hương cho tới những động tác mô phỏng những sinh hoạt của con người như làm cỏ, cày, bừa, gặt lúa, xay lúa, giã gạo v.v... Nhạc cụ tham gia lễ hội Pồn Pôông gồm cồng đôi (1 cồng, 1 trống), xao lại (nhạc cụ tự thân vang làm từ ống tre già, do 2 hoặc 3 người đánh, mỗi người sử dụng 2 chiếc dập xuống sàn hoặc đập vào nhau). Các thành tố nghệ thuật như âm nhạc, nhảy múa, trò diễn qua lối trình diễn dí dỏm, hài hước nhưng không kém phần triết lý, sâu sắc đã mang đến sức cuốn hút, đưa lễ hội Pồn Pôông trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng đặc sắc của người Mường.

Trên đây là đôi nét về đời sống âm nhạc dân gian của dân tộc Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Trong cuộc sống ngày nay, do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài đất nước phải trải qua hai cuộc chiến tranh, sự tác động không nhỏ từ văn hóa của dân tộc đa số (người Kinh) và các dân tộc thiểu số khác trong quá trình cùng sinh sống, sự tác động của các phương tiện thông tin đại chúng, mà sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Mường đã có nhiều thay đổi. Những cuộc hát xường khi khách đến chơi bản, tục Séc bùa vào đầu năm mới chỉ còn lại trong ký ức của những người cao tuổi. Ôống ôi trước kia là người bạn tri kỷ của những chàng trai trẻ, là một trong những tiêu chuẩn để người đàn ông có thể lấy được vợ thì ngày nay rất ít thanh niên có thể thổi được.

Cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nếu một số dân tộc như Thái, Khơ mú, Hmông là chủ nhân của hệ thống nhạc cụ khá phong phú thì người Mường lại có khả năng đặc biệt về ca hát. Người phụ nữ tham gia vào các sinh hoạt âm nhạc của cộng đồng, đặc biệt họ còn được trao trọng trách giao tiếp với thần linh như vai trò của bà máy trong lễ hội Pồn Pôông. Dàn cồng Séc bùa của người Mường là một trong những dàn cồng hiếm hoi ở miền Bắc Việt Nam có sự tham gia của nữ giới.

Cũng như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam, mảng âm nhạc gắn với tín ngưỡng luôn được đồng bào bảo lưu, trong khi đó mảng âm nhạc dân gian gắn với sinh hoạt đời thường đang có nguy cơ mai một dần. Trước thực trạng đó, được sự hỗ trợ của các cơ quan văn hóa địa phương, sự nhiệt thành của những người yêu văn hóa truyền thống Mường, Câu lạc bộ Âm nhạc dân gian dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc đã được thành lập. Câu lạc bộ thu hút được khá đông các bạn trẻ tới sinh hoạt. Qua đó, nhiều tiết mục âm nhạc dân gian đã được đưa lên sân khấu, tham gia hội diễn, giới thiệu tới đông đảo người dân về nét đẹp của âm nhạc Mường.

Ngày nay, một bộ phận người dân ở huyện Ngọc Lặc vẫn ở nhà sàn, mặc trang phục truyền thống, nói tiếng Mường, vẫn tiếp tục gìn giữ vốn âm nhạc dân gian mà cha ông để lại đó chính là những yếu tố tích cực để góp phần duy trì sự bền vững của dân tộc, làm giàu có thêm bản sắc văn hóa 54 dân tộc Việt Nam.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN TỚI VIỆC SƯU TẦM, 
BẢO TỒN NHẠC CỤ CỦA CÁC TỘC THIỂU SỐ

(thông qua trường hợp nhạc cụ của người Khơ mú ở Việt Nam  )                                                                                           

Tạ Quang Động                                                                       

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và hầu như tất cả các tộc người đều có vốn nhạc cụ truyền thống riêng của dân tộc mình. Vì vậy, số lượng nhạc cụ của 53 tộc người thiểu số có tới vài trăm loại nhạc cụ khác nhau. Đó là một kho tàng nhạc cụ phong phú, đa dạng và rất có giá trị. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay, kho tàng nhạc cụ đó đang bị mai một. Việc mai một không chỉ là sự mất đi của bản thân nhạc cụ đó mà còn là nguyên nhân mất mát của hàng loạt các khía cạnh văn hóa nghệ thuật liên quan tới chúng.

Trong bản tham luận này, chúng tôi sẽ trình bày những vấn đề trên thông qua trường hợp nhạc cụ của người Khơ mú ở bản Thàn, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La và một vài suy nghĩ liên quan tới việc sưu tầm, bảo tồn nhạc cụ của các tộc thiểu số.

1. Đôi nét về nhạc cụ người Khơ mú

Trước kia, tộc người Khơ mú rất quan tâm tới việc sử dụng nhạc cụ. Họ sáng tạo và sở hữu nhiều loại nhạc cụ khác nhau và làm cho những nhạc cụ đó trở nên hữu ích, gắn bó với đời sống sinh hoạt của con người. Gắn liền với nhạc cụ đó, người Khơ mú còn sáng tạo ra một hệ thống bài bản âm nhạc phong phú, phù hợp với đặc tính của các loại hình sinh hoạt trong cuộc sống. Trong các dịp vui của cộng đồng, họ sử dụng các nhạc cụ như bring (trống to), rbang (chiêng đồng), tầm pựt (trống vỗ 2 mặt), ôm đing (ống dỗ) để đệm cho các điệu múa. Khi trên nương rẫy, họ sử dụng các nhạc cụ như rbang họa (chiêng khỉ), pí t’rê lêm, pí hôr ôr, pí tót, đao đao để xua đuổi muông thú vào phá hoại mùa màng, để giải trí khi nghỉ ngơi, để đi đường, để gọi nhau về bản sau ngày làm việc; khi đi chơi bạn gái thì sử dụng các loại nhạc cụ như sung cul (khèn), tần hệch (đàn dây kéo), pí pặp, pắt grôông (đàn môi), pung sul, pí lang plang. Ngoài ra, người Khơ mú còn có một công cụ chọc lỗ tra hạt rất đặc biệt, nó có thể phát ra âm thanh vui tai trong khi lao động để quên đi mệt nhọc.

Hiện nay, nhạc cụ của người Khơ mú không còn gắn bó mật thiết với các sinh hoạt trong đời sống thường ngày như trước kia. Vì vậy, mà kinh nghiệm chế tác nhạc cụ cũng không có điều kiện để phổ biến rộng rãi đối với lớp trẻ. Qua khảo sát năm 2004, chúng tôi nhận thấy rằng: người Khơ mú ở đây chỉ còn rất ít người biết chế tác nhạc cụ của dân tộc mình. Trong số đó chủ yếu là những người đã ở độ tuổi cao nhất trong bản. Nếu những nghệ nhân này mất đi khi chưa kịp truyền lại kinh nghiệm chế tác cho thế hệ sau thì bản thân nhạc cụ đó cũng sẽ mất theo cùng những khía cạnh văn hóa nghệ thuật khác liên quan tới chúng. Chúng ta hãy tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này qua mục tiếp theo.

2. Hệ quả của sự mai một nhạc cụ và các kinh nghiệm chế tác nhạc cụ

Qua trường hợp nhạc cụ của người Khơ mú, chúng tôi nhận thấy rằng: mất kinh nghiệm chế tác, mất nhạc cụ là nguyên nhân gây ảnh hưởng không tốt tới một số khía cạnh sau đây:

2.1. Mất hệ bài bản âm nhạc

Trước đây, người Khơ mú ở bản Thàn biết chế tác nhạc cụ pắt grôông (đàn môi) nhưng hiện tại không còn nghệ nhân nào biết chế tác nó cho nên những bài bản âm nhạc của nhạc cụ này cũng mất mát theo.

2.2. Mất một số kỹ thuật diễn tấu độc đáo

Mất nhạc cụ thì đồng thời tất yếu cũng sẽ dẫn tới việc mất đi kỹ thuật diễn tấu.

2.3. Mất một số âm sắc nhạc cụ độc đáo

 Mất đi kinh nghiệm chế tác nhạc cụ thì đồng thời nó cũng mất đi âm sắc độc đáo của các nhạc cụ đó.

2.4. Sự tinh tế trong khả năng thẩm âm cũng bị mai một

Mất đi kinh nghiệm chế tác nhạc cụ thì đồng thời nó cũng mất đi sự tinh tế trong việc thẩm âm của tộc người đó. Khi phục hồi nhạc cụ pí t’rê lê lêm của người Khơ mú ở bản Thàn, nghệ nhân bảo chiếc này hay, chiếc kia chưa hay nhưng chúng tôi không thể phân biệt được chất lượng âm thanh của 2 nhạc cụ đó. Nếu như tộc người này không chế tác và chơi nhạc cụ đó nữa, thì đến một ngày nào đấy, người Khơ mú cũng không thể phân biệt được chất lượng âm thanh của nhạc cụ đó.

2.5. Mất một số sinh hoạt văn hóa

Trong một số trường hợp nhất định, mất nhạc cụ, mất đi hệ bài bản có thể làm mất đi một hình thức sinh hoạt văn hóa nào đó. Chẳng hạn, có nghệ nhân Khơ mú biết thổi pí pặp để ru con, ru cháu nhưng nay không có nhạc cụ thì họ chỉ còn một hình thức ru con bằng hát.           

2.6. Thay đổi một số quan niệm truyền thống

Việc mai một nhạc cụ còn có thể làm mất đi một trong những tiêu chí đánh giá con người theo quan niệm truyền thống. Giống như một số tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam, người Khơ mú cũng quan niệm rằng: khi đi chơi gái buổi tối mà không thổi khèn, thổi sáo thì không phải là người đàng hoàng. Bởi vì đi không nghe thấy tiếng khèn, tiếng sáo mà có tiếng chó sủa người ta bảo đó là kẻ gian.

 

3. Một số suy nghĩ và gợi ý liên quan tới việc sưu tầm, 
    nghiên cứu và bảo tồn nhạc cụ

Trong phần này chúng tôi chỉ tập trung vào 2 khía cạnh mà chúng tôi cho là có mối gắn bó mật thiết với nhau và có tác dụng quan trọng trong việc bảo tồn các nhạc cụ cùng những giá trị văn hóa nghệ thuật của chúng. Đó là: chế tác nhạc cụ và kỹ thuật diễn tấu.

3.1. Một số vấn đề liên quan tới việc chế tác nhạc cụ

Căn cứ vào những dẫn chứng đã nêu ở phía trên: mất kinh nghiệm chế tác thì sẽ mất theo hàng loạt các khía cạnh khác như đã trình bày. Như vậy, trong việc sưu tầm, nghiên cứu, chúng ta cần phải lưu ý cả chuyện kinh nghiệm chế tác để duy trì nhạc cụ đó. Một mặt, tạo điều kiện để nghệ nhân truyền lại kinh nghiệm chế tác nhạc cụ cho lớp trẻ. Mặt khác, thu thập đầy đủ tư liệu bằng nhiều phương tiện khác nhau như ghi chép, thu thanh phỏng vấn, đo đạc mẫu âm thanh, ghi hình về quá trình chế tác các nhạc cụ như.

3.1.1. Cách chế tác và những vấn đề cần chú ý

- Chọn nguyên liệu, chẳng hạn, theo kinh nghiệm của một số nghệ nhân cho biết, đối với nhạc cụ có chất liệu là tre, nứa thì phải lấy vào mùa hanh khô và phải chặt vào cuối tháng âm lịch thì mới không bị mối mọt và âm thanh mới hay. Với một số nghệ nhân có kinh nghiệm, họ còn biết chọn loại nứa, độ tuổi của nứa, vùng đất nào có loại nứa tốt để làm nhạc cụ…

- Xử lý nguyên liệu, sau khi lấy tre, nứa về thì nên thực hiện như thế nào: hong khô hay phơi nắng, để gác bếp hay ngâm nước… thời gian là bao lâu.

- Phương thức chế tác được thực hiện như thế nào: công cụ chế tác, phương pháp đo đạc dân gian, cách thức chế tác, chỉnh sửa âm thanh, thử âm thanh…

3.1.2. Những phương thức nhằm duy trì, truyền bá các kỹ thuật chế tác

- Qua thực tế điền dã chúng tôi nhận thấy rằng: không phải nghệ nhân chế tác nhạc cụ nào cũng nắm vững tri thức về kinh nghiệm chế tác những nhạc cụ mà họ làm ra. Điều đó làm cho chất lượng âm thanh và độ bền của nhạc cụ không được đảm bảo làm ảnh hưởng đến chất lượng âm nhạc do nhạc cụ đó thể hiện. Nếu như các nhà nghiên cứu có thể đúc kết được kinh nghiệm hay từ các nghệ nhân chế tác nhạc cụ thì có thể phổ biến tri thức đó cho cộng đồng tộc người đó được biết và làm theo.

- Để kinh nghiệm chế tác nhạc cụ được bảo tồn thì trước hết phải duy trì được các sinh hoạt văn hóa trong cuộc sống. Nếu sinh hoạt văn hóa ấy còn được tiếp tục duy trì trong cộng đồng, đương nhiên họ phải chế tác nhạc cụ.

- Hỗ trợ kinh phí để nghệ nhân có thể khôi phục lại những nhạc cụ đã bị mai một đối với những trường hợp sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cổ truyền vẫn còn tồn tại trong cộng đồng và vẫn còn người biết chế tác nhạc cụ đồng thời biết kỹ thuật diễn tấu của nhạc cụ đó. Tôi đã gặp những trường hợp tương tự mà lý do cản trở việc khôi phục nhạc cụ chỉ là vấn đề tài chính. Chẳng hạn, một số nghệ nhân Khơ mú cho biết, họ vẫn thích sử dụng nhạc cụ bring (trống to) và rbang (chiêng đồng) trong những dịp lễ hội, mừng nhà mới nhưng không có điều kiện kinh tế để phục hồi.

- Giới thiệu, truyền bá nhạc khí đó với đông đảo công chúng hơn, cho các tộc trong cả nước thì sẽ có nhiều người tìm đến, sử dụng nhạc cụ đó, như thế họ có nguồn để họ bán và duy trì nó. Chẳng hạn, nhạc cụ đao đao và nhạc cụ rbang họa của người Khơ mú đã được một số đoàn nghệ thuật trong nước khai thác, sử dụng và đặt mua của nghệ nhân.

3.2. Những vấn đề liên quan tới kỹ thuật diễn tấu

3.2.1.Truyền bá các kỹ thuật diễn tấu hay, độc đáo trong cộng đồng

 Ngay cùng một tộc người, nhưng tri thức về sự phát hiện, sáng tạo trong việc khai thác khả năng diễn tấu của nhạc cụ là không giống nhau ở những vùng khác nhau. Chẳng hạn, đối với nhạc cụ đao đao ở vùng này chỉ biết đệm tiết tấu hoặc độc tấu với giai điệu đơn giản; nhưng ở vùng kia lại biết luyến láy, hòa tấu 2 nhạc cụ đao đao với nhau. Điều này liên quan tới một vấn đề là, nếu như các nhà nghiên cứu có thể đúc kết được, tìm ra được những kỹ thuật diễn tấu hay nhất của các nhạc cụ đó ở một vùng nào đó và giới thiệu ngược trở lại cho cộng đồng tộc người đó ở những vùng khác nhau biết được những cái hay của vùng này hoặc những cái hay của vùng khác để họ học hỏi lẫn nhau. Điều này sẽ giúp cho tộc người đó nâng cao, phát triển kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ của tộc mình.

3.2.2. Truyền bá các kỹ thuật diễn tấu cho giới âm nhạc chuyên nghiệp

Có thể khai thác các kỹ thuật diễn tấu hay phổ biến cho các nghệ sỹ trong giới âm nhạc chuyên nghiệp để họ lại nâng nó lên một mức cao hơn. Rồi sau đó đưa trở lại cho cái tộc đó để họ yêu thích và khai thác nó.

3.2.3. Giáo dục ý thức

Hiện nay, lớp trẻ của người Khơ mú chưa thấy hết được cái hay, cái đẹp trong vốn nhạc cụ truyền thống của tộc mình. Vì vậy, cần phải  giáo dục cho họ ý thức về vẻ đẹp, sự độc đáo, sự thông minh sáng tạo trong việc chế tác nhạc cụ, kỹ thuật diễn tấu và các yếu tố khác liên quan đến chính những nhạc cụ truyền thống để họ tự hào với nhạc cụ ấy. Khi sưu tầm nhạc cụ của người Khơ mú ở bản Thàn năm 2004, cách thức này đã làm cho  lớp trẻ tham gia nhiệt tình hơn trong việc phục hồi lại vốn âm nhạc - trong đó có nhạc cụ truyền thống của họ.

Kinh nghiệm chế tác và kỹ thuật diễn tấu là hai yếu tố luôn gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau, tạo điều kiện cho sự phát triển, hoàn thiện để đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của tộc người đó. Chẳng hạn với nhạc cụ đao đao: nếu nghệ nhân không phát hiện để tạo ra các lỗ bấm cho nhạc cụ này thì không có các kỹ thuật luyến láy, chơi giai điệu, độc tấu, hòa tấu…, ngược lại có vùng không biết sử dụng kỹ thuật này nên các lỗ bấm không quan trọng đối với họ và thực tế đã có người không khoét lỗ bấm cho nhạc cụ này. Vì thế, trong việc sưu tầm, bảo tồn nhạc cụ của các tộc ít người, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm để làm sao có thể bảo tồn song song cả hai yếu tố này.

 

 

VỀ TÍNH “BỀN VỮNG” CỦA ÂM NHẠC DÂN GIAN TRONG ĐỜI SỐNG 
MỘT SỐ DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÍA BẮC VIỆT NAM QUA KHẢO SÁT, ĐIỀN DÃ

Hoàng Anh Thái - Ths. Phạm Minh Hương

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó chiếm đa số là dân tộc Kinh (hay còn gọi là Việt), sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng và 53 dân tộc thiểu số sống rải rác ở các vùng rừng núi và cao nguyên. Tuy nhiên, cũng có dân tộc thiểu số sống tập trung hoặc xen kẽ với dân tộc Kinh ở vùng đồng bằng và ven biển. Về mặt địa lý, Việt Nam nằm ở ngã tư của Đông Nam á. ở Việt Nam có mặt tất cả các ngữ hệ của Đông Nam á.

Trong bối cảnh hội nhập giao lưu với nhiều biến chuyển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam, mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam một mặt gìn giữ, bảo tồn âm nhạc truyền thống của riêng mình, mặt khác vẫn phát triển nắm bắt cái mới. Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều hình thức nghệ thuật dân gian không còn được bảo lưu nguyên vẹn hoặc ít có cơ hội tái hiện trong đời sống đương đại. Nhận rõ giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của âm nhạc truyền thống, chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua các dự án phi vật thể nhằm gìn giữ và phát huy vốn di sản văn hóa nghệ thuật của đất nước trước nguy cơ mai một.

Viện Âm nhạc với chức năng sưu tầm - nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân gian dân tộc đã tham gia vào các hoạt động này. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, từ 2005-2009, Viện Âm nhạc đã thực hiện được nhiều dự án sưu tầm âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc thiểu số ở 18 tỉnh trong cả nước. Nhìn trên bản đồ Việt Nam, có thể thấy đoàn sưu tầm Viện Âm nhạc đã đi từ vùng núi phía Bắc - đến cao nguyên Trung Bộ - vào đồng bằng Nam Bộ và đã đặt chân đến cực Bắc (tỉnh Hà Giang) và cực Nam (tỉnh Cà Mau) của đất nước.

Bản tham luận này sẽ đưa ra những ví dụ cụ thể được chứng kiến trong quá trình khảo sát thực tế, phỏng vấn trực tiếp người dân địa phương tại các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam vào năm 2006, đó là Vĩnh Phúc, Lào Cai và Lạng Sơn. Tại các tỉnh này chúng tôi đã thu được một số loại hình âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn của 9 dân tộc: Sán dìu, Cao lan, Dao quần chẹt (Vĩnh Phúc); Giáy, Hmông, Dao đỏ (Lào Cai); Tày, Nùng (nhóm Nùng phàn s’lình, Nùng cháo và Nùng inh), Sán chay (Lạng Sơn).

Qua thực tế nhận thấy, nghệ thuật âm nhạc của mỗi dân tộc thiểu số đều có bản sắc và phong cách riêng, với các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ, các điệu múa phong phú gắn với màu sắc trang phục. Chúng có mặt trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống xã hội thường ngày cũng như trong các nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số, và hiện nay vẫn được người dân lưu giữ một cách tự nguyện, có ý thức. Việc duy trì âm nhạc dân gian của các cộng đồng dân tộc thiểu số này được duy trì dưới hai dạng: Duy trì tự phát tại cộng đồng và duy trì với sự hỗ trợ nhà nước.

1. Duy trì tự phát tại cộng đồng

Có hai cách duy trì tự phát tại cộng đồng:duy trì chính trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày và biểu diễn trên sân khấu.

Duy trì trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày được thấy có nhiều thể loại dân ca, nhạc cụ và múa.

Dân ca: Các bài Hát ru có giai điệu nhẹ nhàng, êm ái cùng với lời ca mộc mạc, giản dị là điểm chung dễ nhận thấy ở nhiều dân tộc. Bên cạnh đó, một vài dân tộc ở Lào Cai vẫn còn duy trì được hình thức Hát kể. Người Dao đỏ có lối hát kể Sự tích mẹ Âu Cơ. Mang nội dung than thân trách phận là các bài dân ca Tiếng hát mồ côi, Tiếng hát làm dâu… của người Hmông. Tại Lào Cai chúng tôi cũng được tiếp xúc với những bài Hát chăn trâu, chăn vịt của trẻ em dân tộc Giáy. Nếu các loại hình sinh hoạt ca hát trên chỉ có ở một vài dân tộc, thì hình thức Hát giao duyên lại được bắt gặp ở hầu hết các dân tộc. Thông thường, những bài hát giao duyên này rất giàu chất thơ, do nam nữ thanh niên hát đối đáp với nhau và thường không cần nhạc đệm. Người ta hát giao duyên khi đi chơi, trên đường ra chợ, lúc đang làm việc, trong các dịp vui chung của cộng đồng như đám cưới, mừng năm mới… Vào ban đêm, khi ở trong nhà, một số dân tộc còn tổ chức hát giao duyên thành cuộc như dân tộc Giáy (Lào Cai), Sán dìu (Vĩnh Phúc), Nùng (nhóm Nùng phàn s’lình) và Sán chay (Lạng Sơn). Hình thức hát Soọng cô, một lối hát giao duyên đối đáp nam nữ phổ biến của người Sán dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là một ví dụ. Mùa hát Soọng cô thường bắt đầu từ cuối tháng chạp, khi công việc đồng áng đã xong và nhất là sau Tết nguyên đán, ra giêng các đám hát càng trở nên sôi nổi. Theo phong tục, người trong một làng không được hát với nhau. Vì vậy, trai gái làng này thường rủ nhau đến làng khác để hát. Cuộc hát thường được diễn ra ở nhà ngang hoặc trong bếp, không hát ở gian chính nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Hai bên chủ nhà và khách chia từng đôi nam nữ hát đối đáp với nhau. Mỗi đêm hát đều diễn ra theo một trình tự nhất định. Mở đầu chủ nhà (phải là đàn ông) hát trước, khách là gái hát trả lời với nội dung chào hỏi, xin phép gia chủ được tham gia. Tiếp đến hát hỏi chỗ ngồi vì lúc này chưa được chủ nhà cho phép nên vẫn đứng ngoài thềm. Khi khách đã vào nhà, gia chủ hát các bài mời trầu, mời nước, dần dà hát thăm dò ý nhau, tìm hiểu quê quán, nghề nghiệp, gia sự. Về khuya thì hát đố, hát thi với nhau. Trời sáng chuẩn bị ra về, vừa tiễn nhau vừa hát dặn dò, chia tay và hẹn hò cho cuộc hát tới. Theo người già nói thì lời hát Soọng cô có tới hàng nghìn bài thơ với hàng vạn câu thơ 7 chữ. Trong cuộc hát, người hát trước dẫn những câu thơ trong sách ra đố, người đáp cũng phải thuộc những câu phù hợp có ở trong sách để hát đáp lại.

Ngoài ra, ở các dân tộc này cũng có những bài Hát cúng chủ yếu do đàn ông đảm nhiệm với sự phụ họa của nhạc cụ. Tùy từng nghi lễ mà có thể có một hoặc nhiều nhạc cụ cùng phối hợp.

Nhạc cụ của các dân tộc được thấy thuộc các nhóm nhạc cụ: hơi, màng rung, tự thân vang với cách chế tác khá đa dạng. Ví dụ như cách chế tác các nhạc cụ hơi của người Hmông: có loại không cần chế tác như kèn lá,  cũng có loại được chế tác kết hợp giữa các chất liệu thiên nhiên với kim loại như sáo dọc, sáo ngang, kềnh hoặc được làm hoàn toàn bằng kim loại như đàn môi. Nói chung, việc sử dụng nhạc cụ của các dân tộc luôn gắn liền với các sự kiện của đời sống xã hội và được quy định khá rõ ràng. Một số được dùng trong sinh hoạt hàng ngày nhưng một số khác chỉ được dùng trong đám cưới, đám tang và các nghi lễ tín ngưỡng. Chẳng hạn, ở dân tộc Hmông, các nhạc cụ như sáo ngang, kèn lá, đàn môi được sử dụng mang tính chất thuần giải trí trong sinh hoạt hàng ngày, riêng kềnh chỉ được dùng trong đám tang. Đối với các dân tộc Sán dìu, Dao quần chẹt, Cao lan, Nùng, nhạc cụ chủ yếu được chơi theo cách hòa tấu. Các nhạc cụ này không sử dụng trong sinh hoạt đời thường mà chỉ dùng đệm cho các điệu múa trong đám cưới, trong các nghi lễ tín ngưỡng.

Múa: Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi có ghi hình được một số nghi lễ tín ngưỡng của các dân tộc như lễ Cấp sắc(Dao quần chẹt); lễ Phá ngục, lễ thỉnh Phật trong tang ma (Sán dìu), lễ Khao tổ (Nùng cháo); lễ hội Lồng tồng (Nùng inh); lễ Nhảy tam thanh, Xuống đồng (Cao lan). Các nghi lễ này thường kéo dài với nhiều đoạn, nhiều phần, trong đó các động tác múa và âm nhạc đóng một vai trò vô cùng quan trọng để tạo ra sự hoàn thiện cho toàn bộ nội dung của lễ cúng.

Sự giao thoa văn hóa: Đồng thời với việc duy trì âm nhạc dân gian của chính dân tộc mình, ở một số dân tộc có hiện tượng giao thoa nghệ thuật. Các dân tộc cư trú trong cùng một vùng, một địa phương có thể dễ dàng tiếp xúc với nhau. Qua giao tiếp, mỗi dân tộc có thể hấp thu, vay mượn của các dân tộc khác để làm phong phú thêm vốn âm nhạc của mình. Chẳng hạn màn hát Soọng cô mời trầu, mời nước của dân tộc Sán dìu xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có chịu một số ảnh hưởng từ hình thức hát Quan họ của dân tộc Kinh (trong xã Đạo Trù chỉ có hai dân tộc Sán dìu và Kinh). Hoặc một ví dụ khác, trong truyền thống của người Giáy ở xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai chỉ có cây sáo ngang, nhưng do sống gần người Hmông, họ đã có thêm cây sáo lưỡi. Tại đây, chúng tôi đã gặp chị Hoàng Thị Loan (1968) thổi sáo lưỡi gà rất hay và được chị cho biết: “Sáo này người Giáy không làm mà đi mua của người Hmông, từ trước đã như thế rồi. Lúc thổi do cách đặt tay khác nên tạo ra những âm không giống với người Hmông.” Tại xã Tả Van, chúng tôi cũng có cuộc phỏng vấn già bản Sần Tráng (1943) và được biết: “Hiện nay, nhạc cụ của người Giáy có sáo lưỡi và cả kèn lá, đàn môi đều là hiện tượng giao thoa giữa các dân tộc. Người Giáy cũng có sáo nhưng là sáo không có lưỡi và chỉ có con trai sử dụng”.

 Duy trì và truyền bá bằng cách biểu diễn trên sân khấu

Hiện nay, do giao thông đi lại khá thuận lợi, dễ dàng nên có đông du khách trong và ngoài nước đến với các vùng núi. Yếu tố này đã tác động đến các cư dân miền núi và có khuynh hướng làm họ thay đổi. Thời điểm chúng tôi đến Lào Cai, hàng tuần vào tối thứ bảy ở thị trấn Sa Pa có diễn ra chợ tình. Du khách đến chợ tình Sa Pa không chỉ mua bán hàng hóa mà còn được nghe những giai điệu dân ca hay tiếng khèn, sáo, đàn môi của nam nữ thanh niên người dân tộc. ở đây, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đưa những làn điệu dân ca, nhạc cụ của dân tộc mình lên biểu diễn trên sân khấu. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với anh Giàng A Nhà (1975) - người dân tộc Hmông đu. Anh Giàng A Nhà cho biết: “Tôi thường chơi sáo ngang (chu trạn p’lai) và đàn nhị (gâux lao zăng) đều là nhạc cụ do nam giới Hmông đu sử dụng để bày tỏ tình cảm với bạn gái. Nó chỉ dành cho đôi trai gái nghe với nhau. Bây giờ đưa lên trên sân khấu biểu diễn thì có nhiều người, cả người dân tộc khác cùng nghe. Chúng tôi chơi nhạc và được trả tiền. Chúng tôi có thểkiếmsống bằng nghề nhạc.”

Có thể nói, việc duy trì âm nhạc truyền thống theo cách đưa lên sân khấu đã đặt âm nhạc dân gian trong một môi trường mới, khác với môi trường mà nó tồn tại. Tuy nhiên, với cách làm này, có thể phổ biến được nhiều thể loại âm nhạc dân gian tới đông đảo quần chúng, giúp cho người Việt Nam biết được âm nhạc dân gian của các dân tộc thiểu số ở các vùng miền khác nhau. Cho thấy, việc đưa vốn nghệ thuật truyền thống các dân tộc lên biểu diễn ở sân khấu đã trở thành lợi thế trong việc công nhận vai trò tính dân tộc trong môi trường văn hóa xã hội.

2. Hoạt động duy trì và bảo tồn vốn nghệ thuật dân gian của các dân tộc 
    thiểu số với sự khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước

Để duy trì, gìn giữ âm nhạc truyền thống, giáo dục đóng vai trò rất lớn. Bên cạnh nhiều hỗ trợ khác của nhà nước, trong quá trình thực hiện dự án tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai và Lạng Sơn năm 2006, Viện Âm nhạc có hỗ trợ tài chính để mở các lớp truyền dạy âm nhạc dân gian tại từng địa phương. Như chúng ta đều biết, âm nhạc dân gian được bảo tồn trong trí nhớ của con người và được truyền dạy theo phương pháp trực tiếp (truyền khẩu). Để có thể bảo tồn những di sản văn hóa âm nhạc mà các nghệ nhân còn lưu giữ được, tại mỗi điểm khảo sát chúng tôi đã tập hợp những nghệ nhân giỏi, nổi tiếng được cộng đồng công nhận, để họ trực tiếp truyền dạy âm nhạc dân gian cho chính cộng đồng mình. Đối tượng học gồm nhiều lứa tuổi, bên cạnh những người trung tuổi là lứa tuổi thanh niên và cả các em còn nhỏ tuổi. Việc truyền dạy đã được đông đảo người dân ở các địa phương tích cực tham gia và hưởng ứng nhiệt tình.

Mục đích của việc mở các lớp truyền dạy giúp cho thành viên của cộng đồng các dân tộc thiểu số ý thức được giá trị không có gì thay thế được của di sản nghệ thuật của họ, cũng như về sự cần thiết phải bảo tồn và lưu truyền nó. Đồng thời khích lệ lòng tự hào, tình yêu của quần chúng, đặc biệt là lớp thanh niên trẻ với những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Hiện nay làm thế nào để duy trì bản sắc dân tộc trong khi tiếp nhận những tác động từ việc giao lưu hội nhập? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào thế hệ trẻ, những người cần có ý thức học tập và giữ gìn âm nhạc của chính mình. Họ phải nhận thức được vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ âm nhạc truyền thống để chúng luôn được sống mãi với thời gian. Đây chính là điểm quan trọng tạo ra sự bền vững trong nhận thức của thế hệ trẻ.

Thực tế cho thấy, cùng với cộng đồng, sự hỗ trợ của nhà nướcđã tiếp thêm sức sống cho nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số. Sự chung tay giữa nhà nước và cộng đồng trong việc chấn hưng âm nhạc truyền thống đã tạo nên nền tảng bền vững cho công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy vốn di sản âm nhạc của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại.

 Như vậy, có thể thấy âm nhạc có mặt trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống xã hội thường ngày cũng như trong sinh hoạt nghi lễ tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số. Các hình thức âm nhạc truyền thống được tồn tại là kết quả của một quá trình bảo tồn và duy trì của các dân tộc thiểu số. Chính sự duy trì âm nhạc truyền thống đã làm cho bản sắc của mỗi dân tộc được gìn giữ và phát triển bền vững. Nó cũng cho thấy mỗi dân tộc chỉ có thể tồn tại và tạo nên sự khác biệt khi nền văn hóa dân gian được bảo tồn. Qua những điều đã trình bày ở trên, chúng tôi hy vọng được chia sẻ kinh nghiệm của mình với quý vị trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

[1]. Văn bản Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010-2015. Hà Nội, 5-2010, tr. 131.

[2]. Tài liệu đã dẫn, tr. 148.

Tags : quốc gia tụ họp tham dự hội nghị vinh dự đăng cai tổ chức sự kiện khoa học chủ tịch tham luận thảo luận quốc tế hiện nay sưu tầm người ở sơn la thiểu số vấn đề nhạc cụ trường hợp