Tah rughơm - làn điệu Dân ca độc đáocủa người Raglai ở Khánh Hòa

NGUYỄN VĂN HẢO

Bài viết đề cập đến môi trường diễn xướng, phong cách âm nhạc
của làn điệu 
Tah rughơm của người Raglai ở Khánh Hòa.

Từ khóa: Nguyễn Văn Hảo, Nhạc cổ, Dân ca Raglai                                                                                                  

 Cùng với các loại hình văn học - nghệ thuật truyền thống khác, dân ca có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Raglai ở Khánh Hòa. Người Raglai ở Khánh Hòa có nhiều làn điệu dân ca như: Alơu, Du, Majieng, Ritu, Siri, Tah rughơm, Sangơi, Mađu, Akhacađam..., mỗi làn điệu có từng nội dung và đặc điểm diễn xướng riêng, song tất cả đều mộc mạc, gần gũi. Trong số các làn điệu dân ca trên đây, làn điệu Alơu, Du, Majieng, Ritu, Siri… khá phổ biến, được đồng bào yêu thích và hát ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, Tah rughơm lại là một làn điệu dân ca ít được đồng bào Raglai nhắc đến, hoặc nhắc đến nhưng không dám hát bởi nó ẩn chứa những điều đặc biệt đối với đồng bào nơi núi rừng, nương rẫy. 

1. Môi trường diễn xướng và nội dung của làn điệu Tah rughơm

Tah rughơm là một làn điệu dân ca cổ xưa của người Raglai. Do có một sự ràng buộc nào đó về mặt tâm linh nên đồng bào không dám hát làn điệu Tah rughơm, vì vậy ngày nay số người biết về làn điệu dân ca này rất hạn chế.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế Sang tuy chưa được nghe hát làn điệu Tah rughơm, song ông cũng có được một vài thông tin về làn điệu do đồng bào kể lại. Theo ông Nguyễn Thế Sang tìm hiểu, Tah rughơm là điệu hát đối đáp nam nữ - khúc hát về tình yêu. Nhân vật nam đóng vai TAXER, tức là CỌP NGƯỜI, khi đến với con người thì CỌP trở thành CON NGƯỜI, nhưng khi vào rừng lại hóa ra CỌP. Ông bà Raglai xưa truyền lại rằng: thuở xa xưa có đôi nam nữ yêu nhau, họ yêu hết gan hết bụng mà không thể nào lấy được nhau làm vợ làm chồng chỉ vì người nam là TAXER. Người nữ Raglai biết chắc chắn rằng không thể lấy được TAXER, nhưng vẫn yêu. Còn TAXER cũng không thể quên được mối tình chung thủy. Do đó, họ vẫn gặp nhau và mỗi lần gặp nhau là một lần TAXER phải tiễn người yêu về làng, cuộc chia tay nào cũng bịn rịn…

Theo thông tin của ông Nguyễn Thế Sang, Tah rughơm là điệu hát nói về mối tình trong trắng, cao thượng mà dang dở. Do vậy, khi hát nghe rất thống thiết và đến đoạn chia tay nhau, người nữ phải hát đối lại, hát ngược lại để tiễn TAXER về rừng, nếu không thì thương quá, nhớ quá! Phải hát đối lại như vậy để TAXER ra về được yên lòng, nếu không thì có thể “bị quở, bị bắt”...!

Cũng là làn điệu Tah rughơm, nhưng chúng tôi lại được ông Mấu Quốc Tiến - một người con của đồng bào dân tộc Raglai, đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cung cấp thông tin theo vấn đề khác. Ông Mấu Quốc Tiến cho biết, trong tiếng Raglai từ  “ruh”có nghĩa là cọp, “ghơm” là sấm sét, tức là nói đến cọp là nói đến sấm sét, rất ghê gớm. Như vậy, Tah rughơm là làn điệu hát về cọp với hai bài: Cọp đến  Cọp đi.

Người Raglai luôn coi mình là người con của núi rừng, họ tôn kính núi rừng vì bao đời nay họ gắn bó với núi rừng, sinh ra từ núi rừng và chết đi cũng ở núi rừng. Đồng bào quan niệm, Giàng nơi núi rừng rất linh thiêng, Giàng có thể cứu giúp con người hay trừng phạt con người. Từ những quan niệm này mà người Raglai gọi những con vật thiêng của núi rừng là Ông, là Bà như Ông Voi, Bà Voi. Khác với nhiều dân tộc, người Raglai không hành nghề săn bắn. Một con heo nếu bị sa bẫy bảo vệ mùa màng thì con heo đó không được làm của tư để đổi gạo, áo…vì đây là của trời cho nên miếng thịt phải được chia cho mọi gia đình. Không được bắt con vật ở rừng để cúng kính ông bà. Bởi vậy, việc giữ nương rẫy của người Raglai ở đây chỉ là để muông thú không phá hoại mùa màng, họ coi muông thú là con vật thiêng của núi rừng thiêng nên không bắn giết mà chỉ đuổi bằng tiếng kèn, tiếng sáo, hay những thanh đá kêu.   

Cọp là con vật thiêng của rừng thiêng và được đồng bào Raglai tôn kính gọi là Chúa Sơn Lâm. Nếu con người làm những việc sai trái thì cọp sẽ thế Trời, thế Giàng để trừng phạt. Xưa kia, vùng Thành Sơn và Sơn Lâm của huyện Khánh Sơn xuất hiện nhiều cọp, cọp hoành hành rất ghê gớm. Trong thời kỳ chống Pháp, cọp đã bắt rất nhiều người. Theo người Raglai, khi làm nhà cần chú ý đến hướng của người nằm sao cho đầu gối biển, chân gác núi vì cọp chỉ bắt người đằng đầu chứ không bắt đằng chân. Người Raglai cho rằng, nếu con người hiền với cọp thì cọp sẽ hiền lại, nếu con người ác với cọp thì cọp ác lại.

Như vậy, theo những gì mà chúng tôi ghi nhận được qua điền dã thì làn điệu Tah rughơm thực chất là hát về cọp. Vì người Raglai coi cọp là con vật thiêng nên họ “kiêng” hát làn điệu Tah rughơm, nếu có cũng chỉ hát trong hội mùa, trong lúc đông người, trong cuộc vui tập thể. Ông Mấu Quốc Tiến cho biết thêm: “theo các cụ, nếu đi rừng mà hát bài này một mình, hát không đủ câu, họ (cọp) đến mà không có đồ để nạp thì họ sẽ giận dữ, bắt người, bắt heo, bắt gà

Ông Mấu Quốc Tiến “mạnh dạn” hát bài Cọp đến với lời ca được ghi theo ký tự tiếng Raglai như sau:  

Vrai rai dighơm sađơm grơm manhĩ changđìq mũ changđơm grơm nãu manhĩ. Carang vang seq chưq khal valìq main si anghùq yư ghơu awan. Chapa wa wơn  va yuơn pathau main si garau va yuơn tuviaq. A pui si asaq mãq mal valìq main si culìq main sujau. Main si garau va liưq ralong lumah pu prong lumah cuơn. Avih thut anau va vilan vahrơu anãq urang catrơu va yuơn tuviaq. Anãq urang catrơu cong wang tubuaiq pròq jang huaiq pròq jang titua, anĩ tinhã pa hara inã lakieng. Uliơr oh truh laduh tacuai main si vinãi sabai tasi, nhơm jơng cuhìq nhơm jơng sijau. Main si garau va yuơn tuviaq apui si asaq mãq mal valìq .

Lời ca của bài hát Cọp đến  tạm dịch nghĩa tiếng Việt là:

“Gió ngàn thổi tiếng vi vu, cọp thiêng đến, cọp thiêng của nơi rừng thiêng, cọp thiêng của đất, của trời, của sấm kêu. Cọp đột nhiên hoành hành chính là ông trời giáng hạ trừng phạt chúng ta, như trời cho sét đánh. Sợ cọp bắt giết hại nên người giả con vật để tránh nhưng không thể nào tránh được, hãy đừng có đùa với Chúa Sơn Lâm. Cọp của rừng thiêng để cho ăn nhiều thịt khéo ăn nhầm cả con người. Người có lỗi sẽ bị trời sai quan lớn bắt tội. Người để mất giống má mùa màng thiêng liêng sẽ đáng phạt, hết năm cũ sang năm mới không nghi lễ ăn đầu lúa và tết lúa mới sẽ bị cọp thế trời dạy đời. Con người như sóc đi kiếm ăn, cũng phải ra khỏi nhà, rất nguy hiểm vì sự rình rập của nanh vuốt. Xin cúi đầu chào Chúa Sơn Lâm, con vật của rừng thiêng. Không đùa chơi với nanh vuốt, tránh sự trả thù nhau giữa loài người và cọp”.

Ông Mấu Quốc Tiến - người hát bài Cọp đến 
của làn điệu Tah rughơm (Ảnh: Nguyễn Văn Hảo) 

2. Một vài đặc điểm âm nhạc

- Về cấu trúc

Với cảm hứng tự nhiên, người Raglai đã hình thành cấu trúc bài hát Cọp đến của làn điệu Tah rughơm từ việc nhắc lại nhiều lần trên cơ sở một nét giai điệu chủ đạo ban đầu. Mỗi lần nhắc lại, nét giai điệu chủ đạo ban đầu được làm mới bằng những biến hóa đơn giản, cũng có khi là sự nhắc lại nguyên dạng.

Ví dụ sau đây cho thấy nét giai điệu chủ đạo gồm 7 nhịp đầu tiên, sau đó nét giai điệu được nhắc lại nguyên dạng (từ nhịp 8 đến 14) 

Cọp đến -làn điệu Tah rughơm(trích)

                                                                 Người hát: Mấu Quốc Tiến
                                                                              Tô Hạp  - Khánh Sơn – Khánh Hòa
                                                                                 Sưu tầm và ký âm: Nguyễn Văn Hảo  

  

 - Về thang âm

Bài Cọp đến của làn điệu Tah rughơm có thành phần âm gồm: Mi - La - Si - Rê - Mi. Dựa vào âm La luôn được nhấn mạnh như vai trò của chủ âm, chúng ta có thể sắp xếp cao độ bài hát này theo trật tự của thang 4 âm có cấu tạo gồm các quãng: 2 Trưởng - 3 thứ - 2 Trưởng. Các âm của thang âm kết hợp trong quan hệ quãng 4 đúng dưới hình thức lợp mái ngói.

         4 đúng        4 đúng


             2 Trưởng   3 thứ    2 Trưởng

 - Về nhịp điệu

Tương đồng với các bài bản Mã la như: Được mùa, Cầu mùa, Hội mùa, Lễ hội mừng lúa mới, Tuốt lúa, Chim kêu đêm, v.v… bài Cọp đến của làn điệu Tah rughơm có hình tiết tấu khỏe khoắn.

 


                                          (xem tiết tấu bài Cọp đến)

Khác với nhịp độ vừa phải hoặc chậm rãi của các làn điệu Alơu, Du, Majieng, Ritu… bài hát Cọp đến của làn điệu Tah rughơm có nhịp độ hơi nhanh. Yếu tố tiết tấu khỏe khoắn kết hợp cùng nhịp độ hơi nhanh đã tạo nên nhịp điệu của bài hát mạnh mẽ, thể hiện những bước chân hùng dũng của “Chúa Sơn Lâm”.

 -  Đường hướng chuyển động của giai điệu

Trong âm nhạc, mỗi hướng chuyển động của giai điệu sẽ phần nào diễn tả được tính chất tác phẩm, đem đến cho người nghe những cảm giác khác nhau. Đối với dân ca của người Raglai cũng vậy, các làn điệu Alơu, Du, Majieng, Ritu, Siri,... mỗi câu nhạc của các bài hát có đường nét chuyển động giai điệu theo hình lượn sóng đã tạo nên sự mềm mại và uyển chuyển.   

Không nằm trong lối tiến hành giai điệu có tính phổ biến của nhiều làn điệu nêu trên, giai điệu bài Cọp đến của làn điệu Tah rughơm lại xuất hiện những quãng nhảy xa đi xuống và phản hồi ngược hướng đi lên, điều này đã tạo nên đường hướng chuyển động gãy khúc trong giai điệu bài hát.

Có thể biểu thị đường hướng chuyển động của giai điệu bài hát Cọp đến như sau:

 Giai điệu chuyển động ở âm khu trầm cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tính chất chắc, khỏe của bài hát Cọp đến.

  *

Với lời ca mộc mạc của con người nơi núi rừng; với tính chấtâm nhạc mạnh mẽ, khỏe khoắn được xây dựng từ các yếu tố diễn tả như: thang âm, nhịp điệu, đường hướng chuyển động của giai điệu, tất cả đã kết hợp để tạo nên sự độc đáo trong bài hát Cọp đến của làn điệu Tah rughơm. Tuy đơn giản nhưng bài hát Cọp đến đã phần nào phản ánh đời sống lao động nông nghiệp nương rẫy và tín ngưỡng của người Raglai. Thực tế cho thấy hiện nay làn điệu Tah rughơm này đang có nguy cơ thất truyền nếu như chúng ta không nhanh chóng bảo tồn. Dù ít ỏi nhưng làn điệu Tah rughơm cũng đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống của người Raglai ở Khánh Hòa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Hảo (2013), Tìm hiểu dân ca của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa (Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ - Mã số: B2009 - 34 - 09)
2. Nguyễn Thế Sang (1998), Bước đầu khảo sát Folklore Raglai, Khánh Hòa - Diện mạo văn hóa một vùng đất - Tạp chí văn hóa thông tin Khánh Hòa (Tập 1).
3. Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, NXB Âm nhạc.
4. Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam (1993), Viện Văn hóa Nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tags : môi trường phong cách âm nhạc