Then - sân khấu kể chuyện tín ngưỡng bằng âm nhạc

ĐẶNG HOÀNH LOAN

Vào những năm 1954-1955, khi gia đình tôi từ Thanh Hóa hồi cư về quê cha đất tổ ở cái làng Thụy Hương - một làng có nhiều người làm quan cho chế độ phong kiến. Thời bấy giờ, nhà chúng tôi ở chỉ cách cái “Điện ông Thung” vài rặng rào ô rô. Mẹ thường dặn chúng tôi: cái điện ấy thiêng lắm không được sang đấy đùa nghịch.

Lúc bấy giờ tôi chưa đủ tuổi, đủ kiến thức để có thể nhận biết được dù chỉ một phần nhỏ ý nghĩa của công việc thờ cúng rất thường xảy ra trong cái điện này. Tuy vậy, hễ cứ đêm nào nghe tiếng trống, tiếng đàn là tôi cũng trốn mẹ sang xem. Tôi bị nơi đây hấp dẫn không phải bởi lời văn, không phải bởi cung đàn mà bị hấp dẫn bởi những trò khác đời của ông Thung.

Tôi nhớ đến không thể quên một lần ông đứng trước bàn hương trong điện thờ, tay cầm cái dùi xuyên thịt lợn xuyên qua hai má mình rồi rút qua một sợi lạt1. Sau đó ông buộc sợi lạt vòng một vòng trước mũi. Buộc xong, ông trợn mắt, hai chân nhảy giống như trẻ em nhảy “Hip hop” bây giờ, miệng quát mắng điều gì đấy nghe rất kì bí. Bỗng dưng ông hét lên một tiếng, rút sợi lạt khỏi hai má. Tôi nhớ rõ lắm, trên má ông không chảy một giọt máu nào. Ông cầm sợi lạt ấy ngoáy ngoáy vào bát nước, rồi lấy mấy thẻ nhang vòng trên bát nước mấy vòng. Một lần khác, đối với tôi còn khủng khiếp hơn lần trước. Lần ấy tôi thấy ông đảo người như kiểu võ sĩ học Túy quyền rồi ông dừng phắt lại, mặt trang nghiêm lấy con dao nhỏ xẻ dọc lưỡi mình. Tôi thấy rõ ràng hai tay ông cầm hai mảnh lưỡi tách ra. Tiếp theo ông cầm bát nước (có thể là bát rượu không chừng) rồi nhỏ mấy giọt máu từ vết rạch ấy vào bát nước. Ấy vậy mà chỉ sau khi ông ngậm miệng lại, lẩm nhẩm những lời gì đó, thế là mọi chuyện đã trở lại bình thường. Thú thực, hồi ấy tôi xem ông còn thú vị gấp nhiều lần xem xiếc của cụ Tạ Duy Hiển. Còn hai bát nước tôi kể trên dùng để làm gì thì sau này tôi mới biết, đó là bát nước của siêu linh, bát nước bùa phép ông dùng cho con bệnh.

Thế rồi khoảng giữa năm 1955, quê tôi tiến hành cải cách ruộng đất. Ông Thung không may bị “Đội Cải cách” tuyên án tử hình vì cái tội “tuyên truyền mê tín dị đoan, phản đạo đức cách mạng”. Ông chết, cái điện của ông bị phá bỏ, con cái ông Thung không còn theo nghiệp cha. Họ đã dời quê tứ tán đi kiếm ăn nơi xa. Từ đấy, dân quê tôi không ai còn nhắc đến ông, không ai còn có khả năng làm pháp thuật như ông. Cái nghề của ông vĩnh viễn bị chôn vùi cùng những năm tháng biến động xã hội ở quê tôi.

Mấy năm trở lại đây quê tôi được nhà nước chọn làm điểm để tiến hành xây dựng “Nông thôn mới”. Thế là vùng quê nghèo này đã có cột điện cao áp, có hệ thống đường giao thông mới làm, có nhà văn hóa rất to, có nhà thể chất rất lớn. Và người dân cũng đã phục hồi đền phủ cũ, xây thêm đôi ba đền phủ mới để hầu đồng. Tuy nhiên, các cô đồng về hầu ở đây, sau khi thánh nhập chỉ nhảy nhót, múa may theo các điệu nhạc xưa có, nay có, có cả tiết tấu nhạc Jazz phát ra từ đàn organ điện tử, tôi tạm gọi là nhạc “cổ - kim hội nhập” chứ không thấy có lối trình thánh, nhập đồng giống pháp thuật Thanh đồng của ông Thung.

Có lẽ ông Thung ở quê tôi thời ấy mới đúng là ông thầy Pháp (thầy Shaman, thầy Vu thuật) như giới nghiên cứu ngày nay thường đề cập đến trong các công trình nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng của mình. Nếu so với Vu Tiên Cô, nữ đạo sĩ thời Bắc Tống bên Tàu có thể đi trên lồng sắt nung đỏ thì ông Thung - ông thầy Pháp quê tôi cũng chẳng kém cỏi gì, thế mà ông bị tử hình. Còn Vu Tiên Cô lại được vua Huy Tông bên Tàu tặng danh hiệu Chân Nhân.

Rất tiếc tôi làm nghề sưu tầm âm nhạc dân gian cũng đã nhiều năm, cũng đã đi nhiều vùng của người Kinh nhưng chưa có dịp nào được xem lại cách hành lễ tín ngưỡng “thầy Pháp” như lối làm của ông Thung. Nếu như được xem lại thế nào tôi cũng được hưởng những phút giây trở lại tuổi thơ nhiều ký ức.

Vào những năm 80 thế kỉ XX cho đến hôm nay, tôi có nhiều lần được ngồi dự những đêm “Lẩu Then”, làm “Then Cầu mệnh”; nhiều lần được nghe các nghệ nhân Then hát Then ngoài lễ. Tôi thấy Then thật gần gũi, thật dung dị. Người ta trình diễn Then không khủng khiếp như cách làm Thanh đồng của ông Thung. Ấy vậy, mà tôi đã nhiều lần bắt gặp người ngồi dự lễ Then cũng nhảy vào chiếu Then, người cũng rung lên, ngả nghiêng theo tiếng hát điệu đàn của ông Then. Mặc dù lúc ấy ông Then không có một biểu hiện của sự xuất nhập thần nào để thôi miên người ngồi dự như kiểu xiên lình, xẻ lưỡi của ông Thung. Điều đó chứng tỏ hiện tượng người ngoài nhảy vào chiếu Then là do ma lực của “Sân khấu kể chuyện tín ngưỡng bằng âm nhạc”. Tôi nghĩ như vậy và xin được bày tỏ đôi ba ý kiến về suy nghĩ này.

Đâu là ma lực của Sân khấu kể chuyện tín ngưỡng Then bằng âm nhạc?

Theo chúng tôi, trước hết đó là không gian sân khấu thiêng. Sân khấu đó gồm hai phần: phần ban thờ ở trên cao, phần trình diễn của thầy Then ở phía dưới đối diện ban thờ. Ban thờ Then không tượng, không tranh, chỉ có đôi ba bát hương, đèn nhang, hoa quả, vàng mã, dây én, gà, vịt, thịt lợn, một cây cầu Hào quang, hoặc cây Cầu mệnh (tùy vào từng lễ Then). Nơi trình diễn chỉ có mấy chiếc chiếu trải liền nhau để thầy Then2 ngồi trình diễn (tôi tạm gọi chỗ này là chiếu Then). Song nó vừa đủ để tạo ra sự trang nghiêm, vừa đủ ấm cúng hướng người tới dự tập trung vào cuộc hành lễ.

Sau đó là câu chuyện Then. Câu chuyện Then là một trường ca bất hủ của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. Câu chuyện Then phản ánh mọi mặt từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, từ lịch sử đến các tập tục sinh hoạt của đồng bào các dân tộc này. Nhờ vậy, câu chuyện Then rất phù hợp với tâm lý, tình cảm, thị hiếu của mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Người ngồi tham dự một buổi lễ Then, ai cũng có thể tìm cho riêng mình một câu chuyện lý thú, một tình tiết ly kỳ, một vị thánh linh thiêng, một tập tục phù hợp từ câu chuyện Then để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, nhu cầu tâm linh, nhu cầu sống của riêng mình.

Cái tài của câu chuyện Then, của thầy Then kể chuyện là cách dẫn dụ người tham dự lễ Then từng bước, từng bước nhập vào thế giới huyền ảo của thiên nhiên, của đẳm tổ3, của thánh thần. Từ câu chuyện khi đoàn quân Then đi đến tám mươi ngọn của dãy núi Khau Cương, ngọn thì nắng lửa thiêu cháy da người, ngọn thì mưa dông xối xả nước lũ dâng trào, ngọn thì hoa thơm quả ngọt chim hót líu lo; đến câu chuyện ở chợ Tam Quang - chợ âm phủ trên trời. Nơi ấy có bán mọi thứ chẳng khác nào dưới trần gian: có chỗ bán vịt gà, có chỗ bán hươu nai săn được trong rừng, có nơi bán hoa rau muống trần gian nhưng khi lên Mường Trời lại hóa thành hoa đào nở sớm; có câu chuyện của ông tướng Nhọ chảo Mặt đen, ông có thể ngủ liền ba mươi năm không thức, sáu mươi năm không dậy. Nhưng khi ông bất thần trở mình tỉnh giấc thì trời nổi sấm chớp phong ba. Ông cất tiếng nói thì ầm vang như sấm động núi rừng. Thế là cái thật, cái ảo, cái phóng đại, cái linh thiêng, cái đời thường cứ đan xen vào nhau làm cho người tham dự thật khó dứt ra khỏi câu chuyện Then. 

Sau câu chuyện Then là âm nhạc Then. Âm nhạc Then là phương tiện quan trọng để chuyển tải tới người dự lễ Then toàn bộ nội dung câu chuyện về cuộc hành trình của đoàn quân Then. Đoàn quân phải đi khắp ba Mường: từ Mường Đất, xuống Mường Nước, lên Mường Trời và đi ngược lại để dâng lễ vật vào các cửa thánh thần, cửa tổ đẳm để tìm lại hồn vía (khoăn) đã mất trả về cho con người. 

Phương tiện âm nhạc đó là sự kết hợp cùng lúc hai hình thức: nhạc hát và nhạc đàn. Nhạc hát là hình thức âm nhạc chủ yếu, xuyên suốt thời gian mỗi cuộc hành lễ, nó chiếm tới trên 95% tổng thời lượng. Mỗi dòng Then, mỗi vùng Then thường có những điệu hát khác nhau (nhưng lại có chung âm hưởng Then). Những điệu hát ấy không có tên gọi, chúng được áp dụng một cách rất linh hoạt để thể hiện nội dung câu chuyện của mỗi chặng đường Then. Do vậy, người ta gọi tên điệu theo tên gọi của từng chặng đường Then. Ví dụ: chặng Tàng bốc thì gọi là Then Tàng Bốc, chặng Khảm hải thì gọi là điệu Then Khảm hải, chặng Vào chầu thì gọi là điệu Then  Chầu, v.v...

Những điệu Then ấy được hát lặp đi lặp lại ở nhiều chặng đường đi nộp lễ vào các cửa thần thánh khác nhau trong câu chuyện Then. Ấy vậy mà những điệu Then được hát đi hát lại ấy lại không làm cho người nghe nhàm chán. Nguyên do là từ lâu đời các thầy Then đã biết áp dụng các thủ pháp âm nhạc tưởng như đơn giản nhưng đã đem lại những hiệu quả bất ngờ. Họ cũng đã biết áp dụng các thủ pháp để Then hóa các điệu dân ca làm nó phù hợp với không khí âm nhạc của Then. Có thể tóm lại các thủ pháp đó như sau:

- Thứ nhất: hát có đệm tính, không đệm xóc nhạc

- Thứ hai: hát vừa đệm tính vừa đệm xóc nhạc

- Thứ ba: xướng Then có tiết tấu, có đệm tính đánh dây buông tạo ra âm trì tục trên nền xướng thơ

- Thứ tư: xướng Then có âm hình tiết tấu tự do không đệm tính

- Thứ năm: hát Sli, hát Lượn đối đáp với người dự lễ Then

- Thứ sau: bạch thoại

Tùy vào diễn biến của câu chuyện Then mà các thầy Then ứng dụng các điệu hát, các kiểu bạch thoại một cách hết sức tinh vi, linh hoạt. Ví như, khi biểu hiện sức mạnh của đoàn quân Then khi vượt biển, các thầy Then thường sử dụng cùng lúc cả nhạc hát, nhạc đàn và xóc nhạc. Tiết tấu hát được đẩy lên rất nhanh, xóc nhạc rung lên rộn ràng tạo ra sự thay đổi không khí âm nhạc của điệu hát. Nhưng khi đoàn quân Then dừng chân trước cửa một cung thần thánh nào đó, thì cũng điệu Then ấy, các thầy Then lại hát chậm rãi hơn, giọng hát cung kính hơn, trang trọng hơn và khi đó đương nhiên chỉ còn tiếng hát và tiếng tính. Cũng có khi đoàn quân Then tiễn quân đến không đến khái4của các nàng tiên trên cung trời, hoặc khi làm Then hoa trên cánh đồng các thầy Then thường có những cuộc hát đối đáp với người tham dự. Những cuộc hát đối đáp đó đã đem lại một không khí gần gũi, thân mật và rất đời xảy ra giữa lễ Then tín ngưỡng.

Nhạc đàn trong Then chủ yếu là nhạc Tính Then (cũng gọi là Tính Tảu). Nhạc tính Then rất ít khi giữ vai trò độc lập. Nó thường chỉ được tấu lên vào những lúc khởi đầu buổi lễ, hoặc khởi đầu một chặng đường Then sau những phút ngưng nghỉ giữa chừng (gọi là nghỉ hơi) của các thầy Then. Tuy nhiên, những khúc dạo tính lại làm thay đổi đáng kể cái không khí triền miên của giọng hát. Và chính nó là nhân tố tạo ra âm hưởng âm nhạc mới mẻ trong mỗi đêm lễ Then.

Không chỉ thế, những khúc độc tấu tính Then còn là sự thể hiện tài năng diễn tấu, khả năng ứng tác của mỗi thầy Then. Thật khó để có thể tìm được sự giống nhau ở mỗi câu đàn, mỗi ngón đàn không phải chỉ ở mỗi vùng Then mà ở ngay trong mỗi dòng Then, ở ngay trong một thầy Then. Điều thú vị ấy đã làm nảy sinh hiện tượng Tính Then - cây đàn đệm hát, ngày nay đã trở thành cây đàn độc tấu trên sân khấu Ca-Múa-Nhạc chuyên nghiệp.

Sau câu chuyện Then, âm nhạc Then là múa Then. Trong một lễ Then múa chỉ đóng vai trò khiêm tốn nhưng lại là một nghệ thuật không thể không có. Múa là cách thức để minh họa một cách sống động những  khoảnh  khắc nghi thức, hành quân, lao động, vui chơi của đoàn quân âm binh - đoàn quân ma của thầy Then khi đi nộp lễ vật lên đến các cửa thánh, cửa tướng, cửa tổ tiên ở các Mường. Đoàn quân âm binh ấy chỉ có các thầy Then mới có thể nhìn thấy, mới có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng những điệu múa, các thầy Then đã cụ thể hóa một phần công việc của các âm binh như múa khi vào chầu vua, múa khi chèo thuyền vượt biển, múa khi ông Then đón khách từ trên trời xuống, múa đá hoa dỡ cầu hào quang v.v... Những điệu múa ấy đã giúp người xem có những giây phút thay đổi tâm lí thưởng thức từ tưởng tượng sang trực quan. Đồng thời, múa cũng giúp cho người dự lễ những giây phút thăng hoa hòa nhập vào công việc của đoàn quân Then. Tôi đã được chứng kiến nhiều lần người ngồi dự lễ Then cũng nhảy vào chiếu Then múa may cùng các thầy Then cho đến lúc điệu múa dừng lại họ mới trở về vị trí5.

Có lẽ các thầy Then đã đánh giá đúng tầm quan trọng có tính quyết định để câu chuyện Then lôi cuốn người tham dự lễ Then, đó là: Âm nhạc Then và Múa Then. Trong lễ Kin Pang Then, phần lễ nhập Then gọi là Cặm Măn Khọ Púng (niệm chú xin thông họng) các thầy Then đã khấn:

Ơ... Thần Ý Liếng, Mẹng Ngoạng ơi

Xin cho giọng hát hay như ve ngoạng

Xin cho giọng hát vang như ý liếng

Tạo báo nọi ơi...

Xin cho đầu gối và các khớp của Then tôi dẻo dai

Xin cho khớp tay tôi mềm dẻo6

Yếu tố cuối cùng là khán giả Then (tức người đến dự lễ Then). Trong một lễ Then thường không bao giờ chỉ có thầy Then, người chịu lễ Then hoặc gia đình chịu lễ của thầy Then mà luôn luôn có đông đảo bà con thôn bản kéo đến dự. Ngoài việc đến để chia sẻ tình cảm với gia đình, với người chịu lễ Then, họ còn đến để được thưởng thức nghệ thuật hát kể chuyện Then tài tình, được đối thoại dí dỏm, hài hước, rất đời thường và được hát đối đáp trao duyên với thầy Then. Cũng có nghĩa là đến để được dịp tham gia trình diễn cùng thầy Then. Đồng thời họ còn là tác nhân gây nên sự thăng hoa của thầy Then trong quá trình biểu diễn trên sân khấu kể chuyện Then. Chả thế mà khi thầy Then nhập đồng “vai ông nội” lại hỏi: Lễ Then lần này có đông không? Bà con, họ hàng bản trên, bản dưới có về dự đông đủ không?”, “Về đông đủ là ông mừng”. Bởi “ông” hiểu rằng cái sự đông đủ ấy cũng là tác nhân giúp Then tồn tại và phát triển bền bỉ trong cộng đồng Then.

Để làm cho rõ giá trị nghệ thuật biểu diễn của Then tôi phải tách cái “kịch bản vở diễn âm nhạc Then” thành từng phần để phân tích. Còn trong quá trình làm Then các thầy Then đã diễn nó một cách hợp lý bằng sự kết hợp cùng lúc các phần riêng rẽ thành một chỉnh thể. Chỉnh thể ấy là chỉnh thể của sân khấu “Kể chuyện tín ngưỡng bằng âm nhạc” mà cái lõi là nhạc hát.

Thầy Then - người nghệ sĩ tài ba không cần dùng pháp thuật như ông Thung ở quê tôi độ nào, mà chỉ bằng giọng hát, thầy kể câu chuyện Then rành rẽ đến chi tiết từng trường đoạn hành trình của đoàn quân Then. Lối hát kể chuyện ấy đã ám ảnh rất mạnh tới những người sẵn có kí ức Then, sẵn bị ám thị bởi cái lạ thường của câu chuyện Then. Câu chuyện kể về một Mường Trời nơi ấy có Ngọc Hoàng Thượng đế, có tướng lĩnh và có cả thần dân là linh hồn của những người dưới trần gian đã khuất tụ về đây, có Mẻ Bioóc7, có Phật Bà Quan Âm; về một Mường Đất nơi cư ngụ của các loại ma - ma già, ma trẻ, ma chết thảm, ma oan khuất. Những hồn ma nơi nghĩa địa vẫn tồn tại cùng người đang sống; về một Mường Nước nơi có địa ngục của Long Vương giam giữ linh hồn những người đã khuất. Muốn xuống cái nơi âm ti địa ngục này để tìm hồn vía, đoàn quân của ông Then phải vất vả vượt qua cả hơn chục cửa, mỗi cửa là một câu chuyện ly kỳ. Những câu chuyện kể ly kỳ ở cả ba Mường ấy đã lôi cuốn và dần ám thị người dự lễ. Thế là điều tất yếu đã xảy ra, người dự bị cuốn vào trạng thái “thoát xác nhập linh” giống như người diễn viên tài năng “thoát xác nhập vai” trên sân khấu kịch nói.

Tôi nhớ không kĩ lắm, tôi đã đọc ở cuốn sách nào đó mô tả một diễn viên tài năng của nhà hát Sta-ni-lav-ski ở Liên Xô thuở nào, rằng có một nghệ sĩ kịch nói của nhà hát này khi biểu diễn đã nhập vai tới mức khi rời khỏi sân khấu vào tới cánh gà ông vẫn không dứt ra khỏi tâm trạng nhân vật mình đang đóng. Và trường hợp người xem nhảy vào chiếu Then nhập đồng (nhập còn “hơn cả” những thày Then đang hành lễ) thì đó là hành động thoát xác đích thực được sinh ra từ quá trình nghe thầy Then “Kể chuyện tín ngưỡng bằng âm nhạc”.

Một quá trình làm Then theo lối “Kể chuyện tín ngưỡng bằng âm nhạc” cùng với những “lớp” diễn bạch thoại của thầy Then với con cháu trong gia đình, với bà con bản trên bản dưới xảy ra giữa cuộc Then đã làm cho cộng đồng dần mặc định cái quyền năng đặc biệt - quyền năng tìm gặp, quyền năng xin cho của thầy Then với thế giới thần linh.

Cũng từ đó, suốt trường kỳ lịch sử, các thầy Then đã trở thành hiện tượng “ám thị” trong trí nhớ của người dân những cộng đồng Then. Vì vậy, mỗi khi ngồi vào chiếu làm lễ Then là mỗi lần thầy Then nghiễm nhiên trở thành “con trời” mà không cần phải sử dụng kiểu nhập đồng khủng khiếp như đâm má, xẻ lưỡi để phô diễn khả năng thánh nhập của mình như trong Thanh đồng. Cái chìa khóa để tín ngưỡng Then trở thành hình thức tin ngưỡng thân thiện, gần gũi với cộng đồng chính là ở ưu điểm nổi trội đặc biệt này - ưu điểm “Kể chuyện tín ngưỡng bằng âm nhạc” của các thầy Then, như tôi suy ngẫm và chiêm nghiệm.

1. Ở chợ quê tôi trước đây, những người bán thịt ai cũng có cái dùi dài khoảng 40 phân có lỗ để xâu lạt ở phía đầu dùi. Khi bán thịt người ta dùng dùi để lồng dây lạt qua miếng thịt tiện cho người mua xách không bẩn tay.

2. Tôi dùng từ thầy Then để chỉ cả ông Then (ông Dàng), bà Then.

3. Đẳm tổ: vong linh tổ tiên.

4. Không, khái: từ chỉ một không gian, một chặng đường trên Mường Trời.

5. Tôi đã quan sát toàn bộ ba cuộc làm Then: Then Cáo lão của bà Then Miệt ở Lạng Sơn, Then Cầu mệnh của ông Then Ma Thanh Cao ở Tuyên Quang, Then Cấp sắc của ông Then Lưu ở Bắc Kạn và nhận thấy rằng cuộc Then nào cũng có một hoặc hai, ba người dự Then bỗng “nhập đồng” nhảy vào chiếu Then ở những trường đoạn âm nhạc rộn ràng hối thúc nhất. Đến hết trường đoạn nhạc đó họ lại rời chiếu Then một cách hết sức tự nhiên.

6. Đỗ Thị Tắc: Kin Pang Then của người Thái Trắng. Trích trong sách Thơ ca Nghi lễ dân tộc Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr. 477.

7. Mẻ Bioóc: người mẹ trông coi sự sinh sản và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Dịch sang tiếng Kinh là Mẹ Hoa.

Tags : gia đình hồi cư người làm chế độ phong kiến ô rô