Nhạy cảm – vùng cấm địa trong văn học, nghệ thuật

Nhà phê bình hội họa Thái Bá Vân từng nhắc tới tác phẩm cuối đời của họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng mình là hai bức tranh khoả thân, một vẽ trên vỏ thuốc lá Gauloises của Pháp và một trên vỏ Gallant của Ấn Độ. Hội họa khỏa thân chẳng mới mẻ gì trên thể giới, ngay từ thời Phục hưng, môn giải phẫu học đã được áp dụng rộng rãi trong ngành hội họa. Nó mở ra chân trời mới cho những sáng tạo rọi chiếu vào cơ thể con người. Ở nước ta, sau khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925 đã đưa môn giải phẫu tạo hình vào cơ cấu môn học. Xuất phát từ truyền thống Phong kiến mấy ngàn năm, tư tưởng Nho giáo coi trọng lễ tiết vẫn đè nặng lên thói quen văn hóa khiến cho cái nhìn thấu thị từ truyền thống tiếp tục quét lên trên bề mặt cuộc sống. Theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, đi suốt thế kỷ XX đầy biến động, nền hội họa Việt Nam không hề có một tác phẩm khỏa thân nào được công bố. Nhiều giá trị sau khi bị “khử trùng” vẫn còn bịn rịn, chưa thoái lui khỏi đời sống để chan hòa với không khí tự do sáng tạo. Song, đó mới dừng lại ở khu vực truyền thống được “chấn yểm” bởi thói quen văn hóa. Tình trạng phổ quát ấy chẳng hề ảnh hưởng đến giới sáng tác, có khả năng di chuyển sâu vào tư tưởng sáng tạo xóa đi hình ảnh lởn vởn trong đầu nghệ sĩ, những ám ảnh, ẩn ức truyền đời ám vào con người. Bên cạnh đó, bối cảnh chính trị tiếp thêm chiều kích tạo thành vùng cấm địa khiến cho địa hạt nghệ thuật lay lắt trong phạm vi bị kiềm tỏa. Từ đó, sự co giãn về trường xúc cảm tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa và chiếc “hàn thử biểu” của bầu không khí chính trị đã ảnh hưởng lên khuynh hướng lựa chọn và thị hiếu thẩm mỹ.

Văn hóa vốn bao trùm lên mọi hoạt động xã hội, bao gồm cả triết học, tôn giáo, phát luật, chính trị, văn học, nghệ thuật... Ở nước ta, chính trị lại bao trùm lên các hoạt động, kể cả văn hóa. Bởi vậy, Bộ văn hóa, cơ quan chủ quản các hoạt động có liên quan thay đổi tới 13 lần kể từ ngày đầu thành lập. Trong hoạt động kinh tế, chúng ta đã chứng kiến nhiều tai hại do sử dụng biện pháp hành chính can thiệp thô thiển vào quan hệ cung cầu vốn quyết định bởi thị trường, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, vùng bất trắc mang tên nhạy cảm cũng gây tổn thất không kém cho nghệ sĩ và nghệ thuật. Do lịch sử có quá nhiều “bước ngoặt” khiến cho sự phát triển không tránh khỏi những khúc quanh co, thậm chí thụt lùi hay dậm chân tại chỗ. Nhìn lại thập niên 30 của thế kỷ XX, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước những thay đổi to lớn trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Các cuộc giao tranh giữa những luồng tư tưởng trái chiều không ngừng diễn ra sôi nổi, nhiều loại hình nghệ thuật mới du nhập, nảy sinh và khi thời gian qua đi, tất cả đã góp phần làm phong phú nền văn hóa đất nước. Cao trào của thời kỳ này đã đi vào thoái trào sau hai cuộc chiến và tiếp tục gặp trở ngại cho đến nhiều năm sau Đổi mới. Làn sóng “Đổi mới” tuy đã đem đến nhiều cơ hội cho văn học, nghệ thuật, song, “Cánh cửa” cho những sáng tạo mang tính đột phá vẫn còn chờ tiếng gõ của tư tưởng. Rất nhiều tác phẩm bị rơi vào khu vực kiềm tỏa của vùng nhạy cảm, bất trắc và thiếu nội hàm nhận thức. Cuối năm 2015, ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trở thành hiện tượng văn hóa, không phải xuất phát từ tính chất cách tân về ngôn ngữ âm nhạc, mà vì đã được dỡ bỏ lệnh cấm sau 41 năm! Nhiều người bắt đầu nhận thức được mức độ tai hại của tư duy làm luật theo lối “chọn cho” thay vì “chọn bỏ”. Nếu như luật tập trung quy định những nội dung bị “cấm” thì hoạt động thực tiễn sẽ thông thoáng hơn so với lựa chọn giải pháp “xin – cho” như hiện nay và cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ văn hóa đỡ phải tốn công sức xem xét, phê duyệt tác phẩm được phép lưu hành.

Nhìn qua lăng kính lịch sử, nghệ thuật giống như dòng chảy liên tục được tạo bởi các cuộc cách mạng. Thời gian qua đi, chúng góp phần tạo diện mạo đời sống và phong khí nghệ thuật. Quan sát nhiều hiện tượng văn hóa trên thế giới, sự ra đời của những tác phẩm đóng vai trò cột mốc, ghi dấu ấn sáng tạo thường vấp phải sự phản kháng của quan niệm cố hữu và thói quen văn hóa, như giao hưởng “Định mệnh” của L.V Betthoven đương thời gặp phải sự chỉ trích nặng nề của giới phê bình. Buổi công diễn đầu tiên các tác phẩm của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Áo Arnold Schoenberg còn bị khán thính giả đứng lên chửi bới, la ó, nhiếc móc, đòi ngừng những âm thanh chói tai, khó chịu ấy lại. Tác phẩm “4’33” của John Cage thì gây sốc cho người thưởng thức ngay từ khi tiếp xúc… Khi những tác phẩm trên đi vào lịch sử, chúng lần lượt được nhìn nhận, đánh giá lại bằng nhãn quan mới mẻ, điềm tĩnh, công bằng và bao dung hơn. Nó chỉ ra bản chất của tiến trình lịch sử không bằng phẳng trên chặng đường nghệ thuật đầy chông gai.

Căn nguyên của những phán xét bất trắc nhắm vào hiện tượng nghệ thuật mới ban đầu nằm ở nền tảng giá trị. Những quan niệm cũ được lấy làm căn cứ phán xét cái mới. Nên nhớ rằng, “nội hàm của nghệ thuật mang tính tương đối, giá trị thẩm mỹ là có thể thay đổi”. Chúng ta không chỉ tiếp cận nghệ thuật bằng nhãn quan của quá khứ mà còn phải dự liệu trước những thay đổi diễn ra trong tương lai. Bởi vậy, để có được những tiên đoán, dự báo vượt thời gian, đòi hỏi người trong cuộc, đặc biệt là giới nghiên cứu, phê bình và quản lý phải có khả năng siêu việt, đặt ra nhiều giả thiết về những dịch chuyển, biến đổi văn hóa, thị hiếu, vốn là trường sinh thái quan trọng có tác dụng định dạng xu hướng lựa chọn, cũng như khuynh hướng thẩm mỹ.

Tác phẩm nghệ thuật nói chung đều là một phức thể thẩm mỹ. Nó không thể gói gọn trong cái nhìn mang tính quy chụp, càng không thể tồn tại như một kết luận thông qua phán xét của khách thể thẩm mỹ. Mặc dù tác phẩm nghệ thuật được khoác lên lớp vỏ bọc văn hóa, thậm chí nâng cấp thành “vũ khí chiến đấu”, nghệ sĩ đổi vai, khoác áo “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa thì trên thực tế, chưa một tác phẩm nào có khả năng làm mất ổn định an ninh, chính trị. Ngay cả di sản giao hưởng cách mạng đồ sộ của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức L.V Betthoven chẳng qua cũng chỉ là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện quan điểm âm thanh, tư tưởng thẩm mỹ của chính tác giả chứ chẳng hề có khả năng tạo ra cách mạng xã hội, lật đổ vương quyền Napooleon hay giúp nước Đức thoát khỏi chiến tranh. Âm nhạc F. Chopin được nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Robert Schumann ví như những khẩu “đại bác núp sau hoa hồng” thì quê hưởng Ba Lan của ông vẫn chìm trong khói lửa của quân Sa hoàng. Chẳng ai lấy “đại bác” của Chopin để chiến đấu với kẻ thù, tương tự như thế, người ta cũng không thể chống Phát xít bằng Giao hưởng số 7 của Shostakovich…

Ở nước ta, trào lưu nghệ thuật lãng mạn có thời kỳ gặp phải rào cản của vùng nhận dạng phát đi tín hiệu sai lệch khiến cho biết bao số phận văn nghệ sĩ phải chịu trận. Người ta có thể nhìn vão cõi vô hình của âm thanh để tìm kiếm điều mình muốn. Đó chính là điều kỳ diệu của loại hình nghệ thuật này. Song, sự hà khắc của chính trị lại gây không biết bao tổn hại cho nghệ thuật, nghệ sĩ. Nhiều văn nghệ sĩ từng bị giam cầm, tù đày, tác phẩm bị cấm đoán, làm nên nhiều số phận hẩm hiu. Họa sĩ trước kia thường nổi tiếng sau khi chết. Tác phẩm văn nghệ xây dựng trên giấc mơ của nghệ sĩ. Nó khác với việc dựng lên chiến hào để hủy diệt công trình văn hóa. Nghệ thuật giúp con người hướng thượng, thăng hoa, chiếu sáng góc khuất ẩn náu trong tâm hồn. Tư tưởng tiến bộ của nghệ thuật giúp rọi chiếu mảng tối của cuộc sống. Từ đó, chúng ta nhận thấy tầm ảnh hưởng của nghệ thuật tác động âm thầm đến khía cạnh tâm lý, thẩm mỹ, trú ẩn trong lâu đài tráng lệ của văn hóa. Trước khi suy xét những khía cạnh đa dạng của nghệ thuật cần nhìn nhận tác phẩm dưới góc độ của hiện tượng thẩm mỹ, nhằm tránh quy kết vô lối, vô tội vạ và gán ghép cho nghệ thuật công năng không liên quan. Xã hội học Mác xít từng xác lập hệ quy chiếu dựa trên cơ sở mẫu thuẫn, phản ánh hiện thực, tính nhân dân… khiến cho việc bình xét giá trị nghệ thuật luôn phải thông qua lăng kính mối quan hệ xã hội, như âm nhạc của J.S Bach có hình tượng nhân dân, giao hưởng Betthoven đấu tranh phản phong, chống áp bức… thậm chí sở dĩ âm nhạc giao hưởng chiếm vị trí trung tâm trong gia tài âm nhạc của ông, vì sự kết hợp của nhiều người, tượng trưng cho quần chúng, hợp xướng “Hướng tới niềm vui” là màn trình diễn của nhân dân! Đương thời, Betthoven từng làm mếch lòng không biết bao người vì theo đuổi lý tưởng sáng tạo của mình. Để giữ gìn sự độc đáo, ông từ chối câu kết với truyền thống, vươn lên trên lối mòn của thẩm mỹ đại chúng nhằm tạo nên gạch nối xuyên qua các thế hệ, không gian và thời gian lịch sử.

Âm nhạc của Bach trước tiên thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân và vũ trụ. Nhiều sáng tác ra đời nhầm bối cảnh của Bach không hề mảy may làm rung động lòng người đương thời. Con người ta trước khi xét với tư cách mối quan hệ xã hội thì bản thân đã là một vũ trụ thu nhỏ tự làm hình thành mối quan hệ với vũ trụ lớn và thế giới tâm hồn bên trong. Đối với người sáng tạo, mối quan hệ chiều ngang cần thiết, nhưng chưa đủ, mà còn liên kết theo chiều dọc nhằm vươn lên hướng thượng và đi vào hướng tâm để đưa tác phẩm vượt qua chiều biến của thực tại.

Tác phẩm nghệ thuật xưa và nay tuy có khác nhau về phương thức biểu hiện, nhưng đều giống nhau ở thuộc tính sáng tạo. Lĩnh vực sáng tạo nào cũng dựa trên một tiền đề không có tiền lệ. Một tác phẩm sáng tạo không thể bắt chước, mô phỏng sản phẩm có sẵn, càng không thể giống như “con chim nhại tiếng”, tuy ồn ào cả đời mà rốt cuộc chẳng cất lên tiếng nói của tâm hồn mình. Nghệ thuật dùng làm công cụ để diễn ca chính sách là điều tồi tệ nhất trong lịch sử, bởi, nó dạy con người ta giả dối, xa rời hiện thực tư tưởng, từ đó tạo ra mảnh đất màu mở cho những kẻ cơ hội “Đăng ký lập trường”. Nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là những tác phẩm điêu khắc nơi công cộng, quảng trường sở dĩ bị lên án ngốn tiền tỷ của nhân dân, làm xấu cảnh quan đô thị là vì tác giả của chúng mắc hội chứng “bán linh hồn cho quỷ”. Còn đối với những tác phẩm bị liệt vào vùng nhạy cảm thì ngay cả thủ tục đăng ký bản quyền cũng gặp rắc rối, tuy đây mới dừng lại ở hành vi dân sự nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Có nghĩa, vùng nhạy cảm là một khu hắc địa vây hãm bởi vô số hàng rào vô hình gây tai hại, trở ngại hữu hình cho tác giả, tác phẩm. Nhiều nghệ sĩ từng rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”, tác phẩm của mình trở thành đứa con vô thừa nhận.

Chúng ta một đằng khát khao, mong muốn có những tác phẩm xứng tầm thời đại, mặt khác lại tạo ra những rào cản gây trở ngại tiến trình bình thường hóa trong đời sống xã hội và sáng tạo văn học, nghệ thuật. Cánh cửa “Đổi mới” tuy đã mở, nhưng vẫn có thể đóng sập bất cứ lúc nào hay khép hờ, đóng mở chập chờn theo nhịp điệu cảnh giác hơn là hoan nghênh, ủng hộ sáng tạo. Nghệ thuật men theo dòng chảy từng con sóng mới, trong khi nhiều người làm quản lý, phê bình, lý luận vẫn còn ái ngại, ném cái nhìn từ một bờ (giá trị) tĩnh tại. Đổi mới có khi chỉ đơn giản là phá bỏ những gì không phù hợp. Nghệ thuật chừng nào được trở về thuộc tính của mình, đi tìm cái đẹp, không ngừng sáng tạo của một hiện tượng thẩm mỹ (chứ không phải hình thái ý thức), thì mới mong có tác phẩm xứng tầm.

Mặc dù xã hội hiện đại đã trở nên bao dung hơn, nhưng vẫn còn đó những gánh nặng, ám ảnh trên vai người quản lý khiến cho địa hạt này chưa chuyển biến mạnh mẽ, trở về đúng bản chất của vùng trời sáng tạo, không có tiền lệ. Nhạy cảm nhiều khi chỉ là nói không đúng chủ trương, đường lối hay nói ngược, trong khi ai cũng biết thuộc tính sáng tạo là không dựa trên cái có trước và có sẵn. Việc phán xét tác phẩm bằng nhãn quan có sẵn, có trước sẽ đem đến nguy cơ tai hại trên chiều hướng đi tìm cái mới. Tất cả những gì tất định đều chưa phải khuôn vàng, thước ngọc, càng không thể lấy chuẩn mực đạo đức, chính trị áp lên tác phẩm nghệ thuật. Lịch sử chứng kiến nhiều tác phẩm bị áp sai giá trị lại trở thành cột mốc trong quá trình sáng tạo. Thực tế cho thấy, vùng nhạy cảm càng thu hẹp thì không gian sáng tạo càng rộng mở. Vùng nhạy cảm từ lâu đã trở thành khu vực bất trắc đối với nghệ thuật, bởi thuộc tính bất thường và khả năng quy kết vì những lý do không xuất phát từ tiêu chí nghệ thuật. Chúng ta cần những cột đèn đỏ chỉ báo, cảnh báo trên cung đường nghệ thuật, nhưng nên di dời, dỡ bỏ cạm bẫy, hố “tử thần” ngăn cách, gây cản trở, thậm chí tai nạn cho người sáng tạo. Khi xã hội phát triển theo khuynh hướng đa dạng, có nhiều dòng chảy văn hóa đan xen nhau thì hai bờ của tư tưởng và cơ chế hoạt động phải thoáng - rộng, bảo đảm thuộc tính bao dung trong xu hướng vươn tới giá trị mới.

Lê Hải Đăng

Tags : phê bình hội họa tác phẩm họa sĩ thuốc lá khỏa thân mới mẻ phục hưng giải phẫu áp dụng rộng rãi chân trời sáng tạo cơ thể người ở