Báo động từ những vốn di sản: Những người biết bi quan

Báo động từ những vốn di sản: Những người biết bi quan

 

Cách đây đúng 2 tháng, khi nghe tin nghệ nhân quan họ Ngô Thị Nhi (1 trong 6 nghệ nhân đại diện cho 49 làng quan họ gốc Bắc Ninh được Bộ VH,TT&DL công nhận là “Di sản nhân văn sống” năm 2004) về với tổ nghề, tôi bỗng cảm thấy mình có lỗi lớn…

1. Khi thực hiện loạt bài cho chuyên mục thuộc dự án “Báo động từ vốn di sản” (năm 2008 - 2009) tôi gặp cụ Nhi, viết bài về cụ và hứa với cụ là sẽ kiếm cho cụ một manh chiếu và một chỗ ngồi ở Hà Nội để cụ rủ những “báu vật quan họ” khác như cụ Nguyễn Thị Nguyên (ở làng Khả Lễ, xã Võ Cường) - người cũng được Bộ VH,TT&DL công nhận là “Di sản nhân văn sống” cùng đợt với cụ và  cụ Nguyễn Thị Bàn (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long) và một số bậc cao niên giỏi quan họ khác sẽ “chơi một canh cho dân Thủ đô và khách Tây biết thế nào là quan họ cổ”. Cụ còn nhấn mạnh: “Càng sớm càng tốt nhé! Tôi chờ các anh đấy...”.

Báu vật quan họ Ngô Thị Nhi

Ngoài cụ Nhi, tôi cũng từng hứa với cụ Cao Ngọc Rạng, nghệ nhân hát chèo ma lừng lẫy một thời khắp 6 Mường ở xứ Thanh (Cẩm Thủy, Bá Thước, Điền Lư, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Lang Chánh) về việc phục dựng và đưa chèo ma vào Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đó là một thể loại chèo hát ngược gồm 10 “mái” – tức 10 tích chèo, được hát thâu đêm suốt sáng, kéo dài hết ngày này qua ngày khác, có thể “tái diễn” hàng chục ngày, diễn chèo mà như “diễn xiếc” trước linh cữu người chết chỉ để nhằm một mục đích… làm vui cho đám ma.

Nghệ nhân chèo ma Cao Ngọc Rạng

 

Một ngày tháng 10/2011, sau gần 3 năm kể từ ngày gặp cụ Rạng, tôi được tin cụ về với Mường Trời, mang theo 6 trên tổng số 10 miếng chèo quý mà cụ từng hát bằng tiếng Kinh cho tôi thu âm ngày nào. Còn đám tang cụ - một ông trùm của một phường chèo ma nức tiếng một thời - buồn thay không được “cử hành chèo ma” như truyền thống chỉ vì không có người 
kế tục.

Tôi cũng đã hứa với di sản nhân văn Vương Đình Tiệu ở làng Ngọc Trục (tên gọi tắt là Chuộc, xã Thiệu Tiến, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), nghệ nhân làm con trò kiêm người giật rối Chuộc duy nhất còn sót về việc viết giúp cụ đề án phục dựng trò rối Chuộc để cụ gửi các ban, ngành đặng cứu sống một loại hình múa rối mà tương truyền “có từ thời Nguyễn Trãi giả làm gái đi bán dầu để tìm Lê Lợi xin đầu quân”, song chưa thấy sử, sách nào nhắc đến.

Khác với rối nước, rối Chuộc được đan bằng chất liệu tre nứa. Người, ngựa ngoài đời thực to thế nào thì đan con trò phải to như thế, kể cả to như con voi các nghệ nhân cũng đan được. Khi diễn, con trò được lồng dây vào từng bộ phận, treo lên giàn giáo, các nghệ nhân đứng trong cánh gà hai bên giật và “lồng tiếng”. Để giữ “độc quyền”, các nghệ nhân chỉ giật trò Chuộc vào lúc rạng sáng, ngay bên bờ sông Chu, diễn xong thì “hóa” ngay và không bao giờ truyền dạy cho người ngoài làng, thậm chí không cả truyền cho con dâu, con rể.

Trung tuần tháng 4/2009, khi bài viết về cụ Tiệu lên mặt báo còn thơm mùi mực, người dẫn đường gặp cụ hôm nào báo cho tôi tin buồn: “Cụ Tiệu mất rồi. Anh gửi báo biếu về thì gửi theo địa chỉ của tôi để tôi dâng cho cụ. Còn cái đề án gì gì đó hôm cụ nhờ anh viết, khi nào xong anh gửi giúp cho cụ...”

Nghệ nhân rối làng Chuộc Vương Đình Tiệu

 

2. Trên chỉ là 3 trong số rất nhiều nhân vật mà tôi đã được tiếp xúc khi đang còn là sinh viên năm cuối, nhưng có vinh dự được tham gia viết bài cho chuyên mục “Báo động từ vốn di sản” của Thể thao & Văn hóa. Chính nhờ những chuyến “nay đây mai đó” để “báo động từ vốn di sản” mà tôi đã cứng cáp, trưởng thành hơn và quý hơn cả là tìm thấy trong những vẻ đẹp, sự kỳ diệu, độc đáo của các di sản văn hóa dân gian trong từng “di sản sống”. 

Gần một thập kỷ trôi qua, những di sản sống chỉ có thể bấm trên đốt ngón tay còn chưa đủ mà tôi gặp ngày một giảm dần. Có cụ ra đi mang theo những “bộ gene của di sản”, không hoặc chưa kịp truyền lại đầy đủ cho thế hệ kế cận. Đó là một đau xót bởi nghệ nhân là những chủ thể văn hóa, đã mất đi thì không thể phục dựng (làm sao phục dựng được con người?!). 

Có những nghệ nhân – nhân vật sau gần 10 năm vẫn giữ liên lạc với người viết bài. Nhóm nghệ nhân rối đầu gỗ hầu Thánh ở chùa Đại Bi (hay còn gọi là trò Ổi lỗi ở Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là một ví dụ. Sau khi dự án “Báo động từ vốn di sản” khép lại, Thể thao & Văn hóa đã mời phường rối hầu Thánh chùa Đại Bi lên Hà Nội trình diễn trước các nhà nghiên cứu và báo giới tại hội thảo “Để di sản sống trong đời sống đương đại”.

Đây là lần đầu tiên rối hầu thánh biểu diễn bên ngoài không gian thiêng của nó (chùa Đại Bi). Và cũng sau lần biểu diễn phục vụ hội thảo ngày ấy cho đến nay, rối hầu Thánh chùa Đại Bi liên tục “nhận sô”, đi diễn khắp nơi. Lần nào đi, cụ trưởng phường rối Nguyễn Tiến Dũng cũng “alo” mời tôi đến xem, khi thì chùa Thầy, lúc chùa Láng, nay Thanh Hóa, mai Hà Tĩnh...

Đó là một minh chứng nhỏ cho việc “cứu sống” một di sản từ “hồi chuông báo động” mà Thể thao & Văn hóa đã làm được. 

Cũng tại hội thảo khép lại dự án năm 2009, nhà văn Nguyên Ngọc trong tham luận của mình đã gọi những người thực hiện dự án là “những người biết bi quan” vì theo ông, biết bi quan thì mới “cùng nhau làm một cái gì đó để cho ngay chính chúng ta sẽ đỡ bi quan hơn, sẽ còn hy vọng được ít nhiều”

 

Báo động từ vốn di sản” - từ chuyên mục đến dự án
 

Từ năm 2001, Thể thao & Văn hóa đã xây dựng chuyên mục Báo động từ vốn di sản, thông qua những bài viết cụ thể về các di sản văn hóa đang trong tình trạng “báo động”, nhằm gióng lên hồi chuông trước những di sản đang bị xâm hại. Tuy nhiên, chính chuyên mục này cũng bị “báo động” vì “kiệt sức” do các chuyến đi thâm nhập thực tế ngày càng đòi hỏi nhiều thời gian hơn, chi phí cao hơn. Năm 2006, chuyên mục tạm dừng lại.

Với sự hỗ trợ của Ford Việt Nam, tháng 11/2008, chuyên mục Báo động từ vốn di sản trở lại trên ấn phẩm Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.

Mục đích của “Báo động từ vốn di sản” là thông qua kênh truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm tác động vào nhận thức và ý thức của toàn xã hội về các di sản văn hóa truyền thống. Qua đó giúp mọi người hiểu biết, trân trọng, nâng cao ý thức tự hào và gìn giữ các di sản văn hóa. Đồng thời tìm kiếm và đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.

Trong vòng một năm (11/2008 – 11/2009), chuyên mục Báo động từ vốn di sản xuất hiện hàng tuần trên báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần (tiếng Việt) và hai tuần/1 lần trên Vietnam News Sunday (tiếng Anh). Loạt bài gồm hơn 40 bài viết đều được thực hiện sau những chuyến đi thực tế của các phóng viên, cộng tác viên của báo Thể thao & Văn hoá.

Chùm 5 bài viết về di sản văn hoá Tây Nguyên trong chuyên mục đã nhận được giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2010.

 

 Huy Thông
 
Thể thao & Văn hóa số 35 năm

Tags : báo động di sản bi quan nghệ nhân quan họ đại diện bắc ninh công nhận nhân văn