Phát triển bền vững ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Hoàng Đình Cúc(*)

Nguồn: Tap chí Triết học, số 8 (219), tháng 8 - 2009

Trong bài viết này, tác giả đã luận chứng để làm rõ việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian qua. Theo tác giả, ngoài những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta cũng đang phải đối mặt với một số vấn đề cơ bản nảy sinh trong tiến trình phát triển đất nước. Đó là: 1/ Nền kinh tế có sự tăng trưởng nhưng chưa thật sự bền vững; 2/ Chưa thực hiện thật tốt việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; 3/ Nguy cơ ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất và luận giải một số biện pháp chủ yếu nhằm góp vào việc giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề đặt ra nêu trên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cần phải nhấn mạnh rằng, chưa bao giờ nhân loại được chứng kiến những thay đổi nhanh chóng với quy mô rộng lớn và mức độ ngày càng sâu sắc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội của thế giới do tiến trình phát triển mang lại như trong thời gian vừa qua. Ngoài mặt tích cực và tiến bộ, không thể không thừa nhận quá trình đó cũng đã và đang đặt tất cả các nước trước một loạt vấn đề toàn cầu nóng bỏng, tác động và đe dọa trực tiếp đến triển vọng phát triển của nhân loại, như xu hướng gia tăng bất bình đẳng xã hội và chênh lệch giàu nghèo, vấn đề cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường sinh thái, vấn đề an ninh toàn cầu, nguy cơ suy thoái văn hoá… Đó là những hệ quả nghiêm trọng của quan niệm cũ về sự phát triển (phát triển ngắn hạn, đồng nhất phát triển với tăng trưởng kinh tế). Tất cả những điều đó buộc nhân loại phải hướng đến một quan niệm mới, đúng đắn và thông minh hơn về sự phát triển – chiến lược phát triển bền vững. Không nằm ngoài quỹ đạo vận động chung của thế giới, ở Việt Nam, phát triển bền vững đã được Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam xác định là một mục tiêu chiến lược, lâu dài.

Xét về mặt lịch sử, khái niệm phát triển bền vững được Uỷ ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED) chính thức sử dụng trong báo cáo có tựa đề Tương lai của chúng ta (Báo cáo Brundtland) năm 1987. Xét về mặt nội dung, thoạt đầu, phát triển bền vững được hiểu với nội dung là sự phát triển không chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế, mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái. Ngày nay, khái niệm này được hiểu theo nghĩa rộng hơn với nội dung bao quát và rõ hơn: phát triển bền vững là một sự phát triển bảo đảm tăng trưởng kinh tế trên cơ sở sử dụng một cách hợp lý tài nguyên thiên nhiên kết hợp với bảo vệ môi trường sống nhằm vừa có thể thoả mãn được nhu cầu của thế hệ hôm nay, vừa không làm ảnh hưởng đến điều kiện thoả mãn nhu cầu và môi trường sống của các thế hệ mai sau. Thực chất của sự phát triển bền vững là giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo đảm sự công bằng giữa các thế hệ trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tựu trung lại, phát triển bền vững bao gồm ba chiều cạnh (hay nhằm đến 3 mục tiêu) chủ yếu: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Nói cách khác, phát triển bền vững là sự phát triển trong đó bảo đảm kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội và mục tiêu bảo vệ môi trường.

Sau khi Uỷ ban Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc đưa ra những cảnh báo về nguy cơ suy giảm chất lượng môi trường sống, các vấn đề xã hội nghiêm trọng… nảy sinh do tăng trưởng kinh tế một cách thuần tuý, các đảng chính trị cầm quyền và nhà nước tại nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức ngày càng rõ rệt hơn về những hiểm hoạ tiềm ẩn của quan niệm cũ coi phát triển đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó và tuỳ thuộc vào đường lối chính trị, ở những mức độ khác nhau, các đảng chính trị cầm quyền và các nhà nước đã ít nhiều có những sự điều chỉnh tích cực về quan niệm, mục tiêu và chủ trương, chính sách phát triển nhằm hướng đến một chiến lược phát triển mới, thông minh hơn và phù hợp với quy luật khách quan – chiến lược phát triển bền vững.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, phát triển bền vững đã sớm trở thành một mục tiêu chiến lược quan trọng của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Tại Đại hội X, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên; hoàn chỉnh luật pháp, tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên…(1). Trên thực tế, ngay từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã tích cực tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tìm tòi và vận dụng nhiều biện pháp quan trọng để phát triển các lĩnh vực kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình Nghị sự 21. Trong tiến trình phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, Việt Nam luôn kiên trì và thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết quốc tế và đã đạt được những thành công lớn, có ý nghĩa quan trọng trên cả ba mục tiêu cơ bản: tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, được thế giới thừa nhận và đánh giá cao.

Về phương diện tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định trong nhiều năm liên tục (tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 1993 đạt 8,07%; năm 1998: 5,76%; năm 2002: 7,04%; năm 2007: 8,3%; năm 2008: 6,18%). Điều này không những giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra trong giai đoạn cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước, mà quan trọng hơn, còn góp phần tạo ra thế và lực mới cho những bước phát triển tiếp theo. Đặc biệt, trong khi nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới bị chao đảo và suy giảm mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vừa qua, thậm chí một số nước có tốc độ tăng trưởng âm, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững trước cơn bão “khủng hoảng tài chính thế giới”. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, song với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước cùng toàn dân, trong 6 tháng đầu năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn đạt 3,9%. Rõ ràng, đó là những thành tựu phát triển kinh tế quan trọng của đất nước.

Điểm nổi bật ở Việt Nam là các thành tựu phát triển kinh tế luôn gắn chặt với thành tựu về phát triển con người, tăng tr­ưởng kinh tế đã hướng vào giải quyết các vấn đề xã hội và con người. Trong tiến trình đổi mới, con người được đặt vào vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện ở chỗ, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam không ngừng được nâng cao. So với Nam Phi, mặc dù thu nhập bình quân đầu ngư­ời của Việt Nam chỉ bằng 1/3, song chỉ số HDI của Việt Nam lại tương đương với Nam Phi. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2007/2008 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam hiện có chỉ số HDI ở hạng trung bình (đạt 0,733); so với năm 2006, Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 108 lên vị trí 105 trong tổng số 177 nước được xếp hạng. Hoặc, ngay từ năm 2002, Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc ghi nhận là quốc gia “hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch toàn cầu: giảm một nửa tỷ lệ nghèo vào năm 2015”. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước tiếp tục giảm xuống còn 12,1%. Đó là những tín hiệu lạc quan về triển vọng phát triển bền vững của nước ta, mặc dù so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo và đang phát triển.

Có thể nói, những thành tựu bước đầu trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam là rất quan trọng, nó khẳng định đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước là đúng đắn; đồng thời, là cơ sở vững chắc để củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong tiến trình đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững ở nước ta trong thời gian qua không đặt ra những vấn đề mới, phức tạp. Thực tế cho thấy, hiện chúng ta đang phải đối diện với một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, nền kinh tế có sự tăng trưởng nhưng chưa thật sự bền vững. Mặc dù nền kinh tế nước ta đã có sự phát triển trong nhiều năm liên tục, song chất lượng tăng trưởng vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Đánh giá những yếu kém trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn thấp hơn so với khả năng…, thu nhập bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào các nhân tố phát triển theo chiều rộng,… công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn kém, chi phí kinh doanh cao, chất lượng và hiệu quả còn thấp(2). Hàm lượng tri thức, tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản phẩm còn thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2004 về cạnh tranh toàn cầu, trong tổng số 104 nước được khảo sát, Việt Nam đứng thứ 77 (trong đó, chỉ số cạnh tranh về môi trường kinh tế vĩ mô xếp thứ 58/104,  về thể chế công xếp thứ 82/104, về công nghệ xếp thứ 92/104 và chỉ số cạnh tranh về kinh doanh xếp thứ 90/104). Những vấn đề nổi cộm, “nút thắt” đang cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất cao, trình độ khoa học - công nghệ và tốc độ đổi mới công nghệ còn thấp so với khu vực và thế giới, hạ tầng cơ sở vật chất - kỹ thuật còn nhiều yếu kém… Chính những yếu kém này đã hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế dẫn đến sự tăng trưởng thiếu bền vững.

Thứ hai, chúng ta vẫn chưa thực hiện thật tốt việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Điều này thể hiện ở chỗ, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, mức sống và chất lượng sống của một bộ phận đáng kể trong nhân dân còn thấp; nhiều vấn đề xã hội khác, như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, thiếu việc làm, đói nghèo,… vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả. Hàng năm có hàng chục vụ đình công của công nhân nhằm phản đối sự đối xử bất công của giới chủ doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoặc việc thu hồi đất nông nghiệp để chuyển cho các dự án, các doanh nghiệp không thuần tuý là vấn đề kinh tế; hơn thế, đó còn là vấn đề xã hội phức tạp. Ngoài việc giá đền bù thấp và chênh lệch giữa các vùng, người nông dân còn phải đối mặt với một loạt khó khăn được dự báo trước: họ sẽ làm gì để sống khi không còn ruộng đất, khi không chuyển đổi được nghề nghiệp? Thiếu hoặc không có việc làm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đói nghèo hoặc tái đói nghèo; đồng thời, đó cũng là nguồn gốc dẫn đến các loại tệ nạn xã hội khác. Vì vậy, khi phê duyệt các dự án, Nhà nước cần xem xét kỹ lưỡng và có các biện pháp giải quyết khả thi và triệt để các vấn đề xã hội nảy sinh gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của từng địa phương nói riêng, của cả nước nói chung.

Tình trạng “ô nhiễm môi trường xã hội” với những biểu hiện như buôn bán trái phép và nghiện ngập, hút chích ma tuý ngày càng gia tăng; các tệ nạn mại dâm, văn hoá đồi truỵ đã len lỏi đến cả những vùng nông thôn vốn yên bình trước đây; tình trạng tội phạm, suy giảm đạo đức và nhân cách, nhất là trong giới trẻ… thực sự là mối lo ngại của toàn xã hội.

Mặc dù nước ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo, song vấn đề đói nghèo hiện vẫn cần tiếp tục được giải quyết: tốc độ giảm nghèo giữa các vùng không đồng đều và đang có xu hướng chậm lại; tỷ lệ hộ nghèo ở một số vùng thuộc khu vực miền núi còn cao, như ở Tây Bắc là 37,5%, Tây Nguyên là 22,9%; một bộ phận dân cư, nhất là nông dân và đồng bào các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ tái nghèo…

Thứ ba, tài nguyên, môi trường hiện cũng đang là những vấn đề “nóng”, trở thành một trong những  mối quan tâm đặc biệt của xã hội. Biểu hiện của nhóm vấn đề này tập trung ở một số khía cạnh sau: một là, sự cạn kiệt tài nguyên. Các dạng tài nguyên thiên nhiên của nước ta tiếp tục bị suy giảm, cạn kiệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Tình trạng rừng bị tàn phá, kể cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhằm khai thác gỗ hoặc lấy đất canh tác… vẫn chưa được ngăn chặn triệt để; rừng trồng mới vừa cần nhiều kinh phí, vừa phải có thời gian, hơn nữa lại giá trị kinh tế cũng như đa dạng sinh học lại không thế sánh bằng rừng tự nhiên. Quỹ đất nông nghiệp cũng đang ngày càng suy giảm do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng. Tình trạng quy hoạch treo, bỏ hoang hoá làm lãng phí tài nguyên đất đai, trong khi nông dân thiếu đất canh tác. Đó là chưa nói đến những hệ quả trước mắt và lâu dài do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo các nhà khoa học, Việt Nam hiện là một trong những nước chịu tác động trực tiếp của biến sự biến đổi khí hậu (trong 40 - 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam đã tăng lên từ  0,5 - 0,7 độ C, mực nước biển dâng cao 20 cm. Nước biển dâng sẽ tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế, trước hết là nông nghiệp. Hiện nay, nước ta vẫn có tới 75 % dân số sống và lao động trên vùng đất nông nghiệp. Các nhà khoa học đưa ra cảnh báo rằng, nếu vùng đất nông nghiệp này bị ngập do ảnh hưởng từ sự biến đổi khi hậu sẽ tác động đến 15% dân số tương đương với 12 - 15 triệu người. Điều đó cũng có nghĩa là chất lượng cuộc sống của nhiều con người sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Nước sạch hiện cũng đang là một vấn đề cấp thiết ngay tại các đô thị - nơi được xem là có trình độ phát triển cao hơn, chứ chưa nói đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. 

 Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đã lên tới mức báo động. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có 110 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó chỉ gần 1/3 có hệ thống phù hợp để xử lý nước thảỉ và chất thải độc hại khác. Nhìn chung, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai do chất thải các loại từ hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của con người đã tới mức báo động. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô khác nhau của các dịch, bệnh đe doạ trực tiếp sức khoẻ nói riêng và chất lượng sống nói chung của con người trong những năm gần đây. Việc di dời các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư là cần thiết; tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, không căn bản và triệt để. Vấn đề là ở chỗ, nếu không đổi mới và tích cực trang bị công nghệ hiện đại, sạch, đồng thời chủ động áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, thực hiện nghiêm túc các cam kết về bảo vệ môi trường thì các đơn vị sản xuất, dù đặt ở đâu cũng vẫn gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Việc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không thực hiện nghiêm quy trình xử lý chất thải đã gây nên mâu thuẫn giữa người dân các vùng lân cận với doanh nghiệp, vừa làm gián đoạn hoạt động sản xuất vừa ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Còn bao nhiêu doanh nghiệp như Công ty Vêdan đang hàng ngày hàng giờ tàn phá môi trường vì mục đích lợi nhuận kinh tế thuần túy của mình, sẽ còn bao nhiêu con sông chết như sông Thị Vải, Sông Tô Lịch, sông Nhuệ? Con người sẽ vô cùng cơ cực nếu đói nghèo luôn rình rập, nhưng ngay cả khi có cuộc sống vật chất đủ đầy mà môi trường sống không an toàn thì cũng không thể nói là có chất lượng sống cao.

Phát triển bền vững, xét đến cùng, là phát triển hướng đến tăng trưởng những giá trị của con người. Để thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, theo chúng tôi, cần:

Trước hết, cần thống nhất nhận thức và quán triệt quan điểm của Đảng về gắn kết các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trong điều kiện kinh tế thị trường và do sự tác động của nhiều yếu tố, vẫn có không ít địa phương, ngành và đơn vị sản xuất kinh doanh (cả tập thể lẫn tư nhân) tiếp tục theo đuổi tăng trưởng kinh tế, gia tăng lợi nhuận bằng mọi giá, kể cả ngấm ngầm vi phạm hoặc lợi dụng những kẽ hở pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là luật bảo vệ môi trường. Hiện tượng Công ty bột ngọt Vêdan vừa qua chỉ là một trong số các doanh nghiệp đã không nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường - điều kiện bắt buộc phải cam kết thực hiện ngay từ khi được cấp phép hoạt động. Ngay một số địa phương cũng xem nhẹ yêu cầu này nhằm mục đích thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn. Do vậy, cần tiếp tục nhận thức sâu sắc và quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển bền vững, kiên quyết loại bỏ tư tưởng phát triển kinh tế bằng mọi giá. Bởi lẽ, nếu phát triển kinh tế mà xem nhẹ hoặc lãng quên mục tiêu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thì cái giá phải trả sẽ không thể lường hết; thậm chí hệ quả sẽ là “phản phát triển”. Phát triển bền vững không thể chỉ là đường lối chung, mà quan trọng hơn, nó cần phải được xã hội hoá, trở thành nhận thức và hành động thực tiễn cụ thể của mọi chủ thể, của toàn xã hội.

Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, hình thành trong toàn xã hội thói quen văn hoá “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Pháp luật, một mặt, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho mọi chủ thể kinh tế (các ngành, các thành phần và mọi người lao động) được tự do sản xuất, phát triển kinh tế theo luật định; mặt khác, là “công cụ” để xử lý những vi phạm, bảo đảm duy trì mọi hoạt động trong xã hội phải có kỷ cương. Theo đó, hệ thống pháp luật phải đủ mạnh, được thực thi một cách nghiêm minh, khách quan và công bằng với tất cả mọi đối tượng.

Thứ ba, phát triển mạnh giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ. Nền kinh tế - xã hội phát triển chậm, thiếu vững chắc là do không có hoặc thiếu các tiền đề mang tính nền tảng. Trong điều kiện hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến là chìa khóa giải quyết bài toán phát triển kinh tế - xã hội. Trong quan hệ so sánh giữa các nguồn lực, nguồn lực con người, đặc biệt là lao động có chất lượng chiếm ưu thế hàng đầu. Cùng với đó là trình độ khoa học - công nghệ - yếu tố căn bản để phát triển kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề môi trường. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng phát triển một cách vững chắc nền giáo dục - đào tạo và tiềm lực khoa học - công nghệ của đất nước. Đó là biện pháp căn bản để phát triển bền vững.

Thứ tư, Nhà nước cần chủ động xây dựng và thực hiện những chính sách hướng vào việc giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển. Việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ tạo nên sự ổn định trong đời sống xã hội - yếu tố đặc biệt quan trọng để phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, việc giải quyết các vấn đề xã hội không thể chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, đó còn là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội.

Phát triển bền vững trên cả ba phương diện: phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về xã hội và phát triển bền vững về mặt môi trường là xu thế chung của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đồng thời là một đặc điểm nổi bật của thế giới đương đại, phản ánh sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu bảo đảm và nâng cao chất lượng sống của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đó cũng là chiến lược phát triển ưu tiên mà Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hướng tới.

Tags : tác giả luận chứng thực hiện chiến lược phát triển bền vững thời gian thành tựu to lớn vấn đề cơ bản nảy sinh tiến trình kinh tế