Xác định thời gian làm việc và thời điểm chốt để tính chế độ trong phương án sử dụng lao động

Thực hiện Thông tư 44/2015 hướng dẫn Nghị định 63/2015 và Thông tư 07/2018 hướng dẫn Nghị định 126/2017, tuy nhiên trong quá trình triển khai có một số nội dung doanh nghiệp chưa được rõ rất mong được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải đáp để doanh nghiệp có thể đạt được tiến độ cổ phần hóa đã đề ra. Cụ thể như sau:

Doanh nghiệp đang có nhiều trường hợp như lao động Nguyễn Văn X được nêu ví dụ sau đây, doanh nghiệp không vướng khi xác định thời gian làm việc để tính chia phần còn lại Quỹ phúc lợi nhưng đang thấy khó khi xác định thời gian làm việc để tính chế độ trong phương án sử dụng lao động.

Cụ thể có trường hợp lao động Nguyễn Văn X, sinh ngày 01/07/1961, có thời gian làm việc tương tự như theo Ví dụ 2 của Thông tư 07/2018 với thời gian làm việc tại Chi nhánh A của Công ty M từ ngày 01/05/1994, sau đó khi Công ty M tách Chi nhánh A của Công ty để thành lập thành Công ty TNHH Một thành viên N vào ngày 06/07/2012 (ngày có quyết định chuyển đổi từ Chi nhánh A thành công ty TNHH MTV N), Công ty N được đăng ký hoạt động kinh doanh chính thức kể từ ngày 01/08/2012, do chuyển đổi như vậy nên người lao động này vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên N từ đó cho đến nay (lao động này cũng không có việc nghỉ ốm đau dài ngày hay nghỉ không lương để không đóng bảo hiểm và chưa lần nào tạm hoãn hợp đông lao động).

Theo kế hoạch năm 2019, Công ty N tiến hành cổ phần hóa, dự kiến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2019. Thời điểm dự kiến có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp là ngày 30/6/2020. Theo hướng dẫn cụ thể tại VD 2, doanh nghiệp đã dự kiến và tính toán đối với người lao động Nguyễn Văn X với việc xác định thời gian làm việc để tính chia phần còn lại Quỹ phúc lợi với mốc thời gian tính từ ngày 01/05/1994 và xác định đến ngày 31/12/2019.

Tuy nhiên, khi xây dựng phương án sử dụng lao động hiện doanh nghiệp đang dự kiến lao động Nguyễn Văn X là lao động dôi dư (doanh nghiệp không bố trí được việc làm) với thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động là ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó là thời gian làm việc để tính chế độ dôi dư đối với lao động Nguyễn Văn X trong trường hợp có việc chuyển đổi Chi nhánh A thành Công ty TNHH Một thành viên N như trên thì người lao động X có được kết nối thời gian từ trước khi chuyển đổi và được tính ngày tuyển dụng cuối cùng là kể từ ngày 01/05/1994 khi tính chế độ dôi dư theo chế độ dành cho người lao động được tuyển dụng trước ngày 21/4/1998 được không (giống như việc xác định thời gian làm việc để tính chia phần còn lại Quỹ phúc lợi cũng được tính từ 01/05/1994)? Hay Người lao động X chỉ được tính từ ngày 01/8/2012 ngày có đăng ký chính thức của Công ty N và chỉ được tính chế độ dôi dư theo chế độ dành cho người lao động được tuyển

 

 

Trả lời:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 623/QHLĐTL-CSLĐ trả lời doanh nghiệp như sau:

1. Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006 và 2007 thì trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với người lao động.

2. Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thì người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty trước ngày 21 tháng 4 năm 1998, có tên trong danh sách thường xuyên của công ty mà khi thực hiện cổ phần hóa công ty không bố trí được việc làm được hưởng các chính sách đối với người lao động dôi dư theo quy định tại Điều 3 Nghị định này, thời gian làm việc để tính chế độ đối với người lao động dôi dự được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 44/2015TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Căn cứ các quy định và nội dung kiến nghị của Công ty TNHH một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang gửi kèm công văn số 8383/VPCPĐMDN nêu trên thì ông Nguyễn Văn X được tuyển dụng lần cuối cùng vào chi nhánh A thuộc Công ty M từ ngày 01 tháng 5 năm 1994, sau đó chi nhánh A được tách thành công ty TNHH một thành viên N vào ngày 06 tháng 7 năm 2012 nên khi công ty TNHH một thành viên N thực hiện cổ phần hóa và không bố trí được việc làm cho ông X thì ông X được hưởng chế độ đối với người lao động dôi dư quy định tại Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP của Chính phủ; thời gian làm việc để tính chế độ đối với ông X được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH từ thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng (ngày 01 tháng 5 năm 1994) đến ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương trả lời Công ty TNHH một thành viên Khai thác và Chế biến đá An Giang để biết và thực hiện đúng quy định của pháp luật./.

Tags : thực hiện thông tư hướng dẫn nghị định tuy nhiên quá trình triển khai nội dung doanh nghiệp lao động thương binh xã hội giải đáp có thể tiến độ cổ phần cụ thể