Hòa Bình bỏ đề xuất chi một tỷ cho giáo sư về trường chuyên

Nhằm thu hút giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy, làm việc tại trường THPT chuyên, hồi tháng 3, tỉnh Hoà Bình đưa ra đề xuất hỗ trợ một tỷ đồng cho người có trình độ phó giáo sư, giáo sư về làm việc tại trường chuyên, cam kết giảng dạy 10 năm trở lên; và 300 triệu đồng với người có trình độ tiến sĩ. Kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước của tỉnh.

Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham dự các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, nghị quyết được HĐND tỉnh Hòa Bình ban hành ngày 15/7 và có hiệu lực từ 25/7 không có nội dung hỗ trợ nhằm thu hút giáo sư, phó giáo sư mà chỉ có chính sách thu hút tiến sĩ và sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc về tỉnh giảng dạy ở trường THPT chuyên.

Theo nghị quyết, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc hệ chính quy sau khi được tiếp nhận về công tác tại trường THPT chuyên sẽ được hỗ trợ đi học nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước với mức hỗ trợ 100 triệu đồng một người kèm cam kết công tác ít nhất 10 năm sau khi hoàn thành khóa học.

Tiến sĩ có nguyện vọng về công tác tại trường THPT chuyên được hỗ trợ 300 triệu đồng một người nhưng cũng phải cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên. Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước của tỉnh đảm bảo. Nếu không giảng dạy đủ 10 năm, người được hỗ trợ phải đền bù tiền hỗ trợ và các khoản phí liên quan.

Nghị quyết cũng quy định một số chính sách đối với giáo viên công tác tại trường chuyên như giáo viên giảng dạy các môn chuyên, dạy song ngữ các môn chuyên được hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở, thời gian hưởng là 10 tháng mỗi năm. Giáo viên dạy song ngữ các môn không chuyên được hưởng bằng 1,2 lần.

Ngoài ra, nghị quyết mới được HĐND tỉnh Hòa Bình ban hành cũng nêu rõ chính sách hỗ trợ học sinh tham gia đội tuyển của tỉnh dự thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực, quốc tế; và hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng các đội tuyển này.

Hòa Bình có một trường THPT chuyên mang tên Hoàng Văn Thụ. Chia sẻ với VnExpress hồi tháng 3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Thị Kim Tuyến, cho biết trường này hiện chưa có phó giáo sư, giáo sư tham gia giảng dạy, gây nhiều hạn chế trong việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực cũng như các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh.

Theo khảo sát hôm 10/3 của VnExpress với hơn 1.600 người tham gia, đa số ý kiến cho rằng không cần thiết có giáo sư, tiến sĩ dạy bậc THPT.

Kết quả khảo sát trên VnExpress hôm 10/3.

Kết quả khảo sát trên VnExpress hôm 10/3.

Trước Hòa Bình, Bắc Ninh đã có nghị quyết quy định một số chế độ chính sách với trường THPT chuyên, được thông qua hồi tháng 7/2021. Theo đó, giáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ làm việc tại trường THPT chuyên Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ 100 đến 220 triệu đồng. Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh nếu cam kết giảng dạy lâu dài (ít nhất 10 năm) tại THPT chuyên Bắc Ninh được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá một tỷ đồng.

Nhiều tỉnh, thành khác cũng có chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên. Đây cũng là mục tiêu của đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.

Với đề án này, đến năm 2020, cả nước có 77 trường chuyên. Tỷ lệ giáo viên trường chuyên có trình độ tiến sĩ chiếm 1,57%, tăng 1% so với năm 2010; trình độ thạc sĩ chiếm 53,6%, tăng 24,4%. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá so với 10 năm trước, đội ngũ giáo viên trường chuyên có những đột phá về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn. Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và cả đại trà. Các trường chuyên đoạt nhiều huy chương ở các kỳ thi khu vực và quốc tế.

Bộ đang đề xuất tiếp tục xây dựng đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022-2032, nếu được phê duyệt sẽ thúc đẩy các địa phương củng cố các trường chuyên, trong đó có việc xây dựng đội ngũ giáo viên trình độ cao.

Dương Tâm