Chuyên gia bàn về xây dựng nhân lực cho tương lai

Cơ sở giáo dục cần trang bị cho sinh viên tư duy mở, kỹ năng xã hội - cảm xúc… để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường, theo các chuyên gia.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình, Phát triển TP HCM, ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang cùng nhiều diễn giả khác đã chia sẻ quan điểm về thị trường lao động, kỹ năng làm việc... tại buổi tọa đàm do Trường Đại học Văn Lang tổ chức, thuộc khuôn khổ sự kiện Công bố Nhận diện thương hiệu mới.

Theo các chuyên gia, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và toàn cầu hóa tạo ra nhiều thay đổi trong thị trường lao động. Thống kê của McKinsey (2018) chỉ ra, 80% doanh nghiệp Đông Nam Á có nhu cầu cải thiện kỹ năng cho nhân sự để đáp ứng yêu cầu xã hội và tồn tại. Vì vậy, sinh viên cũng cần được trang bị tư duy bậc cao, kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Bà Tú Quyên - Giám đốc điều hành Microsoft Việt Nam nhận định, Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cách mọi người sống và làm việc, đồng thời, buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải chuyển đổi số trong vòng hai tháng thay vì hai năm như trước kia. Môi trường kinh doanh cũng thay đổi từ tương tác vật lý sang tương tác thông qua công nghệ.

Các diễn giả tại sự kiện công bố nhận diện thương hiệu của trường Đại học Văn Lang. Ảnh: Đại học Văn Lang

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Xuân Liên - thành viên Hội đồng quản trị PNJ cho biết, trong bối cảnh này, nhiều thứ trở nên lỗi thời nhanh chóng, ngay khi mới xuất hiện. Do đó, người lao động cần có tư duy mở để học hỏi điều mới, chọn lọc kiến thức hay kỹ năng ứng dụng thực tế hiệu quả.

"Tuy nhiên, những yếu tố này là chưa đủ. Kỹ năng quan sát những điều xảy ra xung quanh cũng cần thiết không kém. Chúng ta cần linh động với thời cuộc để nhanh chóng xoay chuyển tình thế", bà nhấn mạnh.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM, để ứng phó kịp thời trước những thay đổi này, kỹ năng tư duy phức tạp, kỹ năng xã hội - cảm xúc và công nghệ đều quan trọng.

Trong đó, tư duy phức tạp giúp người học xác định những dữ liệu mang tính "chìa khóa", nhân tố hệ thống. Kỹ năng xã hội và cảm xúc có tính hệ thống tương tác liên hoàn giữa các chiều kích; bởi động lực hành động không chỉ bó hẹp vào lý trí, lợi ích bản thân. Cuối cùng, kỹ năng công nghệ là hành trang để người trẻ làm chủ những thiết bị, công cụ hiện đại.

Đại học Văn Lang cơ sở ba. Ảnh: Đại học Văn Lang

Ở góc nhìn đào tạo thế hệ trẻ, ông Cao Trí - Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang khẳng định học sinh, sinh viên Việt Nam còn nhiều hạn chế trong quá trình tích lũy kỹ năng như tiếp cận mọi thứ một cách đơn lẻ, thiếu đi tính đa chiều; giải quyết vấn đề tổng thể bằng tư duy cục bộ; chưa đủ năng lực phân tích, dự đoán tương lai...

Đây cũng là lý do Trường Đại học Văn Lang quyết định theo đuổi định hướng mới nhằm bắt kịp nhu cầu nhân lực thời toàn cầu hóa. Tại sự kiện, đơn vị công bố bộ nhận diện thương hiệu và chia sẻ mục tiêu "trở thành trường đại học Việt Nam chuẩn quốc tế".

Theo đó, giáo viên, giảng viên phải thay đổi cách tiếp cận vấn đề, giảng dạy với học sinh, sinh viên. Thay vì truyền tải kiến thức, đội ngũ hướng tới giúp học sinh, sinh viên phát triển năng lực nền tảng; truyền cảm hứng khám phá; chú trọng học sâu và hướng đến giải quyết các vấn đề tồn đọng của xã hội.

"Chúng tôi xây dựng lộ trình cho từng năm để đến 2030, Đại học Văn Lang trở thành một trong những đại học trẻ được ngưỡng mộ nhất châu Á", ông nói thêm.

Lộ trình này bắt đầu từ trước khi Đại học Văn Lang thay đổi bộ nhận diện. Tới nay, trường đã phát triển chương trình học đối sánh với các trường đại học top 100-200 thế giới, đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế. Sinh viên tại đây có thể học kỹ năng mềm tương ứng với bộ kỹ năng thế kỷ 21.

Đồng thời, Trường đại học Văn Lang thành lập Viện Ngôn ngữ với sứ mệnh nâng chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên với yêu cầu tương đương IELTS 6.0. Ngoài ra, trường có Trung tâm phát triển năng lực sinh viên nhằm phát triển các kiến thức, kỹ năng cần thiết bên cạnh chuyên môn.

Sinh viên Đại học Văn Lang học thực hành với thiết bị hiện đại. Ảnh: Đại học Văn Lang

Ông Cao Trí chia sẻ thêm, đến năm 2022, Đại học Văn Lang đã có 30 chương trình liên kết quốc tế và tiếp tục mở rộng hợp tác, đưa các chương trình đào tạo 100% từ các trường đại học hàng đầu thế giới về giảng dạy.

Đồng thời, trường tổ chức hơn 700 sự kiện hoạt động văn hóa nghệ thuật xã hội mỗi năm và nhiều dự án phục vụ cộng đồng theo mô hình học tập service-learning, giáo dục thể chất... để đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên.

"Chúng tôi cũng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho học tập và các hoạt động nghiên cứu, từ đó, thu hút các hoạt động giao lưu học thuật, nghiên cứu viên hàng đầu", ông Nguyễn Cao Trí nói thêm.

Tags : giáo dục sinh viên