Nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng RNA, DNA của vi khuẩn phong và mức kháng thể kháng PGL-I ở bệnh nhân phong trong quá trình điều trị đa hóa

Nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng RNA, DNA của vi khuẩn phong và mức kháng thể kháng PGL-I ở bệnh nhân phong trong quá trình điều trị đa hóa

Mục tiêu thực sự của kiểm soát bệnh phong là giảm tối thiểu tình trạng tàn tật và biến chứng do bệnh phong gây ra, bằng việc phát hiện bệnh sớm, hóa trị liệu đầy đủ, điều trị phản ứng phong kịp thời và thích hợp. Đa hóa trị liệu (Multidrug Therapy- MDT) đã mang lại rất nhiều thành công, tuy nhiên số lượng bệnh nhân phong mới vẫn phát hiện hàng năm và tỉ lệ bệnh nhân tàn tật do phản ứng phong vẫn còn cao, gần đây đã phát hiện những trường hợp phong mới là trẻ em đã có tàn tật. Phát hiện sớm phản ứng phong là quan trọng nhất, điều trị bệnh nhân có phản ứng phong kéo dài, tái diễn trong quá trình điều trị gặp khó khăn vì phụ thuộc tình trạng miễn dịch của mỗi bệnh nhân. Chẩn đoán và điều trị bệnh phong tái nhiễm, tái phát, kháng thuốc để ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng là vấn đề cũng cần quan tâm hiện nay.

Xuất phát từ lý do trên, nhóm nghiên cứu của bà Nguyễn Phúc Như Hà tại Bệnh viện Phong Da liễu TW Quy Hòa đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sự thay đổi hàm lượng RNA, DNA của vi khuẩn phong và mức kháng thể kháng PGL-I ở bệnh nhân phong trong quá trình điều trị đa hóa” trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2017.

Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: đánh giá sự thay đổi chỉ số hình thái vi khuẩn phong và mức kháng thể kháng: Phenolic - Glycolipid - I (PGL-I) trước, trong và sau sử dụng đa hóa trị liệu; đánh giá sự thay đổi hàm lượng RNA, DNA của gen 16S rRNA và hsp18 của vi khuẩn phong trước, trong và sau sử dụng đa hóa trị liệu; xây dựng bản hướng dẫn điều trị phản ứng phong phù hợp; và tiên lượng bệnh phong kháng thuốc và tái phát.

Trong quá trình điều trị bệnh nhân phong nhóm nhiều vi khuẩn, nhóm nghiên cứu đã sử dụng liệu trình MDT 12 tháng, cho thấy chỉ số vi khuẩn (BI) giảm trung bình 1,47 đơn vị log+ trong 1 năm; chỉ số hình thái (MI) giảm nhanh, trở về 0% trong 6 tháng điều trị đầu. Nồng độ kháng thể kháng PGL-I khác nhau trên từng cá thể, không phụ thuộc BI, MI; có thể rất cao hoặc rất thấp, giảm dần trong quá trình điều trị; Sau 6 tháng điều trị, mức kháng thể giảm khoảng 40% và lúc kết thúc điều trị giảm còn 25% so với mức kháng thể ban đầu; giảm nhanh hơn ở nhóm bệnh nhân khi được điều trị phản ứng phong đồng thời với MDT. Chỉ số BI, MI và mức kháng thể kháng PGL-I cao tại thời điểm chẩn đoán liên quan với khả năng xảy ra phản ứng phong loại II trong quá trình điều trị.

Lượng DNA- PCR M. leprae là giảm dần, đều và rất chậm trong quá trình MDT. Lúc kết thúc điều trị 100% bệnh nhân tại thương tổn vẫn còn dương tính. Tại thời điểm chẩn đoán 100% bệnh nhân có 16S rRNA Dương tính và chỉ 64,3% có mRNA hsp18 Dương tính. Lượng 16S rRNA và mRNA hsp18 là biến đổi trong quá trình điều trị, có thể tăng, hoặc giảm tại một số thời điểm, khác nhau ở mỗi gen, khác nhau trên từng cá thể. Đến kết thúc MDT 12 tháng có 25,5% và 19,1% mẫu mô da còn Dương tính với 16S rRNA và mRNA hsp18 M. leprae.

Sự hiện diện của mRNA hsp18 tại thời điểm chẩn đoán có thể tiên lượng khả năng xảy ra phản ứng phong trong quá trình MDT. Tần suất là 12,8 lần cao hơn so với bệnh nhân có mRNA hsp18 Âm tính (CI: 2,1-93,9). Tồn lưu mRNA hsp18 đến cuối liệu trình MDT liên quan đến tình trạng phản ứng phong loại II kéo dài, tái diễn. Tần suất nguy cơ là OR=13,13 (CI:1,9-115,8).

Đề xuất bổ sung các vấn đề sau thêm vào Hướng dẫn điều trị phản ứng phong của Chương trình phòng chống phong quốc gia:

- Tại cộng đồng: Giám sát chặt chẽ khả năng xảy ra hồng ban nút phong (ENL) ở bệnh nhân có BI cao. Có thể sử dụng ngay liệu trình corticoid tại cộng đồng khi có phản ứng phong mà không biệt phản ứng phong nặng hay nhẹ.

- Tại tuyến chuyên khoa trung ương: Ứng dụng các xét nghiệm cận lâm sàng để theo dõi điều trị và tiên lượng phản ứng phong như: định lượng PGL-I, định lượng mRNA hsp18

Kỹ thuật RT-PCR định lượng mRNA gen 16S rRNA và hsp18 M. leprae có thể sử dụng cho mục đích đánh giá tác động điều trị, xác định tồn lưu vi khuẩn phong còn sống, tiên lượng kháng thuốc và tái phát. Nếu đến thời điểm kết thúc liệu trình đa hóa trị liệu, các trường hợp có ENL kéo dài tái diễn, nếu lượng mRNA hsp18 và/hoặc 16S rRNA vẫn còn Dương tính, tiếp tục điều trị phản ứng phong đồng thời nên kéo dài liệu trình đa hóa trị liệu.

Tại Việt Nam, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên trên các ứng dụng RNA đối với Mycobacterium leprae. Kết quả của đề tài là cơ sở triển khai các ứng dụng mới trên các tác nhân gây bệnh khác.

Tags : Mục tiêu thực sự của kiểm soát bệnh phong là giảm tối thiểu tình trạng tàn tật và biến chứng do bệnh phong gây ra bằng việc phát hiện bệnh sớm hóa trị liệu đầy đủ điều trị phản ứng phong kịp thời và thích hợp. Đa hóa trị liệu (Multidrug Therapy- MDT) đã mang lại rất nhiều thành công tuy nhiên số lượng bệnh nhân phong mới vẫn phát hiện hàng năm và tỉ lệ bệnh nhân tàn tật do phản ứng phong vẫn còn cao gần đây đã phát hiện những trường hợp phong mới là trẻ em đã có tàn tật. Phát hiện sớm phản ứng phong là quan trọng nhất điều trị bệnh nhân có phản ứng phong kéo dài tái diễn trong quá trình điều trị gặp khó khăn vì phụ thuộc tình trạng miễn dịch của mỗi bệnh nhân. Chẩn đoán và điều trị bệnh phong tái nhiễm tái phát kháng thuốc để ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng là vấn đề cũng cần quan tâm hiện nay.