Top 11 ứng dụng trong quân sự đáng sợ nhất của Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI), chương trình máy tính nhằm mô phỏng các quá trình trí tuệ của con người, là một công nghệ mới mẻ và đầy hứa hẹn dường như đã sẵn sàng thay đổi cuộc sống của chúng ta theo vô số cách, mà nhiều thứ (hoặc hầu hết) trong số đó chúng ta chưa biết rõ.

Những ứng dụng quân sự của AI

    Với sự phát triển nhanh chóng của một thứ có tiềm năng mang lại sức mạnh to lớn, kết quả có thể khó đoán trước vì nó được phổ biến rộng rãi trong công chúng, cho phép người dùng và các nhà nghiên cứu khám phá các ứng dụng mới của AI trong các lĩnh vực được triển khai rộng rãi. Các ngành công nghiệp đa dạng như giáo dục, y học, truyền thông và kỹ thuật đã chứng kiến tác động của việc tích hợp AI vào nơi làm việc.

    Nhưng có một nguyên lý của xã hội hiện đại, có thể được coi là một châm ngôn không thể bác bỏ, đó là bất kỳ công nghệ mới nào có thể được khai thác và điều chỉnh thì đều sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự. Quân đội Hoa Kỳ là trung tâm của sự đổi mới công nghệ và điều đó luôn luôn như vậy, đồng thời AI đã được đưa vào Lầu Năm Góc trên thực tế.

    Trong khi đồng thời khám phá cách mà các binh sĩ sẽ bảo vệ dân chúng một cách tốt nhất ra sao, thì người ta cũng phải thừa nhận những mối nguy hiểm tiềm tàng của AI khi áp dụng nó vào các hệ thống và thiết bị sát thương. Có được sự hỗ trợ của máy móc để đưa ra các quyết định chiến thuật là điều chúng ta đã có trong suốt thế kỷ chiến tranh cơ giới hóa vừa qua, nhưng việc giao phó các quyết định sử dụng vũ lực chết người cho một chương trình máy tính sẽ loại bỏ một số trách nhiệm của con ngườiloại bỏ đi khả năng đưa ra các quyết định có sắc thái biểu cảm và mang tính đạo đức về việc khi nào nên dùng đến vũ lực.

    Trong cờ vua, lỗi của người chơi có thể dẫn đến thua cuộc, đó chỉ là một biến cố nhỏ lẻ. Nhưng trong quân sự, một sai sót có thể dẫn tới chết chóc và sự hủy diệt.

    1. Súng máy tự động

    Súng máy tự động
    Hai khẩu súng robot (màu đen) nằm trên đỉnh một tháp canh với đầy dẫy camera giám sát đang chĩa vào trại tỵ nạn Aroub ở khu Bờ Tây, chụp ngày 6 tháng 10/2022. Israel đã lắp đặt những vũ khí robot có thể bắn đạn hơi cay, lựu đạn gây choáng và đạn có đầu xốp cao su (để giảm thiểu sát thương) vào những người biểu tình Palestine. Các robot, đặt trên cao tại một trại tị nạn đông đúc của người Palestine và tại thành phố điểm nóng ở Bờ Tây gần đó là Hebron, sử dụng AI để theo dõi các mục tiêu. (Ảnh: AP).

    Đã được triển khai ở Israel để bao phủ các đường ranh giới thuộc Bờ Tây (West Bank) và Dải Gaza, những vũ khí tự động này được lập trình để tự chúng theo dõi và bắn vào các mục tiêu, điều này có thể dẫn đến hậu quả tàn khốc cho dân thường. Ý tưởng về súng có khả năng bắn vào mục tiêu mà không cần mệnh lệnh chính xác và cụ thể từ con người ít nhất cũng hơi đáng sợ hoặc ít nhất là có khả năng như vậy. Và mặc dù nghe có vẻ giống như thứ gì đó được tìm thấy trong trò chơi điện tử hoặc một bộ phim khoa học viễn tưởng về thế giới tương lai, nhưng điều này đã tồn tại và công nghệ này đã được chính phủ Israel triển khai.

     Gần tháp canh là minaret của một giáo đường lớn trong khu vực.
    Gần tháp canh là minaret của một giáo đường lớn trong khu vực. (Ảnh: AP).

    Tuy nhiên phải công nhận rằng việc nói loại vũ khí này sẽ bắn mà không cần sự can thiệp của con người là cường điệu, nhưng nó không xa sự thật là mấy. Ở khu Bờ Tây, các khu định cư của Israel đan xen và vậy bọc "lãnh thổ Palestine" nhiều hơn mức hầu hết người phương Tây có thể mường tượng. Bản đồ Bờ Tây là một mạng nhện gồm các khu dân cư được bảo vệ với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) được thiết lập ở các vành đai và các trạm kiểm soát, bề ngoài là để giữ hòa bình. Trong các tháp điều khiển có những binh sĩ giám sát hoạt động bên ngoài bức tường để phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn và khi phát hiện mục tiêu, người lính có thể ra lệnh cho các tháp súng về một mục tiêu đã xác định - và súng sẽ tiếp quản mọi việc từ đó. Các súng được cho là được trang bị hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng, dùng để ngăn chặn những tình huống bất ổn phát sinh. Nhưng khả năng sử dụng đạn thật ở những nơi này là rất lớn và nếu rơi vào tay kẻ xấu có thể dễ dàng dẫn đến hành động tàn bạo.

     Hai người Palestine đang đi bộ ngang qua tháp canh quân sự nói trên của Israel.
    Hai người Palestine đang đi bộ ngang qua tháp canh quân sự nói trên của Israel. (Ảnh: AP).

    Ụ súng tự động tương tự những súng tại trại Aroub
    Ụ súng tự động tương tự những súng tại trại Aroub ở thành phố Hebron phía nam, cách trại tỵ nạn Aroub chỉ 10.6 km. Theo một báo cáo, hệ thống vũ khí tại trạm kiểm soát con phố Shuhada có thể bắn lựu đạn gây choáng và hơi cay, cũng như đạn có đầu xốp cao su. (Ảnh: New Arab).

    2. Tên lửa dẫn đường bằng AI

    Tên lửa dẫn đường đã là vũ khí trong kho vũ khí của các quân đội hiện đại trong nhiều thập kỷ nay. Các mẫu tên lửa ban đầu sử dụng quang học để theo dấu, sau đó là tia hồng ngoại và tia laser, nhưng tất cả những yếu tố này đều yêu cầu các đầu vào cụ thể để tiếp cận mục tiêu thành công. Thế hệ tên lửa dẫn đường tiếp theo sẽ cókhả năng tự điều chỉnh hướng bay bằng cách sử dụng các thuật toán được thiết kế để phản ứng với các điều kiện hay thay đổi trên chiến trường.

    Tên lửa dẫn đường bằng AI

    Đang được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) phát triển, thế hệ tên lửa dẫn đường tiếp theo này sẽ có khả năng theo dõi mục tiêu một cách độc lập sau khi phóng bằng cách dùng hình ảnh quang học, tia hồng ngoại, radar và các công nghệ khác, sử dụng AI để duy trì cố định mục tiêu và điều chỉnh đường đi của nó. Đây là những vũ khí tầm xa có thể bắn ở cách mục tiêu tới 200 dặm (321.8 km) và đạt được độ chính xác gần như hoàn hảo. Hơn nữa, các liên kết dữ liệu có thể cho phép nhiều loại vũ khí hoạt động cùng nhau, với thông tin được chia sẻ để cập nhật thông tin về mục tiêu trong suốt đường bay.

    Tên lửa Hellfire R9X
    Tên lửa Hellfire R9X là ví dụ gần gũi nhất về loại tên lửa do AI dẫn đường, mặc dù thực chất nó được dẫn đường bằng radar và GPS. Giai đoạn đầu tiên của hệ thống dẫn đường là sử dụng GPS để xác định vị trí mục tiêu, trong khi giai đoạn thứ hai sử dụng tia laser để dẫn tên lửa đến đích. Hệ thống dẫn đường hai giai đoạn này đảm bảo Hellfire R9X có thể bắn trúng mục tiêu ngay cả khi mục tiêu di chuyển (chẳng hạn đi từ phòng này qua phòng khác, hoặc ra vào ngôi nhà) hoặc có sự can thiệp. Tên lửa do AI dẫn đường được dự kiến sẽ đảm nhận cả hai giai đoạn này với độ chính xác và linh động lớn hơn nhiều. (Ảnh: AP).

    Trong khi việc nhắm vào mục tiêu chính xác hơn có thể được coi như một cách đảm bảo rằng các cuộc tấn công vào những mục tiêu quân sự nghiêm ngặt có thể làm giảm thương vong dân thường có thể xảy ra, thì công nghệ này đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Vẫn còn đó lý do để lưu tâm đến việc công nghệ này không bị rơi vào tay kẻ xấu.

    3. Phi đội máy bay không người lái

    Nhiều người trong chúng ta đã có cơ hội trải nghiệm sự kỳ diệu của một màn trình diễn ánh sáng bằng máy bay không người lái, nơi những đàn máy bay không người lái bay vòng quanh trên bầu trời đêm tập hợp lại để tạo ra những hình ảnh được chiếu sáng trên bầu trời. Màn giải trí rực rỡ này có thể thực hiện được nhờ công nghệ máy bay không người lái và AI, nhưng chính các yếu tố cơ bản khiến cho màn trình diễn ánh sáng này được khả thi cũng có thể được áp dụng cho các hệ thống vũ khí để tạo ra hiệu ứng tàn phá.

    Lầu Năm Góc đã đặt tên cho việc này là Autonomous Multi-Domain Adaptive Swarms-of-Swarms (AMASS, tạm dịch là Bầy đàn Thích ứng Đa miền Tự động hóa). Mục tiêu là phát triển khả năng phóng một phi đội máy bay không người lái từ đất liền, trên biển và trên không - tất cả đều được kết nối với nhau và tự động - để đem lại kết quả là bao vây kẻ thù và chi phối các cứ điểm của họ với lực lượng áp đảo. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang làm việc tích cực cho dự án này, đổ hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển. Trong số các quốc gia khác, người ta cũng biết rằng Trung Quốc nói riêng đang chi hàng tỷ USD vào nghiên cứu AI cho quân sự, tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại dựa trên công nghệ cao.

     Một phi đội máy bay không người lái
    Một phi đội máy bay không người lái được sử dụng để phát hiện các mục tiêu quân sự trong các cuộc thử nghiệm trí tuệ nhân tạo của AUKUS (Úc – Anh quốc – Hoa Kỳ). (Ảnh: Naval Technology).

    Một phi đội máy bay không người lái đã được Israel triển khai. Vào năm 2021, IDF đã cử một phi đội máy bay không người lái hoàn toàn tự động đi xác định vị trí và tấn công Hamas, cùng với các loại vũ khí thông thường khác. Mặc dù Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có các biện pháp bảo vệ để duy trì một số nguyên tắc đạo đức nhất định liên quan đến AI, nhưng khi công nghệ này trưởng thành và lan rộng sang các quốc gia khác, những biện pháp bảo vệ này có thể trở nên không đủ.


    Thành quả của máy bay không người lái: Một bức ảnh do drone của Israel chụp cho thấy 14 bệ phóng tên lửa dưới lòng đất nằm trong sân của một trường học ở Dải Gaza được các nhóm khủng bố Palestine sử dụng trong cuộc xung đột hồi tháng 5/2021 giữa Lực lượng Phòng vệ Israel và Hamas. (Ảnh: Times of Israel).

    4. Binh lính robot

    Ý tưởng về những người lính trên chiến trường phải đối mặt với những cỗ máy tàn nhẫn và hành động chính xác, như Cyon Centurians của Battlestar Galactica hay đội quân droid (robot) của Star Wars, có vẻ giống như những chuyến bay kỳ ảo đến từ thế giới khoa học viễn tưởng, nhưng đời thực có thể sắp sửa tái hiện viễn cảnh đó trong thực tế, đúng như thường lệ. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang đầu tư mạnh vào các loại vũ khí tiên tiến sử dụng AI và các công nghệ tự động khác để tăng cường nhân lực cho các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không.

    Binh lính robot

    Mặc dù những cỗ máy thực tế khó có thể mang hình người với hai chân, nhưng bản chất tự chủ và vũ khí trang bị đầy đủ của chúng có thể được nhìn thấy ở dạng có bánh xe, bánh xích và thậm chí có cả các chi. Trong khi hãng Boston Dynamics đã ký cam kết không cho phép phát triển robot của mình thành thiết bị quân sự, thì những công ty khác lại không làm điều đó. Hãng Ghost Robotics đang phát triển các robot có bốn chân giống chó, trong đó việc sử dụng chân để di chuyển cho phép những cỗ máy này băng qua trên hầu hết các bề mặt và bậc thang, đi tới những nơi mà bánh xích hoặc bánh xe có thể bị kẹt lại. Chúng có thể được sử dụng như những trợ lý tự động, sử dụng AI để theo dõi hoạt động của đơn vị đang triển khai, theo sát các binh sĩ một cách tự động bằng kết nối không dây. Chúng cũng có thể được sử dụng để trinh sát, rà phá bom mìn hoặc bắn vũ khí từ xa, giúp cho binh lính tránh khỏi tầm bắn của đối phương.

    Chú chó robot của Ghost Robotics đem theo trên lưng drone Indago
    Chú chó robot của Ghost Robotics đem theo trên lưng drone Indago của Lockheed Martin và cảm biến trinh sát của Digital Force Technologies dành cho mục đích mở rộng phạm vi của năng lực chiến đầu, trong một triển lãm quân sự năm 2021. (Ảnh: Twitter).

    Các ứng dụng có thể có của một thiết bị kiểu như vậy là vô tận nhưng cũng mang lại một bãi mìn về mặt đạo đức. Việc đặt ra những ranh giới về cách thức triển khai những thứ này theo hướng nhằm đạt được thỏa thuận quốc tế có thể sẽ khiến việc rà phá bãi mìn" đạo đức này khó khăn hơn so với cách làm truyền thống. Dù vậy, đừng mong đợi sẽ thấy các robot xếp hàng chống lại nhau trên chiến trường.

    5. Thu thập thông tin tình báo bằng AI

    Một sĩ quan chỉ huy giỏi biết rằng họ chỉ giỏi khi có đủ thông tin để hành động. Trong nhiều thời kỳ, việc thu thập thông tin tình báo là một phần quan trọng của bất kỳ chiến dịch quân sự thành công nào và nó đã trở nên phức tạp hơn theo cấp số nhân trong ba thập kỷ vừa qua. Mặc dù chúng ta đã bước vào thời đại kỹ thuật số khá lâu rồi, nhưng việc tích hợp AI vào các công nghệ thu thập thông tin tình báo sắp nâng sự tinh vi đó lên mức không thể đo lường được cách đây chừng một thập kỷ.

    Sẽ không bao giờ có cách nào thay thế được việc theo dõi kẻ địch bằng mắt, nhưng thế giới kỹ thuật số mà tất cả chúng ta đang hoạt động trong đó cung cấp những con đường để thu thập các loại thông tin tình báo khác nhau.

    Bộ Chỉ huy Mạng của Quân đội Hoa Kỳ (U.S. Army Cyber Command), được thành lập vào năm 2010, hỗ trợ Quân đội theo nhiều cách, bao gồm cả giám sát kỹ thuật số. Khi được áp dụng cho tình báo quân sự, AI gia tăng tốc độ thu thập và phân tích dữ liệu theo thang cấp về độ lớn. Lực lượng Không quân muốn nó được tích hợp vào tất cả các công nghệ tình báo trong tương lai của mình. Nó không chỉ có thể thu thập được lượng dữ liệu khổng lồ mà còn có thể được đào tạo để phân tích thông tin cụ thể và xử lý nó thành thông tin mà dựa trên đó có thể hành động được một cách tự động. Nó cũng phá bỏ rào cản ngôn ngữ và có thể được sử dụng để nhận dạng giọng nói và khuôn mặt của từng cá nhân theo những cách mà trước đây không thể thực hiện được. Và lĩnh vực đang phát triển này chỉ mới bắt đầu chặng đường của nó.


    Các binh sĩ Thủy quân lục chiến thuộc Bộ Chỉ huy Không gian Mạng của Lực lượng Thủy quân lục chiến đang quan sát màn hình máy tính tại trung tâm hoạt động mạng ở Fort Meade, bang Maryland, ngày 5 tháng 2 năm 2020. (Ảnh: Defense).

    Sự thả lỏng việc thu thập thông tin tình báo AI tự động hóa trong xã hội sẽ tạo ra mối nguy hiểm về một mạng lưới thu thập thông tin nhắm vào các công dân bình thường. Nguy cơ vi phạm các quyền hiến định rất cao khi công nghệ này phát triển, đến nỗi nhiều người đã thúc giục chính phủ theo dõi chặt chẽ Bộ Quốc phòng để ngăn chặn các quyền tự do dân sự bị xâm phạm dưới danh nghĩa an ninh.

    6. Máy bay không người lái tự động

    Trong một dự án nằm trong sáng kiến quốc phòng của Australia, hãng Boeing đang phát triển và chế tạo thứ được gọi là MQ-28 Ghost Bat, và Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã bày tỏ sự quan tâm đáng kể đến dự án này. Máy bay mới này không chỉ là công nghệ máy bay không người lái mới nhất mà việc bổ sung AI sẽ khác nhiều so với các nền tảng hiện có, chẳng hạn như Predator. Ghost Bat là một "máy bay yểm trợ trung thành" do AI điều khiển, có nhiệm vụ bay cạnh các tiêm kích chiến đấu và hỗ trợ phi công trong các nhiệm vụ bằng cách bổ sung thêm cho họ khả năng giám sát và hỏa lực vốn đã sẵn có.

    Máy bay không người lái tự động

    Chiếc Ghost Bat có phạm vi hoạt động 2,300 dặm với thời gian bay liên tục là 16 giờ và có thể đạt tốc độ gần siêu âm nhờ động cơ quạt phản lực Pratt & Whitney PW 600. Không giống như những máy bay không người lái khác được vận hành từ các trung tâm chỉ huy trên mặt đất, nó sẽ được điều khiển bởi một máy bay đi kèm với một số hệ thống vận hành bằng AI để cho phép nó thực hiện các chức năng của nhiệm vụ một cách tự động. Nó sẽ có các chức năng cho phép nó bám đuôi máy bay chính (do phi công lái) mà không cần người phi công này cung cấp cho nó các đầu vào điều khiển bay cụ thể, đồng thời cũng có khả năng cất cánh và hạ cánh tự động.

    Chiếc Ghost Bat Boeing MQ-28 trong một cuộc thử nghiệm chạy tốc độ cao trên mặt đất.
    Chiếc Ghost Bat Boeing MQ-28 trong một cuộc thử nghiệm chạy tốc độ cao trên mặt đất. (Ảnh: Wikipedia).

    Ghost Bat chưa hề được sử dụng trong bất kỳ lực lượng không quân nào, nhưng quá trình thử nghiệm đang diễn ra và có thể sẽ sớm được chứng nhận. Công nghệ này không gây ra nhiều tình huống khó xử về đạo đức hoặc là mối đe dọa đối với thường dân; nhưng đối với các lực lượng đối địch, nó sẽ là một kẻ thù đáng sợ, nhân lên gấp bội các mối đe dọa sắp đến bằng một thiết bị bay trên không mà chẳng hề sợ thiệt hại nhân mạng như các tiêm kích thông thường.

    7. Tàu ngầm tự động hóa

    Theo cách nói chính thức, tàu ngầm không người lái được gọi là Phương tiện Không người lái Dưới nước (Unmanned Underwater Vehicle, hay UUV) và quá trình phát triển loại phương tiện này đang được tiến hành suôn sẻ. Hải quân Hoa Kỳ và các nước khác đã triển khai nhiều chiếc UUV được điều khiển từ xa từ các trạm chỉ huy trên đất liền hoặc trên mặt biển. Ukraina có hẳn con tàu bản địa của riêng mình và đã thực hiện thành công các nhiệm vụ chống lại lực lượng hải quân Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022. Tuy nhiên, việc triển khai UUV trong tương lai sẽ có thêm mức độ tự chủ nhờ tích hợp AI trong các hệ thống dẫn đường và nhắm mục tiêu của chúng.

    Tàu ngầm tự động hóa

    Hải quân Hoa Kỳ đang nỗ lực mở rộng đội tàu UUV của mình, với số lượng tàu do AI điều khiển ngày càng tăng lên. Một lĩnh vực được quan tâm đặc biệt là việc triển khai chúng ở vùng biển Caribe và xung quanh Nam Mỹ trong các nhiệm vụ ngăn chặn buôn lậu ma túy, cũng như các nỗ lực ngăn chặn nạn buôn người. AI có thể giúp UUV phát hiện và theo dõi các tàu khả nghi, đồng thời cảnh báo nhân viên trên tàu ở mặt nước trong thời gian thực về vị trí của mối đe dọa tiềm tàng.

     Sơ đồ hoạt động của tàu UUV thuộc Hải quân Hoa Kỳ.
    Sơ đồ hoạt động của tàu UUV thuộc Hải quân Hoa Kỳ. (Ảnh: Thanh Niên).

    Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo chiếc UUV lớn nhất theo kế hoạch cho đến nay. Nó có thể hoạt động cách cảng nhà tới 3,000 dặm trong thời gian tối đa lên tới ba tháng. Nhưng mấu chốt thực sự của câu chuyện là việc điều hướng và các hành động của nó sẽ được AI hướng dẫn hoàn toàn, cho phép nó hoạt động hoàn toàn im lặng khi được triển khai. Vấn đề là các biện pháp bảo vệ được áp dụng để ngăn chặn một AI chưa hoàn hảo làm xáo động vùng biển xung quanh.

     Một số bộ phận chính của tàu ngầm tự động
    Một số bộ phận chính của tàu ngầm tự động, như được minh họa trong một tài liệu trình bày về cách điều khiển thiết bị truyền động của UUV được tăng cường bằng AI: (a) Phương tiện dưới nước không người lái Aries; (b) Đầu bánh răng và động cơ dẫn động dưới nước ECI-40 Maxon; và (c) động cơ cánh quạt đẩy dưới nước. (Ảnh: MDPI).

    8. Côn trùng robot

    Các nhà khoa học và kỹ sư trong nhiều thế kỷ đã nhìn vào thiên nhiên để tìm ra cách áp dụng các khái niệm trong thiết kế cơ khí nhằm tạo ra các công nghệ mới. Thế giới côn trùng mang lại nguồn cảm hứng dồi dào cho những sáng tạo hiện đại, bao gồm cả máy bay không người lái thu nhỏ. Đây là những thiết bị hoàn hảo để thực hiện nhiệm vụ giám sát trong bí mật, vì những thiết bị bay được chế tạo đủ nhỏ có thể di chuyển vào lãnh thổ kẻ địch mà gần như hoàn toàn không bị phát hiện. Hơn nữa, khi được sử dụng hàng loạt, việc đối phương loại bỏ chúng có thể cực kỳ khó khăn.

    Côn trùng robot

    Robot quân sự hình dạng côn trùng đang trên đường trở thành hiện thực. Lực lượng Đặc biệt của Anh (British Special Forces) đã có WASP, một loại máy bay cỡ nhỏ 6 inch được sử dụng để làm nhiệm vụ trinh sát ở Afghanistan. Mặc dù được vận hành từ xa nhưng việc tích hợp AI là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của nó. Công cuộc nghiên cứu trong lĩnh vực này đang được tiến hành và đã cố gắng vượt qua một số trở ngại. Việc trang bị vi xử lý, bộ nhớ lưu trữ và cách thức cấp nguồn liên tục cho thiết bị đều bị hạn chế nghiêm trọng do kích thước nhỏ của các thiết bị này, nhưng những vấn đề này không phải là không thể khắc phục nếu có nhiều nghiên cứu và thử nghiệm hơn được tiến hành.

    Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã trao các hợp đồng thông qua cơ quan DARPA để phát triển các robot có kích thước nhỏ và lấy cảm hứng từ côn trùng, chủ yếu cho các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ hoặc thực hiện các cuộc kiểm tra trong môi trường có điều kiện độc hại đối với con người. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều công nghệ dân sự trong quá khứ, có thể chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi có thêm nhiều ứng dụng mang tính chiến thuật được phát triển, mà không có bất kỳ hiệp ước hay hướng dẫn đạo đức nào nhằm hạn chế tính chất tàn phá của các hệ thống vũ khí vi mô mới.


    Các quan chức của DARPA giải thích rằng nghiên cứu robot có quy mô nhỏ bằng côn trùng đã được hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ trước đây trong hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), sản xuất phụ gia, bộ truyền động áp điện và cảm biến năng lượng thấp. Tới nay, vẫn chưa có hệ thống robot siêu nhỏ hoặc robot hoàn chỉnh nào có thể thực hiện thành thạo các công việc phức tạp. Hiện thời hầu hết các robot siêu nhỏ và robot cỡ nhỏ ngày nay đều dựa vào các dây nối vật lý, quang học, từ tính hoặc RF (tần số sóng radio) để cung cấp năng lượng, điều khiển và xử lý, điều này làm hạn chế tiện ích của chúng. (Ảnh: Military Aerospace).

    9. Những con la robot

    Một số ứng dụng có tính thực tế hơn sắp tới của AI và robot là những cỗ máy có thể hỗ trợ binh lính mang thiết bị và vật tư vào trận chiến. Những người lính hiện đại mang theo khoảng 27 pound (khoảng 12 kg) đồ bảo hộ cá nhân trước khi bổ sung thêm bất kỳ loại vũ khí, đạn dược và khẩu phần ăn nào. Với tất cả các thiết bị và vật dụng được mang theo, một người lính có thể mang theo vật nặng lên tới 140 pound (63.5 kg)! Điều này làm gia tăng sự mệt mỏi, giảm khả năng vận động và gây ra nhiều khả năng chấn thương hơn.


    Trang thiết bị vô cùngnặng nề của một binh sĩ hiện đại: Đại úy quân đội Hoa Kỳ Kevin Wiley từ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn bộ binh 20, đang che mình bằng một tấm lót vào giờ nghỉ giải lao trong Chiến dịch Regular Flint tại làng Shele Kalay, tỉnh Kandahar, Afghanistan, ngày 16 tháng 1 năm 2012. Tuy nhiên họ vẫn phải luôn mang vác theo mọi quân trang cá nhân bên mình. (Ảnh: Task and Purpose).

    Công nghệ mới và đang phát triển nhằm tạo ra những con la robot tự hành đang nổi lên có thể giúp lực lượng binh sĩ chiến đấu nhanh nhẹn hơn và ít mệt mỏi hơn. Để giảm bớt gánh nặng cho binh lính, DARPA đã phát triển Legged Squad Support System (tạm dịch Hệ thống Hỗ trợ Tiểu đội Có chân, hay LS3). Nó là một con la robot có chức năng mang vác được phát triển bắt đầu từ năm 2012. Tuy nhiên, sau nhiều thử nghiệm, người ta xác định rằng nó sẽ quá ồn ào để sử dụng trong thực tế. Tuy nhiên, ngày nay đã có Xe vận tải Chiến thuật Đa tiện ích (Multi-Utility Tactical Transport, hay MUTT), một phương tiện không người lái đi trên mặt đất chạy điện gồm 8 bánh có khả năng chở vật tư nặng nề đến những nơi mà một xe tải thông thường không thể đi tới. Nó có thể được vận hành từ xa hoặc bán tự động bằng cách sử dụng tín hiệu GPS và hệ thống dẫn đường quán tính. Nó cũng có phiên bản bánh xích và có thể hoạt động dưới nước.


    Loại xe MUTT có bánh xích (phiên bản 4 × 4). Ngoài tính hữu ích của nó trong việc chở các thiết bị hạng nặng (ảnh phải) hoặc thậm chí là những người lính bị thương, biến thể vũ trang (ảnh trái) còn được trang bị tên lửa chống tăng Javelin, súng máy cỡ nòng .50 và súng trường M4. Các khả năng trong tương lai sẽ bao gồm tiếp tế tự động, hệ thống chống máy bay không người lái (C-UAS); phòng thủ các nguy cơ liên quan đến hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN); tình báo, giám sát và trinh sát (ISR); tác chiến điện tử (EW); bắn trực tiếp và bắn gián tiếp. (Ảnh: Military Leak).

    Cấu tạo của chiếc MUTT có bánh xích.
    Cấu tạo của chiếc MUTT có bánh xích. (Ảnh: Military Leak).

    Đây là những thứ ít đáng sợ nhất trong thế hệ công nghệ quân sự được hỗ trợ bởi AI sắp tới. Tuy nhiên, khi chúng tăng cường cho các nhóm binh lính chiến thuật trên thực địa, thì chúng đem lại lợi thế rõ rệt trước đối thủ, vốn buộc phải mang theo vật tư trên lưng.


    Các Lực lượng quân đội Hoa Kỳ tiếp nhận xe MUTT của General Dynamcs ở phiên bản 8 × 8. Kích thước nhỏ gọn 2.9 mét X 1.5 mét cho phép nó di chuyển qua địa hình chật hẹp và có thể được vận chuyển bằng trực thăng. Trọng tải 1,136 kg của xe cho phép vận chuyển nước, đạn dược, khẩu phần ăn, pin dự phòng và các vật tư khác, cho phép các đơn vị hoạt động mà không cần tiếp tế ngay lập tức. Việc phát điện ngay trên xe cũng sẽ cung cấp năng lượng cho thiết bị và sạc pin. Việcnày giúp nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ bền bỉ của đơn vị tiền phương. (Ảnh: Armada).

    10. Robot giám sát dưới nước lẫn trên cạn

    Một tình huống khác nữa mà đời thực bắt chước khoa học viễn tưởng là GuardBot. Giống như robot droid BB-8 của Star Wars, GuardBot là một quả bóng lăn tự động có thể cung cấp khả năng giám sát trong bí mật trên đất liền và dưới nước.

    GuardBot trông giống như một nhãn cầu có hai mặt
    GuardBot trông giống như một nhãn cầu có hai mặt, bước ra từ một bộ phim về cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh. Trong khi Thủy quân lục chiến thử nghiệm nó như một phương tiện trinh sát “lưỡng cư” rất khả dụng, thì mục đích ban đầu của GuardBot thậm chí còn mang tính khoa học hư cấu hơn: nó được thiết kế lần đầu để đi lên Sao Hỏa. Ảnh: Popular Science.

    Đây được coi là một Phương tiện Mặt đất Không người lái (Unmanned Ground Vehicle, hay UAV) và được Aquiline Drone và Guardbot hợp tác phát triển. Cấu trúc của GuardBot rất khác thường nhưng mang lại cho nó khả năng mạnh mẽ: Nó là một quả bóng lăn được trang bị camera có thể cung cấp tầm nhìn 360 độ khi di chuyển trên đất liền và dưới nước. Nó có thể có nhiều kích cỡ khác nhau, từ chỉ 6.5 inch cho đến 7 feet về đường kính, với cơ chế bên trong cho phép nó chuyển động đi tới và đi lùi cũng như có phạm vi quay vòng tự do. Các khoang ở hai bên chứa các thiết bị có thể hoán đổi cho nhau như máy quay video, bộ cảm biến hồng ngoại, cảm biến nhiệt, micrô và thiết bị âm thanh. Nó có thể hoạt động tới 25 giờ trong một lần sạc pin, di chuyển với tốc độ 12 dặm/giờ trên đất liền và 3 dặm/giờ dưới nước. Hình dạng độc đáo của nó giúp nó có thể vượt qua nhiều kiểu chướng ngại vật và leo dốc. Các mảng tiếp xúc đơn điểm có lực ma sát khi lăn thấp, giúp giảm mức sử dụng điện năng.

    Một GuardBot thuộc loại không có các gai tiếp xúc - phiên bản ít phổ biến hơn loại có gai
    Một GuardBot thuộc loại không có các gai tiếp xúc - phiên bản ít phổ biến hơn loại có gai, điều này hàm ý lực ma sát với mặt đất của nó lớn và thích hợp với môi trường nước hơn. Nó có thể được vận hành từ xa bằng cách sử dụng liên kết dữ liệu 2-8 GHz và máy quang phổ laser đặt trong nửa quả cầu trong suốt, có khả năng phát hiện các hóa chất được sử dụng để chế tạo bom từ khoảng cách chỉ 2 inch. (Ảnh: IBTimes).

    Thiết bị độc đáo này cũng có thể được lập trình bằng AI để trở thành “lính gác” lưu động trong một khu vực được rào chắn về mặt địa lý, cung cấp cho người dùng khả năng giám sát kẻ thù từ xa với xác suất bị phát hiện là tối thiểu. Việc thử nghiệm với Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã bắt đầu vào năm 2014. Thông tin về bất kỳ đợt triển khai chính thức nào là rất hiếm hoi, nhưng thiết bị vẫn hiện diện và nó có thể đang hỗ trợ cho quân đội ở đâu đó ngay bây giờ.

    11. Phương tiện chiến đấu di chuyển trên mặt đất


    Năm 2021, Quân đội Hoa Kỳ đã thử nghiệm một đội Xe Chiến đấu Thế hệ Tiếp theo (NGCV) trong Dự án Hội tụ (Project Convergence 21, hay PC21), đây là cuộc thử nghiệm hiện đại hóa quy mô lớn và là nỗ lực nền tảng của Bộ Tư lệnh Tương lai thuộc Quân đội. Là một phần của cuộc thử nghiệm đang diễn ra tại các cơ sở của Quân đội ở Arizona và New Mexico, các nhóm binh sĩ, dân thường, và nhà thầu cùng chuyên gia trong ngành đang thử nghiệm những tiến bộ mới nhất trong chiến tranh hiện đại, bao gồm cả lãnh vực AI. (Ảnh: Army).

    Bắt đầu từ năm 2021, Quân đội Hoa Kỳ đã và đang thử nghiệm thế hệ phương tiện chiến đấu không người lái tiếp theo được điều khiển bởi AI. Thông báo cuối cùng về những dự án nào sẽ trúng thầu vẫn đang chờ xem xét, và phạm vi của các hệ thống tiềm năng hiện rất đa dạng. Một số ý tưởng đang được khám phá bao gồm các phương tiện có bánh xích nhỏ và linh hoạt với vũ khí hạng nặng có thể điều khiển từ xa hoặc có khả năng bán tự động, cũng như các phương tiện tấn công cỡ lớn có thể được sử dụng mà có hoặc không có người điều khiển. AI có thể được áp dụng không chỉ cho động cơ đẩy và điều hướng, mà còn cho các hệ thống nhắm mục tiêu và giám sát thích ứng với các điều kiện trong thời gian thực trên chiến trường, trong khi vẫn giữ cho các binh sĩ ở khoảng cách an toàn.

    Chiếc THeMIS UGV của hãng Milrem Robotics trong một nhiệm vụ tại Mali
    Chiếc THeMIS UGV của hãng Milrem Robotics trong một nhiệm vụ tại Mali, được thiết kế với mục đích chống chọi với những điều kiện khắc nghiệt môi trường và khí hậu nóng. Ngoài ra, UGV đã được trang bị các chức năng tự động bao gồm điều hướng theo từng điểm (point-to-point), phát hiện và tránh chướng ngại vật, cho phép nó theo sát các binh sĩ đánh bộ, tuần tra vành đai, cung cấp tiếp tế cho tiền tuyến và sơ tán binh lính bị thương với sự can thiệp tối thiểu của người điều khiển. (Ảnh: Military Embedded).

    Khi những dự án này cuối cùng thành hiện thực, chúng ta có thể hình dung ra một kịch bản mà trong đó các trận chiến diễn ra giữa các thiết bị điều khiển từ xa, với các trung đội trực chiến đang chờ để tiếp quản lãnh thổ hoặc tiến ra tiền tuyến với rủi ro được giảm bớt. Tuy nhiên, trong bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa những đối thủ không cân sức, thì những bên sở hữu các hệ thống chiến đấu tiên tiến này sẽ chiếm thế thượng phong đáng kể. Mặc dù điều này có thể làm giảm thương vong trong trận chiến nhưng nó cũng có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới dựa trên công nghệ và AI, với mục đích cả tốt lẫn xấu.