Bộ Giáo dục yêu cầu rà soát việc dạy môn liên kết, tăng cường

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng hôm 28/9 ký công văn yêu cầu các Sở giáo dục và đào tạo rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các trường học, từ mầm non tới phổ thông, giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, các sở đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề xuất, gửi về Bộ trước ngày 15/10.

Theo Bộ, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, liên kết dạy ngoại ngữ, tin học tăng cường... theo nhu cầu người học đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, công tác quản lý giáo dục ngoài giờ chính khóa còn có hạn chế, dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt về loại hình này.

Do đó, Bộ đề nghị các Sở tăng cường quản lý, chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm quy định liên kết, tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.

Thời khóa biểu có các tiết liên kết của một học sinh lớp 3 tại TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời khóa biểu có các tiết liên kết của một học sinh lớp 3 tại TP HCM. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Trước đó, bốn tỉnh, thành gồm Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và Nghệ An thông báo chấn chỉnh hoạt động liên kết dạy thêm giữa nhà trường với các trung tâm. Riêng Nghệ An đã tạm dừng hoạt động liên kết giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường từ đầu tháng 9 để rà soát chương trình, chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của đội ngũ giáo viên, các điều kiện cơ sở vật chất và công tác tổ chức của trung tâm.

Động thái của Bộ và các địa phương sau khi ở nhiều nơi, phụ huynh phản ánh các lớp học liên kết, tăng cường như STEM, tiếng Anh với người nước ngoài, kỹ năng sống... bị trường học chèn vào thời khóa biểu học chính khóa, hoặc có động thái "ép buộc" tham gia. Việc này gây mất công bằng giữa các học sinh, khiến họ bức xúc.

Trả lời VnExpress, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Luật Giáo dục 2019 khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục.

Nếu các bên liên kết có chức năng nhiệm vụ, được quản lý chặt chẽ, nội dung đáp ứng yêu cầu đặt ra, thì đây là lực lượng đồng hành cùng nhà trường thực hiện chủ trương xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu người học.

Tuy nhiên, việc này phải dựa trên khảo sát nhu cầu học sinh và phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện. Thời khóa biểu cần được sắp xếp khoa học, phù hợp về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, cũng như tâm sinh lý lứa tuổi, tránh gây quá tải cho học sinh. Trường cũng không được ép học sinh tham gia hay chèn lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ chính khóa nếu trong lớp có những học sinh không có nhu cầu.

Bình Minh


Tags : tiếng Anh tăng cường dạy liên kết kỹ năng sống Tin nóng