Hạ chuẩn giáo viên: Có còn nhiều nguồn tuyển trình độ cao đẳng?

Tại dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã đề xuất về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng (CĐ) một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, bao gồm: lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) cấp tiểu học và THCS.

Đề xuất này nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi triển khai thực hiện quy định về chuẩn trình độ đào tạo tại luật Giáo dục năm 2019, bảo đảm đủ số lượng giáo viên (GV) triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở các môn học trên.

Hạ chuẩn giáo viên: Có còn nhiều nguồn tuyển trình độ cao đẳng?- Ảnh 1.

ĐÀO NGỌC THẠCH


TÌM GIÁO VIÊN ĐẠT CHUẨN RẤT KHÓ KHĂN

Theo Bộ GD-ĐT, báo cáo của các tỉnh, thành cho thấy đến hết học kỳ 1 năm học 2022 - 2023, các địa phương đã tuyển dụng được 15.450/27.850 biên chế GV, đạt tỷ lệ 55,5%. Một trong những nguyên nhân mà các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao là thiếu nguồn tuyển dụng. Những sinh viên (SV) tốt nghiệp ĐH sư phạm hoặc cử nhân đào tạo chuyên ngành các môn tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Do đó việc tuyển dụng, hợp đồng những GV các môn đặc thù có trình độ cử nhân theo quy định về chuẩn trình độ đào tạo rất khó khăn.

Hạ chuẩn tốt nghiệp đại học xuống cao đẳng để có ‘nguồn tuyển’ giáo viên Chất lượng có đi đôi với số lượng

Hiện nay Chương trình GDPT 2018 có đội ngũ GV chỉ đáp ứng được 80% số lượng và chất lượng, trong đó tại các trường phổ thông công lập thiếu nhiều so với định mức, đặc biệt là các môn ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, giáo dục thể chất. Cụ thể, đa số trường THPT chưa có GV môn âm nhạc và mỹ thuật để học sinh chọn môn học theo quy định trong Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023. Trong khi đó, việc đào tạo tại các cơ sở giáo dục ĐH đối với ngành sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật (4 năm) chưa kịp để đáp ứng nguồn GV cho công tác tuyển dụng.

Bộ GD-ĐT dự báo đến năm 2024, cấp tiểu học thiếu 6.621 GV tin học và 5.780 GV ngoại ngữ, cấp THCS thiếu 6.631 GV môn lịch sử và địa lý, 2.366 môn khoa học tự nhiên và 4.321 GV nghệ thuật...

Do đó cần thiết phải tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp CĐ chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành GV, bảo đảm có đủ GV thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở các môn học trên.

Dự kiến khi thực hiện chính sách này, các địa phương sẽ tuyển dụng được khoảng 10.000 GV các môn học để thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Hạ chuẩn giáo viên: Có còn nhiều nguồn tuyển trình độ cao đẳng?- Ảnh 2.

ĐÀO NGỌC THẠCH

"LẼ RA B GD-ĐT NÊN NHÌN THẤY TRƯỚC VẤN ĐỀ"

Ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, nhận định lẽ ra Bộ GD-ĐT nên nhìn thấy trước vấn đề này và có lộ trình thực hiện việc cho phép tiếp tục tuyển dụng trình độ CĐ từ năm 2019. "Lúc đó, nhu cầu tuyển dụng cũng đã lớn và số lượng SV CĐ tốt nghiệp nhiều. Đến nay, sau 4 - 5 năm, số GV có trình độ CĐ đều đã nâng chuẩn nếu như còn làm trong ngành giáo dục. Không ngoại trừ nhiều em vì hoàn cảnh, điều kiện không liên thông lên ĐH đã đi kiếm công việc khác. Số lượng SV sư phạm các ngành học mà Bộ GD-ĐT đề xuất hiện nay chắc không nhiều, nếu có thì chỉ còn ít số em đang giảng dạy hợp đồng mà chưa nâng chuẩn", ông Linh chia sẻ.

Theo ông Linh, Ninh Thuận chỉ tiêu ít mà nguồn tuyển dồi dào từ trình độ ĐH nên hiện không có nhu cầu tuyển dụng GV trình độ CĐ.

Tại Bình Định, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho hay tỉnh cơ bản đã đủ GV. Thời gian qua, để nâng chuẩn cho GV trình độ CĐ, Sở tổ chức đấu thầu và Trường ĐH Đồng Tháp là cơ sở thực hiện bồi dưỡng cho hơn 200 GV do Sở lập danh sách, còn lại một ít GV là do các huyện tự thực hiện việc bồi dưỡng. "Để biết rõ được số lượng người tốt nghiệp sư phạm trình độ CĐ hiện còn bao nhiêu đang theo nghề mà chưa nâng chuẩn, bao nhiêu đã đi làm công việc khác, thì phải có khảo sát. Tuy nhiên số GV trình độ này còn đến nay để được tuyển dụng chắc không nhiều", ông Tuấn nhận định.

Được biết, Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu đào tạo GV môn lịch sử - địa lý từ năm học 2014 - 2015 với khóa đầu được 28 SV, khóa thứ 2 (2016 - 2017) được 19 SV và mấy năm sau đó không đào tạo môn này nữa. Môn khoa học tự nhiên cũng chỉ đào tạo được 3 khóa với 68 SV, công nghệ 1 khóa với 10 SV. Riêng tin học và tiếng Anh đào tạo nhiều khóa hơn và số lượng là 66 (tin học) và 366 (tiếng Anh). Trong khi đó Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM đào tạo các ngành GV tiếng Anh, mỹ thuật vài chục SV/khóa.

"Các em trình độ CĐ sẵn sàng tiếp tục học liên thông để đạt chuẩn. Tuy nhiên số bỏ nghề để kiếm việc khác do nhiều nguyên nhân cũng không hề ít. Tuyển sinh và đào tạo không nhiều, nhiều em lại không tiếp tục theo nghề nên sau 4 - 5 năm, chắc chắn nguồn tuyển GV trình độ CĐ cũng sẽ hạn hẹp", Phó hiệu trưởng một trường CĐ sư phạm phía nam nhận định.

Vị này cho biết nếu theo Bộ GD-ĐT, năm 2024 số lượng GV thiếu ở bậc tiểu học và THCS lên tới hơn 25.000, mà chính sách này giúp các tỉnh tuyển thêm được 10.000 GV, thì tình trạng thiếu vẫn rất nhiều. "Nếu Bộ GD-ĐT sớm biết điều này để có sự chuẩn bị từ trước, tránh dừng đào tạo GV tiểu học và THCS ở trường CĐ quá sớm, đề xuất tiếp tục cho phép tuyển dụng trình độ CĐ từ sau năm 2019 trong vài năm, thì đến nay tình trạng thiếu GV sẽ không nghiêm trọng như vậy", vị phó hiệu trưởng này chia sẻ thêm. 

Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên đối với GV tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.