Thủ tướng yêu cầu gỡ 3 'điểm nghẽn' cho giáo dục mầm non

Sáng 4.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, chủ trì phiên họp về đổi mới phát triển giáo dục mầm non (GDMN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

GẦN 300.000 TRẺ MẪU GIÁO CHƯA ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG

Báo cáo về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định: GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người VN. Tuy nhiên, GDMN vẫn là bậc học còn nhiều hạn chế, tồn tại. Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ. Năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế. Tỷ lệ huy động: trẻ nhà trẻ mới đạt 32,1%, trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi đạt 93,1%. Hiện có khoảng gần 300.000 trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi chưa được đến trường...

Thủ tướng yêu cầu gỡ 3 'điểm nghẽn' cho giáo dục mầm non- Ảnh 1.

TTXVN

Hệ thống trường mầm non công lập hiện chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ. Hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện KT-XH khó khăn. Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con của người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở GDMN độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế.

Cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện chương trình GDMN. Hiện nay tính riêng cấp học mầm non, toàn quốc còn khoảng trên 5.000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDMN, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi.

THIẾU 50.000 GV, THU NHẬP THẤP NHẤT TRONG CÁC CẤP HỌC

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy đội ngũ GV mầm non hiện thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm. Tình trạng thiếu GV mầm non kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết. Toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 GV mầm non. Trong bối cảnh thiếu nhưng các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là GV mầm non. Tình trạng GV mầm non bỏ việc và nghề GV mầm non ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập đang thấp nhất trong các cấp học, trong khi GV chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9 - 12 giờ mỗi ngày).

Cũng theo bà Kim Chi, mục tiêu "công bằng" trong phát triển GDMN chưa bảo đảm. Khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn. Vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN.

Do vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định GDMN cần có được những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, thay đổi quan điểm đầu tư để có chương trình giáo dục tốt, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ GV mầm non, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng.

"Hiện nay GV mầm non thiếu, nhưng dù có chỉ tiêu tuyển dụng cũng không tuyển được vì thiếu nguồn tuyển", bà Vũ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nêu thực tế và cho rằng cần có giải pháp để có lộ trình đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng GV.

Thủ tướng yêu cầu gỡ 3 'điểm nghẽn' cho giáo dục mầm non- Ảnh 2.

NHẬT THỊNH

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC CHO GDMN

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người VN. Tuy nhiên, GDMN vẫn chưa được quan tâm, phát triển đúng mức, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, tập trung nhiều công nhân, lao động…

"Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người VN", Thủ tướng chỉ rõ.

Trước nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, GDMN cần được đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, mục tiêu là tiến tới phổ cập GDMN cho trẻ từ 3 - 5 tuổi; đổi mới nội dung chương trình GDMN; đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực và các điều kiện để thực hiện đổi mới, phát triển GDMN…

Lắng nghe các ý kiến, nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; phải đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có GDMN. Cụ thể là đối với trẻ từ 3 - 5 tuổi, đổi mới huy động nguồn lực, lấy hợp tác công - tư là chính để phát triển GD-ĐT.

Đồng thời, phải xử lý, giải quyết các điểm nghẽn, hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất và sự bất bình đẳng về GD-ĐT, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, có cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực cho GDMN, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong GDMN…

"Vấn đề giải quyết các điểm nghẽn lớn ở đây là gì? Cần làm rõ để chúng ta có cơ sở đề xuất. Thứ nhất là thiếu GV; thứ hai là thiếu cơ sở vật chất; thứ ba là tiếp cận GDMN chưa bình đẳng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và người yếu thế", Thủ tướng nêu.

Theo Thủ tướng, để giải quyết 3 điểm nghẽn này phải có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, gồm cả nguồn lực con người và nguồn lực vật chất. "Phải rà soát lại là cơ chế, chính sách hiện hành đã có những gì, để huy động nguồn lực cho GDMN. Cái gì đã có chưa làm được thì điều chỉnh, và cái gì chưa có thì bổ sung, nhất là cơ chế huy động về vật chất như vấn đề thuế, vấn đề tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển GDMN. Cụ thể, nêu rõ nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm, theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật, sát tình hình thực tế và tháo gỡ được điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển GDMN. 

Cần tăng cường sự quan tâm, đầu tư cho cấp mầm non

Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất vai trò quan trọng của GDMN và cần tăng cường sự quan tâm, đầu tư cho cấp học này. Việc cần ban hành nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, nghị quyết về đổi mới chương trình GDMN cũng được nhiều ý kiến đồng thuận; kèm theo đó là yêu cầu tính toán kỹ điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi trong triển khai.

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, nhấn mạnh: "Chúng ta phải nhận thức lại vai trò của GD-ĐT, đặc biệt là 1.000 ngày đầu đời của trẻ em" và cho rằng điểm nghẽn hiện nay với GDMN cả ở nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và sự quan tâm của các địa phương, của các cấp. Dù GDMN đã được quan tâm nhưng chưa đủ so với yêu cầu. Từ đó, bà Doan bày tỏ sự đồng tình với việc cần phổ cập GDMN cho trẻ từ 3 - 5 tuổi. Muốn phổ cập GDMN từ 3 - 5 tuổi theo xu hướng phát triển hiện đại, vươn tầm quốc tế, bảo đảm quyền trẻ em, việc đầu tiên là phải đổi mới chương trình.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thì cho rằng: "Với một quốc gia, sự chăm sóc và đầu tư cho trẻ em vừa thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, cũng vừa là logic tất yếu theo yêu cầu của khoa học giáo dục. Đây là tiền đề cho sự đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục".