Phát triển công nghệ chế tạo vật liệu tổ hợp bền, nhẹ, và ứng dụng

Trong việc chế tạo các dụng cụ đặc chủng cho người lính, xu thế hiện nay chủ yếu tập trung vào các hệ vật liệu tổ hợp mới và vật liệu nano, nhằm tạo ra các sản phẩm chống va đập, giáp chống đạn hấp thụ năng lượng hiệu quả, bền, nâng cao hạn sử dụng, giảm khối lượng trang bị và tăng cường tính cơ động trong tác chiến. Ngoài ra, các sản phẩm này còn được phát triển khả năng ngụy trang, ngăn chặn và phát hiện kịp thời, bảo vệ người lính khỏi vũ khí hoá học, sinh học.

Trong thời gian từ 01/2014 đến 06/2016, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển công nghệ cao thực hiện Dự án "Nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo vật liệu mới ứng dụng trong an ninh – quốc phòng" do TS. Nguyễn Văn Thao làm chủ nhiệm Dự án được chia thành 03 hợp phần, trong đó hợp phần số 01 do TS. Nguyễn Văn Thao và TS. Lê Văn Thụ - Trung tâm Phát triển công nghệ cao làm chủ nhiệm, hợp phần số 02 do TS. Đoàn Đình Phương và TS. Trần Bá Hùng – Viện Khoa học vật liệu làm chủ nhiệm, hợp phần số 03 do GS. Phan Ngọc Minh – Trung tâm Phát triển công nghệ cao làm chủ nhiệm. 

Ngày 19/10/2016, Hội đồng KHCN cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã họp nghiệm thu hợp phần số 01 của dự án "Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo vật liệu tổ hợp bền, nhẹ, ứng dụng trong sản xuất các thiết bị, dụng cụ đặc chủng trang bị cho người lính", mã số: VAST.TĐ.AN-QP.01/14-16 do TS. Nguyễn Văn Thao và TS. Lê Văn Thụ làm chủ nhiệm. Hợp phần được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

Mục tiêu của hợp phần dự án số 01 là chế tạo và sản xuất sản phẩm chống va đập, chống đạn trang bị cho lực lượng công an, quân đội và các lực lượng bảo vệ chuyên trách khác khi thực thi nhiệm vụ. Nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và công nghệ, tạo ra hướng mới trong lĩnh vực chế tạo vật liệu chống va đập, chống đạn và cụ thể hóa thành các sản phẩm có độ bền cao hơn, nhẹ hơn và ứng dụng vào thực tế chế tạo các sản phẩm trang bị đảm bảo an toàn cho người lính.

Với mục tiêu đó, hợp phần dự án tập trung nghiên cứu hai hướng: Một là, nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng một số sản phẩm chống va đập và chống đạn trên cơ sở các sản phẩm hiện đang sản xuất gồm: mũ bảo hiểm chống va đập; bộ ốp bảo vệ tay chống va đập; bộ ốp mềm bảo vệ chân; tấm chống đạn súng tiểu liên AK47 và lá chắn chống đạn súng tiểu liên AK47. Hai là, nghiên cứu phát triển một số sản phẩm chống va đập và chống đạn mới có tính cấp thiết và nhu cầu lớn trong thời điểm hiện tại gồm: áo phao chống đạn súng ngắn K54; áo phao chống đạn súng tiểu liên AK47; tấm chống đạn súng trung liên PKMS. 

Những hệ vật liệu được sử dụng trong nghiên cứu các sản phẩm của dự án gồm: Vật liệu polymenanocompozit trên cơ sở vật liệu nhựa (PA6, HDPE,…) với vật liệu nano (ống cacbon nano, nanoclay, hạt nano MgO, TiO2…) ứng dụng trong chế tạo sản phẩm chống va đập; Vật liệu nanocompozit trên cơ sở vải sợi (sợi cacbon, sợi aramid, sợi UHMWPE…), nhựa nền (epoxy, phenolformandehit, poly vinyl butiral..) với vật liệu nano (ống cacbon nano, nanoclay, hạt nano MgO, TiO2…) ứng dụng trong chế tạo sản phẩm chống va đập, sản phẩm chống đạn; Gốm oxit nhôm mật độ cao tăng bền bằng vật liệu nano (nanoclay, hạt nano MgO, TiO2…) ứng dụng trong chế tạo sản phẩm chống đạn và vật liệu có tính nổi cao ứng dụng làm phao áo.

Kết quả nghiên cứu của hợp phần dự án đã được triển khai sản xuất thử nghiệm tám sản phẩm chống đạn, chống va đập tại đơn vị triển khai ứng dụng (Viện Kỹ thuật Hoá học, Sinh học và tài liệu nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an) với các chỉ tiêu đạt và vượt so với thuyết minh đề ra. Tám sản phẩm gồm: 
-     Áo phao chống đạn súng ngắn K54, 
-     Áo phao chống đạn súng tiểu liên AK47 
-     Tấm chống đạn súng trung liên PKMS
-     Bộ ốp bảo vệ tay chống va đập
-     Mũ bảo hiểm chống va đập
-     Bộ ốp mềm bảo vệ chân    
-     Tấm chống đạn súng tiểu liên AK47
-     Lá chắn chống đạn súng tiểu liên AK47
Tám sản phẩm này đã được phối hợp đăng ký tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực an ninh và thiết lập thành các quy trình công nghệ sản xuất với quy mô bán công nghiệp, có thể ứng dụng trong thực tế. 

Hợp phần dự án đã công bố 9 bài báo khoa học trong nước, 1 bài báo khoa học quốc tế, có báo cáo tại nhiều hội nghị trong nước và quốc tế,  góp phần đào tạo 3 nghiên cứu sinh (2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ), 3 học viên cao học (1 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ).

Kết quả đạt được của hợp phần dự án cho thấy tính khả thi trong chế tạo các sản phẩm chống đạn, chống va đập trang bị cho người lính từ các hệ vật liệu tổ hợp, vật liệu nano theo hướng bền, nhẹ, tăng cường thêm tính năng mới, tăng thời hạn sử dụng sản phẩm. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm tác giả kiến nghị Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để triển khai dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nêu trên và mở rộng nghiên cứu một số sản phẩm chống va đập, chống đạn mới, chưa được nghiên cứu (lá chắn chống va đập, bộ giáp bảo vệ toàn thân chống va đập, mũ chống đạn, mặt nạ chống đạn, kính chống đạn, bục diễn thuyết chống đạn, bốt gác chống đạn...) trang bị cho lực lượng quân đội, công an nhằm phục vụ thiết thực cho công tác chiến đấu, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Một số hình ảnh của hợp phần dự án:

nvthao1

nvthao2

nvthao3

Nguồn tin: Trung tâm Phát triển công nghệ cao
Xử lý tin: Minh Tâm

Tags : chế tạo dụng cụ xu thế hiện nay chủ yếu tập trung vật liệu tổ hợp sản phẩm hấp thụ năng lượng hiệu quả nâng cao sử dụng khối lượng trang bị tăng cường tác chiến ngoài ra phát triển khả năng