(Cinet)- Dần thoát khỏi định kiến về một thể loại phim khô khan, kén khán giả, dòng phim tài liệu của Việt Nam đã và đang làm mới mình từng ngày để bám vào dòng chảy xã hội, đồng hành với cuộc sống.

(Cinet)- Được mệnh danh là bộ môn nghệ thuật thứ bảy, điện ảnh luôn có một sức hút đặc biệt đối với các tầng lớp nhân dân, giúp xóa bỏ khoảng cách về vùng miền, dân tộc, góp phần đưa mọi người đến gần nhau hơn.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập văn hóa quốc tế, nhu cầu hưởng thụ điện ảnh của người dân ngày càng được nâng cao. Không chỉ là về số lượng mà những đòi hỏi về chất lượng cũng đang là một tiêu chí để công chúng hướng tới.

Không những thế, điện ảnh là loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng rộng rãi nên việc phổ biến tác phẩm điện ảnh có tác dụng lớn trong công tác tuyên truyền phục vụ chính trị, văn hóa đối với đồng bào các dân tộc. Ðiều đó chứng tỏ những đóng góp quan trọng của điện ảnh trong việc phục vụ đời sống văn hóa miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Song, sự hạn chế và thiếu đồng bộ từ khâu sản xuất đến phổ biến phim cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn.

Nhu cầu hưởng thụ điện ảnh của nhân dân ngày một tăng cao trong khi các cơ quan, đơn vị sản xuất, phát hành phim lại đang “đau đầu” với những bài toán nan giải nhằm tạo sự sáng tạo, chất lượng cũng như tính lợi nhuận.

Dưới một góc độ khách quan, có thể nhận thấy, không phải tất cả mọi đối tượng khán giả đều được tiếp nhận điện ảnh một cách ngang nhau.
 

Trái với sự sôi động của các rạp chiếu phim ở các thành phố lớn, là sự vắng lặng của các cụm rạp ở các tỉnh, thành phố nhỏ, mà đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Điều đó cũng có nghĩa là, những người dân nghèo, sinh sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa sẽ ít có cơ hội được tiếp cận với điện ảnh. Ngoài việc được xem những bộ phim trên ti vi thì người dân vẫn chỉ có thể trông chờ vào sự nỗ lực của các đội chiếu bóng lưu động dù phương tiện kỹ thuật trình chiếu đã lạc hậu.

Trước thực tế trên, Đảng và Nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và đưa điện ảnh đến gần người dân hơn. Khoảng 300 đội chiếu phim lưu động (không tính tới 157 đội chiếu bóng của quân đội) vẫn hoạt động bằng kinh phí do Nhà nước tài trợ đã đem đến cho người dân ở những địa phương còn thiếu cơ sở vật chất, vùng sâu, vùng xa những buổi chiếu phim sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ đó góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 

Bên cạnh đó, rất nhiều chương trình được các đơn vị nhà nước và các đơn vị phát hành, sản xuất phim tổ chức như: chương trình chiếu phim miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa, hay gần đây nhất là chương trình “Điện ảnh cho mọi người” do Công ty CGV phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện Ảnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị ban ngành tổ chức tại 3 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các chương trình trách nhiệm xã hội của CJ CGV Việt Nam nhằm mang điện ảnh tới gần hơn với mọi đối tượng khán giả Việt Nam, đặc biệt là điện ảnh chất lượng cao. Tại đây, ngoài việc được thưởng thức bộ phim hay, các em học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: giao lưu, biểu diễn văn nghệ,...
 

Tính đến nay, chương trình đã góp phần giới thiệu nhiều tác phẩm điện ảnh hay cho hơn 10.000 đối tượng khán giả trên cả nước trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là ở những khu vực chưa có đầy đủ cơ sở hạ tầng giải trí chất lượng.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều chương trình điện ảnh chất lượng được tổ chức, góp phần lăn bánh xe điện ảnh đến với người dân trên mọi miền đất nước, từ đó xóa bỏ mọi rào cản về văn hóa, dân tộc, giúp người dân thêm gắn kết và tiếp cận gần hơn với nền điện ảnh tiên tiến trong nước và thế giới.

D.H (Tổng hợp
)

Tags : mệnh danh nghệ thuật thứ bảy đặc biệt tầng lớp nhân dân khoảng cách dân tộc góp phần quá trình công nghiệp hiện đại văn hóa quốc tế nhu cầu hưởng thụ ngày càng nâng cao số lượng tiêu chí công chúng