Nam Cao (1917-1951)

Nam Cao sinh ngày 29-10-1917, họ tên khai sinh là Trần Hữu Trí; sinh trong một gia đình công giáo (Catholicisme, nhánh chính của đạo thiên chúa giáo Meristianisme) nên được đặt tên thánh là Giuse; người làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lị Nhân (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) tỉnh Hà Nam. Cha là Trần Hữu Huệ (1895-?) thợ mộc, làm thuốc, mẹ là Trần Thị Minh (1897-?) làm vườn, làm ruộng, dệt vải.

ImageNam Cao (1917-1951)

Nam Cao sinh ngày 29-10-1917, họ tên khai sinh là Trần Hữu Trí; sinh trong một gia đình công giáo (Catholicisme, nhánh chính của đạo thiên chúa giáo Meristianisme) nên được đặt tên thánh là Giuse; người làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lị Nhân (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) tỉnh Hà Nam. Cha là Trần Hữu Huệ (1895-?) thợ mộc, làm thuốc, mẹ là Trần Thị Minh (1897-?) làm vườn, làm ruộng, dệt vải.

Thủa nhỏ, cậu bé Trần Hữu Trí học một trường tư trong làng; 10 tuổi ra thành phố Nam Định học tiểu học, và trung học. Vài tháng sau lên tàu hỏa đi Nam Kỳ, vào Sài Gòn, làm thư ký cho một hiệu may, vừa tự học thêm và viết văn.

Sáng tác của anh thơ có, văn xuôi có bắt đầu xuất hiện đều trên các Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Hà Nội báo với những bút danh như là những cái tên ướm thử ngập ngừng Xuân Du, Nguyệt, v.v. Năm 1941, cuốn sách đầu tay ký bút danh Nam Cao nhan đề Đôi lứa xứng đôi ra mắt bạn đọc.

Các năm từ năm 1941 đến 1944, Nam Cao viết được nhiều nhất. Một thống kê cho thấy, chỉ trên tuần san Tiểu thuyết thứ bảy, trong năm 1942, Nam Cao đã đăng được mười truyện, trong năm 1943 được 24 truyện, phần lớn là những truyện ngắn hay như: Cái mặt không chơi được, Những chuyện không muốn viết, Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua nhà, Bài học quét nhà,...

Ngoài ra còn loạt truyện viết cho độc giả nhỏ tuổi in trong loại sách Hoa Mai, truyện dài “Truyện người hàng xóm” đăng trong Trung bắc chủ nhật, bốn cuốn tiểu thuyết bán bản thảo nhưng chưa được in nên mất (Cái bát, Một đời người, Cái miếu, Ngày lụt); lại còn tiểu thuyết Sống mòn viết xong từ khoảng tháng 10, 1944, không nhà cuất bản nào nhận in, đành để đấy.

Thời gian 1941-1944 là thời sáng tác sung mãn và có hiệu quả nhất trong đời viết văn của Nam Cao.

Từ 1943, Nam Cao tham gia phong trào Việt Minh và là một trong số những thành viên đầu tiên của tổ chức Văn hoá cứu quốc. Tháng 8-1945, ông tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, được cử làm Chủ tịch xã đầu tiên của chính quyền mới ở địa phương. Vài tháng sau ông thôi việc chính quyền, ra Hà Nội với giới văn nghệ, làm việc trong tòa soạn tạp chí Tiền Phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc. Đầu năm 1946 ông có chuyến đi ngắn vào cực nam Trung bộ với tư cách phái viên Văn hóa cứu quốc đi mặt trận.

Mùa thu năm 1947, theo lời mời của Xuân Thủy, chủ nhiệm báo Cứu quốc, Nam Cao lên Việt Bắc, làm phóng viên báo này, cùng phụ trách tạp chí Cứu quốc, thư ký toà soạn báo Cứu quốc Việt Bắc. Năm 1948, Nam Cao gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1950 ông chuyển sang làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm việc trong toà soạn tạp chí Văn nghệ.

Cũng trong năm 1950 Nam Cao đi chiến dịch biên giới. Giữa năm 1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng đi công tác liên khu III, dự Hội nghị Văn nghệ liên khu III (23-9-1951), sau đó cả hai ông cùng đi liên khu IV. Khoảng tháng 10 Nam Cao trở ra Liên khu III, tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp. Trên đường cùng đoàn công tác này thâm nhập vùng địch hậu, Nam Cao bị địch phục kích bắt được và xử bắn.

Đoạn đời từ cách mạng tháng 8-1945, ngòi bút Nam Cao hoạt động với tư cách ngòi bút của một cán bộ làm báo, làm văn. Ông viết tin, làm ca dao, soạn kịch ngắn tuyên truyền, viết hoặc dịch sách phổ thông về địa lý, lịch sử, thời sự.

Năm 1956, tiểu thuyết Sống mòn được xất bản lần đầu, 5 năm sau khi tác giả qua đời, gây sức thuyết phục lớn về văn tài tác giả. Ngay sau đó, các truyện ngắn của ông được sưu tầm tập hợp và xuất bản trong các tập Truyện ngắn Nam Cao, Một đám cưới. Diện mạo di sản của ngòi bút Nam Cao, đặc sắc và tầm cỡ văn nghiệp của ông ngày một rõ rệt trước mắt hậu thế.

Năm 1961 xuất hiện cuốn sách chuyên luận đầu tiên về thân thế và sự nghiệp văn học của Nam Cao; từ đó đến nay có thêm rất nhiều công trình nghiên cứu nhiều hội thảo khoa học về tác giả này.

Năm 1975 bắt đầu xuất hiện tuyển tập tác phẩm của Nam Cao. Năm 1996 cụm tác phẩm chính, sáng tác trước và sau 1995 của Nam Cao, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật, giải thưởng chính thức cao nhất của chính thể mới từ sau cách mạng tháng 8-1945 dành cho giới sáng tác văn học.

Tác phẩm:

Đôi lứa xứng đôi (Lê văn Trương đề tựa), Hà Nội, Nhà xuất bản Đời mới, 1941; Nửa đêm, Hà Nội, Nhà xuất bản Cộng lực, 1943; Chuyện người hàng xóm, Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, từ tháng 4 đến tháng 9 – 1944; Cười (Tập truyện), Hà Nội, Nhà xuất bản Minh Đức, 1946; Truyện Biên Giới (Tập ký), Việt Bắc, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1951; Sống mòn (Tiểu thuyết), Hà Nội, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1956; Chí Phèo (Tập truyện), Hà Nội, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1957; Truyện ngắn Nam Cao (Tập truyện), Hà Nội, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1960; Một đám cưới (Tập truyện), Hà Nội, Nhà xuất bản VănNghệ, 1963.

 

Nguồn:Thư viện Trung tâm sưu tầm và tập hợp