Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam “giẫm chân tại chỗ”: Bộ Y tế ngoài cuộc?

Đã gần 7 năm trôi qua kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 với mục tiêu là phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam dường như vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.

Mang sự khó hiểu này đến gặp ông Đàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng Điều phối Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (từ đây viết tắt là Đề án) thì được ông tiếp bằng câu nói khá chua chát: “Chúng tôi cũng muốn lắm nhưng lực bất tòng tâm”. Theo ông Chính, Đề án này hầu như đã bị tê liệt vì gần như không có kinh phí để thực hiện. Đến mức Văn phòng Điều phối có tổng cộng 7 người thì Tổng cục TDTT đã phải gánh việc trả lương cho 2 người, còn 5 người thuộc biên chế các đơn vị khác của Tổng cục được cử sang làm chuyên trách và vẫn lĩnh lương ở các cơ quan chủ quản.

Cũng theo Giám đốc Văn phòng Điều phối Đề án, việc này xuất phát từ một thực tế là Đề án có thời hạn đến năm 2030 nên nhân sự của Văn phòng Ban điều phối chủ yếu là kiêm nhiệm. Ngoài lương cấp theo quy định của Nhà nước thì toàn bộ nhân sự của Văn phòng không có khoản phụ cấp nào mặc dù phải thường xuyên sử dụng các phương tiện cá nhân để đi công tác. Một năm Văn phòng Ban điều phối chỉ được cấp một khoản ngân sách chỉ đủ để duy trì hoạt động. “Đây mới nói đến phạm vi nhỏ là của Văn phòng, còn với việc triển khai Đề án thì tình trạng còn tồi tệ hơn”, ông Chính chia sẻ.

 

 

Được biết, nội dung Đề án gồm 4 chương trình, trong đó Chương trình 1 mang tính chất xương sống, đầu tàu vì nó mang nhiệm vụ tiên quyết là nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Chương trình này được Chính phủ giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, cùng phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan. Theo đó xây dựng các chỉ số sinh học và các tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển thể lực, tầm vóc; đề xuất khả năng can thiệp cải thiện thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Mang tính quan trọng đầu tầu là thế nhưng cho đến nay không biết chương trình này đã được triển khai đến đâu? Nói cách khác là đến thời điểm này chương trình đang bị chìm nghỉm, khiến cho những chương trình tiếp theo của Đề án rơi vào tình trạng mắc cạn và bế tắc.

 

 

 Người Việt Nam có chiều cao trung bình thấp so với thế giới

Chương trình thứ 2 cũng do Bộ Y tế chủ trì là chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan với nhiệm vụ là đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi. Tuy nhiên cho tới giờ, không biết vì lý do gì mà chương trình này và cả chương trình 1 chưa thể triển khai một cách đồng bộ với tính chất nhằm thúc đẩy các chương trình khác mà phải lồng ghép lẻ tẻ với một số hoạt động không đáng kể.

 Theo công bố mới được Tổng hội Y học Việt Nam đưa ra tại hội thảo khoa học tầm vóc cơ thể mới được tổ chức gần đây, Việt Nam có chiều cao trung bình thấp so với thế giới. Nam giới Việt Nam đứng thứ 19, nữ giới đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.

Ngoài ra, Chương trình 3: Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi. Chương trình 4: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Đây là những chương trình do Bộ VHTTDL chủ trì. Sở dĩ 2 chương trình sau chưa thể triển khai một cách sâu rộng, tạo sự chuyển biến rõ nét về việc nâng cao thể lực, tầm vóc của người Việt Nam như mục tiêu của Đề án là bởi Chương trình 1, Chương trình 2, dường như bị tắc nghẽn mà đến nay chưa biết nguyên nhân? Dư luận lo ngại rằng cứ với đà này thì đến năm 2030 tầm vóc và thể lực của người Việt Nam chắc cũng chỉnhúc nhích như... rùa bò.

Trong bối cảnh khó khăn ấy, Văn phòng Ban điều phối đã phải chạy vạy khắp nơi, kêu gọi tài trợ và tổ chức được khá nhiều hoạt động như tổ chức đồng diễn thể dục các trường tiểu học quận Hai Bà Trưng, triển khai đồng bộ bài tập do Ban điều phối biên soạn, xây dựng thêm một số bài tập mới. Dự kiến trong năm 2018, Ban điều phối sẽ phải “ngửa tay” đi xin tài trợ các địa phương để triển khai một vài hoạt động tương tự. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, những hoạt động này chỉmang tính chất nhỏ lẻ, giải quyết tình thế mà thôi.

 Đề án được Chính phủ phê duyệt, kinh phí để thực hiện bao gồm các nguồn: kinh phí ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương), kinh phí từ nguồn xã hội hóa, huy động các nguồn ODA, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các nguồn thu từ đặt cược thể thao.

 

 Mục tiêu cụ thể của Đề án là cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam đạt nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí sau: Đối với nam 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 167 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 168,5 cm. Đối với nữ 18 tuổi: Năm 2020 chiều cao trung bình 156 cm; năm 2030 chiều cao trung bình 157,5 cm. Cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của đa số thanh niên có bước phát triển rõ rệt, thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển ở châu Á theo các tiêu chí sau: Đối với nam 18 tuổi: Chạy tùy sức 5 phút tính quãng đường trung bình đạt 1.050 m vào năm 2020; 1.150 m vào năm 2030; Lực bóp tay thuận đạt trung bình 45 kg năm 2020; 48 kg năm 2030. Đối với nữ 18 tuổi, chạy tùy sức 5 phút tính quãng đường trung bình đạt 850 m vào năm 2020; 1.000 m năm 2030; Lực bóp tay thuận đạt trung bình 30 kg năm 2020; 34 kg năm 2030...

Tags : thủ tướng ban hành quyết định phát triển thể lực tầm vóc giai đoạn mục tiêu