Phạm trù vật chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong "Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán"

Phạm Văn Chung(*)

Bàn về phạm trù vật chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng được V.I.Lênin đưa ra trong “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, tác giả đã đưa ra và luận giải: 1. Bối cảnh lịch sử của quan niệm Lênin về vật chất; 2. Những định nghĩa của V.I.Lênin về vật chất; 3. Những đặc tính (thuộc tính) của vật chất theo quan điểm duy vật biện chứng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phạm trù vật chất là phạm trù cơ bản, cùng cặp với phạm trù ý thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nhiệm vụ xác định nội dung của những phạm trù này cũng như nội dung quan niệm về mối liên hệ giữa vật chất và ý thức mang ý nghĩa đặt cơ sở cho toàn bộ hệ thống lý luận duy vật biện chứng đã được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác thực hiện xong về căn bản. Tuy nhiên, trong di sản lý luận của các ông, chủ nghĩa duy vật biện chứng, cả về hệ thống cũng như từng khái niệm, quy luật, quan điểm riêng biệt của nó, thường không được trình bày dưới hình thức lý luận thuần tuý, mà căn cứ vào những yêu cầu thực tiễn và nhận thức cụ thể, liên hệ chặt chẽ với những lý luận khác, hoặc dưới hình thức phê phán. Vì thế, trong nghiên cứu nhằm xây dựng hệ thống lý luận duy vật biện chứng đáp ứng những yêu cầu lịch sử mới, khó tránh được những thiếu sót, hạn chế, thậm chí những sai sót nhất định, do hiểu chưa thấu đáo tính lịch sử của mỗi luận điểm, quan niệm triết học của các nhà kinh điển mácxít. Việc hiểu phạm trù vật chất trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của V.I.Lênin là một trường hợp như thế. Do đó, để tiếp tục xây dựng, phát triển hơn nữa chủ nghĩa duy vật biện chứng, thì yêu cầu đặt ra là phải hiểu chính xác các phạm trù, khái niệm, quy luật của nó do các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã phát hiện, nêu lên, trong đó có phạm trù vật chất.

Trước đây, trong các chuyên khảo, tài liệu, sách giáo khoa triết học Mác - Lênin ở Liên Xô và hiện nay, trong lời giới thiệu tập 18 của bộ Lênin toàn tập do Nxb Tiến bộ Mátxcơva ấn hành năm 1980 (tiếng Việt), trong hầu hết các sách giáo khoa triết học Mác - Lênin và những tài liệu thể hiện những nghiên cứu về phạm trù vật chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng ở nước ta, các tác giả thường xem luận điểm của V.I.Lênin - "Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác"(1) - là định nghĩa kinh điểnvề vật chất, đồng thời phân tích nội dung định nghĩa này với các vấn đề, nội dung chính là: 1) Vật chất là một phạm trù triết học; 2) Những thuộc tính của vật chất; 3) Phương pháp định nghĩa vật chất. Vấn đề được nêu ở đây là, có phải luận điểm trên là định nghĩa duy nhất kinh điển về vật chất hay không và nên hiểu nội dung phạm trù vật chất được V.I.Lênin nêu trong tác phẩm của ông như thế nào?

Sau khi nghiên cứu lại tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và tìm hiểu một số tài liệu cần thiết, có liên quan, tôi thấy cần phải tiếp tục bàn luận để làm sáng tỏ hơn một số điểm trong nội dung phạm trù vật chất được trình bày trong tác phẩm nói trên của V.I.Lênin. Điều quan tâm chủ yếu của tôi ở đây là tính lịch sử của quan niệm vật chất, phạm trù vật chất của V.I.Lênin.

1. Bối cảnh lịch sử của quan niệm Lênin về vật chất

Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán được viết vào thời gian từ tháng Hai đến tháng Mười 1908 và được in thành sách riêng năm 1909. Tác phẩm xuất hiện trong bối cảnh lịch sử có những sự kiện nổi bật. Giai cấp tư sản ở các nước đã trở nên "phản động về mọi mặt", đã từ bỏ tính chất dân chủ của nó. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX tràn lan thứ triết học "kinh nghiệm phê phán" hay chủ nghĩa Makhơ với tham vọng đóng vai trò là triết học "duy nhất khoa học" nhưng thực ra, là một thứ chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Một số người dân chủ - xã hội tự xưng là "học trò của Mác" đã coi chủ nghĩa Makhơ có sứ mệnh thay thế triết học duy vật biện chứng của C.Mác. Một số học giả có tên tuổi đã rơi vào ảnh hưởng của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Ở Nga, ngoài những kẻ thù công khai chống giai cấp vô sản và đảng của giai cấp vô sản, còn có một số trí thức dân chủ -xã hội, gồm cả những phần tử mensêvích, đã tuyên truyền chủ nghĩa Makhơ, dùng chủ nghĩa Makhơ để xét lại chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trong hoàn cảnh mà bọn giả danh mácxít, các thế lực phản động đang tung hoành, dùng chủ nghĩa Makhơ để xét lại chủ nghĩa Mác, xét lại không chỉ những nguyên lý triết học, mà cả những sách lược, nguyên tắc của đảng vô sản, nhằm phủ nhận những cơ sở lý luận của đảng, tước vũ khí tư tưởng của giai cấp vô sản, mưu toan biến chủ nghĩa xã hội thành một dạng tôn giáo mới, thì đó là một nguy cơ vô cùng nghiêm trọng. Đồng thời, vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, trong khoa học tự nhiên đã bắt đầu diễn ra một cuộc cách mạng thật sự với việc phát hiện ra tia Rơnghen (1895), hiện tượng phóng xạ (1896), điện tử (1897), rađium (1898). Vì thế, bức tranh vật lý cũ về thế giới đã trở nên chật hẹp. Các nhà vật lý cũ với lập trường duy vật tự phát và siêu hình không thể giải thích được những phát hiện mới của vật lý học hiện đại. Do đó, chủ nghĩa duy vật và khoa học tự nhiên rơi vào khủng hoảng, thậm chí cho rằng vật chất đã "biến mất", đã "tiêu tan".

Đây là những sự kiện lịch sử chính quy định trực tiếp những quan điểm triết học của V.I.Lênin, chủ yếu thuộc nội dung của chủ nghĩa duy vật biện chứng, trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Cần thấy rõ sự kiện cơ bản là, chủ nghĩa duy tâm chủ quan đã lợi dụng cuộc khủng hoảng trong xã hội và trong khoa học tự nhiên để tấn công nhằm phủ nhận những quan điểm có tính nền tảng, quan điểm duy vật của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Do đó, đối tượng phê phán chủ yếu của V.I.Lênin ở đây là “chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, mà nguồn gốc, cơ sở triết học cơ bản của nó là chủ nghĩa duy tâm chủ quan. V.I.Lênin đã thấy rõ yêu cầu phải bảo vệ chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhất là những nội dung, quan điểm cơ bản của nó, phải đánh trả một cách quyết liệt và hết sức thuyết phục “chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” và những kẻ đồng loã của nó với những mưu đồ khoa học và chính trị - xã hội sai lầm, phản động của chúng, đồng thời góp phần khắc phục cuộc khủng hoảng trong vật lý học, mở đường cho khoa học tiến lên. Vậy, để hiểu đúng tinh thần, nội dung và ý nghĩa phạm trù vật chất của V.I.Lênin, để hiểu thấu đáo tính lịch sử của nó thì điều rất quan trọng là phải đặt phạm trù đó vào đúng hoàn cảnh lịch sử của nó, phải chỉ ra tương quan hữu cơ của những sự kiện lịch sử nói trên với mỗi luận điểm của V.I.Lênin trong tác phẩm của ông. Chính V.I.Lênin đã dạy rằng: “Toàn bộ tinh thần chủ nghĩa Mác, toàn bộ hệ thống chủ nghĩa Mác đòi hỏi là mỗi nguyên lý phải được xem xét (a) theo quan điểm lịch sử; (b) gắn liền với những nguyên lý khác; (c) gắn liền với kinh nghiệm cụ thể của lịch sử”(2). Nói cách khác, ở đây cần phải đặc biệt coi trọng quan điểm lịch sử - cụ thể trong nghiên cứu phạm trù vật chất của Lênin.

2Những định nghĩa của V.I.Lênin về vật chất

Trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán có nhiều luận điểm của V.I.Lênin được xem như những "định nghĩa" về vật chất. Đó là: (1) Như đã nêu ở trên; (2) "Việc thừa nhận đường lối triết học mà các nhà duy tâm và bất khả tri đã phủ nhận thì trái lại được diễn đạt bằng những định nghĩa sau đây: vật chất là cái tác động vào giác quan của chúng ta, thì gây ra cảm giác; (3) "vật chất là một thực tại khách quan được đem lại cho chúng ta trong cảm giác, v.v."(3); (4) "Phái Makhơ đã rơi vào chỗ hết sức vô lý biết chừng nào, khi họ đòi hỏi những người duy vật phải đưa ra một định nghĩa về vật chất mà không được nhắc lại rằng vật chất, giới tự nhiên, tồn tại, cái vật lý đều là cái có trước, còn tinh thần, ý thức, cảm giác, cái tâm lý là cái có sau"(4); (5) "Về mặt nhận thức luận thì khái niệm vật chất không có nghĩa gì khác hơn: thực tại khách quan tồn tại độc lập đối với ý thức con người, và được ý thức con người phản ánh"(5); (6) "Khái niệm vật chất không biểu hiện cái gì khác ngoài cái thực tại khách quan mà chúng ta nhận thấy được trong cảm giác"(6); v.v.. Sau khi trình bày các luận điểm (2) và (3), V.I.Lênin đã xem đây là những định nghĩa về vật chất. Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay trong nhận thức lại phạm trù vật chất của V.I.Lênin là cần phải phân tích, so sánh những luận điểm về vật chất như đã nêu để xác định đâu là luận điểm thể hiện chính diện, rõ nhất và mang tính chất của một định nghĩa kinh điển về vật chất. Căn cứ vào nội dung các luận điểm đã nêu, có thể phân chia thành hai dạng hoặc hai cách định nghĩa.

Dạng định nghĩa thứ nhất bao gồm các luận điểm (1), (5) và (6). Trong nhóm này, cần tập trung phân tích luận điểm (1). Đây là luận điểm đã được rất nhiều tác giả xem là định nghĩa kinh điển, thậm chí duy nhất kinh điển.

Trong các khoa học cụ thể, chúng ta hầu như không thấy người ta định nghĩa đối tượng theo kiểu như "hình thang là một phạm trù (khái niệm) toán học dùng để chỉ...", "điện là phạm trù (khái niệm) vật lý học dùng để chỉ...", "sự sống là phạm trù sinh vật học..." hoặc "quyền là phạm trù của luật học...",v.v.. Thông thường, người ta định nghĩa đối tượng về phương diện nó là cái tồn tại hiện thực khách quan, ở bên ngoài ý thức của chủ thể. Trong khi đó, những luận điểm (1), (5), (6) như đã thấy, lại trước hết nói về nhận thức, cách thức nhận thức của chúng ta về vật chất. Cụ thể là trong luận điểm (1), mệnh đề "vật chất là một phạm trù triết học" không nhằm trực tiếp nói về vật chất với tư cách cái tồn tại hiện thực khách quan, bởi cái tồn tại khách quan ấy không thể là "phạm trù triết học" được. Vật chất với tư cách một phạm trù triết học là vật chất được quan niệm, được hiểu và là một kết quả của nhận thức triết học mang tính trừu tượng hoá, khái quát hoá cao về nó, đồng thời là vật chất với tư cách một tên gọi, một từ ngữ. Mệnh đề “vật chất là phạm trù triết học” có nghĩa là vật chất được nhận thức ở trình độ phạm trù triết học, hơn nữa là phạm trù triết học khoa học chứ không phải là một nhận thức trực quan, phiến diện về nó.

Đương nhiên, trong luận điểm của V.I.Lênin cũng đã nói đến "thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác", tức là nói về chính vật chất với tư cách cái tồn tại khách quan, ở bên ngoài cảm giác. Nhưng trong toàn bộ nội dung luận điểm (1), điều này chỉ nhằm giải thích cho "từ vật chất", "phạm trù vật chất" về ý nghĩa và nội dung của chúng, chứ không nhằm trực tiếp nói về vật chất với tư cách thực tại khách quan, ở bên ngoài cảm giác. Để thấy rõ hơn điều này, hãy xem quan niệm của Ph.Ăngghen.

Theo Ph.Ăngghen, trước hết "vật chất" và "vận động" cần được hiểu là tính chất chung, thuộc tính chung của mọi sự vật, mọi hình thức cụ thể của vật chất và vận động mà chúng ta có thể cảm biết được bằng các giác quan; thứ hai, vật chất và vận động là sự trừu tượng hoá, tóm tắt, hay tổng hợp từ những vật thể hữu hình, cảm tính những thuộc tính chung đó của chúng. Đó là những trừu tượng do đầu óc con người tạo ra căn cứ vào hiện thực, chúng là những vật của tư duy, chứ không phải những vật có thể cảm thấy(7). Như vậy, cần phân biệt vật chất với tư cách cái tồn tại ở bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức và vật chất với tư cách sự nhận thức, hiểu biết của chúng ta về cái tồn tại ấy. Không có vật chất tồn tại khách quan thì cũng không có quan niệm của chúng ta về vật chất. Đương nhiên, khi bàn về quan niệm, khái niệm vật chất, chúng ta không thể bỏ qua nội dung của chúng là cái phản ánh vật chất tồn tại khách quan, nhưng không được đồng nhất nội dung ấy với bản thân vật chất.

Trong quan niệm của V.I.Lênin cũng đã thể hiện rõ điều đó. Sau khi phê phán Makhơ và những người theo thuyết bất khả tri phủ nhận thực tại khách quan, ông viết: "Nếu ta cảm thấy được thực tại khách quan, thì phải đặt cho nó một khái niệm triết học; và khái niệm này đã được xác định từ lâu, lâu lắm rồi, đó là khái niệm: vật chất"(8). Luận điểm này được viết trước khi V.I.Lênin nêu luận điểm:"Vật chất là phạm trù triết học...”. Vậy, điều này có nghĩa là, ở đây từ "vật chất" chỉ gián tiếp nói về vật chất với tư cách thực tại khách quan, nhưng lại trực tiếp nói về vật chất với tư cách cái nhận thức, cái quan niệm của chúng ta. Do đó, có thể diễn đạt khác đi cách nói của V.I.Lênin: "Phạm trù vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ...". Như thế, luận điểm ("định nghĩa") của V.I.Lênin chủ yếu nhằm giải thích cái hình ảnh chủ quan của vật chất, tức cái phản ánh; còn vật chất, tức thực tại khách quan thì ông chỉ nói đến một cách gián tiếp, nhằm giải thích cho nội dung trên. Rõ ràng, vật chất, xét về mặt hiện thực khách quan, tồn tại ở ngoài cảm giác và không phụ thuộc vào cảm giác, thì không thể là “phạm trù triết học..." được. Có thể thấy rõ luận điểm về vật chất nói trên cùng các luận điểm khác cùng nhóm, chủ yếu nói về điều: vật chất với tư cách một phạm trù triết học nghĩa là gì, tức là bàn về mặt nhận thức luận của nó. Vì thế, chỉ nên xem luận điểm trên của V.I.Lênin cùng những luận điểm khác như đã nêu là một trong những “định nghĩa”, cách “định nghĩa” về vật chất và trong trường hợp này, chúng là định nghĩa gián tiếp.

Vậy tại sao V.I.Lênin lại nêu một định nghĩa có tính gián tiếp và dường như rất chú ý đến việc giải thích "vật chất với tư cách là phạm trù triết học" như vậy? Câu trả lời rất rõ là, quan niệm coi “sự vật là phức hợp của các cảm giác” của chủ nghĩa Makhơ hay "chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán" nói chung đã dựa trên kinh nghiệm nhằm phủ nhận "vật chất" với tư cách sản phẩm của tư duy, phủ nhận "vật chất" với tư cách một khái niệm, phạm trù của nhận thức luận (theo cách nói của V.I.Lênin), tức một phạm trù triết học, mà chỉ có dựa vào phạm trù này mới có thể hiểu được vật chất nói chung với tư cách thực tại khách quan, cái khác với những dạng, cấu trúc, thuộc tính cụ thể của vật chất. Ph.Ăngghen đã chỉ ra một đặc điểm rất đặc trưng của chủ nghĩa kinh nghiệm là: "Nhà kinh nghiệm chủ nghĩa đã đi sâu vào thói quen của nhận thức kinh nghiệm đến nỗi là khi anh ta sử dụng những trừu tượng mà vẫn tưởng rằng mình còn ở trong lĩnh vực của nhận thức cảm tính"(9). Như thế, V.I.Lênin đã xuất phát từ chính những vấn đề mà chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán nêu ra hòng bác bỏ, thay thế chủ nghĩa duy vật biện chứng bằng chủ nghĩa duy tâm chủ quan, để chống lại nó. Điều này đã thể hiện rất rõ tính lịch sử trong quan niệm của V.I.Lênin về vật chất. Rất có thể là, đối với V.I.Lênin, đó là một "định nghĩa" vật chất hết sức quan trọng, nhưng là hết sức quan trọng trong tính lịch sử của nó, căn cứ vào những yêu cầu lịch sử - cụ thể của nó, so với mục đích và nội dung cuốn sách của ông.

Dạng định nghĩa thứ hai thể hiện rõ ở các luận điểm (2), (3) và (4). Có thể thấy trong những luận điểm này có những khác nhau nhất định về nội dung. Luận điểm (2) nhấn mạnh một thuộc tính căn bản của vật chất, đó là "khi tác động vào các giác quan của chúng ta, thì gây ra cảm giác"; luận điểm (3) cho thấy đồng thời hai thuộc tính của vật chất: "một thực tại khách quan được đem lại cho chúng ta trong cảm giác"; còn luận điểm (4) phân biệt thuộc tính của vật chất trong tương quan với ý thức. Tuy nhiên, đây là những luận điểm có sự bổ sung cho nhau, trong đó luận điểm (3) có nội dung rõ ràng, đầy đủ hơn. Có thể xem đây là những định nghĩa trực tiếp, chính diện về vật chất. Nó cho thấy rõ đối tượng cần xác định, cần định nghĩa là vật chất với tư cách cái tồn tại hiện thực khách quan, chứ không phải cái tồn tại trong nhận thức, trong quan niệm, không phải là cái quan niệm của chúng ta về vật chất. Đương nhiên, định nghĩa là biểu hiện bản chất đối tượng dưới hình thức chủ quan, tức là dưới hình thức các khái niệm, phạm trù về nó. Nhưng hình thức chủ quan đó không thể có nếu đối tượng không tồn tại hiện thực, nếu nó không cho chúng ta khả năng hình dung, nhận thức ra đối tượng. Cho nên, rất rõ là, nếu trong hiện thực không tồn tại thuộc tính chung của tất cả các dạng vật chất, thuộc tính tồn tại khách quan và được đem lại cho con người trong cảm giác, thì chúng ta cũng không thể có từ "vật chất" và khái niệm (phạm trù) "vật chất" với tư cách những sản phẩm của tư duy.

Như vậy là, V.I.Lênin đã nêu ra những chứ không phải một định nghĩa về vật chất trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Mỗi định nghĩa ấy đều có những căn cứ, nguồn gốc thực tiễn và nhận thức, có nội dung xác định của nó, chứ không phải ngẫu nhiên, tuỳ tiện. Theo tôi, cần phân chia những định nghĩa đó của V.I.Lênin ít nhất thành hai dạng hay hai cách định nghĩa, đó là định nghĩa trực tiếp và định nghĩa gián tiếp. Định nghĩa trực tiếp là định nghĩa chính diện đối tượng, là định nghĩa về tồn tại hiện thực khách quan của nó. Đây là cách định nghĩa phổ biến, thông dụng mà chúng ta có thể thấy trong các khoa học. Có lẽ, ở đây cần phải nhấn mạnh một kinh nghiệm ngàn đời của khoa học, và không chỉ là kinh nghiệm, mà còn là lôgíc, là lý luận và thực tiễn, rằng một định nghĩa, khái niệm (phạm trù) khoa học trước hết phải xác định một cách trực tiếp bản chất của chính đối tượng. Còn định nghĩa gián tiếp là định nghĩa không chính diện, là định nghĩa mà chủ thể có thể không nhằm trực tiếp nói về đối tượng, mà chỉ dựa vào đó để nói về cái khác, cụ thể là trong luận điểm (1), V.I.Lênin nói về vật chất hiện thực để nhằm nói về cái nhận thức, về khái niệm của nó. Vậy rốt cuộc, nên lấy định nghĩa nào của V.I.Lênin làm định nghĩa "chuẩn", định nghĩa có tính kinh điển về vật chất, phải chăng đó là định nghĩa: "Vật chất là thực tại khách quan được đem lại cho chúng ta trong cảm giác"? Định nghĩa này tự nó đã nói lên rằng, ở đây, vật chất được nhận thức dưới hình thức một phạm trù triết học, hơn nữa là phạm trù triết học duy vật biện chứng, vì chỉ có chủ nghĩa duy vật biện chứng mới định nghĩa vật chất như vậy. Có thể thấy hầu hết các tài liệu nghiên cứu quan niệm của V.I.Lênin về vật chất cũng đã trích dẫn những luận điểm (2) và (3) nói trên, nhưng lại xem đây là những luận điểm để minh hoạ, nhằm làm rõ hơn nội dung luận điểm mà theo tôi là định nghĩa gián tiếp như đã nói.

3. Những đặc tính (thuộc tính) của vật chất theo quan điểm duy vật biện chứng

Trước hết, cần phải hiểu rằng, phạm trù (khái niệm) là hình thức của tư duy phản ánh bản chấthay thuộc tính căn bản, phổ biến của đối tượng. Vậy, trong phạm trù vật chất, V.I.Lênin đã xác định những thuộc tính căn bản, phổ biến nào của vật chất? Trong những tài liệu nghiên cứu về phạm trù vật chất thường có hai nhận thức về thuộc tính căn bản, phổ biến của vật chất. Nhận thức thứ nhất cho rằng, vật chất chỉ có một thuộc tính, đó là "thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác...". Nhận thức thứ hai cho rằng, vật chất có những (hai) thuộc tính: 1) "tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào cảm giác"; 2) "được đem lại cho con người trong cảm giác". Vậy, vật chất có hai, hay chỉ có một thuộc tính căn bản, phổ biến?

V.I.Lênin viết: "Vì "đặc tính" duy nhất của vật chất - mà chủ nghĩa duy vật triết học là gắn liền với việc thừa nhận đặc tính này - là cái đặc tính tồn tại với tư cách là thực tại khách quan, tồn tại ở bên ngoài ý thức của chúng ta"(10). Nhưng trong các luận điểm khác, ông lại nói: "thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chụp lại, chép lại..." và "vật chất là những cái mà khi tác động vào các giác quan chúng ta, thì gây ra cảm giác"(Chúng tôi nhấn mạnh - P.V.C), nghĩa là ông đã cho thấy một thuộc tính nữa của vật chất? Rõ ràng, "tồn tại khách quan, ở bên ngoài cảm giác" và "được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chụp lại, chép lại..." là hai thuộc tính khác nhau, phân biệt nhau rất rõ của vật chất. Ở đây, chúng ta cần tập trung bàn luận về thuộc tính thứ nhất.

Tại sao V.I.Lênin lại khẳng định “đặc tính” duy nhất của vật chất là đặc tính tồn tại với tư cách là thực tại khách quan? Phải chăng, ông muốn phủ nhận những thuộc tính khác hoặc cho rằng, ngoài thuộc tính đó ra, vật chất không còn thuộc tính nào khác? Theo tôi, có lẽ sự khẳng định của V.I.Lênin là nhằm nhấn mạnh, xác định thật rõ và dứt khoát bản chất của chủ nghĩa duy vật triết học mácxít, sự đối lập căn bản giữa nó và chủ nghĩa duy tâm, là ở chỗ thừa nhận đặc tính này của vật chất, đặc tính tồn tại khách quan, ở bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức, chứ không có nghĩa là ông muốn loại bỏ thuộc tính khác của nó. Vì thế, không nên tuyệt đối hoá luận điểm này và bỏ qua các luận điểm khác, bỏ qua toàn bộ nội dung cuốn sách của V.I.Lênin và cũng không nên chỉ căn cứ vào hình thức ngôn từ của luận điểm này, bởi điều đó có thể đi đến chỗ cho rằng dường như quan điểm của V.I.Lênin thể hiện tính không chặt chẽ, không nhất quán và chứa đựng mâu thuẫn.

Theo Trần Đức Thảo thì luận điểm của V.I.Lênin - "Vì "đặc tính" duy nhất của vật chất - mà chủ nghĩa duy vật triết học là gắn liền với việc thừa nhận đặc tính này - là cái đặc tính tồn tại với tư cách là thực tại khách quan, tồn tại ở bên ngoài ý thức của chúng ta" - là nói về vật chất với tư cách "thực tại khách quan" hay là có "tính thực tại khách quan", nghĩa là nói về tồn tại của vật chất, chứ không phải nói về thuộc tính của nó. Theo ông, điều này thể hiện ở chỗ V.I.Lênin đã đánh dấu "... " (nháy nháy) vào từ đặc tính ("đặc tính"). Trần Đức Thảo giải thích: "Tính thực tại khách quan là một điều quy định căn bản của vật chất, nhưng nó không có nội dung của một thuộc tính, vì nó không quy định gì về nội dung của vật chất. Vì đối phương (tức những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán - P.V.C) đòi hỏi một thuộc tính chắc chắn, không thì họ cho là "vật chất biến mất", nên V.I.Lênin đã nêu lên cái tính thực tại khách quan là "thuộc tính" không thể chối cãi của vật chất, mà chủ nghĩa duy vật cũng chỉ cần công nhận như thế là đủ"(11). Đây là vấn đề cần phải thảo luận. Có phải tinh thần luận điểm của V.I.Lênin đúng là như vậy không?

Thực ra, trong luận điểm ở trang 321 của tác phẩm, từ "đặc tính" của vật chất được đặt trong "nháy nháy" không hàm ý phủ nhận thuộc tính (đặc tính) của vật chất, mà muốn nhấn mạnh rằng, đây là đặc tính (thuộc tính) của vật chất do triết học - chủ nghĩa duy vật biện chứng quan niệm, hay được hiểu trong phạm vi nhận thức luận như V.I.Lênin thường nói. Đặc tính này không như những "đặc tính của vật chất, trước đây được coi là tuyệt đối, bất biến, đầu tiên (tính không thể thâm nhập được, quán tính, khối lượng, v.v.) đang tiêu tan và bây giờ đây tỏ ra là tương đối và chỉ là đặc tính vốn có của một số trạng thái nào đó của vật chất"(12), tức là những đặc tính do khoa học cụ thể (vật lý học) hoặc chủ nghĩa duy vật siêu hình quan niệm; trái lại, là đặc tính chung của vật chất, được khái quát, tổng hợp từ những dạng vật chất cụ thể. Đây là tính lôgíc, nhất quán trong lập luận của V.I.Lênin. Trong luận điểm này, ông muốn chỉ ra rằng, những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán không thể nào hiểu được đặc tính chung cơ bản của vật chất, một đặc tính được vạch ra trong phạm vi vấn đề cơ bản của triết học, một đặc tính mà chỉ có tư duy, hơn nữa là tư duy triết học mang tính trừu tượng hoá, khái quát hoá khoa học rất cao mới nhận thức được. Trong khi đó, tất cả những hiểu biết về vật chất của khoa học tự nhiên, chủ nghĩa duy vật siêu hình và của cả những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, về cơ bản chỉ giới hạn ở kinh nghiệm, ở cảm giác, gắn liền với những dạng vật chất cụ thể, hoàn toàn không hiểu được vật chất dưới hình thức trừu tượng nhất của nó. Tại sao lại không coi "cái đặc tính tồn tại với tư cách là thực tại khách quan, tồn tại ở ngoài ý thức của chúng ta" là một đặc tính, hơn nữa là đặc tính chung, cơ bản nhất của vật chất? "Tồn tại với tư cách là thực tại khách quan" có nghĩa là gì? Đó là tồn tại thực sự ở bên ngoài cảm giác, bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào chúng. Đặc tính này biểu hiện rõ sự đối lập, khác biệt căn bản giữa vật chất và ý thức và đó là một đặc tính không thể phủ nhận được của mọi dạng vật chất, do đó của thế giới vật chất nói chung. Cho nên, cần hiểu quan điểm của V.I.Lênin coi đặc tính tồn tại với tư cách thực tại khách quan là "đặc tính" duy nhất của vật chất là nhằm nhấn mạnh thuộc tính cơ bản nhất của nó, là quan điểm thể hiện rõ bản chất của chủ nghĩa duy vật khoa học (chủ nghĩa duy vật biện chứng), nhằm phân biệt rõ vật chất là cái có trước, cái quyết định so với ý thức là cái có sau, cái bị quyết định.

Như vậy, vật chất có hai thuộc tính căn bản, phổ biến: thứ nhất, tồn tại với tư cách thực tại khách quan, tức là tồn tại ở bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức; thứ hai, được đem lại cho con người trong cảm giác. Trong định nghĩa vật chất không thể loại bỏ một trong hai thuộc tính này, vì chúng thể hiện rõ hai mặt của vấn đề cơ bản của triết học được giải đáp theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đặc tính tồn tại ở bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức và đặc tính được đem lại cho con người trong cảm giác chính là những đặc tính của vật chất được chủ nghĩa duy vật biện chứng quan niệm, khái quát hoá, nhằm mục đích chỉ rõ sự đối lập, sự khác nhau cơ bản giữa vật chất và ý thức. Ngoài giới hạn đó ra thì khó có thể thừa nhận và hiểu đúng những thuộc tính này. Đồng thời, phải thấy rằng, cả ở đây nữa, khi xác định những thuộc tính cơ bản, phổ biến của vật chất, V.I.Lênin đã gắn liền với cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, với cuộc khủng hoảng trong khoa học tự nhiên và với việc giải thích những phát hiện mới của vật lý học. Vì vậy, tính lịch sử trong những lập luận của ông cũng hết sức rõ ràng. Không có tính lịch sử sao được, khi mà nhiệm vụ đặt ra trước hết là phải thể hiện rõ ràng, dứt khoát sự đối lập về nguyên tắc giữa quan điểm duy vật (biện chứng) với quan điểm duy tâm, do đó phải khẳng định “đặc tính” duy nhất của vật chất là “đặc tính tồn tại với tư cách là thực tại khách quan”, và tiếp đó, để chống lại chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán - một hình thức mới của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, thì không thể không giải thích rõ ràng nguồn gốc, bản chất của những cảm giác của chúng ta. Cuối cùng, để cho các nhà khoa học tự nhiên có thể hiểu được phạm trù triết học về vật chất thì không thể không chứng minh nó cả về nội dung khách quan, tức là vạch ra những đặc tính chung của vật chất, lẫn hình thức của nó với tư cách sản phẩm của tư duy trừu tượng cao, tức tư duy duy vật biện chứng.      

Như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta khi nghiên cứu phạm trù vật chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán là phải hiểu rõ tính lịch sử của nó. Rõ ràng, ở đây, V.I.Lênin không định viết một cuốn sách giáo khoa về Triết học Mác - Chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà trái lại, những quan niệm, luận điểm được ông nêu ra, xét về nội dung, cách thức thể hiện, ngôn ngữ được sử dụng, luôn phù hợp với yêu cầu lịch sử, với đối tượng mà ông phê phán. Tuy vậy, việc coi trọng quan điểm lịch sử trong nghiên cứu phạm trù vật chất của V.I.Lênin không đồng nghĩa với “chủ nghĩa lịch sử”. Dưới những hình thức lịch sử - cụ thể, sinh động của nó, những luận điểm của V.I.Lênin về vật chất chứa đựng cả những nội dung, giá trị khoa học phổ biến, trong khi đó thì việc xây dựng một hệ thống quan niệm lý luận khoa học về vật chất lại đòi hỏi phải “thoát ra” khỏi những hình thức lịch sử - cụ thể, sinh động ấy. Vì thế, khi nghiên cứu phạm trù vật chất trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán nhằm xây dựng một quan niệm lý luận khoa học về vật chất, cần phải phân biệt nội dung, ý nghĩa khoa học phổ biến với ý nghĩa và hình thức lịch sử của nó và một nhiệm vụ khác đặt ra cho chúng ta ở đây là phải tìm ra những khả năng, phương án hoàn chỉnh hơn những định nghĩa về vật chất trong bối cảnh lịch sử hiện nay.    

Báo cáo vi phạm
 

Tags : phạm trù vật chất chủ nghĩa duy vật biện chứng kinh nghiệm phê phán tác giả lịch sử quan niệm định nghĩa đặc tính thuộc tính quan điểm