Gặp lại hai “kiện tướng” làng chạy Đồng Trạch

Trong cuốn sách 50 năm thể dục thể thao Quảng Bình viết: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng chạy xã Đồng Trạch nổi lên như một biểu tượng của huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình”.

Dưới cái nắng vàng của mùa xuân, chúng tôi về xã Đồng Trạch để tìm gặp những vận động viên (VĐV) tiêu biểu của phong trào chạy việt dã nổi tiếng một thời ở vùng đất này.
Nữ kiện tướng làng chạy
Men theo triền cát, chúng tôi hỏi đường về nhà bà Trần Thị Gấm ở thôn 1A (xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), là VĐV kiện tướng chạy việt dã một thời. Người dân ở đây hào hứng chỉ ngôi nhà nhỏ kiên cố, phía trước trồng nhiều rau xanh. Nhớ lại thời trẻ, khi những bước chân sải dài trên đường chạy ở khắp huyện, khắp tỉnh, rồi ra thi đấu giải chạy việt dã ở miền Bắc, bà Gấm cho biết: “Ngay từ năm lên 10 tuổi, tôi đã tham gia phong trào chạy ở xã Đồng Trạch. Ngày đó, mặc dù người nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn nên mỗi lần xã Đồng Trạch tổ chức giải chạy tôi đều có trong danh sách của thôn cử tham gia. Thành tích xuất sắc giành được sau mỗi lần chạy của tôi đã lọt vào tầm ngắm của cán bộ địa phương. Vì vậy, mỗi lần huyện Bố Trạch tổ chức giải chạy, tôi lại vinh dự thay mặt cho xã tham gia”.
Phát huy năng khiếu, nỗ lực hết mình trên đường chạy, bà luôn về đích trước mọi người. Cứ thế, được mọi người chú ý, cổ vũ khích lệ nên bà Gấm luôn nằm trong danh sách đi thi đấu những giải do tỉnh tổ chức. Và như một cái duyên, mỗi lần tham gia giải tỉnh, bà đều giành giải Nhất. “Thời đó, không có huy chương như bây giờ mà chỉ là giấy khen cùng với vật phẩm được tặng thưởng như chiếc thau, cái bát, áo ấm…”, bà Gấm nhớ lại.
Liên tục nhiều năm liền đạt thành tích cao tại các giải chạy, bà Trần Thị Gấm là một trong những VĐV tiêu biểu được tỉnh chọn tham gia giải chạy toàn miền Bắc. Vào năm 1967, ở giải chạy việt dã toàn miền Bắc do Báo Tiền phong tổ chức tại Sơn Tây với sự tham gia của hơn 20 đoàn VĐV đến từ các tỉnh. Tham gia giải này, đoàn Quảng Bình thi đấu với những VĐV xuất sắc. Điều đáng chú ý, trong đoàn có 3 VĐV người Đồng Trạch, gồm có Nguyễn Thị Gấm, Dương Thị Vầm và Nguyễn Thị Khơi. Với những đôi chân thoăn thoắt trên đường đua, VĐV Quảng Bình đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả và ban tổ chức về đức tính kiên cường, bền bỉ, chịu khó của người Quảng Bình.

 

Bà Trần Thị Gấm, VĐV kiện tướng chạy việt dã một thời


Bà Gấm kể: “Vì lần đầu tiên ra miền Bắc thi đấu nên trước khi vào đường chạy, ai cũng hồi hộp. Mấy chị em ngầm động viên nhau phải nỗ lực thi đấu hết mình vì quê hương, vì làng chạy Đồng Trạch”. Vượt lên các VĐV khác trên đường chạy, tại giải này, VĐV Dương Thị Vầm giành giải Ba, được chiếc huy chương Đồng, là nữ VĐV việt dã đầu tiên của Quảng Bình được phong danh hiệu kiện tướng. Còn bà Trần Thị Gấm về thứ tư nên đạt danh hiệu VĐV kiện tướng cấp 1. Sau khi tham gia giải về, ba VĐV người Đồng Trạch đã được tỉnh tặng thưởng một con lợn… để ăn mừng vì giành được thành tích xuất sắc. Nhưng cũng vào thời điểm này, đất nước đang thời kỳ chiến tranh ác liệt, hưởng ứng phong trào “5 xung phong”, năm 1970, bà Gấm xung phong vào phục vụ chiến trường. Năm 1971, được sự điều động của tỉnh, bà Gấm xin phép đơn vị để lần thứ 2 tham gia giải chạy việt dã toàn miền Bắc. Tại giải chạy lần này, bà Gấm tiếp tục đạt danh hiệu VĐV kiện tướng cấp 1.
Nay trở về với cuộc sống đời thường, dù mái tóc đã pha sương nhưng những kỷ niệm về một thời tham gia giải chạy việt dã toàn miền Bắc cứ in đậm trong người phụ nữ hiền hậu, nơi miền đất cát này.
Người đàn ông có biệt tài chạy nhanh
Ngược theo con đường chạy dài giữa làng, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Tiến Lý, ở thôn 6 (xã Đồng Trạch), là VĐV quốc gia, giành nhiều thành tích tại các giải chạy tỉnh tổ chức. Năm nay, bước sang tuổi 68 trông ông Lý rất khỏe, vẫn cùng làm thợ hồ với con. Tranh thủ chút nghỉ giải lao, trò chuyện với chúng tôi, ông Lý cho biết: Mặc dù cao 1,51m, nhưng ngay từ nhỏ, ông đã có biệt danh chạy nhanh. Từ năm 1964 đến năm 1972, tại các giải chạy của tỉnh tổ chức, ông đều tham gia và đạt thành tích cao. Năm 1964, tại giải chạy việt dã tỉnh tổ chức ở đồi Mỹ Cương (Đồng Hới), ông đã giành giải Nhì. Cũng tại giải chạy này, hai anh em họ ở xã Đồng Trạch là Phan Văn Khoang và Phan Văn Sói cùng tham gia và đã giành thành tích cao. Năm 1970, ông Phan Tiến Lý đạt danh hiệu VĐV quốc gia.

 

Ông Phan Tiến Lý, người giành nhiều thành tích tại các giải chạy việt dã


Những năm 1970-1973, tại bốn giải chạy liên tục, mặc dù vừa đi trực chiến nhưng mỗi lần tỉnh tổ chức, ông đều tham gia và giành giải Nhì chung cuộc. Năm 1972, tham gia giải chạy việt dã công nông binh tỉnh tổ chức tại xã Đồng Trạch, ông Lý lại về Nhì bởi lý do là tránh xe đạp của trọng tài. Ông kể: “Đang lúc gần về đích, tui nghe tiếng gọi của ông Khỏe đang đạp xe phía sau “Lý ơi tránh cho anh lên”, theo phản xạ, tui chùn bước rồi rẽ sang một bên nhường cho xe đạp. Nhưng ai ngờ, lúc này VĐV Nguyễn Văn Minh (Lệ Thủy) đang bám sát nên vượt lên giành giải Nhất, tui ngậm ngùi giành giải Nhì”.
Nói về kinh nghiệm chạy của mình, ông Lý chia sẻ: Phải kiên trì, bền bỉ trong tập luyện. Mỗi lúc thi đấu, sau khi xuất phát phải nhìn thẳng trên đường chạy, không quan sát lung tung xung quanh. Đặc biệt nhịp thở phải đều, chân sải đều, người luôn hướng về phía trước. Ông cho biết thêm, ngay từ nhỏ ông tham gia phong trào thiếu niên ở Hợp tác xã Măng non với mục đích tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Hằng ngày, cứ từ 5 giờ sáng, các đội viên phải dậy tập thể dục theo hình thức chạy bộ, đội viên nào không tham gia sẽ không được bình bầu Cháu ngoan Bác Hồ. Do đó, các tổ của Hợp tác xã đều thi đua nhau nên hình thành phong trào buổi sáng cả làng cùng chạy bộ. Từ việc tập luyện chạy bộ buổi sáng nên Đồng Trạch xuất hiện nhiều cá nhân có năng khiếu chạy. Tiêu biểu như Phan Văn Khoang, Phan Văn Sói, Dương Văn Khỏe, Ngô Càn Xuân, Phạm Thị Phi…
Ngày nay, do sự hấp dẫn của các môn thể thao khác nên phong trào chạy bộ buổi sáng ở xã Đồng Trạch đã mai một đi nhiều. Theo lời ông Trần Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã Đồng Trạch: “Để duy trì và phát triển phong trào chạy ở địa phương, hằng năm cứ vào dịp Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, chính quyền địa phương lại tổ chức giải chạy nhằm khích lệ phong trào rèn luyện TDTT trong nhân dân”.

Tags : thể dục thể thao quảng bình kháng chiến bố trạch động viên tiêu biểu phong trào nổi tiếng