Thời gian gần đây bạo lực học đường trở thành vấn đề nhức nhối. Giờ đây, người ta không chỉ thấy các nam sinh “ra tay” với nhau mà còn thấy những nữ sinh không ngại ngần đánh, chửi bạn mình một cách thô tục, thậm tệ; xé áo nhau ngay giữa lớp học rồi thản nhiên quay, đăng lên mạng xã hội. Không dừng lại ở đó, bạo lực còn xảy ra giữa thầy và trò, giữa phụ huynh với học sinh và giáo viên,…Tại Nghệ An, liên tục trong năm 2017, dư luận xôn xao trước rất nhiều vụ việc như: cô giáo Trường Tiểu học Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc) dùng thước đánh học sinh lớp 1; cô giáo trường Tiểu học ở Quỳ Châu đánh vào đầu các học sinh; 2 nữ sinh ở trường THPT Tân Kỳ hay 3 nữ sinh TTGDTX huyện Diễn Châu đánh hội đồng một bạn nữ rồi tung clip lên mạng; một phụ huynh đánh thầy hiệu trưởng, học sinhtại trường tiểu học Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn; côn đồ lao vào trường THPT Lê Lợi, Tân Kỳ đánh giáo viên, học sinh,…Trước thực trạng đó, chúng ta không khỏi dấy lên câu hỏi: Tại sao?
Đã có không ít bài báo, phóng sự,..tra tìm nguyên nhân của sự việc. Hầu hết đều cho rằng do gia đình thiếu quan tâm đến con cái; do tác động của phim ảnh, trò chơi bạo lực; do nhà trường chưa chú trọng dạy đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh,…Đó đều là những nguyên nhân nhưng có lẽ chưa đủ. Trong nghiên cứu về bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên, Tổ chức y tế thế giới cũng đã chỉ ra những nhân tố tác động dẫn đến hành vi bạo lực xuất phát từ mỗi cá nhân, từ các mối quan hệ với gia đình, bạn bè hay từ xã hội như: thiếu hụt sự chăm sóc, quan tâm; do hiếu động; rối loạn hành vi, đạo đức; tiếp xúc, sử dụng sớm các loại chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ma túy; kết quả học tập thấp; thất nghiệp; nghèo đói, thu nhập thấp; nhiễm thói bạo lực từ gia đình; và thậm chí là cả chất lượng quản lý của một quốc gia. Trong số những nguyên nhân mà WHO đưa ra, tôi đặc biệt chú trọng đến vấn đề chất lượng quản lý của một quốc gia.Một khi những chính sách, quản lý chưa hiệu quả, xã hội còn tồn tại lắm bất công, tiêu cực thì dễ dẫn tới sự căng thẳng, ức chế về mặt tâm lý. Khi sự ức chế này đến mức khó kiểm soát thì người ta dễ dàng cư xử một cách bạo lực. Ở trường học hiện nay cũng vậy, tôi cho rằng những bất cập trong chính sách giáo dục chính là một loại bạo lực đẻ ra những hành vi bạo lực khác mà chúng ta thấy hiện nay. Loại “bạo lực” này không chỉ tác động xấu đến tinh thần của một mà còn nhiều đối tượng một cách lâu dài.
Tại sao có thể xem đây là bạo lực? Chúng ta cần hiểu rằng, bao lực không chỉ bao gồm các hành vi sử dụng sức mạnh để gây tổn hại về mặt thể xác mà còn về tinh thần. Báo cáo thế giới về bạo lực và sức khỏe chỉ ra, giữa các cá nhân với nhau có thể tồn tại 4 kiểu bạo lực: Bạo lực thể xác, tình dục, tấn công tâm lý và tước đoạt quyền lợi. Hình thức bạo lực về mặt tâm lý là loại bạo lực khó nhìn thấy và không ngay lập tức để lại hậu quả. Nó tác động lâu dài và ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực tế, tại các trường học ở Việt Nam hiện nay, chính các chính sách, cơ chế, những bất cập trong ngành giáo dục đang dần dần, âm thầm tấn công đến mặt tâm lý, nhận thức của học sinh, lẫn phụ huynh. Điều đó khiến cho mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường; quan hệ thầy – trò, bạn bè thiếu mối gắn kết, thiếu sự sự tôn trọng; các chuẩn mực giá trị bị đảo lộn so với trước đây. Thêm vào đó các trường học hiện nay chưa đủ sức đề kháng trước những tác động của các vấn đề trong xã hội. Chúng ta chưa xây được bức tường đủ cao, đủ chắc để một khi bước qua đó, học sinh sẽ được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn hơn rất nhiều so với sự xô bồ bên ngoài..Khi mà người lớn đang ngày càng trở nên thiếu kiềm chế, ứng xử với nhau một cách bạo lực như hiện nay thì chuyện con em họ cư xử như thế cũng không lấy gì làm lạ!
Vậy những bất cập dẫn đến áp lực về mặt tâm lý mà trường học đang tạo ra là gì? Trước hết đó là đủ các khoản thu.Câu chuyện xã hội hóa giáo dục đã đẩy đến viêc hình thành những khoản thu bất hợp lí đổ lên đầu phụ huynh và học sinh như:tiền đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang trí lớp học, quỹ lớp, tiền lao động,quỹ phục vụ các ngày lễ, hỗ trợ bồi dưỡng học sinh giỏi…. Hẳn chúng ta vẫn chưa quên vụ việc mỗi học sinh mầm non phải đóng thêm hơn 3 triệu đồng tiền xã hội hóa đầu năm học tại trường mầm non Bảo Thắng, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) năm 2016 hay những phản ánh của trường Tiểu học Cửa Nam (TP. Vinh) gần đây về tiền xã hội hóa và quỹ hội. Bên cạnh đó, có một thực trạng đáng báo động hiện nay là câu chuyện tổ chức các ngày lễ.Tôi thấy ngày nay cha mẹ học sinh phải đau đầu suy nghĩ nên chuẩn bị quà như nào mỗi dịp ngày 20/11, 20/10, Tết,…Ngoài việc đóng vào quỹ hội phụ huynh, nhiều gia đình còn đi riêng thầy cô với hy vọng con em mình sẽ được để tâm hơn. Hành động của một bộ phận gia đình có điều kiện dần được lan rộng và vô tình trở thành gánh nặng, áp lực đối với những gia đình không có điều kiện bằng trong cùng một lớp. Tại một số trường ở thành phố, để chuẩn bị cho biểu diễn văn nghệ, nhiều lớp còn đầu tư thuê đạo diễn về biên đạo các tiết mục hát múa với chi phí hàng triệu đồng một tiết mục. Vậy là lớp phải chi một khoản không nhỏ phục vụ cho tiền thuê trang phục, thuê biên đạo, tiền cho các cháu tập luyện,…
Câu chuyện dạy thêm, học thêm và áp lực điểm số, thành tích là một biểu hiện khác có thể xếp vào loại “bạo lực” này. Hiện nay, tại Nghệ An, nhất là ở thành phố Vinh, việc không cho con đi học thêm trở thành chuyện hiếm, điều bất thường dù thực tế không ai bắt buộc. Dường như áp lực từ truyền thống hiếu học, trọng danh đã khiến cho phụ huynh không ngại ngần lao vào những cuộc chạy đua thành tích cùng con em. Các trường học thì lao vào những cuộc chiến về tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học. Các trung tâm tiếng Anh ngày càng được mở ra nhiều hơn và nơi nào cũng có đông học sinh, đủ các lứa tuổitheo học. Kết quả là, các em học sinh phải học liên tục ngày đêmcòn phụ huynh thì quần quật kiếm tiền để trang trải việc học.Tất cả tạo nên một áp lực rất lớn, không chỉ khiến học sinh mỏi mệt mà còn khiến những bậc cha mẹ căng thẳng.
Chúng ta luôn cho rằng môi trường giáo dục của mình hiện nay là an toàn. Những vấn đề đánh đập như trên chỉ thuộc về một bộ phận nhỏ học sinh chưa được giáo dục tử tế từ gia đình, nhà trường hay do một vài giáo viên thiếu nhận thức. Quả thực chúng ta chưa phải chứng kiến vụ việc nào quá nghiêm trọng. Chúng ta chưa từng phải nhìn cảnh tượng kinh khủng nào tương tự các vụ xả súng đẫm máu trong trường học ở nước khác. Tuy nhiên, xin nhớ cho rằng, loại bạo lực mà tôi chỉ ra ở trên đây, nếu không được “chữa trị” một cách kịp thời thì nó sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Một khi không chấn chỉnh về các chính sách, phương pháp giáo dục, một khi còn để những vấn nạn trong học đường xảy ra như một loại bạo lực tinh thần thì ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ phải chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn hơn nơi trường học - khi học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên đã mất đi khả năng kiểm soát cơn giận và hành vi của mình./.
TRANG ĐOAN