Về cách tiếp cận nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay

Dương Phú Hiệp(*)

Tiếp cận nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, theo tác giả, ngoài những tiêu chí đã có, cần phải bổ sung thêm những tiêu chí mới nảy sinh và cùng với đó, cần phải hiểu quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác về giai cấp công nhân theo quan điểm lịch sử. Thêm vào đó, khi nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam cần phải phân chia quá trình hình thành và phát triển của nó theo các thời kỳ lịch sử; đồng thời lựa chọn một khâu nào đó trong chuỗi dây xích những vấn đề cấp bách để tập trung giải quyết rồi từ đó, lần ra các mắt xích kề bên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của nó. Do vậy, trước khi đề cập đến vấn đề xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cần bàn về cách tiếp cận nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay.

Trong Sáng kiến vĩ đại, V.I.Lênin đã đưa ra bốn tiêu chí để đánh giá giai cấp: (1) Sự khác nhau giữa các tập đoàn người về địa vị trong một hệ thống kinh tế - xã hội nhất định; (2) Khác nhau về quan hệ đối với tư liệu sản xuất; (3) Khác nhau về vai trò trong tổ chức lao động xã hội, trong tổ chức quản lý sản xuất; (4) Khác nhau về phương thức thu nhận của cải xã hội. Vận dụng bốn tiêu chí nói trên để xác định một giai cấp là cần thiết.

Khi bàn về giai cấp công nhân, C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra hai tiêu chí: (1) Về nghề nghiệp, giai cấp công nhân là những người lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính chất công nghiệp; (2) Về vị trí trong quan hệ sản xuất, giai cấp công nhân là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê, bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột giá trị thặng dư.

Vận dụng những tiêu chí nói trên vào việc xác định giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là việc không hề dễ dàng, đơn giản. Trong thực tế, đang nảy sinh hàng loạt vấn đề đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải giải quyết, như:

Thứ nhất, ngoài các tiêu chí về kinh tế - xã hội, có nên bổ sung thêm tiêu chí về chính trị nữa không khi định nghĩa giai cấp công nhân.

Thứ hai, C.Mác và Ph.Ăngghen nói về các tiêu chí để xác định giai cấp công nhân là lúc chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển và tiến hành cách mạng công nghiệp; khi đó chưa có các nước xã hội chủ nghĩa, chưa có cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Do vậy, khi đó, hai ông chưa thể đưa ra định nghĩa về giai cấp công nhân hiện đại và giai cấp công nhân trong chủ nghĩa xã hội. Từ đó đến nay, tình hình thế giới đã có nhiều biến đổi, vì vậy cần phải nghiên cứu, bổ sung vào định nghĩa về giai cấp công nhân những tiêu chí mới để định nghĩa về giai cấp công nhân hiện đại, về giai cấp công nhân trong chủ nghĩa xã hội. Rõ ràng là, không thể đem những định nghĩa trước đây về giai cấp công nhân để nói về giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay. Chúng ta không vứt bỏ khái niệm giai cấp công nhân, mà vẫn sử dụng nó nhưng với nội dụng mới.

Thứ ba, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về người công nhân trong quá trình phát triển, nào là giai cấp công nhân, giai cấp vô sản, giai cấp lao động, lao động làm thuê; nào là công nhân nông nghiệp, công nhân công nghiệp, công nhân khai khoáng; nào là công nhân thủ công, công nhân công trường thủ công; công nhân hiện đại, công nhân quý tộc, vô sản lưu manh, v.v.. Hiện nay, khi nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam, cần xác định rõ thuật ngữ nào là không còn thích hợp nữa, thuật ngữ nào vẫn có thể sử dụng nhưng phải bổ sung những nội dung mới, thuật ngữ nào vẫn giữ nguyên giá trị.

Xuất phát từ thực tế hiện nay và những chỉ dẫn của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, có thể nói rằng, giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay là giai cấp những người lao động chân tay và trí óc hoạt động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ công nghiệp thuộc các loại hình: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Dù họ hoạt động trong bất kỳ thành phần kinh tế nào thì với tư cách người làm công ăn lương, họ cũng đều là chủ của đất nước, quyền lợi của họ được pháp luật nhà nước bảo vệ.

Ở đây, khi vận dụng quan điểm lịch sử - cụ thể vào việc nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam, việc tránh chủ nghĩa giáo điều là hết sức cần thiết. Điều đó có nghĩa là, không thể đem những quan điểm giai cấp của thời kỳ trước đây - thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp - vận dụng một cách máy móc vào thời kỳ đổi mới hiện nay, bởi tình hình đã thay đổi rất nhiều, khi chúng ta đã từ bỏ mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ để chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội công dân, hội nhập quốc tế. Do vậy, hiện nay, chúng ta xem xét giai cấp công nhân Việt Nam không phải trong hoàn cảnh đấu tranh giai cấp gay gắt, đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản, giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa để giải quyết vấn đề “ai thắng ai”, mà trong hoàn cảnh đại đoàn kết dân tộc là động lực của sự phát triển, đảng viên cũng được làm kinh tế tư nhân (trong đó có kinh tế tư bản tư nhân).

Giai cấp công nhân Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhưng điều đáng chú ý ở đây là, mãi đến năm 2020, nước ta mới cơ bản trở thành nước công nghiệp; còn hiện nay, mặc dù đất nước đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Do vậy, giai cấp công nhân Việt Nam còn phải đấu tranh rất gian khổ để từng bước đạt các mục tiêu, như sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, biến nước ta thành một nước công nghiệp, tiến tới xây dựng một xã hội mà trong đó, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ở châu Âu, giai cấp công nhân bắt đầu hình thành cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản vào khoảng thế kỷ XVI, đặc biệt phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII khi cách mạng công nghiệp nổ ra. Còn ở Việt Nam, giai cấp công nhân ra đời vào đầu thế kỷ XX khi chủ nghĩa thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa. Như vậy, ở nước ta, giai cấp công nhân ra đời trước giai cấp tư sản. Thế nhưng, do chủ nghĩa tư bản thực lợi Pháp, do đất nước phải trải qua những cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt và gian khổ, do những cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ào ạt cả ở miền Bắc và miền Nam làm đảo lộn cơ cấu kinh tế và cơ cấu giai cấp, quá trình công nghiệp hoá diễn ra chậm chạp, nên giai cấp công nhân Việt Nam phát triển chậm chạp. Tuy nhiên, trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, cùng với cả dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam đã phát huy được truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường và anh hùng. Đồng thời, giai cấp công nhân Việt Nam cũng phát huy tốt truyền thống đoàn kết giai cấp của mình, truyền thống đại đoàn kết dân tộc và có mối liên hệ tự nhiên, mật thiết với nông dân và các tầng lớp lao động khác, gắn bó chặt chẽ lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc.

Khi nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam, chúng ta có thể phân chia quá trình hình thành và phát triển của giai cấp đó thành bốn thời kỳ sau đây:

- Giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ bị thực dân Pháp cai trị.

- Giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

- Giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết.

- Giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Mỗi thời kỳ nói trên đều có những đặc điểm riêng, nhưng để hiểu được giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay, chúng ta không thể không xem xét quá trình hình thành và phát triển của nó, cũng như những đặc điểm của nó ở các thời kỳ trước.

Giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay đã khác rất nhiều so với các thời kỳ trước, đã có những biến đổi quan trọng cả về số lượng, chất lượng lẫn cơ cấu. Trong quá trình biến đổi đó, có một số vấn đề nổi lên đáng chú ý sau đây:

Thứ nhất, trong quá trình đổi mới, do các doanh nghiệp nhà nước giảm, nên số lượng công nhân trong khu vực này cũng giảm theo. Ngược lại, số lượng công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể lại tăng mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay, mặc dù có phát triển nhanh trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu vẫn là những doanh nghiệp nhỏ, chỉ có một số rất ít sử dụng từ 500 đến 1000 công nhân.

Thứ hai, mặc dù đời sống của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay đã được cải thiện và khá hơn nhiều so với các thời kỳ trước, nhưng còn có quá nhiều khó khăn cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần, cả về nhà ở lẫn việc làm. Năm 1995, tiền lương tối thiểu của người lao động đã được luật pháp hoá, nhưng mức lương tối thiểu đặt ra thấp, không đủ chi cho nhu cầu thiết yếu của người lao động và chậm được điều chỉnh, nên giá trị thực tế giảm dần. Tiền lương tối thiểu chung chưa trở thành lưới an toàn cho lao động làm công ăn lương. Đời sống của giai cấp công nhân khó khăn đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm và lòng tin của họ đối với chế độ, với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, khi nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam không thể bỏ qua tình cảnh hiện nay của họ.

Thứ ba, Đảng và Nhà nước ta đã cố gắng nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân. Do vậy, so với các thời kỳ trước, về mặt này, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì trình độ các mặt hiện nay của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được; còn nếu so sánh với trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân ở các nước phát triển thì hiện trạng của nước ta thật đáng lo ngại: tỷ lệ lao động có trình độ cao hiện còn rất thấp, lao động chưa qua đào tạo còn nhiều.

Khi nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, như đã trình bày ở trên, có hàng loạt vấn đề cấp bách đòi hỏi phải giải quyết. Đương nhiên, không thể đồng thời giải quyết cùng một lúc tất cả mọi vấn đề. Ở đây, nên lựa chọn một khâu nào đó trong dây xích này để tập trung giải quyết rồi từ đó, lần ra các mắt xích kề bên. Theo tôi, mắt xích đó chính là đào tạo nghề cho công nhân, bởi thất nghiệp, không có việc làm chủ yếu không phải do không có người thuê, mà do lao động không được đào tạo, hoặc đào tạo không đúng yêu cầu của thị trường. Nếu chúng ta biết căn cứ vào yêu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước để xây dựng một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thích hợp thì công nhân sẽ có việc làm và do có việc làm, đời sống của họ sẽ được cải thiện và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ được đẩy nhanh. Đó cũng là từng bước thực hiện “trí thức hoá công nhân”.

Khi nghiên cứu giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, chúng ta không thể không dự báo sự phát triển của nó gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn với triển vọng thực hiện cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta để định hướng cho sự phát triển giai cấp công nhân hiện đại. Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang làm biến đổi sâu sắc, toàn diện các giai tầng xã hội, trong đó có giai cấp công nhân. Những máy móc, thiết bị do cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại tạo ra đang làm thay đổi phương thức lao động và vị thế của người công nhân. Xu hướng nổi lên là lao động chân tay ngày càng giảm, lao động tri thức ngày càng tăng và ai cũng phải sử dụng máy vi tính nối mạng, lao động ở nhà, lao động tự do sẽ trở nên ngày càng phổ biến. Kinh tế tri thức hình thành làm cho tỷ trọng các ngành sản xuất vật chất suy giảm, tỷ trọng các ngành phi vật chất tăng lên. Tri thức trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng hơn các yếu tố sản xuất truyền thống khác, như vốn, tài nguyên, lao động giản đơn. Lợi nhuận từ lao động giản đơn, đất đai, tư bản ngày càng giảm. Giai cấp công nhân hiện đại, tuy vẫn là người làm thuê, nhưng có đời sống khá, có trình độ khoa học và nghiệp vụ cao, phần lớn có trình độ đại học và cao đẳng, tỷ lệ “công nhân cổ trắng” ngày càng tăng, chiếm ưu thế so với tỷ lệ “công nhân cổ xanh”, đang hình thành tầng lớp trung lưu mới, trong đó phần lớn là “công nhân cổ trắng”. Tình hình đó gợi ý cho chúng ta, khi Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển và dần dần trở thành một nước phát triển thì dự báo giai cấp công nhân Việt Nam khi đó sẽ như thế nào. Mặc dù đó là vấn đề của tương lai, nhưng cần nghiên cứu giai cấp công nhân hiện đại ở các nước phát triển để dự báo triển vọng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Tags : tiếp cận nghiên cứu giai cấp công nhân hiện nay tác giả tiêu chí bổ sung nảy sinh quan niệm sáng lập chủ nghĩa quan điểm