Khổng Tử và Hồ Chí Minh: Những tương đồng và khác biệt trong tư tưởng đạo đức

Trần Ngọc Ánh(*)

Bài viết so sánh một cách trực diện quan điểm đạo đức của Khổng Tử và Hồ Chí Minh ở một số vấn đề cụ thể. Theo tác giả, tư tưởng đạo đức Nho giáo do Khổng Tử sáng lập là một trong những nguồn gốc của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và do đó, những tương đồng trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh là tất yếu. Song, do thời đại lịch sử và vai trò lịch sử khác nhau, việc tồn tại những khác biệt trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh cũng là tất yếu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)

1. Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng lớn. Học thuyết của Khổng Tử chủ yếu là về chính trị, đạo đức. Nét đặc sắc và nổi bật trong tư tưởng Khổng Tử là ông đã “đạo đức hóa chính trị” và qua đó, làm cho chính trị ít nhiều mang “bộ mặt văn hóa”. Từ Khổng Tử trở đi, đường lối chính trị dựa trên sức mạnh đạo đức - đường lối chính trị nhân nghĩa (vương đạo) - dần nổi lên và trở thành đường lối trị nước độc tôn trong suốt chiều dài lịch sử chế độ phong kiến ở một số nước Á Đông. Cũng từ trường học của Khổng Tử, nhiều khái niệm đạo đức đã xuất hiện và trở thành những giá trị đạo đức phổ quát, đi vào đời sống xã hội và được xã hội trân trọng, đề cao.

Trong lịch sử thế giới hiện đại, Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, mà còn là một nhà tư tưởng quan tâm sâu sắc đến vấn đề đạo đức. Trước Hồ Chí Minh, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã xây dựng lý luận khoa học về đạo đức, nhưng chưa có điều kiện bàn nhiều về đạo đức của những người cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng. Tư tưởng đạo đức của Người bao quát mọi đối tượng, đề cập đến mọi lĩnh vực hoạt động của con người và trên mọi quan hệ xã hội với phạm vi rộng, hẹp khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề mà Hồ Chí Minh quan tâm nhiều nhất chính là tư cách đạo đức của người cách mạng, là phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có một vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam.

Rõ ràng, với khoảng cách hơn hai nghìn năm lịch sử, sự khác biệt khá lớn giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh là tất yếu. Mặc dù vậy, theo chúng tôi, giữa hai nhà tư tưởng đạo đức này, không phải là không có những điểm tương đồng nhất định. Đương nhiên, đây chỉ là sự so sánh mang tính tương đối.

2. Trước hết là về một số tương đồng trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh.

Một trong những nguồn gốc của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là những tinh hoa tư tưởng đạo đức phương Đông, trong đó đáng kể là tư tưởng đạo đức Nho giáo do Khổng Tử sáng lập và do vậy, những tương đồng trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh là hoàn toàn có cơ sở. Đương nhiên, đó là sự tương đồng trong ý tưởng, đặt trong dòng chảy lịch sử tư tưởng đạo đức, chứ không phải là sự tương đồng trong nội dung của các phạm trù, nguyên lý đạo đức cụ thể. Qua nghiên cứu bước đầu, theo chúng tôi, có thể thấy rõ bốn điểm tương đồng trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh như sau:

Thứ nhất, cả Khổng Tử và Hồ Chí Minh đều đề cao vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội ở thời đại của mình. Khổng Tử quan niệm: “Đức mà thuần nhất, không việc gì làm là không tốt. Đức mà ô tạp, không việc gì làm mà không xấu... Trời gieo tai vạ, hay ban cho sự tốt lành bởi tại đức của mình ô tạp hay thuần nhất đấy thôi”(1); “Làm chính trị (trị dân) mà dùng đức (để cảm hóa dân) thì như sao Bắc Đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về cả (tức thiên hạ theo về)”(2). Còn theo Hồ Chí Minh, mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không.

Thứ hai, Khổng Tử và Hồ Chí Minh đều đề cao vai trò đạo đức của người cầm quyền, đều coi trọng việc tu dưỡng đạo đức cá nhân. Khổng Tử yêu cầu người quân tử phải “lấy nghĩa làm gốc, nói năng khiêm tốn, nhờ thành tín mà nên việc”(3), “sửa mình để cho trăm họ yên trị”. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”(4).

Thứ ba, Khổng Tử và Hồ Chí Minh đều coi “đức là gốc” trong mối quan hệ giữa đức và tài. Khổng Tử từng nói: “Như có tài năng tốt đẹp của Chu Công, mà có tính kiêu ngạo, biển lận thì những tài đức gì khác cũng không xét nữa”(5). Hồ Chí Minh quan niệm: “Đức là gốc”, vì trong đức đã có tài, có cái đức sẽ đi đến cái trí. Giống như cây phải có gốc, sông, suối phải có nguồn, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(6).

Thứ tư, Khổng Tử và Hồ Chí Minh đều chủ trương đạo đức hóa chính trị. Với Khổng Tử, đó là đường lối “đức trị”. Với Hồ Chí Minh, đó là sự thống nhất, sự hòa quyện giữa chính trị và đạo đức, văn hóa, nhân văn. Khổng Tử và Hồ Chí Minh đều chủ trương một đường lối chính trị nhân nghĩa, “lấy dân làm gốc”, dùng đạo đức mẫu mực của người cầm quyền để làm gương cho dân chúng noi theo.

Theo chúng tôi, về sự tương đồng trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh có thể còn có nhiều điểm khác nữa, cũng có thể có những ý kiến khác nhau. Đó là điều bình thường trong khoa học; và rõ ràng, đây là vấn đề cần phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu.

3. Một số khác biệt trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh.

Trước hết, phải khẳng định, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có sự khác biệt về bản chất. Điều này đã được chính Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều. Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”(7). Đó quyết không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Hơn nữa, ngay cả những mặt tương đồng trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh cũng chỉ là tương đối; bởi nếu xét kỹ, chúng ta vẫn thấy chúng có sự khác biệt về chất.

Thứ hai, khác biệt lớn nữa giữa tư tưởng đạo đức của Khổng Tử và Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ: Khổng Tử có xu hướng tuyệt đối hóa “đức trị”. Ông chủ trương “nặng đức nhẹ hình” và đối lập một cách siêu hình giữa đức trị với pháp trị. Hạn chế trong tư tưởng này của Khổng Tử là ông không thấy rõ vai trò cực kỳ quan trọng của pháp luật và có xu hướng phủ nhận tư tưởng pháp trị. Những quan niệm của Khổng Tử về “an bần lạc đạo”, “trọng nghĩa khinh lợi” không phải là không có những mặt hạn chế. Khác với Khổng Tử, tuy đề cao vai trò của đạo đức, nhưng Hồ Chí Minh gắn “đức trị” với “pháp trị”, chủ trương tăng cường pháp luật với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cho cán bộ và nhân dân. “Đức trị” ở Khổng Tử thuần túy là chủ trương dùng đức để trị dân, dẫn dắt dân chúng bằng đạo đức. “Đức trị” của Hồ Chí Minh là sự kết hợp chặt chẽ với pháp trị, trên cơ sở pháp trị và bao hàm cả một phần của pháp trị. Bởi Hồ Chí Minh quan niệm rằng, người cán bộ cách mạng phải làm gương không chỉ về đạo đức, mà trước hết còn phải làm gương trong việc chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương, phép nước, cho nhân dân noi theo.

Thứ ba, Hồ Chí Minh tuy có kế thừa một số tư tưởng đạo đức của Khổng Tử, có sử dụng một số phạm trù đạo đức Nho giáo do Khổng Tử khởi xướng, nhưng đã bổ sung thêm những nội dung mới, lý giải theo quan điểm mới, mang những giá trị đạo đức mới. Bởi thế, nhiều khái niệm đạo đức ở Khổng Tử và Hồ Chí Minh tuy có sự giống nhau về hình thức, nhưng lại khác biệt về chất, như quan niệm “đức là gốc”. Hồ Chí Minh quan niệm “đức là gốc” không chỉ của con người nói chung, mà còn đặc biệt nhấn mạnh “đức là gốc” của Đảng cách mạng. Người khẳng định: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh" và cảnh báo rằng, một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Trong Di chúc của mình, ở phần nói về những công việc phải làm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: "việc cần phải làm trước tiên  chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi"(8). Và, không chỉ trong Di chúc, bài viết cuối cùng mà Hồ Chí Minh để lại cũng viết về vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân - một trong những điều mà Người tâm huyết nhất, quan tâm, trăn trở nhất trong sự nghiệp cách mạng, bởi vì "thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân".

Thứ tư, Khổng Tử là một nhà tư tưởng đạo đức vĩ đại, nhưng ông không phải là nhà thực hành đạo đức lớn. Tuy Khổng Tử là mẫu mực của việc giữ lễ, nhưng thời gian ông tham chính không nhiều (khoảng 4 năm), không có điều kiện thực hành tư tưởng “đức trị” của mình trong thực tiễn. Học thuyết của ông được truyền dạy cho học trò, nhiều người trong số họ có tài đức, được trọng dụng và tham chính ở nhiều nước, nhưng cũng không ai thực thi được học thuyết của ông. Còn Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng hành động. Người không chỉ là một nhà tư tưởng đạo đức lớn, mà còn là một tấm gương đạo đức vĩ đại. Ở Người có sự thống nhất cao độ giữa nói và làm, giữa tư tưởng và hành động, giữa động cơ, mục đích và hiệu quả. Hồ Chí Minh luôn là người thực hiện trước nhất, trọn vẹn nhất những tư tưởng đạo đức cách mạng mà Người đã nêu ra. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cao đẹp đến mức không chỉ dân tộc Việt Nam, mà cả bạn bè quốc tế cũng ngưỡng mộ, thán phục. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ hiện thân toàn vẹn ở chính Người, mà còn đi vào đời sống xã hội, góp phần làm nên nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng với đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực và trở thành một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến những thắng lợi huy hoàng của cách mạng Việt Nam.

4. Tương đồng và khác biệt trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh là vấn đề rất cần được quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn nữa. Nghiên cứu và làm rõ vấn đề này không chỉ giúp chúng ta thấy rõ hơn quá trình kế thừa và phát triển những tinh hoa tư tưởng đạo đức phương Đông cổ đại trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, mà còn góp phần nhận rõ chân giá trị, tính hoàn thiện trong tư tưởng đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh như là “tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta”.

Có thể nói, cái thống nhất, xuyên suốt trong tư tưởng đạo đức giữa Khổng Tử và Hồ Chí Minh là lòng thương yêu con người và niềm tin mãnh liệt vào tính hướng thiện của con người, là cống hiến suốt đời vì hạnh phúc của con người. Tất nhiên, do thời đại lịch sử khác nhau, những quan niệm, tư tưởng đạo đức cụ thể của hai nhà tư tưởng vĩ đại này không thể không có sự khác biệt nhau.

Và cuối cùng, có thể nói, cũng như Khổng Tử, Hồ Chí Minh có lẽ là một trong những người hơn ai hết, tiêu biểu cho kiểu triết gia mà "tầm cỡ... chưa chắc chắn ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng,... ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ, mà chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên quả đất này và chắc chắn còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động"(9).

Tags : so sánh quan điểm đạo đức khổng tử chí minh vấn đề cụ thể tác giả tư tưởng nho giáo sáng lập nguồn gốc tương đồng tất yếu thời đại lịch sử vai trò tồn tại khác biệt