CÁC ĐỊNH NGHĨA VỀ TÔN GIÁO

Định nghĩa của tôn giáo đến nay vẫn còn rất mù mờ và nhiều tranh cãi. Tại sao lại có những tranh cãi này? Sở dĩ bởi các định nghĩa tôn giáo xuất hiện khá muộn, dấu vết của việc định nghĩa khái niệm tôn giáo một cách rõ ràng, được biết tới là vào những năm sau Công nguyên, quãng từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 6. Đây là thời kỳ đế chế Roman đang đi vào thời suy tàn, và các vị vua Gothic bắt đầu nắm giữ vương quyền. Trước đó, khái niệm “tôn giáo” đã được sử dụng ở trong nhiều văn bản, nhưng không thống nhất được cách hiểu.

Tôn giáo – “religion” có gốc từ tiếng Latin “religionem”, có nghĩa là “tôn sùng những điều thiêng liêng, sùng bái thần thánh, sự tận tâm, cảm thức về lẽ phải, bổn phận đạo đức, nỗi sợ hãi thần thánh, phụng sự  thần thánh,  tuân thủ tín ngưỡng, một niềm tin, một hình thức thờ phụng, tế lễ, tinh thần, sự thánh thiện”. Tiếng Pháp cổ từ này có nghĩa là “lòng mộ đạo, sự hiếu kính, cộng đồng tín ngưỡng”

Trước đó, Cicero (106TCN- 43 TCN), một nhà hùng biện thời La Mã, đã chiết tự tìm hiểu phát nguyên của “religion” là từ “religere”, có nghĩa là “trải nghiệm lại” (bằng việc đọc hoặc suy nghĩ). Trong đó, tiền tố “re” có nghĩa là “lặp lại”, “ligere” có nghĩa là “đọc”. Tuy nhiên, các nhà hùng biện khác sau này như Augustine, Servius, Lactantius lại hiểu về “religere” là “sự ràng buộc”. Cách hiểu này tạo ra một định nghĩa khác về tôn giáo, đó là “đảm nghiệm nghĩa vụ” hay “mối liên lạc giữa con người và thần thánh”. Với cách hiểu này, tiền tố “re” đã nhấn mạnh thêm ý nghĩa.

Theo nhà ngôn ngữ học Max Muller, vào khoảng những năm 1200, “religion” trong tiếng Pháp Anglo có nghĩa là “cuộc sống nguyện cầu trong các tu viện”. Khoảng những năm 1300, trong tiếng Anh, nó có nghĩa là “hệ thống niềm tin riêng biệt”. Vào những năm 1530, tôn giáo lại có nghĩa là “công nhận và trung thành với quyền lực tối thượng và vô hình”.  Các định nghĩa tôn giáo này đều xuất hiện trong thời Trung Cổ ở Châu Âu, khi quyền lực nhà thờ Công giáo đang bao trùm châu lục này. Cho đến nay, những cách hiểu từ thời Trung Cổ vẫn được chúng ta sử dụng để định nghĩa về tôn giáo theo hình mẫu mà Công giáo quy định. Với cách định nghĩa này, chúng ta đã loại trừ rất nhiều các tôn giáo đa thần hoặc tôn giáo thờ Totem hoặc các tôn giáo hiện đại. Nếu nhìn lại tiến trình thay đổi các cách định nghĩa khái niệm tôn giáo, ta có thể thấy rằng các mô hình tôn giáo cũng thay đổi theo khái niệm này. Hoặc ngược lại, chính từ các mô hình tôn giáo ấy mà các học giả đã đưa ra các khái niệm ấy.  Chính vì các sự khác biệt trong cách hiểu về tôn giáo, nên các học giả sẽ rất dễ gặp phải tranh cãi khi bắt gặp một tôn giáo khác biệt với mô hình mà mình bị gắn kết.

Trong nhiều nền văn minh khác ở phương Đông như Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ và Á Đông, cũng có những từ tương ứng với “religion”, nhưng họ không tự định nghĩa giống như ở phương Tây. Có một sự khác biệt về đời sống thần thánh ở phương Đông so với phương Tây, đó là người phương Đông không coi thần thánh hoặc ma quỷ sống ở một cõi nào đó khác mà họ không thể chạm tới. Người phương Đông coi thần thánh hoặc ma quỷ hiện diện ngay trong đời sống,  hòa lẫn vào xã hội con người, thậm chí ngay bên trong mình. Vậy nên, do các hành vi tôn giáo được thực hiện một cách tự nhiên trong đời sống, nên các từ này không nhất thiết phải được định nghĩa hoặc tranh cãi nhau. Giống như việc không ai phải mất công đi định nghĩa từ “ăn” là gì. Từ “religion” thỉnh thoảng được dịch sang tiếng Sankrit là “dharma”, có nghĩa là “lề luật”. Cách hiểu này có thể tìm thấy trong Phật giáo, tôn giáo của Trung Quốc, Nhật Bản. Họ coi “tôn giáo” như một hệ thống thực hành lề luật để đạt tới sự thiêng liêng và tính thần thánh. Thậm chí, với trường hợp Do Thái giáo, chúng ta còn không thể phân biệt được các đặc tính tín ngưỡng, quốc gia và chủng tộc. Đây cũng là vấn đề gặp phải ở các tôn giáo Ấn Độ như Hindu giáo hay Bà La Môn giáo, tôn giáo lại gắn liền với chủng tộc và đẳng cấp.

Mặc dù có nhiều định nghĩa về tôn giáo, nhưng cho đến nay, cách hiểu được chấp nhận đại chúng nhất là định nghĩa được đưa ra bởi Peter Mandavill và Paul James là  “a relatively-bounded system of beliefs, symbols and practices that addresses the nature of existence, and in which communion with others and Otherness is lived as if it both takes in and spiritually transcends socially-grounded ontologies of time, space, embodiment and knowing” ( Globalization and Culture, Vol. 2: Globalizing Religions) Có nghĩa là: “Một hệ thống tương đối đóng kín về niềm tin, biểu tượng và thực hành nhằm tìm hiểu bản chất của sự tồn tại, và ở trong hệ thống đó, tâm lý chia sẻ với người khác hay tính khác được sống theo cách nó vừa tiếp nhận nhưng lại vừa vượt lên, trên phương diện tâm linh, một nhận thức luận bị giới hạn trong xã hội học về thời gian, không gian, thực thể và tri thức.” Mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác, nhưng với cách định nghĩa này, chúng ta có thể có cái nhìn toàn diện hơn về một tiến trình lịch sử tôn giáo lâu dài của loài người.

Hà Thủy Nguyên

Tags : định nghĩa tôn giáo tranh cãi tại sao sở dĩ xuất hiện dấu vết khái niệm rõ ràng thế kỷ thời kỳ suy tàn bắt đầu sử dụng thống nhất