Tuệ Trung Thượng sĩ – nhà Thiền học thông tuệ

Bùi Huy Du(*)

 

Tuệ Trung Thượng sĩ

Tuệ Trung Thượng sĩ

Tuệ Trung Thượng sĩ là một trong những nhà thiền học xuất sắc vào bậc nhất của nước ta trong triều đại nhà Trầân. Ông được coi là  “ngọn đèn tổ của Phật hoàng, lấy tâm truyền tâm… làm phấn phát ngọn gió lành nhà Phật”[1]. Ông không chỉ là một Thiền gia đắc đạo, một ẩn sĩ, thi sĩ, mà còn là một vị tướng có nhiều công trạng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông vào những năm 1285 và 1288.

Tuệ Trung Thượng sĩ tên thật là Trần Tung. Ông là con đầu của Minh Khâm Từ Thiện đại vương Trần Liễu, là anh ruột của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và cũng là anh ruột của Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (vợ vua Trần Thánh Tông). Ông sinh năm 1230, mất năm 1291. Ông được Trần Thái Tông nhận làm con nuôi sau khi Trần Liễu qua đời và được phong tước Hưng Ninh vương. Tuệ Trung Thượng sĩ tu Phật, nhưng không khép mình vào “tam quy ngũ giới”. Ông là nhà Thiền học thông tuệ, sắc sảo trong suy nghĩ và hành động. Ông đã được Trần Nhân Tông hết lòng ca ngợi trong bài Hành trạng của  Tuệ Trung Thượng sĩ, rằng: “Thuở nhỏ, Thượng sĩ bẩm tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu. Được cử trấn giữ quân dân ở lộ Hồng. Hai lần giặc Bắc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển trại Thái bình. Về cốt cách, Thượng sĩ là người khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Ngay từ thủa còn để chỏm đã hâm mộ cửa Khổng. Đến tham vấn Thiền sư Tiêu Dao ở Phúc đường. Người đã lãnh hội được yếu chỉ, bèn dốc lòng thờ làm thầy. Ngày ngày chỉ lấy việc hứng thú với Thiền học làm vui, không hề bận tâm đến công danh sự nghiệp”[2].

          Hay, trong bài Tán Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông cũng viết:

                 “Càng nhìn càng cao,

                 Càng khoan càng bền.

                 Chợt phía sau đó,

                 Ngắm, phía trước liền.

                  Cái này gọi tên,

                  Là Thượng sĩ Thiền[3].

Tư tưởng triết học của Tuệ Trung Thượng sĩ được trình bày trong tác phẩm Thượng sĩ ngữ lục do Pháp Loa biên soạn, Trần Nhân Tông khảo đính và Trần Khắc Chung đề bạt. Tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ ra đời vào thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, thời Lý - Trần. Đó là thời đại mà Thiền học không chỉ dừng lại ở chừng mực mang hơi thở của cuộc sống nữa mà cao hơn, nó đã bắt nhịp và trở thành triết lý sống của thời đại với ý nghĩ và hành động lớn lao là cứu dân, cứu nước, đưa dân tộc ta vươn lên khẳng định nền độc lập, tự chủ của mình.

 Trong quan điểm về thế giới hay về vấn đề bản thể luận, Tuệ Trung Thượng sĩ là người đầu tiên đưa ra khái niệm bản thể để giải thích nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, với nội dung hết sức phong phú và sâu sắc. Ông viết: “Bản thể như nhiên tự không tịnh - 本體如然自空靖”[4]. Như thế, bản thể ở Tuệ Trung được hiểu là cái ban đầu, gốc rễ, cội nguồn của vạn vật, là cái hàm chứa trong bản thân sự vật, nó vốn như thế là như thế và là cái trống không, lặng lẽ; là thực thể tồn nhiên như nhiên, tự nó tồn tại, muôn đời chẳng mất. Nó là cái phi hư phi thực, phi thất phi đắc, phi trọc phi thanh, vô tiền vô hậu, vô thị vô phi. Bản thể này còn được Tuệ Trung gọi bằng những tên khác, như tâm, Phật tính, pháp thân, bản lai, chân diện mục. Cái bản lai này, về thực chất, không hàm chứa một vật gì cả, cũng không hàm chứa chút mầm mống lẫn dấu vết nào. Nó chỉ là phương tiện, ngôn ngữ để diễn tả bản thể thôi, chứ không phải là chính bản thể, như ngón tay chỉ lên mặt trăng cho người ta thấy mặt trăng vậy. Do đó, đừng lầm tưởng ngón tay chỉ mặt trăng với chính mặt trăng.

                   “Bản lai vô nhất vật,

                   Phi chủng diệc phi manh

                   (Xưa nay không có một vật nào hết thảy,

                   Chẳng có gốc cũng chẳng có mầm để cho chúng xuất hiện)[5].

          Bản thể này, theo Tuệ Trung Thượng sĩ là không hình, không tướng, không  ngôn từ, hình ảnh,  tư tưởng nào diễn tả được. Điều này đã được ông trình bày trong bài Tâm vương - một bài thơ mang dấu ấn quan điểm duy thức học của Vasubandhu, rằng:

                   “Không hình, không tướng “chúa tâm ta”,

                    Mắt dẫu ly châu đố nhận ra.

                    Muốn biết đâu là “khuôn mặt thực”,

                    Giữa trưa ngủ tít đến canh ba”[6].

          Tiếp nối quan điểm của Trần Thái Tông về hư, không, Tuệ Trung cũng cho rằng bản thể chính là  vô, là không. Vạn pháp, suy cho cùng, do nhân duyên giả hợp, đều là không. Ông viết:

                   “Thân tòng vô tướng bản lai không[7].                 

            Hay:    “Chân như, vọng niệm tổng giai không[8].

          Tuy nhiên, trong quan niệm về bản thể, giữa Trần Thái Tông và Tuệ Trung cũng có sự khác nhau. Nếu bản thể hay tâm thể ở Trần Thái Tông được gọi là gia hương thì ở Tuệ Trung Thượng sĩ, nó được gọi là cố hương. Cả hai ông đều cho rằng, giác ngộ chính là chúng sinh khi quay về với tâm thể của mình, về với gia hương, hay cố hương. Tuệ Trung Thượng sĩ viết:

                   “Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì,

                   Đảm hoành tất lật cố hương quy

                    (Vừa lúc “vô sinh” dứt khúc ca,

                     Cầm ngang ống sáo lại quê nhà)[9]

          Ngoài ra, khi đề cập đến bản thể, Trần Thái Tông thường dùng khái niệm bản lai diện mục, còn Tuệ Trung lại dùng khái niệm nương sinh diện. Ông cho rằng, chỉ những ai hiểu được “gương mặt người mẹ” mới tin rằng cả trời và người đều là giả danh mà thôi. Trong bài Thị đồ(Gợi bảo học trò), Tuệ Trung viết:

                   “A thùy hội đắc nương sinh diện,

                    Thủy tín nhân thiên tổng giả danh[10].

          Tóm lại, bản thể ở Tuệ Trung Thượng sĩ là cái bản nhiên, viên mãn, thanh tịnh, không tịch, vốn có ở trong tâm mỗi người. Bởi vậy, người ta chẳng phải đi tìm ở đâu cả, chớ hỏi Thiếu Thất với Tào Khê, chẳng phải tìm ở Đông, Tây, Nam, Bắc. Bản thể này vượt lên mọi sự phân biệt phải trái, tốt xấu, còn mất. Nó vô thị vô phi, phi hư phi thực, vô khứ vô lai, vô hậu vô tiền, phi trần phi cấu. Bản thể này không thể dùng “trí” mà biết được, không thể dùng “thức” mà hiểu được. Để hiểu nó phải dùng trực giác, vượt lên trên mọi quan niệm đối đãi, “nhị kiến”.

          Nhưng, vấn đề đặt ra là theo Tuệ Trung Thượng sĩ, cái gì là bản thể của vạn vật, vạn sự? Để trả lời cho câu hỏi này, khi tiếp tục đề cao cái tâm - khái niệm cốt yếu trong Phật giáo nói chung và là cái “tinh yếu” trong Thiền tông nói riêng, trên cơ sở kế thừa các Thiền phái có từ đời Lý, nhất là Thiền phái Vô Ngôn Thông cùng với sự ảnh hưởng của các Thiền gia đắc đạo, như Trần Thái Tông, Tiêu Dao, Tuệ Trung Thượng sĩ đã đưa ra khái niệm tâm thể, coi đó là ngọn nguồn của vạn pháp. Nó là bản thể của tất cả và cũng là nguồn gốc của tất cả. Trong Phật tâm ca, ông viết:

                      “Xưa không có tâm,

                      Nay không có Phật;

                      Phàm, thánh, người, trời nhanh như chớp giật.

                      Tâm thể không phải cũng không trái,

                      Phật tính không hư cũng không thực[11].

         Hay:

                      “Tâm tức Phật,

                      Phật tức tâm.

                      Diệu chỉ sáng thiêng kim cổ thông.

                      Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở,

                      Thu sang, đâu chẳng nước thu trong[12].

Trong triết lý Phật giáo, có ba khái niệm biện giải vấn đề có tính chất vũ trụ quan, đó là “thể”, “tướng”, “dụng”. Thể chỉ bản nguyên của vũ trụ, nó cùng nghĩa với “không”, “chân như”, “Phật”, “Niết bàn”. Tướng là thế giới hiện tượng, nó cùng nghĩa với “sắc”, “vạn pháp”, “chúng sinh”, “sinh tử”, còn “dụng” chỉ là sự hoạt động trung hòa giữa “thể” và “tướng”. Thể, tướng, dụng luôn lồng vào nhau, không thể tách rời, chúng chỉ có ý nghĩa khi không tách rời nhau. Nếu ta tách rời tướng ra khỏi bản thể cũng sẽ không có bản thể.

          “Tâm thể” của Tuệ Trung Thượng sĩ muốn nhấn mạnh ý nghĩa trên. Vì vậy, theo Tuệ Trung, nếu cứ bám víu vào cái “tướng” thì chẳng thấy “tướng”, cứ theo “cái không” mà tìm thì chẳng được “cái không”. Tuy nhiên, sự đồng nhất làm một của “thể” và “tướng” thì không thể đưa ra một diễn giảng nào cả, mà phải “trực nghiệm”, phá chấp một cách triệt để đến mức phải buông bỏ cả bản thân sự phá chấp đó nữa.       

          Khi bàn về mặt “tướng” của “tâm thể”, Tuệ Trung đã diễn tả tính chất vô hình và mối liện hệ giữa Tâm - Phật trong bài Phật tâm ca:             

                        “Phật, Phật, Phật không thể thấy được,

                   Tâm, Tâm, Tâm không thể nói được.

                   Khi tâm sinh thì Phật sinh,

                   Khi Phật diệt thì tâm diệt.

                   …

                   Tâm thể không phải cũng không trái,

                   Phật tính không hư cũng không thực”[13].

          Như vậy, cái tâm bản thể, theo Tuệ Trung, là cái không thể diễn tả được bằng ngôn từ (bất khả thuyết). Đóù là cái tâm tĩnh lặng, thường nhiên, vượt lên trên mọi đối đãi, phân biệt, nó là cái “chẳng là phải cũng chẳng là trái, chẳng phải là hư mà cũng chẳng phải là thực”, hay còn được gọi với một cái tên khác là “tâm không hư” để nhấn mạnh tính không của tâm như quan điểm của Trần Thái Tông. Mọi sự vật, hình danh, sắc tướng đều do tâm vọng động mà sinh ra và đều là hư ảo, “vọng niệm”, không thật do nhân duyên mà biến ảo, ngay cả tứ đại cũng là không, như mặt sông nước tĩnh lặng, trong trẻo, bị gió cuốn mà sóng nổi lên vậy. Ông viết:

                    “Gió cuốn trên sông, sóng nổi liền,

                    Củi vừa bắt lửa, sáng bừng lên.

                     Mới hay tứ đại là hư ảo,

                     Núi Kiến cheo leo mặc sức chen[14].

          Ngay cả sự phân biệt đối đãi giữa ta - Phật, ngã - nhân, phàm - thánh, v.v., cũng chỉ là những huyễn ảo từ sự vọng niệm của tâm mà ra. Tâm động thì thế giới hiện tượng xuất hiện, còn khi tâm tĩnh lặng, an nhiên, thanh tịnh, tự tại thì lúc này, ta cũng không mà Phật cũng không, phàm cũng không mà thánh cũng không. Như  thế, về vấn đề bản thể luận, có thể nói, Tuệ Trung cũng đã nhấn mạnh bản tính không của vạn vật, coi nó chính là cội nguồn sâu thẳm, là cái gốc quy về của vạn pháp. Trong bài Vạn sự quy như (Muôn việc quy về chân như), ông viết:

                   “Từ “không” hiện “có”, “có” “không” thông,

                   Có có không không, rốt cuộc chung.

                   Phiền não, bồ đề nguyên chẳng khác,

                   Chân như, vọng niệm thảy đều không[15].

          Sau khi làm sáng tỏ ý nghĩa đồng quy về một mối không của vạn pháp, Thượng Sĩ đã nhắn nhủ với người đời đừng mãi bám víu vào câu hỏi về lẽ sinh tử, xem nó như cứu cánh của cuộc đời, mà hãy phá chấp vượt lên quan điểm nhị kiến, vọng niệm để làm hiển lộ cái tuệ của lý chân như trong mỗi con người:

                   “Hưu vấn tử sinh ma dữ Phật;

                   Chúng tinh củng Bắc, thủy triều Đông”.

                   (Đừng hỏi tử sinh, ma với Phật,

                   Muôn sao hướng Bắc, nước về Đông)[16].

          Nếu như trước đây, Trần Thái Tông khi được khai thị qua lời chỉ bảo của Quốc Trúc Lâm đã chợt hiểu rằng Phật ngay chính trong tâm mỗi người, lòng lặng mà biết thì lập tức thành Phật, không cần phải nhọc công tìm kiếm bên ngoài, thì đến Tuệ Trung, ông đã thấm nhuần tư tưởng ấy:

                   “Dục cầu tâm,

                   Hưu ngoại mịch;

                   …

                   Tâm tức Phật,

                   Phật tức tâm[17].

          Tâm cũng chính là Phật, là pháp tính. Nó là cái viên mãn, tròn đầy, là mầm Phật tính mà mỗi chúng sinh đều có; chỉ có điều do nhị kiến, vọng niệm nổi lên làm lu mờ đi hạt minh châu Phật tính ấy trong mỗi con người.

          Nếu về mặt bản thể luận, Tuệ Trung có nhiều điểm giống với Trần Thái Tông về cơ bản thì về mặt nhận thức luận, hai ông lại có những điểm khác nhau. Theo Trần Thái Tông, từ không khởi vọng (tức vô minh); trên bình diện nhân sinh, vọng chính là niệm. Do đó, nhiệm vụ quan trọng trong Thiền học Trần Thái Tông là thủ tiêu vọng niệm để đạt đến vô niệm và giải thoát. Còn ở Tuệ Trung thì từ không hay  xuất hiện huyễn hóa (ảo hóa hay vô minh) phân thành nhị kiến. Trong luận giải tiếp theo của mình, Tuệ Trung cho rằng, chính vì con người trong trần thế không hiểu được xác thân con người là do nơi hợp tan của ngũ uẩn, do nhân duyên kết hợp mà thành, đều từ vô tướng, từ không mà ra (Thân tòng vô tướng bản lai không) nên con người sa vào lưới vô minh, mắc kẹt trong vòng đối đãi, ràng buộc của nhị kiến:                                                  

                      “Thân từ “vô tướng” vốn là không;

                       Hư huyễn lầm chia thành nhị kiến.

                      Ta người như móc cũng như sương,

                      Phàm thánh như sấm cũng như điện.

                       Công danh, phú quý, mây bềnh bồng.

                       Năm tháng, người đời, tên bay biến,

                      Ghét, yêu, như mắt lóe tia sao,

                      Khác nào bỏ bột tìm bánh bao.

                      Cũng nét mày ngang, đường mũi dọc.

                      Phật với chúng sinh mặt khác nào [18].

             Nhị kiến là cách nhìn nhận phân chia mọi vật ra thành hai cực giá trị để gán cho nó một cực này hoặc cực kia, tức là không thấy được bản tính không của vạn pháp. Hệ quả của cái nhìn nhị kiến là đẩy con người vướng vào hai cái chấp: chấp tướng và chấp ngôn ngữ. Cả hai cái chấp này đều như đám mây mù che phủ ngăn cản con người nhận thức chân bản tính của mình. Chấp tướng là chỉ chú trọng vào sắc tướng của sự vật mà không thấy được bản chất thật sự của đối tượng. Còn chấp ngôn ngữ là câu nệ vào ngôn từ, khái niệm mà không nhìn thấu suốt được thực tại tiềm ẩn đằng sau ngôn ngữ.

          Theo Tuệ Trung Thượng sĩ, chính cái nhìn nhị kiến này đã cản trở con người trên bước đường tu Thiền. Và Thiền chỉ đạt đến giải thoát khi đã phá tan mê lầm, diệt “nhị kiến”, phá mọi chấp, đạt đến cảnh giới ung dung, tự tại, vào ra trong cuộc đời với tinh thần khai phóng vượt lên mọi ràng buộc đối đãi, xem sinh tử như một cuộc dạo chơi cùng thiên nhiên, tạo vật, cỏ cây… Trong bài Phàm thánh bất dị, Thượng sĩ viết:

                   “Ngã nhân tự lộ diệc tự sương,

                   Phàm thánh như lôi diệc như điện.

                   …

                   Phật dữ chúng sinh đô nhất diện.

                   Thục thị phàm hề thục thị thánh?

                   Quảng kiếp sưu tầm một căn tính.

                   Phi tâm vô thị diệc vô phi,

                   Vô kiến phi tà dã phi chính.

                   Quảng ngạch đồ nhi Quả nguyện vương,

                   Khánh Hỷ tỳ khưu công đức thánh

                   (Ta và người, như móc cũng như sương

                   Phàm và thánh như sấm, cũng như chớp.

                   …

                   Phật và chúng sinh đều có một bộ mặt mà thôi.

                   Ai là phàm, ai là thánh?

                   Tìm tôi trong quảng kiếp cũng không thấy căn tính,

                   “Phi tâm” thì không phải cũng không trái.

                   “Vô kiến” chẳng tà cũng chẳng chính,

                   Người đồ tể trán rộng mà thành vua giác ngộ;

                   Tỳ kheo Khánh Hỷ là thánh công đức)[19].

          Ở Tuệ Trung nổi bật lên một tinh thần phá chấp triệt để. Ông quan niệm rằng, mọi sự đối lập giữa mê và ngộ, sắc và không, giữa phàm và thánh, giữa ta và người, Phật và chúng sinh, phải và trái, chính và tà, giữa phiền não và bồ đề, v.v., về thực chất, chỉ là sự đối lập mang tính giả tạo. Con người cứ vin vào sự đối đãi ấy mà cầu tìm thì chẳng khác gì hình ảnh con hươu khát nước chạy giữa sa mạc, thấy ảo ảnh của hồ nước, cứ mãi đuổi tìm cho đến lúc gục ngã vì chết khát.

          Chính tinh thần cởi mở, phóng khoáng, phá chấp triệt để, không biến mình thành nô lệ của giới luật mà Tuệ Trung đã đạt đến trình độ thượng thừa của Thiền, được Trần Nhân Tông suy tôn là Thượng sĩ (tương đương với Bồ tát). Thượng sĩ đạt đến cảnh giới tu Thiền, nhưng không xuất gia và vẫn ăn mặn, vẫn có thê thiếp như thường. Trong Thượng sĩ hành trạng còn ghi lại giai thoại độc đáo, lý thú về việc Thượng sĩ dự tiệc cùng Nguyên Thánh Thiên Cảm Thái hậu, gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu Thiền mà ăn thịt thì thành Phật sao được?. Thượng sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật cũng chẳng cần làm anh. Cô chẳng nghe các bậc cổ đức nói: “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?”[20].

         Tinh thần phá chấp vượt lên mọi giáo điều, khuôn phép, giới luật thông thường của Thượng sĩ chứng tỏ ông đã nắm được nhu yếu tinh túy nhất của Thiền, đó là tạo được cái tâm thế an nhiên, tự tại, không bám vào bất cứ điều gì cả, dù đó là tín điều, giới pháp, Phật, Tổ hay thậm chí cả bản thân sự phá chấp nữa. Đây cũng chính là cái “tâm vô sở trụ” mà Lục Tổ Huệ Năng và Trần Thái Tông từng chứng đắc trước đó. Hay trong bài Thủ nê ngưu (Giữ con trâu đất), Tuệ Trung đã dùng hình ảnh đối lập giữa một bên là con trâu đất để chỉ những người tu Thiền mà còn vướng vào các chấp, bị kiến giải, giáo lý, trói buộc, “xỏ mũi” dắt đi làm cho đường đến giác ngộ ngày càng mờ mịt, với một bên là hình ảnh bậc Thiền giả đã chứng đắc như quả cầu cuộn trôi theo dòng nước, buông xả tất cả, hòa vào cái mênh mông, vô hạn của sông nước. Ông viết:

                   “Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu,

                   Đằng tỵ khiên lai vị khẳng hưu.

                   Tương đáo Tào khê đô phóng hạ,

                   Mang mang thủy cấp đả viên cầu”.

                   (Một mình giữ một con trâu đất,

                   Xỏ mũi lôi theo chẳng chịu rời.

                   Vừa tới Tào khê buông thả quách,

                   Mênh mông nước cuộn, quả cầu trôi)[21].

          Muốn đạt đến giải thoát, theo Tuệ Trung, người tu Thiền không những phải phá bỏ nhị kiến mà cốt yếu hơn, phải xả bỏ hết mọi vọng niệm, bởi nếu còn chút vọng niệm trong tâm thì con người vẫn còn chấp trược, vị ngã, vướng vào tam độc, dẫn đến hành động tạo nghiệp và hậu quả là mãi mắc kẹt trong vòng luân hồi sinh tử, không tìm được đường vế với quê hương bản thể, với gương mặt mẹ nguyên sơ của mình. Chỉ khi nào con người đạt đến cảnh giới vượt lên mọi phân biệt đối đãi thị phi, phàm thánh thì khi đó, con đường về với quê hương bản tâm mới mở rộng cửa để đón nhận bậc đắc đạo vào ra cuộc đời một cách tự tại, ung dung, vượt ngoài mọi muộn phiền, chấp trược.

          Nếu Trần Thái Tông cho rằng muốn đạt đến giải thoát, người tu Phật cần phải thực hiện nghiêm túc các phương pháp Thiền định, tịnh giới có tính tiệm tu theo Lục thì sám hối khóa nghiđể giữ thân tâm trong sạch, xả bỏ mọi vọng niệm, đạt đến giải thoát, thì Tuệ Trung, do ảnh hưởng tư tưởng Lão Trang, đã đưa ra một phương pháp tu Thiền khá độc đáo bằng việc sống hòa đồng với tự nhiên, tùy nghi theo thói tục mà hành Thiền với một cái tâm tự do tự tại, ung dung không vướng vào chấp trược, nhị kiến, buông xả tất cả, không còn bị vật dục sai khiến, ràng buộc. Tuệ Trung không quan tâm đến việc ăn chay hay ăn mặn, niệm Phật với tọa Thiền, trì giới và nhẫn nhục. Ông sống một cuộc đời phóng khoáng, tiêu dao của bậc Thiền giả đắc đạo, rong chơi ngoài cõi thế, thoát khỏi bụi trần khuấy động, vào ra cuộc đời mà không bị sóng gió cuộc đời vùi dập, cuốn trôi. Ông thích một cuộc sống dạo chơi chốn non xanh nước biếc, gió mát trăng thanh (tiêu dao du), làm bạn với thiên nhiên, muông thú, cây cỏ (tề vật):          

                   “Đói thì ăn chừ, cơm tùy ý,

                   Mệt thì ngủ chừ, làng không làng!

                   Hứng lên chừ, thổi sáo không lỗ,

                   Lắng xuống chừ, đốt giải thoát hương!

                   Mỏi nghỉ tạm chừ, đất hoan hỉ,

                   Khát uống no chừ, nước thênh thang[22].

Tinh thần phá chấp triệt để của Tuệ Trung còn thể hiện rõ trong quan điểm về hành Thiền của ông, khi ông lên tiếng thức tỉnh Thiền giả rằng chẳng cần trí giới và nhẫn nhục vì:

                   “Trì giới kiêm nhẫn nhục,

                   Chiêu tội bất chiêu phúc.

                   Dục tri vô tội phúc,

                   Phi trì giới nhẫn nhục[23].

          Đối với Tuệ Trung, đạo và đời không tách rời nhau, đạo cũng là đời và ngược lại. Ông đã xem cuộc đời này là nơi tốt nhất để tu đạo, hành Thiền và đạt đến giải thoát. Ông đã thể hiện rõ quan điểm này trong bài Dưỡng chân (Nuôi dưỡng chân tính):

                    “Suy táp hình hài khởi túc vân,

                       Phi quan, lão hạc tị kê quần.

                       Thiên thanh vạn thủy mê hương quốc,

                       Hải giốc thiên đầu thị dưỡng chân

                     (Tấm thân suy yếu kể chi mà,

                        Hạc nội nào đâu lẩn tránh gà.

                        Muôn tía nghìn xanh tràn đất nước,

                        Chân trời góc bể dưỡng chân tính của ta)[24].

          Chính phong cách Thiền độc đáo này của Thượng sĩ đã được Trần Nhân Tông hết lòng ca ngợi. Trong Thượng sĩ hành trạng còn ghi lại như sau: “Thượng sĩ trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời. Nhờ đó mà nối theo được hạt giống pháp, và dìu dắt được kẻ sơ cơ. Người nào tìm đến hỏi han, người cũng chỉ bảo cho biết điều cương yếu, khiến họ trụ được cái tâm, mặc tính hành tàng, không rơi vào danh hay thực”.

          Trong quan niệm nhân sinh, Tuệ Trung Thượng sĩ rất quan tâm đến việc lý giải tận gốc vấn đề sinh tử. Về quan điểm này, ông đã đem đối lập hai quan niệm khác nhau về sinh tử: một đằng là quan niệm coi sinh tử là vấn đề trọng đại của đời người và đằng khác là quan niệm coi sinh tử chỉ là lẽ thường tình mà thôi. Ở quan niệm thứ nhất, chính sinh do mê lầm, tưởng ảo hóa là thật mà cho rằng sinh tử là vấn đề trọng đại và luôn cảm thấy nơm nớp sợ hãi, ám ảnh không nguôi về nó, và luôn khao khát tìm đến phương thuốc trường sinh bất tử để kéo dài cuộc sống. Đó là quan niệm của phàm nhân. Còn đối với thánh nhân, họ hiểu rằng thân xác con người chẳng qua chỉ là do giả hợp của tứ đại và ngũ uẩn do nhân quả, duyên khởi mà thành. Nhân duyên hợp thì gọi là sinh, nhân duyên tan thì gọi là tử. Trong bài Sinh tử nhàn nhi dĩ  (Sống chết là lẽ thường mà thôi), Tuệ Trung viết:

                   “Tâm chi sinh hề sinh tử sinh,

                   Tâm chi diệt hề sinh tử diệt.

                   Sinh tử nguyên lai tự tính không,

                   Thử huyễn hóa thân diệc đương diệt

                   …

                   Sinh tự vọng sinh tử vọng tử,

                   Tứ đại bản không tòng hà khởi?”

                      (Khi tâm sinh chừ sinh tử sinh,

                    Khi tâm diệt chừ sinh tử diệt.

                    Sinh tử xưa nay bản tính không,

                    Hư huyễn thân này rồi cũng hết.

                   …

                    Sống là sống dối, chết: chết dối,

                    Tứ đại vốn không, từ đâu nổi?)[25].

          Vì có điểm khác nhau như vậy nên khi đối diện với sinh tử, kẻ ngu thì sống chết mãi lo, còn người trí thì rõ thông nhàn thôi vậy. Cũng chính vì quan niệm xem sinh tử là thông nhàn, thảnh thơi mà Thượng Sĩ đã có cái nhìn tích cực với cuộc đời. Ông không coi cuộc đời chỉ thuần là bể khổ trầm luân mà với ông, cuộc đời còn là nơi tốt nhất để hành Thiền. Tôn chỉ Thiền của Tuệ Trung không chỉ gói gọn trong tu Thiền, tham vấn Phật học, mà quan trọng hơn đó là sống Thiền. Ông quan niệm Thiền giả không nên câu nệ cứng nhắc trong việc hành Thiền mà nên tùy duyên để lạc đạo, đưa Thiền vào gần gũi đời sống hàng ngày đế đón nhận cái hạnh phúc thoải mái, bình dị của chính cuộc sống thường nhật. Ông từng nói đến quan điểm này trong bài Vật bất năng dung:

                   “Khỏa quốc hân nhiên tiện thoát y,

                   Lễ phi vô dã, tục tùy nghi

                   (Vào xứ minh trần bỏ áo đi,

                   Phải đâu quên lễ, chỉ tùy nghi)[26].

          Trong bài Phật tâm ca, Tuệ Trung đã thể hiện rõ quan niệm của mình về hành Thiền. Ông viết:

                   “Hành diệc Thiền,

                   Tọa diệc Thiền;

                   Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên[27].

          Với Tuệ Trung thì Thiền giả không được xa lánh cuộc đời mà trái lại, cần phải dấn thân vào nó, xem cuộc đời là nơi thử thách, tôi luyện con người. Trong lò lửa hồng của cuộc đời, đóa sen vàng Phật pháp vẫn tỏa sáng góp hương làm đẹp cho đời. Trong vườn Thiền Việt Nam, bên cạnh tập đại thành triết học Trần Thái Tông, Tuệ Trung vẫn thể hiện tiếng nói riêng của mình với những quan niệm mới, độc đáo và sâu sắc, từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Thiền học Việt Nam với phong cách tiêu dao, phóng túng của Lão - Trang. “Thượng sĩ là ngọn đèn tổ của Phật hoàng, lấy tâm để truyền tâm. Xưa kia Đức Phật bỏ ngôi vương giả, rời cỗ xe vàng, đến ngồi dưới gốc bồ đề, khai diễn phép vô thượng thừa, cứu độ vô lượng chúng sinh, làm bậc thầy ở cõi người và cõi trời. Thượng sĩ đã mở mang lĩnh ngộ được phép Thiền ấy. Với tư cách là một vị Bồ tát tại gia, Thượng sĩ làm phấn phát lại ngọn gió lành của nhà Phật, đề xướng những châm ngôn để dẫn dắt lớp người hậu học đi tới vầng sáng trác việt”[28].

          Với toàn bộ tư tưởng đặc sắc ấy về Thiền, Tuệ Trung Thượng sĩ đã thực sự trở thành “ngọn đèn tổ của Phật hoàng” Trần Nhân Tông, xứng đáng được ngợi ca là nhà Thiền học thông tuệ.

Tags : trung thượng xuất sắc triều đại tâm truyền thiền gia thi sĩ kháng chiến