Vaccine Covid-19 Oxford tạo miễn dịch mạnh ở người cao tuổi

Vaccine ChAdOx1 do Đại học Oxford phát triển kích hoạt kháng thể và tế bào T ở người già, giảm nguy cơ bệnh trở nặng hoặc tử vong.

"Các dữ liệu thu được trong phòng thí nghiệm chứng minh vaccine Oxford tạo miễn dịch tốt trong nhóm người trên 55 tuổi, đây là tín hiệu đầy hứa hẹn", Jonathan Ball, giáo sư virus học tại Đại học Nottingham nhận định ngày 26/10.

Ball cũng cảnh báo khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nCoV của vaccine chỉ được khẳng định chắc chắn sau thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Kết quả nghiên cứu trùng với phát hiện về khả năng tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ trong ít nhất 56 ngày ở người khỏe mạnh độ tuổi 18-55 tuổi, đăng trên tạp chí Lancet hồi tháng 7.

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính khiến bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng. Song, hệ miễn dịch con người yếu dần theo thời gian, làm dấy lên lo ngại rằng người cao tuổi, nhóm cần sự bảo vệ của vaccine nhất, lại có phản ứng miễn dịch kém hiệu quả.

Các nhà khoa học cảnh báo kết quả tích cực này không đảm bảo vaccine hoàn toàn an toàn và hiệu quả với người lớn tuổi. Cần phân tích thêm dữ liệu thử nghiệm vaccine đầy đủ trước khi đi đến kết luận cuối cùng.

Tình nguyện viên tiêm thử vaccine của Đại học Oxford.
Tình nguyện viên tiêm thử vaccine của Đại học Oxford. (Ảnh: Wxii)

Tuy nhiên, các dữ liệu mới được coi là động lực cho các nhà nghiên cứu Đại học Oxford trong cuộc đua tìm ra vaccine chống lại . Kết quả sẽ sớm được công bố chi tiết trên tạp chí lâm sàng.

ChAdO x1 là một trong những ứng viên vaccine Covid-19 hàng đầu thế giới. Vaccine được phát triển dựa trên công nghệ vector virus, sử dụng virus cảm lạnh suy yếu ở loài tinh tinh, mã hóa hướng dẫn tạo các protein từ nCoV, xây dựng miễn dịch chống lại mầm bệnh. Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxoford đã hợp tác sản xuất và mở rộng thử nghiệm kể từ tháng 4.

Trong nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1/2, ChAdOx1 không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Các nhà khoa học báo cáo mũi tiêm giúp cơ thể sản sinh kháng thể chống nCoV. Thử nghiệm giai đoạn ba được tiến hành tại Brazil, Nam Phi và Mỹ. Ngày 6/9, AstraZeneca ngừng nghiên cứu trên toàn cầu bởi một tình nguyện viên phát triển triệu chứng viêm tủy ngang. Các thử nghiệm ở Brazil, Nam Phi được nối lại một tuần sau đó.

Hôm 23/10, AstraZeneca cho biết đã được các cơ quan quản lý Mỹ phê duyệt tiếp tục thử nghiệm.

Đến nay, 44 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người, phát triển dựa trên ba công nghệ virus vector, virus bất hoạt và công nghệ di truyền. Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc là những nước dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 toàn cầu.