Deepfake là gì? Làm sao để phát hiện video làm từ deepfake?

Hình ảnh, video deepfake đang trở thành một trào lưu hết sức nguy hiểm và xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng hay các phương tiện truyền thông. Trước sự nổi lên mạnh mẽ của hiện tượng này, liệu có cách nào để phát hiện cũng như ngăn chặn tác hại từ nó hay không?

Lược dịch bài viết của tác giả Gavin Phillips, trang Makeuseof về cách để phát hiện các nguy cơ của công nghệ deepfake.

Video và hình ảnh xuất hiện mỗi ngày trong cuộc sống của con người, chúng có thể tồn tại ở bất cứ đâu từ TV, máy tính, smartphone đến các nền tảng trực tuyến như Youtube, Facebook… Tuy nhiên, một công nghệ có tên là deepfake với khả năng "bóp méo sự thật" đã xuất hiện khiến thế giới ngày càng mất niềm tin vào những video cũng như hình ảnh mà họ nhìn thấy. Nếu không may một ngày nào đó bạn hoặc người thân của mình trở thành nạn nhân của deepfake thì phải làm như thế nào?  

Hiện nay, Internet đã đưa nhân loại "xích" lại gần nhau, bạn dễ dàng biết được thông tin, hình ảnh, video gần như của bất cứ ai thông qua vài thao tác đơn giản trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh các khả năng tuyệt vời mà Internet mang lại thì nó còn tồn tại không ít những rủi ro bảo mật. Việc tin tặc đánh cắp dữ liệu cá nhân người dùng hiện không còn là một chuyện quá xa lạ, sự kiện gần đây nhất là vài tháng trước khi có hơn nửa triệu thông tin đăng nhập của người dùng Zoom bị tin tặc phát tán trên các web đen dưới nhiều hình thức.

Đặc biệt, sự nổi lên của deepfake trong vài năm trở lại đây đã khiến vấn đề về hình ảnh, video trên mạng phức tạp hơn bao giờ hết. Nghiêm trọng hơn khi công nghệ này bây giờ cũng không còn là một ứng dụng quá khó để sử dụng cũng như có giá thành ngày một rẻ hơn.

Sự nổi lên của deepfake hiến vấn đề về hình ảnh, video trên mạng phức tạp hơn bao giờ hết.
Sự nổi lên của deepfake hiến vấn đề về hình ảnh, video trên mạng phức tạp hơn bao giờ hết.

Deepfake là gì?

Deepfake là một công nghệ cho phép người dùng có thể chỉnh sửa khuôn mặt, khẩu hình của nhân vật trong video hoặc một bức hình nào đó bằng AI và dùng một vài thuật toán mã nguồn mở để xử lý.

Nếu chỉ dùng deepfake với những mục đích thông thường như trêu ghẹo bạn bè hay người thân thì nó là một công nghệ hoàn toàn vô hại. Nhưng chúng ta đang bàn đến những trường hợp tệ nhất, deepfake đã bị dùng sai cách khi đã trở thành một công cụ phần lớn để phục vụ cho những hành động xấu xa như tạo ra video khiêu dâm người nổi tiếng, trả thù khiêu dâm, tin tức giả mạo…

Thuật ngữ này là từ ghép của "deep learning" và "fake" (tạm dịch: học sâu và giả mạo).  Sở dĩ gọi như vậy do đây là hai yếu tố đóng vai trò chủ chốt trong cách thức hoạt động của deepfake. Trong khi từ "fake" không quá khó để hiểu được khi dùng để ám hiệu mục tiêu của deepfake là tạo ra những bức ảnh giả mạo và khác với ban đầu thì "deep learning" lại rắc rối hơn. Nó liên quan đến quá trình "học" của trí tuệ nhân tạo.

Thuật ngữ Deepfake là từ ghép của "deep learning" và "fake" .
Thuật ngữ Deepfake là từ ghép của "deep learning" và "fake" .

Cụ thể, mọi sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo đều trải qua hai bước chính: nạp dữ liệu đầu vào, sau đó dựng lên mô hình và lựa chọn một thuật toán để liên tục xử lý, học từ các mô hình đó. Deepfake cũng không phải ngoại lệ, dữ liệu đầu vào của nó chính là những video, hình ảnh, các thuật toán mã nguồn mở TensorFlow hoặc Keras đều đã có sẵn trên mạng. Sau một thời gian "học", AI trên deepfake dễ dàng thực hiện tác vụ ghép khuôn mặt với độ giống cực cao.

Mối nguy hiểm từ deepfake

Thường ngày, chúng ta có thể bắt gặp vô số hình ảnh, video khi truy cập vào internet, đặc biệt là ở các trang mạng xã hội. Tôi cho rằng phần lớn những bức ảnh hay video này đều đã được chỉnh sửa khi mà ở thời đại bây giờ, các nền tảng như Facebook, Instagram… chẳng khác gì bộ mặt của mỗi người, do đó, hầu như ai cũng muốn những gì mình đăng lên đều phải đẹp. Nhờ sự xuất hiện phổ biến của công cụ hình ảnh từ cơ bản như các ứng dụng trên smartphone đến cao cấp như Photoshop, người dùng dễ dàng điều chỉnh hình ảnh hay video theo ý muốn, thậm chí nhiều sản phẩm "photoshop" còn chân thực đến mức không thể nhận ra được.

Tuy nhiên, deepfake nằm ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, không nói quá khi gọi đây là bậc thầy trong việc tạo ra ảnh và video giả mạo.

Một trong những video sử dụng deepfake gây chấn động cho người xem toàn thế giới là đoạn video giả mạo giọng nói, hình ảnh của cựu tổng thống Obama. Theo đó, người ngồi trước camera không khác gì ông Obama nhưng lại nói theo cách nói của người khác, đặc biệt, khúc cuối video vị cựu tổng thống này đã nói những lời y như diễn viên, đạo diễn nối tiếng người Mỹ, Jordan Peele độc thoại trong một video của mình.