Bàn về tôn giáo trong thời hiện đại

Tôn giáo đã nảy sinh từ rất sớm cùng với lịch sử phát triển loài người, có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội như: triết học, xã hội học, tâm lý học, nhân học… đã lý giải nguồn gốc tôn giáo theo 3 quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng tôn giáo là một hiện tượng siêu nhiên, thần thánh, là sản phẩm mà Thượng đế đã đưa vào xã hội loài người nhằm cứu giúp con người khỏi sự khổ đau, bất công. Do đó, tôn giáo là siêu nhiên, bất biến và con người không thể thay đổi được kể cả khi xã hội loài người không còn.

 

Quan điểm thứ hai cho rằng tôn giáo là một thuộc tính vốn có trong bản thân mỗi con người. Nó cũng giống như các nhu cầu ăn, ngủ, giao tiếp của con người. Cho nên có những người đãthể hiện nhu cầu tôn giáo của họ ra bên ngoài, nhưng cũng có những người chưa được bộc lộ nhu cầu tôn giáo ra bên ngoài chứ không phải là không có. Theo cách giải thích như vậy thì tôn giáo sẽ đồng hành cùng với lịch sử xã hội loài người trong quá trình tồn tại và phát triển.
 

Quan điểm thứ ba từ góc độ tâm lý học cho rằng nguồn gốc tôn giáo không chỉ là một hiện tượng xã hội mà còn là một hiện tượng tâm lý của con người. Chính nhu cầu về sự an toàn, về sự nhận thức, về những mong muốn trong cuộc sống của con người là cơ sở tồn tại của tôn giáo. Theo quan điểm này thì tôn giáo cũng sẽ luôn tồn tại, phát triển cùng xã hội loài người, vì hệ thống nhu cầu ở con người là vô tận và luôn luôn thay đổi, khi một nhu cầu được thỏa mãn thì lại xuất hiện những nhu cầu khác.
 

Quan điểm thứ tư xuất phát từ triết học Mác với phương pháp luận duy vật biện chứng cho rằng tôn giáo là một hiện tượng lịch sử xã hội, được sinh ra trong xã hội loài người với những nguyên nhân và điều kiện nhất định. C. Mác viết: “Con người sáng tạo ra tôn giáo, chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người”1. Con người sáng tạo ra tôn giáo, nhưng không phải tôn giáo xuất hiện cùng với con người mà phải trải qua quá trình lịch sử lâu dài, khi khả năng tư duy hóa, trừu tượng hóa của con người đạt đến một mức độ nhất định, khi trình độ sản xuất đạt đến một mức độ nào đó thì tôn giáo mới xuất hiện. Theo quan điểm này thì tôn giáo dù đã, đang và sẽ tồn tại lâu dài trong xã hội nhưng không phải là phạm trù vĩnh hằng mà chỉ là một phạm trù lịch sử.

 

Các nhà nghiên cứu theo quan điểm Mácxít cho rằng tôn giáo cũng tuân theo quy luật tự nhiên, nghĩa là có sinh thì có tử. 
 

Tôn giáo được sinh ra, tồn tại và phát triển đến một giai đoạn nào đó rồi mất đi. Tôn giáo sẽ mất đi khi mà xã hội loài người phát triển đến thời kỳ cộng sản chủ nghĩa như trong tác phẩm Chống Duhring, Ph. Ăngghen (1983) nhận xét: “Khi nào con người không chỉ mưa sự, mà lại còn làm cho thành sự nữa - thì chỉ khi đó, cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo mới sẽ mất đi, và cùng với nó bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa” 2. Và trong “Dự thảo những quan điểm của chủ nghĩa cộng sản” được thông qua tại Đại hội đầu tiên của Liên đoàn những người cộng sản ngày 9-6-1847 khi đề cập đến sự tồn tại của các tôn giáo có viết: “Chủ nghĩa cộng sản chính là bước phát triển lịch sử làm cho tất cả các tôn giáo hiện nay đang tồn tại trở nên không cần thiết và xóa bỏ chúng” 3. Đến khi nào con người mới có thể “làm cho thành sự ” và khi nào mới chính thức bước vào thời kỳ chủ nghĩa cộng sản? Không ai biết rõ được, nhưng chắc chắn điều đó không thể tính bằng thập kỷ, thậm chí thế kỷ được.
 

Trước đây cũng như hiện tại vẫn có người chưa hiểu hết ý của Ph. Ăngghen về tính lịch sử của tôn giáo mà chỉ hiểu đơn giản, phiến diện về tính chất này. Gần đây, trong xu thế mới giới khoa học đã có những đánh giá mới về vấn đề tồn tại của tôn giáo. Nguyễn Đức Lữ (2013) cho rằng: “Sự ra đời, tồn tại và mất đi của tôn giáo là do trình độ phát triển kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội,…quy định, chứ không phải từ ý muốn chủ quan của con người (…) xã hội chủ nghĩa sẽ là quá trình lịch sử tương đối lâu dài và tôn giáo với tư cách là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội cũng sẽ tồn tại lâu dài trong chủ nghĩa xã hội” 4. Nhận định trên cho thấy dù cho xã hội loài người phát triển đến một giai đoạn nhất định, khi mà xã hội đã có sự công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người đều được ấm no, hạnh phúc, có thể tự do thực hiện mơ ước và phát huy năng lực của mình thì khi đó tôn giáo vẫn sẽ tồn tại và có vai trò nhất định đối với nhân loại.
 

Cũng có một số người cho rằng chính sự sợ hãi trở thành cơ sở cho sự hình thành tâm lý tôn giáo, nên nỗi sợ hãi được giải quyết thì tôn giáo sẽ biến mất. Đúng là sợ hãi nảy sinh nhu cầu an toàn cần được che chở, giúp đỡ cho nên con người thực hiện các hành vi tôn giáo. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không chỉ sự sợ hãi, thất vọng và phụ thuộc mới hình thành và nuôi dưỡng niềm tin tôn giáo mà ngay cả những tình cảm tích cực như sự thỏa mãn, lòng biết ơn, … mong ước hướng đến chân, thiện, mỹ cũng khuyến khích người ta tìm đến tôn giáo.
 

Một số ý kiến khác dựa vào quan điểm nhận thức thì cho rằng khi khoa học phát triển, trình độ nhận thức nâng cao thì tôn giáo cũng sẽ biến mất. Trước đây, có một thời giới trí thức châu Âu nghĩ rằng khoa học phát triển sẽ khiến tôn giáo phải lụi tàn bởi khoa học chỉ cho con người thấy những cái phi lý mà trước đây con người không hiểu biết mà tin vào. I. Kant nói: “Niềm tin tôn giáo được phát sinh từ sự bất lực của khoa học trong việc nhận thức thế giới. Tôn giáo sẽ còn tồn tại chừng nào nhân loại chưa giải quyết hết sự tương phản tất yếu mà lý tính đặt ra” 5. Lời phát biểu cho thấy khi nào con người còn “chưa biết” thì tôn giáo còn có khả năng thay thế cho khoa học để giải thích những điều “chưa biết” ấy. Tuy nhiên, chúng ta thấy ở một thời kỳ lịch sử nhất định thì sự nhận thức của con người chỉ có thể đạt được một mức độ nào đó, hay nói cách khác khoa học càng phát triển càng gây ra những khoảng trống mới về tri thức. Cho nên, đến nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, tôn giáo vẫn tồn tại và có xu hướng ngày càng phát triển.
 

Theo tâm lý học khi xã hội càng hiện đại, phát triển thì việc thỏa mãn các nhu cầu tinh thần càng được chú trọng, trong đó có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo. Trong xã hội, không chỉ những tầng lớp cư dân có trình độ học vấn thấp mà ngay cả những tầng lớp có trình độ học vấn cao như trí thức cũng hướng đến niềm tin tôn giáo; không chỉ những quốc gia kém phát triển mà ở cả những cường quốc phát triển như Nhật Bản, các nước châu Âu, Bắc Mỹ; không chỉ ở những nước tư bản mà cả những nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội như Trung Quốc, Việt Nam thì tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đang tồn tại và có xu hướng phát triển. Qua đây cho thấy con người đến với tôn giáo không hẳn là vấn đề trốn chạy thực tại mà có lẽ quan trọng hơn là người ta tìm thấy sự yên tĩnh trong tâm hồn, sự thăng bằng về tình cảm, sự khám phá thế giới nội tâm, thoát khỏi xiềng xích của dục vọng ích kỉ, hay sự đồng cảm, sẻ chia tâm tư nguyện vọng với cộng đồng.
 

Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy tôn giáo có những chức năng xã hội to lớn trong sự phát triển thông qua những ảnh hưởng của nó trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính vì thế, tôn giáo được nhìn nhận toàn diện hơn. Tác phẩm Tôn giáo và phát triển các nhà nghiên cứu tôn giáo Việt Nam đã rút ra được 10 điểm tích cực của tôn giáo. Trong đó nói rằng, đức tin tôn giáo giúp cho con người cống hiến hết sức mình cho đạo cũng như cho đời.
 

Tóm lại, tôn giáo là vấn đề luôn theo cùng thời đại, là nhu cầu tinh thần có thật của một bộ phận nhân dân như Đặng Nghiêm Vạn (2012) phát biểu về Tương lai tôn giáo: “Tôn giáo vẫn còn là một nhu cầu của đại bộ phận nhân loại và tồn tại lâu dài” 6. Điều quan trọng chúng ta phải nhận thức rõ ràng, khách quan về chức năng, vai trò, ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay để từ đó phát huy được những yếu tố tích cực và hạn chế những yếu tố tiêu cực của nó, không vô tình đẩy một bộ phận người có niềm tin tôn giáo ra ngoài đời sống xã hội. Bác Hồ vĩ đại của chúng ta cũng từng nhận xét: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, C. Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội? Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” 7.

Thích Không Tú
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 4/2015
------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.569.

2 C. Mác và Ph. Ăngghen (1983), Tuyển tập(Gồm sáu tập), tập 5, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.449.

3 C. Mác và Ph. Ăngghen (1980), Tuyển tập(Gồm sáu tập), tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.818.

4 Nguyễn Đức Lữ (2013), Tôn giáo với Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.118.

5 Lê Công Sự (2003), “I. Kant với các vấn đề của triết học tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5(23), tr.8.

6 Đặng Nghiêm Vạn (2012), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.200. 

7 Viện Nghiên cứu tôn giáo (1996), Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.152.

Tags : tôn giáo nảy sinh lịch sử phát triển hầu hết quốc gia thế giới ảnh hưởng sâu sắc lĩnh vực đời sống xã hội nghiên cứu khoa học triết học xã hội học tâm lý học lý giải nguồn gốc quan điểm