Người bén duyên Hò khoan Lệ Thủy

Vừa từ Quảng Bình ra, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi điện bảo tôi xuống ông ngay "có món này hay lắm". Tưởng là món nhậu gì đó, hóa ra không phải. Ông mở cho xem cuốn băng do Viện Âm nhạc vừa ghi hình về Hò khoan Lệ Thủy do chính các nghệ nhân ở Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy trình diễn... 

Tôi biết ông gần hai năm nay lặn lội ở Quảng Bình, mê đắm với Hò khoan Lệ Thủy, không tiếc công sức, kể cả tiền bạc, với mong muốn phục hồi giá trị của các làn điệu hò ở đây, phát huy nó ngày càng phát triển.

Nói về lịch sử tồn tại, phát triển của Hò khoan Lệ Thủy, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ, thì bản thân nó là di sản của vùng đất có sự tích tụ cư dân từ lâu đời. Đó là từ khi cư dân từ Bắc Thanh - Nghệ vào khai khẩn đất đai từ thế kỷ 11, 12; nhất  là thời Trần, đã mang vốn văn hóa từ phía Bắc vào, dần dần tồn tại thành một hệ thống văn hóa riêng.

Tiến sỹ Dương Văn An, sinh khoảng năm 1514 (chưa rõ năm mất) là người làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy, vào năm 1553 đã viết cuốn "Ô châu Cận lục" - là cuốn sách đầu tiên theo dạng nghiên cứu về địa chí tỉnh Quảng Bình, đã viết rất cụ thể, chi tiết về tình hình cư dân, lối sống tập quán của người dân bản địa.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ (ngoài cùng bên phải) 
với các nghệ nhân CLB Hò khoan Lệ thủy
.

Đặc biệt ông viết về một số tục hát, như "Hò đưa linh", "Hò chèo cạn", "Hò bài chòi"… và những tục hát đó vẫn tồn tại đến ngày nay. Đây là những tục hát được chép trong cổ thư thuộc loại sớm nhất. Khi Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558 đóng dinh ở Ái Tử (Quảng Trị), chỉ trong gần một thập niên, ông đã cho xây dựng thành một vùng đất có nền nếp, căn cơ, nhằm cung cấp nhân tài, vật lực cho Nguyễn Hoàng để xây dựng các đời Chúa Nguyễn về sau, và chính vùng đất này đã thuộc về các đời Chúa Nguyễn trong các thế kỷ tiếp theo.

Khi Đào Duy Từ dựng thành Trường Lũy ở Đồng Hới (vào khoảng năm 1630, 1631), ở đây ông tiếp tục bổ sung nghệ thuật tuồng hát vào lối hát trên đất này, làm cho văn nghệ dân gian ngày càng phong phú. Chính văn nghệ dân gian vùng này đã tích cực đóng góp cho nghệ thuật Triều đình Huế (từ 1802), và nghệ thuật cung đình Huế khi tích lũy xong, cũng tràn lại, nâng cấp Hò khoan Lệ Thủy.

Vì thế Hò khoan Lệ Thủy vừa có tính địa phương độc đáo, vừa có tính rộng mở. Từ đó đến nay, Hò khoan Lệ Thủy vẫn duy trì liên tục và phát triển phổ biến ở hầu khắp các làng của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Nhưng Hò khoan Lệ Thủy chịu nhiều thiệt thòi. Cái thiệt thòi của một "cô gái đẹp ngủ quên trong rừng". Đó là vì vùng đất này từng diễn ra các cuộc chiến tranh liên miên ở cả những thế kỷ trước và sau này... Sau năm 1954 hòa bình lập lại ở miền Bắc, thì từ  năm 1960, các trung tâm nghiên cứu lớn đã sớm tập trung vào nghiên cứu dân ca Quan họ, hát Xoan, hát ghẹo, Ví dặm… nhưng không thể và không có điều kiện vào tuyến lửa Quảng Bình để nghiên cứu, quảng bá Hò khoan Lệ Thủy.

Nhìn nhận theo địa lý văn hóa thì Hò khoan Lệ Thủy có đủ bốn không gian cơ bản. Không gian miền rừng có "Hò lỉa trâu": Trâu đang kéo gỗ chỉ cần nghe cách hát là tự nó khắc biết đi nhanh, đi chậm hay dừng lại. Không gian sông nước (chủ yếu hát trên dòng Kiến Giang) có: Hò mái ruổi, hò mái nhì, mái ba… Không gian đồng ruộng, thôn xóm có: Hò mái nện, hò mái chè, hò mái xắp… Không gian biển có: Hò nậu xăm, hò khơi…

Còn trong đời sống dân sinh, các điệu hò tồn tại trong các sinh hoạt đi rừng, chèo đò dọc, đánh lưới bắt cá, buôn bán, cấy lúa, làm nhà, nện nền, giã gạo, đắp đất, chèo thuyền đưa linh, nện mồ. Ngoài ra còn thể hiện trong giao đãi, trong các lễ nghi trong cuộc sống hàng ngày.

Nét đặc trưng của Hò khoan Lệ Thủy là có "xướng" và "Xố". Tức là một người xướng, thì tất cả mọi người đang tham gia lao động có thể xố theo, vì thế tạo nên sự hòa đồng giữa lao động và hát ca. Rất thuận lợi trong việc vận động các phong trào, cần đông người tham gia.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ sau khi nghiên cứu Hò khoan Lệ Thủy đã mê đắm, nhưng chưa có dịp tiếp cận nhiều. Ông kể: Tháng 12 (Âm lịch) 2015, ông được mời viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn Đại lễ hội chùa Hoằng Phúc ở xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy vừa mới được trùng tân lần thứ nhất.

Trong nghi lễ phần trình diễn quảng trường thấy người ta đặt các tác phẩm sân khấu, trong đó có Hò khoan. Ông liền gặp các nghệ nhân thuộc câu lạc bộ Hò khoan mới được thành lập cách đó 5 tháng. Chỉ trong hai ngày ông viết 2 hoạt cảnh. Hoạt cảnh thứ nhất "Huyền thoại Trần Nhân Tông"- Vì Hoàng đế Trần Nhân Tông trong chuyến đi du hóa Chiêm Thành (năm 1301) là người đầu tiên lập am Phật ở chùa Hoằng Phúc. Hoạt cảnh thứ hai "Xuống thuyền đi hội chùa quan" (ngôi chùa được nhà Nguyễn coi là Quốc tự).

Cả hai hoạt cảnh này đều do những nghệ nhân nông dân hát, mà lại hát về Phật trong một lễ hội của Phật giáo nên rất thành công. Sau việc này, Nguyễn Hùng Vỹ nhận thấy đây là một câu lạc bộ giầu năng lực dân ca. Nhưng lại nghèo quá, quần áo phải đi mượn, giầy dép cũng không, có một chiếc nhị cũ kéo không ra tiếng… nhưng được tình người rất nồng thắm, tinh thần hăng hái, thế là ông cảm mến, gắn bó với họ. Bằng kinh nghiệm của người nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian, ông nghĩ ra những việc cần làm và từng bước giúp họ.

Vợ chồng ông đã lên Bắc Ninh đặt 4 bộ áo nam và tặng họ 5 đôi giày đi diễn. Ông cũng vận động mọi người tặng nhạc cụ như nhị, đàn nguyệt, sáo… Rồi dậy họ cách giao tiếp. Vì lâu nay họ chỉ hát ở hội nghị, đám cưới, đám tang trong làng, chứ chưa đi diễn bao giờ nên chưa biết cách mời chào, vào đề. Tính chất của từng sự kiện khác nhau, nên ông phải soạn ra những lời giao đãi cho phù hợp để họ hát khi mở đầu các buổi diễn. 

Nhận thấy các nội dung biểu diễn còn ít, các tổ hợp hò còn chưa đầy đủ, nên cái gì còn thiếu, còn ít, ông viết cho họ. Một vấn đề nữa là phải đào tạo lớp trẻ, vì nòng cốt của câu lạc bộ hiện nay như các nghệ nhân: Nguyễn Cao Nhường, Nguyễn Hải Lý, Trần Thám, Dương Quang Lợi, Lê Thị Hạnh… đều sinh năm 1958 trở về trước.

Khi tập luyện được tiết mục rồi, thì thực hành biểu diễn giao lưu, quảng bá cũng là một việc không dễ, vì thiếu kinh phí. Nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó khăn của các nghệ nhân, đến nay Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy  đã tổ chức thành công ba chuyến đi xa.

Đó là chuyến đi giao lưu với ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Chuyến thứ 2 đi Nghệ An, Hà Tĩnh và chuyến thứ ba mới đây đi Hà Nội, Bắc Ninh. Chuyến đi đầu khó khăn nhất, kinh phí do nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ và nhà báo Tô Hà góp một phần, chuyến thứ hai được huyện cấp 4 triệu và nhà báo Nghiêm Sỹ Đống (Hà Tĩnh) ủng hộ 5 triệu.

Chuyến thứ ba  huyện cấp 25 triệu tiền thuê xe và ăn ở; bà con đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội  đã ủng hộ được 62 triệu đồng. Điều đáng mừng đối với nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ và những người yêu Hò khoan Lệ Thủy, là nhờ Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy có hướng đi đúng và hoạt động có hiệu quả, nên Nghị quyết của Ban Chấp hành Huyện ủy Lệ Thủy khóa này đã đưa việc bảo tồn, phát triển, quảng bá Hò khoan Lệ Thủy thành một nội dung hành động. Đây là thuận lợi mới trong việc bảo tồn, phát triển một di sản đã tồn tại lâu đời trên đất Quảng Bình.

Hà Văn Thể

Tags : quảng bình nghiên cứu văn hóa âm nhạc nghệ nhân câu lạc bộ