Danh sách bài viết

V.I.Lênin bàn về nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa

Cập nhật: 27/12/2017

Nguyễn Văn Chiều(*)

Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra những luận giải để chứng minh rằng, đối với V.I.Lênin, tập trung dân chủ là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa cả về phương diện lý luận lẫn phương diện thực tiễn. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ vào đời sống thực tiễn cụ thể của mỗi nước không thể rập khuôn, máy móc, mà đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo. Những tư tưởng của V.I.Lênin về nguyên tắc tập trung dân chủ có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quản lý xã hội một cách khoa học, hiệu quả.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quản lý xã hội một cách khoa học là đòi hỏi tất yếu của lịch sử, là điều kiện cần thiết của việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Quản lý xã hội khoa học là sự tác động có ý thức, theo quy trình của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý, trên cơ sở các nguyên tắc và phương pháp quản lý xác định nhằm thực hiện các mục tiêu chung trong điều kiện kinh tế - xã hội luôn biến đổi. Có thể nói, dưới chủ nghĩa xã hội, quản lý xã hội khoa học là tác động theo quy luật khách quan, vì lợi ích của nhân dân lao động. Trên cơ sở phân tích lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn quản lý xã hội, V.I.Lênin đã khái quát và đưa ra những nguyên tắc quản lý cơ bản, phản ánh quy luật khách quan trong hoạt động quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tập trung dân chủ là một nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa một cách khoa học.

Trước hết, V.I.Lênin cho rằng, “tập trung dân chủ” có nghĩa là kết hợp lãnh đạo, quản lý tập trung với tinh thần tích cực sáng tạo hết sức rộng lớn của quần chúng. Trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng xã hội mới ở nước Nga, V.I.Lênin luôn nhất quán quan điểm: “chúng ta chủ trương theo chế độ tập trung dân chủ. Nhưng cần phải hiểu rõ ràng rằng chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(1). Theo ông, nguyên tắc tập trung dân chủ vừa là một phương thức tổ chức và quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa, vừa là một nguyên tắc chính trị, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Dưới chủ nghĩa xã hội, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của các chủ thể. Nội dung của nguyên tắc này quy định những đặc điểm chung, mang tính quy luật khách quan   trong hoạt động của hệ thống quản lý xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, nó phản ánh sự thống nhất giữa cơ sở tư tưởng, chiến lược và tổ chức của xã hội xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, theo V.I.Lênin, trong chế độ xã hội do người lao động làm chủ thì tập trung dân chủ là phương thức để thực hiện quyền lực làm chủ của nhân dân, là nguồn gốc sức mạnh của quần chúng trong hoạt động cách mạng. Tầm quan trọng của nguyên tắc này thể hiện ở chỗ, cách mạng sẽ “không thể phát triển được nếu không trải qua một thời kỳ mà mọi người cùng nhau thảo luận rộng rãi về tất cả mọi vấn đề”(2). Mục đích của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa chính là “đảm bảo cho quần chúng lao động” thực hiện quyền làm chủ của mình. Nói cách khác, dưới chủ nghĩa xã hội, tập trung mang tính chất dân chủ. 

Từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết, V.I.Lênin đã nhận thấy rằng, chế độ tập trung dân chủ, hiểu theo nghĩa thực sự dân chủ, phải “bao hàm khả năng - khả năng này do lịch sử tạo ra lần đầu tiên - phát huy một cách đầy đủ và tự do không những các đặc điểm của địa phương mà cả những sáng kiến của địa phương, tính chủ động của địa phương, tính chất muôn hình muôn vẻ của các đường lối, của các phương pháp và phương tiện để đạt mục đích chung”(3). Cơ sở kinh tế của nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo và quản lý là chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, cơ sở chính trị -  xã hội của nó là chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, chỉ có chế độ kinh tế của chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm thu hút được đông đảo quần chúng lao động tham gia quản lý các xí nghiệp, quản lý toàn bộ nền kinh tế quốc dân, chỉ có trong nhà nước chuyên chính vô sản thì quyền dân chủ và sự lãnh đạo tập trung mới được đảm bảo thực hiện và có sự thống nhất. Đặc biệt, chỉ có dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì nguyên tắc tập trung dân chủ mới được tôn trọng và thực hành triệt để.

V.I.Lênin khẳng định rằng, cơ sở của xã hội xã hội chủ nghĩa về quản lý và kế hoạch hoá kinh tế chỉ có thể là nguyên tắc tập trung dân chủ; rằng, với hình thức tổ chức kiểu nhà nước Xô viết, chế độ liên bang chỉ là một bước quá độ để đi tới chế độ tập trung dân chủ. Ông đã phê phán nghiêm túc những người có quan điểm sai lầm trong nhận thức về nội dung và hình thức của nguyên tắc tập trung dân chủ; chỉ rõ rằng, chỉ những người mang “đầu óc mê tín” “tiểu thị dân” đối với nhà nước mới có thể lầm lẫn việc thủ tiêu bộ máy nhà nước tư sản với việc thủ tiêu chế độ tập trung dân chủ trong tổ chức và quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cho thấy, chế độ tập trung dân chủ không mảy may loại trừ chế độ tự trị; trái lại, còn bao hàm sự cần thiết phải có chế độ tự trị và điều này không có chút gì mâu thuẫn với chế độ tập trung dân chủ.

Tuy nhiên, dưới chủ nghĩa xã hội, nguyên tắc tập trung dân chủ phải khác về chất so với chủ nghĩa tư bản. Sự khác biệt đó là “trọng tâm phải chuyển từ chỗ thừa nhận về mặt hình thức những quyền tự do.... đến chỗ bảo đảm thực tế cho những người lao động - những người đã lật đổ bọn bóc lột - được hưởng những quyền tự do”(4). V.I.Lênin đã chỉ rõ hạn chế của dân chủ trong xã hội tư bản chủ nghĩa, đó là thứ dân chủ cắt xén, khốn khổ, giả dối, một thứ dân chủ chỉ dành riêng cho bọn giàu có, cho số ít; đồng thời, nhấn mạnh rằng, chỉ trong điều kiện chuyên chính vô sản, tuyệt đại đa số nhân dân mới có khả năng sử dụng chính quyền nhà nước phục vụ cho lợi ích của mình và cũng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có thể mang lại cho họ một nền dân chủ thực sự hoàn bị.

Từ yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, V.I.Lênin cho rằng nếu không áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ thì chúng ta sẽ không thực hiện được những cải cách kinh tế và tạo ra khả năng để thoả mãn những nhu cầu văn hoá của nhân dân. Như vậy, xét trên phương diện thực tiễn, nguyên tắc tập trung dân chủ trong chủ nghĩa xã hội có tính chất tiến bộ và mang tính thực chất, vì lợi ích của nhân dân lao động. 

Tập trung  dân chủ là hai mặt của một phương thức quản lý xã hội có quan hệ biện chứng với nhau. Theo V.I.Lênin, tập trung và dân chủ thâm nhập vào nhau và luôn chuyển hoá lẫn nhauchứ không “đứng im” một chỗ. Nội dung của nó bao hàm sự thống nhất của hai mặt: tập trung và dân chủ. Tập trung xã hội chủ nghĩa không tách rời dân chủ rộng rãi nhất và triệt để nhất. Chỉ có sự kết hợp hài hoà này mới có thể phát huy và khuyến khích mọi cá nhân trong xã hội làm việc tốt nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển và hoàn thiện nền sản xuất xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội và dân chủ không thể tách rời nhau. Đó là quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử.

V.I.Lênin nhấn mạnh rằng, trong khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị - xã hội, tư tưởng và đạo đức thì luôn phải chú ý đến đặc điểm của những lĩnh vực ấy. Các hình thức biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ thay đổi cùng với sự thay đổi cụ thể của điều kiện kinh tế - xã hội. Trong những giai đoạn khác nhau, sự biến đổi cơ sở khách quan của xã hội xã hội chủ nghĩa quy định trình độ phát triển của tập trung cũng như dân chủ.Ngoài ra, việc nhận thức và vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ còn bị ảnh hưởng bởi nhân tố chủ quan, như tính tự giác, tính tổ chức, trình độ, v.v. của những chủ thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tập trung và dân chủ luôn có sự thống nhất với nhau về mục đích, đó là củng cố vai trò lãnh đạo tập trung của Đảng, Nhà nước và thu hút toàn thể người lao động, không trừ một ai, tham gia việc quản lý nhà nước. Trong mối quan hệ đó, V.I.Lênin cho rằng, cần phải “chuyển dần đến chỗ là hết thảy những người lao động sẽ thực hiện những chức năng lập pháp và quản lý nhà nước”(5). Việc thu hút người lao động tham gia quản lý nhà nước là một trong những ưu thế quyết định của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Những nguyên tắc vĩ đại này đã được pháp lý hoá trong Hiến pháp Xô viết đầu tiên được xây dựng với sự tham gia của V.I.Lênin.

Mặc dù nguyên tắc tập trung dân chủ mang tính chất chỉ đạo hoạt động nhận thức và cải tạo xã hội nhưng khi vận dụng vào thực tế, V.I.Lênin đã không áp đặt và rập khuôn một cách cứng nhắc. Ông cho rằng, chế độ tập thể lãnh đạo, một hình thức cơ bản của việc tổ chức quản lý Xô  viết, là một cái gì đó có tính chất phôi thai, cần thiết trong thời kỳ đầu, khi phải xây dựng từ đầu. Nhưng trong tình hình các hình thức ít nhiều vững chắc đã được xác định rồi, thì việc chuyển sang công tác thực tế gắn liền với chế độ thủ trưởng là chế độ đảm bảo hơn hết cho việc sử dụng tốt nhất năng lực của con người. Như vậy, V.I.Lênin đòi hỏi phải chú ý đến việc vận dụng một cách linh hoạt mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ thay vì áp đặt, rập khuôn máy móc và giáo điều. Người đã không tách rời nguyên tắc tập trung dân chủ khỏi các hệ thống xã hội và luôn đặt nó trong sự liên hệ với các vấn đề thực tiễn khác. Đây là điểm thể hiện tư duy biện chứng và duy vật của V.I.Lênin trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ, giữa nguyên tắc tập trung dân chủ với hệ thống các nguyên tắc quản lý khác.

Sự sáng tạo của V.I.Lênin trong việc vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ vào công tác tổ chức và quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở những điểm quan trọng sau:

Một là, mục đích của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm tạo ra sức mạnh chứ không phải là tính vô tổ chức và sự hỗn loạn. V.I.Lênin cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ không mảy may có nghĩa là quá trình lao động tập thể không cần một sự lãnh đạo nào, không cần một trật tự hết sức nghiêm ngặt do ý chí thống nhất của người lãnh đạo lập ra. Trái lại, nguyên tắc đó phải tạo ra “một sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối, điều tiết được công việc chung của hàng trăm, hàng nghìn và hàng vạn người”. Đồng thời, ông cũng không coi tập trung xã hội chủ nghĩa chỉ là áp đặt các biện pháp và phương pháp khuôn sáo để giải quyết các nhiệm vụ chung. Sự thống nhất đó phải được thực hiện bằng cách làm cho ý chí của hàng nghìn người phục tùng ý chí của một người một cách có tổ chức, có sức mạnh.

Trong khi bảo vệ những nguyên lý khoa học của nguyên tắc tập trung dân chủ, V.I.Lênin kiên quyết chống lại sự xuyên tạc có tính chất quan liêu chủ nghĩa, chống lại những khuynh hướng địa phương chủ nghĩa, cục bộ, cũng như chống lại những khuynh hướng công đoàn chủ nghĩa vô chính phủ trong quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa. Ông đã thẳng thắn chỉ ra những hiện tượng thiếu trách nhiệm, “lấy cớ là lãnh đạo tập thể... dẫn đến tai biến, đến tình trạng hỗn loạn, kinh hoảng, đến tình trạng quyền lực phân tán, đến thất bại”(6). Kinh nghiệm của quá trình xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác trước đây, một lần nữa, cho chúng ta thấy sự cần thiết phải quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa.

Hai là, sự lãnh đạo tập thể không loại trừ chế độ thủ trưởng và trách nhiệm cá nhân. V.I.Lênin cho rằng, “giữa nền dân chủ xô viết (nghĩa là dân chủ xã hội chủ nghĩa) và việc dùng đến quyền độc tài cá nhân, tuyệt đối không có một sự mâu thuẫn nào về nguyên tắc cả. Sự khác nhau giữa chuyên chính vô sản và chuyên chính tư sản, trước hết, chính là ở chỗ chuyên chính vô sản, vì lợi ích của đa số những người bị bóc lột đã đánh vào thiểu số đi bóc lột, và sau nữa là ở chỗ người thực hiện quyền chuyên chính vô sản - cũng thông qua cả những cá nhân - không những chỉ là quần chúng lao động và bị bóc lột, mà cả những tổ chức được xây dựng nên chính là nhằm để thức tỉnh số quần chúng đó, để nâng cao họ lên đến mức sáng tạo lịch sử”(7). Theo ông, trong mọi hoàn cảnh không có ngoại lệ, tính tập thể cần phải đi đôi với việc xác định một cách chính xác nhất trách nhiệm cá nhân của mỗi người đối với công việc đó. Nghĩa là, dân chủ nhưng phải gắn với trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể, trong công việc nhất định, ở thời gian xác định.

Trong những tình huống và trường hợp cụ thể, V.I.Lênin yêu cầu phải đề cao sự tập trung trong công tác quản lý. Chẳng hạn, khi bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, V.I.Lênin đã xác định hàng loạt nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết trong tổ chức và quản lý xã hội; trong đó, đặc biệt đề cao việc “phải phân biệt thật rành mạch giữa việc thảo luận và các cuộc mít tinh với việc chấp hành một cách tuyệt đối tất cả những mệnh lệnh của người lãnh đạo”(8). Người chỉ ra rằng, “dân chủ” hay “tập thể lãnh đạo” là vô cùng cần thiết, nhưng “lãnh đạo tập thể không được trở thành một trở ngại cho công tác thực tiễn”(9); rằng, phải tránh việc lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến tình trạng thiếu trách nhiệm, vô tổ chức. V.I.Lênin đòi hỏi “trong trường hợp nào đi nữa, việc tập thể lãnh đạo cũng phải đi đôi với việc cá nhân phụ trách đã được quy định rõ rệt cho từng người đối với một công tác nào đó đã được quy định một cách chính xác(10).

Ở một khía cạnh khác, trong khi đề cao khía cạnh dân chủ, V.I.Lênin cũng đã thẳng thắn chỉ ra sai lầm nếu đồng nhất về mặt hình thức dân chủ với thuần tuý là việc thảo luận và hội họp để đưa ra các quyết định. Điều quan trọng không phải chỉ là hội họp và thảo luận dân chủ, mà còn phải bắt tay vào hành động thực tiễn. V.I.Lênin đã kiên quyết phê phán việc hội họp, mang danh dân chủ để trốn tránh trách nhiệm, gây cản trở công tác thực tiễn. Ở đây, V.I.Lênin đã phân biệt một cách rõ ràng giữa dân chủ để sáng tạo, dân chủ thực chất với những hình thức “giả” dân chủ dẫn đến làm giảm sức mạnh của quần chúng và kết quả thực tiễn của phong trào cách mạng.

Ba là, dân chủ và kỷ luật không đối lập nhau. Nhìn chung, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, V.I.Lênin luôn đặt ra yêu cầu tối thượng là dân chủ phải gắn liền với kỷ luật và sự tự giác. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng của việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý xã hội. Nếu có sự thống nhất giữa dân chủ với kỷ luật và sự tự giác thì “sự phục tùng đó có thể giống việc chỉ huy nhẹ nhàng của một viên nhạc trưởng”. Ngược lại, “sự phục tùng đó có thể được thực hiện bằng những hình thức độc tài gay gắt, nếu không có một sự kỷ luật và tự giác lý tưởng”. Nhưng, dù sao đi nữa, như V.I.Lênin đã nhấn mạnh, “sự phục tùng không điều kiện đối với một ý chí duy nhất là tuyệt đối cần thiết cho thắng lợi của một quá trình công tác”(11).

Dân chủ phải có tính tổ chức và tuân theo một ý chí điều khiển chung là một đòi hỏi khách quan. Đặc biệt, trong công tác cụ thể, V.I.Lênin yêu cầu “quần chúng phải phục tùng vô điều kiện ý chí duy nhất của những người lãnh đạo quá trình lao động”(12). Tuy vậy, đối với những con người bao năm bị áp bức bóc lột bởi chủ nghĩa tư bản thì việc thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ là điều không dễ dàng. Vì thế, V.I.Lênin đặt ra nhiệm vụ cho quần chúng là phải “củng cố tất cả những cái gì đó dưới những hình thức vững bền của kỷ luật lao động hàng ngày... Chúng ta phải học tập kết hợp tinh thần dân chủ sục sôi, tràn trề, tựa như nước lũ mùa xuân, của quần chúng lao động trong các cuộc mít - tinh với một kỷ luật sắt trong lao động, với sự phục tùng tuyệt đối trong lao động với ý chí của một người duy nhất, của nhà lãnh đạo Xô viết”(13).

Bốn là, tập trung dân chủ phải gắn liền với việc kiểm tra để tránh rơi vào bệnh quan liêu, chủ quan. V.I.Lênin xác định “...chúng ta càng cương quyết chủ trương phải có một chính quyền thẳng tay cứng rắn, phải thi hành chế độ chuyên chính cá nhân trong những quá trình công tác nào đó, trong những chức năng thuần tuý có tính chất thực hành nào đó, - thì những hình thức và những phương pháp kiểm tra từ dưới lên, càng phải hết sức muôn vẻ để làm tê liệt mọi khả năng, dù nhỏ đến đâu, ... để tiếp tục và luôn luôn trừ cho tiệt cái thứ cỏ dại chủ nghĩa quan liêu”(14). Theo ông, không có gì sai lầm bằng việc lẫn lộn chế độ tập trung dân chủ với chủ nghĩa quan liêu và với lối rập khuôn máy móc. Vì thế, công tác kiểm tra, giám sát là vô cùng cần thiết, là một đảm bảo để nguyên tắc tập trung dân chủ được thực thi trong thực tế.

Năm là, tập trung dân chủ phải gắn liền với tính có nguyên tắc, có kế hoạch. Theo V.I.Lênin, “chỉ có công cuộc xây dựng nào thực hiện theo một kế hoạch chung rộng lớn và ra sức sử dụng hợp lý những tài nguyên kinh tế, thì mới có thể gọi được là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính quyền Xô viết không hề có ý định thu hẹp tầm quan trọng của chính quyền địa phương và làm mất tính độc lập và sáng kiến của nó. Bản thân nông dân, qua kinh nghiệm của mình, cũng đã nhận thấy là cần phải thực hành chế độ tập trung”(15). Trong nhiệm vụ khôi phục và phát triển nền kinh tế sau chiến tranh của nước Nga, V.I.Lênin đã thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và điều hành nền kinh tế để tạo ra sự nhịp nhàng, ăn khớp giữa các ngành kinh tế và trong toàn xã hội. Với tư cách người đứng đầu nhà nước, ông đã thực hành và tuân thủ triệt để sự thống nhất của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức bộ máy nhà nước, trong việc quản lý các mặt của đời sống xã hội. V.I.Lênin chỉ rõ: “chế độ tập trung dân chủ đã không mảy may loại trừ chế độ tự trị và chế độ liên bang, thì nó cũng không mảy may loại trừ, mà trái lại, còn bao hàm khả năng để cho các địa phương và cả các công xã trong nước có quyền tự do đầy đủ nhất trong việc định ra các hình thức khác nhau về sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế”(16). Người coi trình độ cao nhất của tập trung chính là tính có kế hoạch trong quản lý xã hội trên mọi lĩnh vực của xã hội xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, ông cũng phê phán các quan điểm và sự lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ để phá hoại cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lên án những kẻ phản bội chế độ tập trung. Đối với V.I.Lênin, chế độ liên bang mà Nhà nước Xô viết áp dụng chỉ là một bước quá độ để đi tới chế độ tập trung dân chủ chân chính mà thôi.

Sáu là, chế độ tập trung dân chủ phải là một cơ chế đảm bảo cho quần chúng tích cực tham gia vào công tác quản lý và làm tiền đề cho các phong trào thi đua ái quốc, xây dựng xã hội mới. V.I.Lênin khẳng định “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới lần đầu tiên mở đường - nhờ đã xoá bỏ được các giai cấp và, do đó, xoá bỏ được sự nô dịch quần chúng - cho một cuộc thi đua thật sự có tính quần chúng. Và chính tổ chức Xô viết, trong khi chuyển từ nền dân chủ hình thức của chính thể cộng hoà tư sản sang việc quần chúng lao động thực sự tham gia công tác quản lý, lần đầu tiên đã tổ chức phong trào thi đua một cách rộng rãi”(17). Như vậy, chỉ khi chúng ta thực hiện tập trung và dân chủ thì các phong trào thi đua mới mang tính thực chất và thuộc về quần chúng lao động.

Tập trung và dân chủ là một nguyên tắc quản lý xã hội khoa học, nhưng việc thực hiện đúng đắn nội dung của nguyên tắc này là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và vô cùng quan trọng đối với Nhà nước Xô viết nói riêng và các nước xã hội chủ nghĩa nói chung. Chỉ khi nào chúng ta kết hợpđược sự tập trung và dân chủ một cách hài hoà thì mới “có thể tạo ra chiếc cầu dẫn từ xã hội cũ, tư bản chủ nghĩa, sang xã hội mới, xã hội chủ nghĩa”(18).

Tập trung dân chủ vừa là một nguyên tắc chính trị, vừa là một nguyên tắc khoa học trong tổ chức và quản lý xã hội; cho nên, không dễ gì nhân dân lao động sau hàng trăm năm dưới sự thống trị của giai cấp bóc lột có thể thực hành được ngay. Chính vì vậy, việc học tập và làm theo những nguyên tắc khoa học về tổ chức lao động là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng cũng hết sức hữu ích”. Chỉ khi nào chúng ta giải quyết xong nhiệm vụ đó, thì lúc đó “chúng ta mới đóng xong cái đinh cuối cùng vào quan tài của cái xã hội tư bản chủ nghĩa để đem nó đi chôn”(19). 

Những quan điểm của V.I.Lênin về nguyên tắc tập trung dân chủ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công tác quản lý xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Tuy vậy, sẽ không có một khuôn mẫu vạn năng cho việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Những quan điểm của V.I.Lênin chỉ có tính gợi mở và đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải tiếp tục nhận thức và làm rõ vị trí, vai trò của nguyên tắc này trong phương thức quản lý xã hội một cách khoa học. Về nhận thức, tư tưởng của V.I.Lênin đã chỉ ra cho chúng ta, đặc biệt là đối với các nhà quản lý thấy rằng phải tiếp tục làm rõ nội dung, hình thức và sự vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều kiện xã hội xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải nhận thức được rằng, những hình thức biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ thay đổi cùng với sự thay đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, tức là hoàn cảnh khách quan. Ngoài ra, tư tưởng ấy cũng đòi hỏi mỗi nhà quản lý phải có tư duy nhạy bén để giải quyết đúng đắn mối tương quan giữa tập trung và dân chủ trong khuôn khổ nguyên tắc tập trung dân chủ. Về thực tiễnmột mặt, chúng ta cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện và khuyến khích người lao động tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý xã hội. Mặt khác, Nhà nước cần phải được tiếp tục củng cố, kiện toàn và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tập trung nguồn lực, nâng cao vai trò điều tiết và quản lý vĩ mô trên cơ sở xác định rõ hơn trách nhiệm cá nhân trong công tác. Đồng thời, phải có các cơ chế phù hợp đảm bảo cho quần chúng nhân dân có điều kiện tham gia vào việc xây dựng, thực hiện kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý xã hội phải dựa trên quan niệm mới là quản lý tập trung trong điều kiện phát huy quyền tự chủ của tất cả các chủ thể xã hội. Chỉ có như vậy, bản chất ưu việt của chế độ mới được phát huy, sức mạnh của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mới được thực thi và sức sáng tạo của nhân dân lao động mới được tôn trọng và giải phóng.

Nguồn: / 0

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực vào nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay

Triết học

Bài viết phân tích sự vận dụng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý tưởng và hiện thực của chủ nghĩa Mác - Lênin vào việc nghiên cứu lý luận chính trị ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, sự thống nhất giữa cái lý tưởng với cái hiện thực không chỉ là yêu...

Bước đầu tìm hiểu những vấn đề lịch sử về xung đột xã hội

Triết học

Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội là những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trong bài viết này, tác giả đã khảo sát các quan niệm khác nhau trong lịch sử về xung đột xã hội, từ thời cổ đại,...

Trách nhiệm xã hội và vai trò của nó trong cơ chế thị trường ở nước ta

Triết học

Khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế thị trường, việc thảo luận những vấn đề bản thể của trách nhiệm xã hội là cần thiết, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích những quan niệm khác nhau về trách nhiệm xã hội, về...

Xu hướng phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế

Triết học

Trên cơ sở khái quát hoá quan niệm của C.Mác và Ph.Ăngghen về giai cấp công nhân, tác giả đã phân tích sự biến đổi của giai cấp công nhân hiện đại trên thế giới về trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp, về quyền sở hữu,… Đặc biệt, tác giả đã rút ra...

Về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài

Triết học

Trao đổi về một số thuật ngữ triết học, chính trị - xã hội có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định cách phiên âm tên địa phương và tên người ra tiếng Việt tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn chưa thống nhất;...

Học thuyết Mác và vấn đề hoàn thiện các yếu tố của lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Dựa trên quan điểm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói chung, về phát triển lực lượng sản xuất nói riêng, trong bài viết này, tác giả đã làm rõ một số nguyên tắc, phương châm cơ bản trong việc vận dụng quan điểm của C.Mác nhằm phát...

Lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc và công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày một cách khái quát tư tưởng về sự hài hoà của một số nhà triết học, đồng thời nêu ra một số nội dung cơ bản nhất của lý luận xây dựng xã hội hài hoà của Trung Quốc. Đặc biệt, tác giả đã phân tích để làm rõ...

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách

Triết học

Bài viết tập trung phân tích nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Theo tác...

Bảo đảm công bằng xã hội vì sự phát triển bền vững

Triết học

Trong bài viết này, tác giả đã phân tích quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam coi công bằng xã hội là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Để có được công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, cần phải xác định và thực hiện đúng...