Danh sách bài viết

Vì sao tắc đường trên đỉnh Everest dễ khiến người leo núi mất mạng?

Cập nhật: 12/04/2021

Hàng dài người xếp hàng chờ lên đỉnh Everest. Ảnh: BBC.

Hàng dài người xếp hàng chờ lên đỉnh Everest. Ảnh: BBC.

Những hàng người dài dằng dặc chờ lên đỉnh núi Everest lạnh giá có thể góp phần dẫn tới cái chết của 7 nhà leo núi trong vòng một tuần. Đám đông chen nhau dẫn tới tình trạng tắc nghẽn vô cùng nguy hiểm.

Nihal Bagwan, nhà leo núi 27 tuổi người Ấn Độ, bị kẹt trong đám tắc nghẽn hơn 12 tiếng và kiệt sức, theo Keshav Paudel ở Peak Promotion, công ty chuyên tổ chức tour leo núi Everest. Các hướng dẫn viên người Sherpa phải dìu anh về khu trại số 4, nhưng Nihal đã trút hơi thở cuối cùng ở đó.

Kiệt sức là một nguy cơ mà mọi nhà leo núi đều phải đối mặt. Nhưng tại sao tình trạng ùn tắc ở đỉnh núi Everest lại khiến nhiều người mất mạng? Tắc nghẽn giao thông đồng nghĩa với việc mọi người phải trải qua nhiều thời gian hơn ở độ cao bất lợi cho cơ thể con người. Nếu họ muốn xuống núi do cảm thấy không khỏe, thời gian chờ áp dụng những biện pháp giúp cứu sống sinh mạng sẽ lâu hơn.

Núi Everest ở độ cao 8.848 m so với mực nước biển (núi cao nhất thế giới). Tuy nhiên, nhà leo núi có thể bắt đầu gặp phải chứng say độ cao hay còn gọi là say núi cấp tính (AMS) ở độ cao thấp hơn nhiều (2.500 m), theo tiến sĩ Andrew Luks, giáo sư Khoa phổi, hồi sức cấp cứu và y học giấc ngủ ở Trường Y thuộc Đại học Washington, Mỹ.

Say độ cao không gây chết người, nhưng các triệu chứng có thể làm nhà leo núi cảm thấy khó chịu. AMS ảnh hưởng tới 77% nhà leo núi ở độ cao từ 1.850 đến 5.895 m, Luke cho biết trong nghiên cứu công bố năm 2015 trên tạp chí Sinh lý học Ứng dụng. Các nhà leo núi mắc chứng AMS thường bị đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, hôn mê và mê sảng. Theo Luks, nhà leo núi có thể tránh AMS bằng cách leo núi từ từ sau khi đạt độ cao 3.000 m, không vận động quá sức và uống thuốc chống say.

Người gặp chứng AMS nên ngừng leo núi ngay lập tức. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 1 - 2 ngày, bệnh nhân cần xuống núi. Dạng nặng hơn của say độ cao gồm phù não độ cao lớn (HACE) và phù phổi độ cao lớn (HAPE). Hai hội chứng này rất hiếm gặp nhưng có thể gây chết người.

HACE ảnh hưởng tới chưa tới 1% nhà leo núi ở độ cao trên 2.987 m. Nhiều người mắc HACE lúc đầu cũng gặp chứng AMS. Sau khi bị phù não, họ có thể mất khả năng giữ thăng bằng hoặc phối hợp vận động, cảm thấy vô cùng mệt mỏi, thậm chí rơi vào hôn mê. Bệnh nhân HACE cần xuống núi nhanh hết mức có thể, dùng mặt nạ oxy, uống thuốc chống say hoặc nằm trong buồng bội áp di động.

Trong khi đó, HAPE ảnh hưởng tới 8% nhà leo núi ở độ cao từ 2.500 đến 5.500 m. Nếu dịch tích tụ trong phổi, nhà leo núi có thể di chuyển chậm hơn, bị ho, đôi khi ra đờm có bọt màu hồng.

Chứng tê cóng, hạ thân nhiệt và kiệt sức cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của nhà leo núi. Việc phải xếp hàng dài để leo núi và xuống núi chỉ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. "Một người càng mất nhiều thời gian hơn ở trên ngưỡng độ cao khiến họ say, nguy cơ họ gặp phải càng lớn hơn. Nếu người nào đó không thể xuống núi do hàng người kéo dài, họ sẽ khó được điều trị kịp thời", Luks nhấn mạnh.

Khi chờ đợi trong hàng, người leo núi không ăn uống hay ngủ nghỉ. Họ cũng dần sử dụng hết nguồn oxy quý giá nếu mang theo bình dưỡng khí và phải tiếp xúc với điều kiện lạnh giá.

Quyết tâm leo lên đỉnh núi cũng góp phần dẫn tới nguy cơ. "Những người này thường phải đầu tư lượng lớn thời gian và tiền bạc vào hành trình leo núi. Vào một ngày thời tiết đẹp, thật khó để thuyết phục họ quay về bởi hàng người quá dài", Luks giải thích.

An Khang (Theo Live Science)


Nguồn: /

Nếu chip cấy não của Elon Musk thực hiện hành động có hại, người hay máy sẽ phải chịu trách nhiệm?

Các ngành công nghệ

Từ năm 1999, hai triết gia người Úc và người Anh nêu lên một thí nghiệm giả định về não bộ. Năm 2024, giả thuyết trở thành hiện thực.

Trung Quốc hướng tới tàu ngầm laser di chuyển với tốc độ âm thanh

Các ngành công nghệ

Trung Quốc dường như đang vạch ra những chân trời mới bằng việc phát triển tàu ngầm chạy bằng công nghệ laser.

Robot hình người đang hoạt động trong nhà máy của Tesla như thế nào?

Các ngành công nghệ

Optimus, được giới thiệu lần đầu tiên bởi Tesla vào năm 2021, là một robot hình người có tham vọng cách mạng hóa ngành công nghiệp tự động hóa.

Mẫu máy bay siêu thanh bay nhanh hơn Concorde

Các ngành công nghệ

Máy bay XB-70 Valkyrie tốc độ 3.218 km/h của Không quân Mỹ đã truyền cảm hứng thiết kế cho máy bay siêu thanh dân sự sau này là Concorde và Tupolev Tu-144.

Drone biến thành phao cứu người khi đáp xuống nước

Các ngành công nghệ

Drone TY-3R có thể giúp hai người lớn nổi trên mặt nước, có phạm vi liên lạc 1,1km và hoạt động được 10 phút sau một lần sạc.

Trung Quốc tạo ra loại “pin nước” mạnh gần gấp đôi pin lithium nhưng giá… không đổi

Các ngành công nghệ

Loại pin nước mới được kì vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành xe điện tương lai.

Pin sạc siêu nhanh đầu tiên trên thế giới cho eVTOL

Các ngành công nghệ

Hai công ty hợp tác phát triển pin cho máy bay cất hạ cánh thẳng đứng chạy điện (eVTOL), chỉ mất vài phút để sạc từ 30% lên 80%.

Lưới điện thông minh ngăn chặn mất điện

Các ngành công nghệ

Chattanooga, Tennessee, là một trong những nơi có lưới điện tiên tiến nhất ở Mỹ, có thể tự khắc phục sự cố và phục hồi cung cấp điện trong vòng vài giây.

Giải đua xe AI thách thức giới hạn công nghệ tự lái

Các ngành công nghệ

Giải đua xe tự động Autonomous Racing League (A2RL) diễn ra trên đường đua Yas Marina ở Abu Dhabi với chiến thắng thuộc về đội đua đến từ Đại học Kỹ thuật Munich (TUM).

Công chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do AI viết kịch bản

Các ngành công nghệ

Liên hoan phim ngắn và châu Á 2024 sẽ tập trung vào các vấn đề đang nổi cộm toàn cầu, đồng thời trình chiếu bộ phim đầu tiên hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo (AI) viết kịch bản.