Nấm ăn phóng xạ ở nhà máy hạt nhân Chernobyl

Lò phản ứng nơi tìm thấy nấm ăn phóng xạ. Ảnh: AP.

Lò phản ứng nơi tìm thấy nấm ăn phóng xạ. Ảnh: AP.

Các nhà nghiên cứu phát hiện nấm đen xuất hiện tràn lan trên các bức tường của lò phản ứng bỏ hoang chứa đầy tia gamma vào năm 1991, 5 năm sau thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine. Họ kiểm tra tổ chức vi sinh vật này vì băn khoăn chúng làm cách nào để tồn tại trong điều kiện cực hạn và rất phấn khởi trước kết quả nghiên cứu.

Không chỉ sinh sôi, nấm đen còn mọc hướng về phía bức xạ giống như bị thu hút. Đó là vì lượng lớn sắc tố melanin trong nấm đen cho phép chúng hấp thụ các tia độc hại thông thường và biến đổi thành năng lượng hóa học. Tương tự cách thực vật biến đổi carbon dioxide và chất diệp lục thành oxy và glucose thông qua quá trình quang hợp, nấm đen hấp thụ phóng xạ để sản sinh năng lượng. Quá trình có tên radiosynthesis đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học bởi tiềm năng ứng dụng cao.

Kasthuri Venkateswaran, nhà nghiên cứu NASA, người chỉ đạo những thí nghiệm trên nấm Cryptococcus neoformans, cho rằng bằng cách khai thác khả năng hấp thụ bức xạ của loại nấm này và sản xuất dưới dạng thuốc, đây sẽ là lá chắn giúp con người đối phó với các tia độc hại, cho phép bệnh nhân ung thư vượt qua quá trình xạ trị, các kỹ sư nhà máy điện hạt nhân và phi công hàng không có thể làm việc mà không sợ tiếp xúc với bức xạ. Khả năng biến đổi bức xạ thành năng lượng của nấm đen cũng có thể sử dụng trong thiết bị điện và là giải pháp khả thi thay thế pin mặt trời.

An Khang (Theo Fox News)