Chà là nảy mầm từ hạt giống 2.000 năm tuổi

Sau cây chà là Judean nảy mầm từ hạt giống 2.000 năm tuổi. Ảnh: Science Alert.

Sau cây chà là Judean nảy mầm từ hạt giống 2.000 năm tuổi. Ảnh: Science Alert.

Một giống cây chà là tuyệt chủng vào thế kỷ thứ 19 vừa được hồi sinh từ những hạt giống lâu đời nhất trong tự nhiên, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y học Tự nhiên Louis L. Borick (NMRC) hôm thứ Tư cho biết. Các hạt giống, khoảng 2.000 năm tuổi, được thu thập bên trong các lâu đài và khu định cư cổ đại tọa lạc ở một vùng Biển Chết đã cạn khô trên sa mạc Judean, phía nam Israel.

"Đó là phát hiện đáng kinh ngạc. Các hạt chà là được tặng cho Hoàng đế La Mã như một món quà vào ngày sinh nhật của ông ấy. Điều này đã được ghi chép lại bởi nhiều nhà sử học và địa lý cổ đại", Sarah Sallon, Giám đốc NMRC cho biết.

Hạt chà là Judean có kích thước lớn hơn đáng kể so với các giống chà là ngày nay, có lẽ vì kích thước quả lớn hơn. Chúng được mô tả là có chất lượng tốt và được sử dụng làm thuốc trong y học. Giống cây chà là cổ đại này có khả năng thích nghi cao với môi trường sống khắc nghiệt xung quanh Biển Chết, nơi có độ ẩm thấp và đất nhiễm mặn.

Để làm hạt giống nảy mầm, nhóm nghiên cứu đã ngâm chúng trong nước 24 giờ, sau đó xử lý bằng kích thích tố và phân bón hữu cơ. Sau khi loại bỏ một số hạt bị hư hại, họ trồng phần còn lại vào bầu đất và sử dụng nước khử muối được bổ sung sắt và phân bón để tưới cho chúng.

Cuối cùng, 6 trong số 33 hạt giống đã nảy mầm. "Một số hạt chỉ mất vài tuần nhưng một số khác mất tới vài tháng", Sallon cho hay. "Thiên nhiên bảo tồn ADN bên trong hạt hàng nghìn năm. Chúng có thể được đánh thức vào một ngày nào đó khi gặp điều kiện thích hợp". Các cây non lần lượt được đặt tên là Adam, Jonah, Uriel, Boaz, Judith và Hannah theo kinh thánh.

Nhóm nghiên cứu đã trồng ba cây non bên trong nhà kính, trong đó có Hannah - một cây chà là cái được kỳ vọng sẽ ra hoa trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học không chắc chắn về khả năng đậu quả của nó.

Đoàn Dương (Theo CNN)