Manh giông hiếm nằm bất động 7 năm trong hang

Manh giông rất lười hoạt động trừ khi giao phối. Ảnh: Independent.

Manh giông rất lười hoạt động trừ khi giao phối. Ảnh: Independent.

Nhóm nhà khoa học đứng đầu là tiến sĩ Gergely Balázs ở Đại học Eötvös Loránd tại Hungary nghiên cứu một quần thể manh giông hiếm sinh sống trong hang động ngập nước ở miền đông Bosnia và Herzegovina. Đội lặn sử dụng kỹ thuật "bắt - đánh dấu - bắt lại" để theo dõi chuyển động của các cá thể manh giông trong 8 năm. Theo Balázs, chúng chỉ ở quanh quẩn, gần như không làm gì.

Balázs và cộng sự nhận thấy suốt gần thập kỷ, những con manh giông di chuyển tổng cộng chưa đến 10 m. Đặc biệt, một cá thể vô cùng chây ỳ không di chuyển chút nào trong 7 năm liền.

Manh giông không tập trung đông theo đàn, không có động vật ăn thịt và có khả năng nhịn đói tốt. Chúng có thể sống sót mà không cần thức ăn trong vài năm. Loài vật này bị mù và sống trong bóng tối hoàn toàn dưới lòng đất và dưới nước. Chúng chỉ di chuyển để giao phối 12,5 năm một lần. Trong hang động nơi chúng cư trú, thức ăn thường rất khan hiếm. Manh giông chủ yếu ăn loài giáp xác nhỏ như tôm, ốc sên và đôi khi săn côn trùng.  

Theo nghiên cứu công bố hôm 28/1 trên tạp chí Zoology, tính đến nay phần lớn nghiên cứu về loài này đều trong phòng thí nghiệm nên thiếu dữ liệu sinh thái từ quần thể tự nhiên trong môi trường sống nguyên bản của chúng. Nghiên cứu manh giông có thể giúp theo dõi những tác động của con người tới hệ thống hang động ngập nước. "Hoạt động sinh sản thưa thớt kết hợp với nơi ở đặc biệt khiến loài vật săn mồi này dễ bị tổn thương và là chỉ dẫn sinh học cực nhạy về các hoạt động làm thay đổi môi trường của con người", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

An Khang (Theo Independent)