Hướng dẫn quy định về làm tròn số khi tính số ngày nghỉ hằng năm

Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam hỏi: Trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến ngày nghỉ hằng năm thì Công ty chúng tôi có vướng mắc như sau:

Theo Điều 7, nghị định 45 quy định "Số ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 2 Điều 114 của Bộ luật Lao động được tính như sau: Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị".

 

Theo quy định này khi Công ty chúng tôi áp dụng vào thực tế, Công ty chúng tôi sẽ hiểu rằng khi tính ra kết quả cuối cùng sẽ lấy tròn về hàng đơn vị. Nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 1 đơn vị. Vậy nếu phần thập phân bé hơn 0,5 được làm tròn về 0 thì có đúng không?

 

Ví dụ: Công nhân vào xưởng ngày 11/02/2019 đến ngày 17/03/2019 nghỉ việc. Trong tháng 2 công nhân làm công việc bình thường, tháng 3 chuyển sang công việc nặng nhọc. Số ngày nghỉ phép năm của công nhân tính như sau:

Trong tháng 02/2019: Từ 11/02-28/02 là 18 ngày (kể cả Chủ nhật). Số ngày phép năm được nghỉ là: (12/12) /28*18 = 0,642 ngày.

Tháng 3/2019: Từ ngày 01/03-18/03 là 18 ngày. Số ngày phép năm được nghỉ là (14/12)/31*18 = 0,677 ngày.

Tổng số ngày phép năm được nghỉ là: 0,642 + 0,677 = 1,32 ngày.

 

Vậy Công ty chúng tôi muốn hỏi:

1. Cách tính phép năm như trên có đúng không?

2. Nếu Công ty chúng tôi làm tròn 1,32 ngày thành 1 ngày thì có đúng không? Nếu không đúng thì tính như thế nào?

Xin chân thành cảm ơn!

 

Vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 2387/LĐTBXH-ATLĐ trả lời doanh nghiệp như sau:

Điều 7 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm như sau: “Số ngày nghỉ hằng năm theo Khoản 2 Điều 114 của Bộ luật lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phần lớn hơn hoặc bằng 0.5 thì làm tròn lên 01 đơn vị

 

- Với trường hợp công nhân nêu tại Vi dụ của quý Công ty số ngày nghỉ phép năm tính như sau:

Tháng 2 số ngày nghỉ phép là (12/12) x1= 1 ngày phép;

Tháng 3 số ngày nghỉ phép là (14/12) x 1 = 1,16 ngày phép, làm tròn là 1 ngày phép.

Như vậy tổng số ngày nghỉ phép công nhân được hưởng là 02 ngày phép.

 

Đề nghị quý Công ty liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để được hướng dẫn theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tags : công ty quá trình thực hiện quy định pháp luật liên quan như sau nghị định lao động