Danh sách bài viết

12 giảng viên đồng loạt xin nghỉ việc

Cập nhật: 25/10/2023

Tổ công tác Đại học Quốc gia TP HCM hôm 4/3 đã làm việc với trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn liên quan đến đơn kiến nghị của 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học. Họ đều có bằng thạc sĩ, một số đang làm nghiên cứu sinh, thâm niên 5-23 năm. Trong đó, một người là phó khoa, 3 quyền trưởng bộ môn và 3 người nguyên phó khoa.

Tháng 9/2020, các giảng viên này đồng loạt ký đơn gửi trường, cho rằng cách quản lý, điều hành của TS Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng khoa Hàn Quốc học, là thiếu nguyên tắc dân chủ. Điều này "dẫn đến không khí làm việc ngột ngạt, căng thẳng và mất đoàn kết nội bộ" trong khoa.

Một tháng sau làm việc với trường về những nội dung phản ánh nhưng nhận thấy tình hình không được cải thiện, các giảng viên kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ. Họ cho rằng, việc bổ nhiệm bà Mai làm Trưởng khoa vào năm 2018 là "thần tốc" bởi bà chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Cụ thể, bà Mai chưa có "ít nhất 3 năm tham gia quản lý cấp khoa, phòng hoặc tương đương", thiếu một số chứng chỉ theo quy định. Thứ hai, trưởng khoa đưa ra nhiều quy định bình chọn, đánh giá cứng nhắc như: đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, đơn phương quyết định thay đổi lịch họp định kỳ của khoa mà không báo trước.

Cuối cùng, bà Mai bị cho là có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm lợi cho bản thân, không minh bạch với việc quản lý tài chính trong khoa.

Cơ sở chính trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM tại quận 1, TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cơ sở chính trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM tại quận 1, TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo yêu cầu từ cơ quan thanh tra, nhà trường lập tổ xác minh. Hai tháng sau, trong kết luận dài 53 trang, trường cho rằng:

Có 5 vấn đề phản ánh đúng, 9 vấn đề đúng một phần là: Trưởng khoa không lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của giảng viên; có phát ngôn thiếu tôn trọng giảng viên; không chú trọng đến chất lượng đào tạo của khoa; hạn chế trong việc triển khai đề án chất lượng cao của khoa...

13 vấn đề phản ánh sai là: trường bổ nhiệm Trưởng khoa chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện; Trưởng khoa thiếu dân chủ trong điều hành công việc; bao che sai phạm cho Phó khoa phụ trách đào tạo; cho một giảng viên thân thiết sử dụng văn phòng khoa với mục đích cá nhân.

Từ đó, nhà trường cho rằng trong việc thực hiện chức trách, Trưởng khoa Hàn Quốc học "có những hạn chế nhất định" nhưng không vi phạm nghiêm trọng đến mức phải bãi nhiệm. Trưởng khoa và nhóm giảng viên đều bị phê bình.

Ngày 25/1, không đồng tình với cách giải quyết trên, 12 giảng viên nộp đơn xin nghỉ việc tập thể. "Những bức xúc này đã kéo dài, âm ỉ từ hơn hai năm trước khi có trưởng khoa mới. Chúng tôi nhiều lần ý kiến với nhà trường nhưng không được giải quyết thoả đáng. Quyết định thôi việc không phải là bộp chộp tức thì, mà đã được trăn trở rất lâu", một giảng viên cho biết.

Do việc nộp đơn xin nghỉ việc tập thể là chưa đúng quy định, trường đã yêu cầu từng cá nhân phải làm đơn riêng.

Trả lời VnExpress, đại diện trường, ông Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp) cho biết, kết luận xác minh sự các sự việc giảng viên phản ánh là của tập thể lãnh đạo trường, sau nhiều cuộc họp. Việc bổ nhiệm Trưởng khoa đúng quy định. Bà Nguyễn Thị Phương Mai là Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục tiếng Hàn và Thạc sĩ chuyên ngành Hàn Quốc học tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc; có đầy đủ chứng chỉ của giảng viên dạy trình độ đại học.

Bà Mai công tác tại trường hơn 16 năm với vai trò giảng viên rồi trưởng bộ môn, phó khoa, công bố nhiều bài báo khoa học, có nhiều đề tài nghiên cứu. Bà cũng là người có số phiếu tín nhiệm cao nhất khi lấy phiếu tín nhiệm để giới thiệu cho chức danh trưởng khoa.

Việc ra quy định đi họp trễ 15 phút xem như vắng mặt được Trưởng khoa giải thích là nhằm siết lại kỷ luật của khoa bởi thường xảy ra tình trạng họp không đầy đủ, nghỉ vắng họp không phép.

Theo đại diện Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Ban giám hiệu nhiều lần trao đổi với giảng viên. Hiện, một giảng viên đã rút đơn nghỉ việc, 3 người đã nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, còn lại đang giải quyết theo trình tự. Khoa Hàn Quốc học hiện còn 10 giảng viên cơ hữu và 2 chuyên viên giáo vụ. "Các giảng viên xin nghỉ việc đều là những người có kinh nghiệm, gắn bó với trường nên việc họ xin nghỉ là điều không mong muốn", ông Nam nói.

Văn phòng khoa Hàn Quốc học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Văn phòng khoa Hàn Quốc học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Do các giảng viên đã có nguyện vọng xin nghỉ nên nhà trường không xếp lịch dạy trong học kỳ tới. Tuần sau, sinh viên trường bắt đầu học tập trung sau hơn một tháng nghỉ Tết và nghỉ phòng chống Covid-19.

TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết, khoa Hàn Quốc học đã chuẩn bị đủ nhân sự đứng lớp cho hơn 600 sinh viên. Giảng viên còn lại trong khoa phải đảm nhận nhiều lớp hơn, trường tăng cường thêm một số thầy cô từ các khoa khác đồng thời mời thêm giảng viên thỉnh giảng. "Chúng tôi phải đảm bảo không để sự việc này ảnh hưởng đến quyền lợi sinh viên và chất lượng đào tạo", ông Hạ nói.

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn được thành lập hơn 60 năm, là trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM. Đây là cơ sở giáo dục đại học lớn nhất khối ngành khoa học xã hội ở phía Nam, đào tạo hơn 40 ngành đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Khoa Hàn Quốc học được thành lập 5 năm trước, tiền thân là bộ môn Hàn Quốc học thuộc khoa Đông phương học.

Mạnh Tùng