Danh sách bài viết

Ẩn ý của NASA từ cách chọn nhóm phi hành gia thực hiện sứ mệnh Artemis II

Cập nhật: 13/04/2023

Cách mà NASA đa dạng thành phần trong đội hình phi hành đoàn thực hiện sứ mệnh Artemis II bay vòng quanh Mặt Trăng lần này đã thể hiện kế hoạch hợp tác trong tương lai.

Ngày 3/4, NASA công bố 4 phi hành gia tham gia vào phi hành đoàn của tàu Artemis II, dự kiến ​​​​thực hiện sứ mệnh vào cuối năm 2024. Artemis II sẽ đưa 4 phi hành gia này bay tới Mặt Trăng, làm nhiệm vụ kéo dài 10 ngày.

Mặc dù nhóm phi hành gia này dự kiến không đáp xuống Mặt Trăng, nhưng họ sẽ là những người đầu tiên rời khỏi vùng lân cận của Trái Đất và là người đầu tiên đến gần Mặt Trăng sau hơn 50 năm.

Sứ mệnh lần này cũng sẽ kiểm tra công nghệ và thiết bị cần thiết cho các cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng trong tương lai và là một bước quan trọng trong hành trình quay trở lại bề mặt Mặt Trăng theo kế hoạch của NASA.

Là một phần của kỷ nguyên mới trong khám phá Mặt Trăng và không gian, NASA đã vạch ra một vài mục tiêu rõ ràng. Cơ quan này hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi quan tâm đến không gian, làm cho chương trình Artemis bền vững hơn về mặt kinh tế và chính trị, và cuối cùng là khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong các nhiệm vụ trong tương lai.

Các thành viên phi hành đoàn của sứ mệnh Artemis II
Các thành viên phi hành đoàn của sứ mệnh Artemis II (từ trái qua phải) là Christina Hammock Koch, Reid Wiseman (ngồi), Victor Glover và Jeremy Hansen. (Ảnh: NASA)

4 phi hành gia được lựa chọn là ai?

Bốn thành viên của phi hành đoàn Artemis II đều có nhiều kinh nghiệm, với 3 người trong số họ là người Mỹ và đã từng bay vào vũ trụ trước đó. Phi hành gia “tân binh” còn lại là một đại diện từ Canada.

Người đứng đầu trong nhiệm vụ lần này là Reid Wiseman - một phi công hải quân. Trong nhiệm vụ trước đó tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), Reid đã có 165 ngày sống trong không gian và hoàn thành kỷ lục 82 giờ thí nghiệm chỉ trong một tuần. Reid cũng là trưởng văn phòng phi hành gia Mỹ từ năm 2020 đến năm 2023.

Phi hành gia thứ hai là Victor Glover. Sau hơn 3.000 giờ bay trên hơn 40 loại máy bay khác nhau, Glover đã được chọn vào đội phi hành gia vào năm 2013. Anh từng tham gia nhiệm vụ Crew-1, nhiệm vụ đầu tiên sử dụng tên lửa và tàu vũ trụ của SpaceX để đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Người phụ nữ duy nhất trong phi hành đoàn lần này là chuyên gia Christina Hammock Koch. Cô từng thực hiện 328 ngày trong không gian, nhiều hơn bất kỳ người phụ nữ nào khác, trong suốt ba chuyến thám hiểm ISS. Cô cũng đã tham gia 6 chuyến đi bộ ngoài không gian khác nhau, trong đó có 3 chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên toàn nữ phi hành gia. Koch là một kỹ sư thương mại, trước đây từng làm việc tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA.

Phi hành gia cuối cùng là người Canada, Jeremy Hansen. Mặc dù là tân binh đối với các chuyến bay vào vũ trụ, anh ấy đã tham gia vào các chương trình mô phỏng không gian như NEEMO 19, trong đó anh ấy sống trong một cơ sở dưới đáy đại dương để mô phỏng việc khám phá không gian sâu. Trước khi được chọn vào đội phi hành gia Canada năm 2009, anh là phi công lái máy bay F-18 trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Canada.

Giống như các phi hành gia tàu vũ trụ Apollo, 3 người trong số họ bắt đầu sự nghiệp với tư cách là phi công quân sự. Hai người, Ried và Glover đều là những phi công thử nghiệm đã được đào tạo giống như hầu hết các phi hành gia Apollo.

Trong khi đó, nữ chuyên gia Koch với chuyên môn kỹ thuật là hình mẫu điển hình cho các phi hành gia hiện đại. Vị trí chuyên gia về sứ mệnh không gian giúp những người có nền tảng khoa học hơn có thể thực hiện chuyến bay vào vũ trụ.

Một tương lai hợp tác, đa dạng

Không giống như chương trình Apollo của những năm 1960 và 1970, với Artemis, NASA đã đặt trọng tâm vào việc xây dựng một chương trình Mặt Trăng bền vững về mặt chính trị bằng cách thúc đẩy sự tham gia của nhiều nhóm người và quốc gia khác nhau.

Sự tham gia của các quốc gia khác trong các nhiệm vụ của NASA – trong trường hợp này là Canada – đặc biệt quan trọng đối với chương trình Artemis và phi hành đoàn Artemis II. Hợp tác quốc tế đem lại một số lợi ích. Đầu tiên, điều này cho phép NASA dựa vào sức mạnh và chuyên môn của các kỹ sư, nhà nghiên cứu và cơ quan vũ trụ của các đồng minh của Mỹ và phân chia việc sản xuất công nghệ cũng như gánh nặng chi phí. Nó cũng giúp Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo quốc tế trong không gian khi sự cạnh tranh với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, đang gia tăng.

Phi hành đoàn của Artemis II cũng khá đa dạng so với các phi hành gia của Apollo. Trước đây, NASA nhiều lần tuyên bố chương trình Artemis sẽ cử người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt Trăng. Với hai phi hành gia Koch và Glover, hành trình Artemis II là bước đầu tiên để thực hiện lời hứa đó và hướng tới mục tiêu truyền cảm hứng cho các thế hệ thám hiểm không gian trong tương lai.

Bốn phi hành gia trên tàu Artemis II sẽ là những người đầu tiên quay trở lại vùng lân cận của Mặt Trăng kể từ năm 1972. Chuyến bay sẽ đưa tàu vũ trụ Orion đi một vòng quanh Mặt Trăng. Trong chuyến bay, phi hành đoàn sẽ theo dõi tàu vũ trụ và thử nghiệm một hệ thống liên lạc mới cho phép họ gửi nhiều dữ liệu hơn và liên lạc với Trái đất dễ dàng hơn các hệ thống trước đó.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, vào cuối năm 2025, Artemis III sẽ đánh dấu sự trở lại của loài người trên bề mặt Mặt Trăng, với đội hình phi hành đoàn đa dạng hơn. Mặc dù chương trình Artemis vẫn còn một chặng đường dài trước khi con người thực sự đặt chân lên Mặt Trăng một lần nữa, nhưng phi hành đoàn Artemis II cho thấy NASA muốn đến đó theo cách đa dạng và hợp tác như thế nào.


    Nguồn: /

    Dùng AI để tạo ra các loại bia có hương vị hấp dẫn hơn

    Các ngành công nghệ

    Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Giờ đây, các nhà khoa học đang muốn nhờ AI để giúp tạo ra những loại bia ngon hơn.

    Trung Quốc tiến gần hơn chip lượng tử nhờ tạo ra nguồn sáng mới

    Các ngành công nghệ

    Các nhà nghiên cứu Trung Quốc sử dụng loại chất bán dẫn thông thường để tạo ra nguồn sáng lượng tử - thành phần quan trọng để chế tạo chip lượng tử.

    Robot thụ phấn 6 tay hoạt động trong nhà kính

    Các ngành công nghệ

    Nhờ có 6 cánh tay, robot Stickbug có thể thụ phấn cho nhiều bông hoa cùng lúc với tốc độ 1,5 lần thụ phấn mỗi phút.

    Tốc độ 6G trong thử nghiệm mới - nhanh hơn 500 lần so với 5G

    Các ngành công nghệ

    Một tập đoàn gồm các công ty ở Nhật Bản đã chế tạo thiết bị không dây 6G tốc độ cao đầu tiên trên thế giới.

    Robot hình người đa năng tự phát triển đầu tiên của Trung Quốc

    Các ngành công nghệ

    Robot hình người Tiangong cao 1,63 m và nặng 43 kg trình làng tại Khu phát triển kinh tế - công nghệ Bắc Kinh hôm 27/4.

    Tạo ra quần áo, túi xách có thể sạc điện thoại

    Các ngành công nghệ

    Các nhà khoa học Trung Quốc vừa giới thiệu loại túi xách và vải có thể sạc điện thoại vô cùng tiện lợi.

    AI phát hiện 3 bệnh ung thư nguy hiểm chỉ với một giọt máu khô

    Các ngành công nghệ

    Một công cụ mới, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI), có thể phát hiện 3 loại ung thư nguy hiểm nhất trong vòng vài phút, chỉ cần một giọt máu khô.

    Các nhà khoa học Hàn Quốc phát triển phương pháp sản xuất nhanh kim cương trong 150 phút

    Các ngành công nghệ

    Các nhà khoa học phát triển quy trình sản xuất kim cương nhân tạo với kim loại lỏng ở mức nhiệt khoảng 1.000 độ C và áp suất thấp.

    Thiết bị sản xuất điện nhiệt hạch đạt nhiệt độ 37 triệu độ C

    Các ngành công nghệ

    FuZe là thiết bị nhỏ giá rẻ có thể đạt nhiệt độ năng lượng nhiệt hạch nhanh chóng và đáp ứng nhu cầu điện của con người trong tương lai.

    Google Maps sắp có tính năng mới siêu hữu ích, không còn lo đi lạc dù đi vào vùng mất sóng

    Các ngành công nghệ

    Với tính năng mới này, người dùng sẽ luôn biết vị trí của mình, không cần lo sợ đi lạc khi mất mạng di động hay đi vào những vùng mất sóng.