Cập nhật: 02/04/2024
Một kho báu địa chất 50 triệu năm tuổi chôn vùi bên dưới mảng biển Philippines, bảo tồn dữ liệu thú vị về lớp phủ Trái đất.
Theo SciTech Daily, một nhóm khoa học gia từ Trung Quốc và Nhật Bản đã xác định được những đặc điểm độc đáo của trường dòng chảy ở lớp phủ dưới của Trái đất, thông qua những phát hiện thú vị sâu bên dưới mảng biển Philppines.
Lớp phủ là lớp bên dưới lớp vỏ và cũng là lớp có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động địa chất của Trái đất - (Ảnh: SCITECH DAILY).
Lớp phủ dưới là một lớp quan trọng của Trái đất, có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trinh tiến hóa và chu trình vật chất bên trong hành tinh.
Nhìn chung, người ta tin rằng nó không chỉ là điểm đến cuối cùng của các mảng kiến tạo bị chìm xuống mà còn là nơi sinh ra các chùm manti, có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa và chu trình vật chất bề mặt và bên trong địa cầu.
Kiến thức của nhân loại về đặc điểm của trường dòng chảy và địa động lực học lớp phủ hãy còn nhiều khoảng trống.
Kết quả nghiên cứu bằng sóng địa chấn cho thấy các vùng vận tốc nhanh dị thường ở độ sâu 700-1.600 km bên dưới mảng biển Philippines.
Trong đó, hai vùng dị thường ở độ sâu 700-900km không liên quan đến các đới hút chìm hiện tại, mà được xác định là hai dòng chảy lớp phủ có từ khoảng 50 triệu và 40 triệu năm trước, tức thuộc đại Tân Sinh.
Hai vùng dị thường H1 và H2 là 2 dòng chảy lớp phủ cổ xưa vô tình được bảo tồn bên dưới mảng biển Philippines - (Ảnh: IOCAS).
Nhờ một may mắn bất ngờ, nó đã được bảo tồn nguyên vẹn, không bị các hoạt động địa chất mới hơn làm hư hại.
Phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng cụ thể về một trong những cách thức mà lớp phủ của hành tinh vận hành.
Các thay đổi của lớp phủ này cũng ảnh hưởng lớn đến tính chất của cả hành tinh và cả các mảnh vỏ Trái đất bên trên - vốn cõng theo các đáy biển hay lục địa.
Hiểu thêm về lớp phủ giúp các nhà khoa học địa chất hiểu rõ hơn cách địa cầu tiến hóa về mặt địa chất cũng như dự đoán các thay đổi quy mô hành tinh trong tương lai.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Fan Jianke từ Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (IOCAS), công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience.
Nguồn: /