Danh sách bài viết

Bí quyết học có mục tiêu cho tân sinh viên

Cập nhật: 25/10/2023

Tối 16/10, Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp FPT Software tổ chức tọa đàm trực tuyến Kỹ năng học tập ở đại học cho tân sinh viên.

Tại sự kiện, kỹ sư Trương Tuấn Vũ, thủ khoa đầu ra năm 2021 trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ nhiều bí quyết, từ học tập, thi cử cho đến chiến lược giành học bổng.

Theo Vũ, lượng kiến thức ở đại học rất lớn, cần cố gắng học và hiểu bài ngay trên lớp. Bí quyết là nên dành ít nhất 30 phút chuẩn bị trước nội dung bài giảng. Với cách làm này, sinh viên có thể tiếp thu trên 80% nội dung bài học. Tận dụng thời gian hỏi luôn giảng viên các vấn đề còn thắc mắc cũng là điều cần thiết để đạt mục tiêu hiểu bài ngay trên lớp.

Vũ cho rằng, khi đã làm được như vậy, việc tự học ở nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng, đỡ mất thời gian. "Có thể nói, 30 phút chuẩn bị bài vở trước khi đến lớp có giá trị bằng 3 tiếng các bạn cố lấp lỗ hổng", Vũ nói.

Trương Tuấn Vũ, thủ khoa đầu ra năm 2021 trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại toạ đàm tối 16/10. Ảnh: Chụp màn hình

Trương Tuấn Vũ, thủ khoa đầu ra năm 2021 trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm tối 16/10. Ảnh: Chụp màn hình

Theo kinh nghiệm của thủ khoa, sau khoảng 2-3 tuần, nhiều sinh viên trở nên rối bời bởi kiến thức ngày càng nhiều, môn học dồn dập. Để giải quyết tình trạng này, mỗi người phải tự hệ thống kiến thức. Cách thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội từng làm là viết công thức, tóm tắt nội dung mỗi môn trên các tập giấy. Bằng cách này, Vũ nắm bắt kiến thức chính của môn học tốt hơn, nhờ đó quá trình ôn tập nhanh, hiệu quả hơn.

Nói sâu về các kỳ thi ở bậc đại học, Vũ khuyên sinh viên phải ôn tập có chiến lược thay vì nhồi nhét. Thực tế, nhiều sinh viên mua các bộ đề khi gần tới ngày thi với mục đích giải được càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, cựu sinh viên Viện Điện tử Viễn thông cho rằng, cần đặt mục tiêu chất lượng hơn số lượng. Tức là, thay vì giải nhiều đề, hãy giải kỹ từng đề bài, lặp lại nhiều lần.

"Chẳng hạn với môn Giải tích 2, mình cũng có nhiều bộ đề để ôn tập. Mình sẽ làm một lượt, lưu ý những câu không thể làm hoặc làm sai, sau đó lặp lại quy trình này, thậm chí đến lần thứ ba. Việc này giúp mình hiểu sâu nhiều dạng bài, nhờ đó tăng tốc độ và độ chính xác khi thi", Vũ kể.

Anh lưu ý sinh viên không nên thức khuya để ôn bài trước ngày thi hoặc cố gắng học dồn trước lúc thi. Những việc này không mang lại hiệu quả, trái lại gây áp lực và làm giảm phong độ trong phòng thi.

Vũ cũng chia sẻ bí quyết giành học bổng - niềm mơ ước của nhiều sinh viên. Với học bổng ở trường, sinh viên cần điểm tích luỹ GPA và điểm rèn luyện tốt. Nhưng với học bổng từ doanh nghiệp và các tổ chức, người học phải có mục tiêu rõ ràng để lọt vào "mắt xanh" đơn vị cấp học bổng.

Thông tin thường đến từ các trang web của trường, tổ chức, mạng xã hội hoặc những người từng giành học bổng. Với mỗi học bổng, ứng viên cần biết doanh nghiệp, tổ chức muốn hướng tới nhóm đối tượng nào. Biết được điều này, họ mới thể hiện tài năng, thành tích đúng trọng tâm mà đơn vị mong muốn tìm kiếm.

Cũng theo Vũ, cần phải tìm hiểu kỹ về sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp, tổ chức cấp học bổng. "Có lần mình xin học bổng từ công ty về nhiệt điện, mình đã tìm hiểu kỹ kiến thức về nhiệt điện và đơn vị này. Đến vòng phỏng vấn, mình trả lời rất tốt. Đôi khi CV của các bạn chưa đẹp lắm nhưng bạn đánh đúng trọng tâm thì sẽ thành công", Vũ nói.

Tại buổi tọa đàm, Vũ Thành Long, người từng giành học bổng xuất sắc của Đại học Công nghệ Queensland (Australia) cũng chia sẻ kinh nghiệm chi tiết.

Đầu tiên, người học cần tìm cho mình ngôi trường, đất nước phù hợp hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình; sau đó, bắt tay chuẩn bị CV theo các tiêu chí của đại học, chuẩn bị các chứng chỉ ngoại ngữ tốt nhất. Trong quá trình học tập, sinh viên phải duy trì GPA cao bởi đây là yếu tố quan trọng.

Theo Long, lợi ích của việc du học là mỗi ngày được du lịch, trải nghiệm những không gian, nền văn hoá mới. Sinh viên được học cách hoà nhập, mở rộng quan hệ, làm quen môi trường quốc tế. "Du học là cơ hội đi để biết, để học và trưởng thành. Các bạn hãy mạnh dạn. Khi đã có được học bổng thì đừng ngần ngại, hãy xách ba lô lên và đi", Long nói.

Nguyễn Trọng Hải, sinh viên năm tư ngành Kỹ thuật máy tính, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Chụp màn hình

Nguyễn Trọng Hải, sinh viên năm tư ngành Kỹ thuật máy tính, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Chụp màn hình

Trong khi đó, với vai trò Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ học tập trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Trọng Hải (sinh viên năm tư ngành Kỹ thuật máy tính) chia sẻ bí quyết cân đối việc học và tham gia hoạt động xã hội, làm thêm.

Hải cho rằng, ngoài việc học, sinh viên nên tham gia một câu lạc bộ hoặc các hoạt động xã hội. Việc này không chỉ nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm mà còn là điểm cộng cho sinh viên khi xin học bổng hoặc xin việc sau này.

Mỗi câu lạc bộ hoặc hoạt động đều có ưu, nhược điểm. Sinh viên phải cân đối, lựa chọn theo điểm mạnh và những mong muốn của bản thân. Chẳng hạn, với các câu lạc bộ chuyên môn, người học sẽ có thêm nhiều mối quan hệ, trau dồi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, học thuật.

Làm thêm cũng là trải nghiệm thú vị, bổ ích thời sinh viên. Theo Hải, tân sinh viên có thể sắp xếp thời gian làm một cộng việc nào đó phù hợp để có thêm kỹ năng và thu nhập. Tuy nhiên, cần xác định việc học là quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu.

Mạnh Tùng