Danh sách bài viết

Chàng trai mở lớp học tiếng Việt xuyên biên giới

Cập nhật: 25/10/2023

"Thầy Tiến, cho Toshi hỏi", giọng nói tiếng Việt còn ngượng nghịu nhưng tương đối dễ nghe của thanh niên 28 tuổi vang lên trong giờ nghỉ, khiến Trương Thời Tiến, 21 tuổi, chú ý. Tiến nhận ra người hỏi là Toshi, học viên lớp học tiếng Việt VieTalk, đã bảo vệ tiến sĩ và đang làm quản lý dự án tại một công ty Mỹ.

Lớp học tiếng Việt miễn phí của Tiến có 145 học viên đến từ 9 quốc gia gồm Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Đức, Nga, Anh, Pháp và Canada. Người trẻ nhất 18 tuổi, lớn nhất 35, làm nhiều ngành nghề và đều có tình yêu với đất nước và con người Việt Nam. "Đó là mục tiêu và động lực lớn nhất để những học viên của VieTalk cố gắng học tiếng Việt mỗi ngày", Tiến nói.

Trương Thời Tiến, người sáng lập Dự án VieTalk. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trương Thời Tiến, người sáng lập dự án VieTalk. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh tại TP HCM, học hết lớp 10 trường THPT Gia Định, Tiến du học Mỹ. Chàng trai nhận thấy nhiều bạn bè có bố mẹ hoặc ông bà là người Việt nhưng vì sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên không biết tiếng Việt. Đến khi là sinh viên của Cao đẳng Lone Star, Tiến nghĩ "cần làm gì đó" để đóng góp cho cộng đồng.

"Lúc đấy, vốn liếng mạnh nhất của em chính là tiếng Việt và em tự đặt câu hỏi Tại sao mình không dạy tiếng Việt cho những người gốc Việt hoặc yêu Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài?", Tiến kể.

Giữa năm 2020, chàng trai bắt đầu liên lạc với những người bạn học cùng cấp ba, chia sẻ ý tưởng về dự án dạy tiếng Việt, lấy tên là VieTalk. Đang là sinh viên tại các đại học trong và ngoài nước, gần 20 bạn bè của Tiến nhận lời hỗ trợ cho lớp học xuyên biên giới.

Tiến tìm đến các cộng đồng người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài, nói rõ mục đích của VieTalk và mở đơn đăng ký học. Chỉ nghĩ được 50-60 người tham gia nên khi thấy số đơn đăng ký lên tới 600 chỉ trong một ngày, Tiến hốt hoảng. "Em phải khóa đơn đăng ký vì sức có hạn, không thể dạy hết học viên. Nhìn con số 600, em vừa mừng vừa lo, không biết có làm tốt không", Tiến nói.

Dành ra một buổi đọc hết đơn đăng ký và lý do muốn học tiếng Việt của học viên, Tiến đặc biệt ấn tượng với câu chuyện của Beth Trinh, công dân Anh, lấy chồng người Anh gốc Việt Nam. Ngay cả khi sống tại Anh, chồng của Beth luôn dùng tiếng Việt để nói chuyện với bố mẹ, gia đình. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Beth thấy người dân thân thiện, luôn sẵn sàng giúp cô khám phá văn hóa bản địa. "Tôi muốn sau này khi có con, lũ trẻ có thể nói, hiểu tiếng Việt và kết nối được với cội nguồn", Beth chia sẻ.

Tiến còn bắt gặp câu chuyện của Toshi Pau, 28 tuổi, mang bốn dòng máu, mẹ gốc Việt - Trung, bố người Nhật - Hàn. Cả bố và mẹ Toshi đều thành thạo tiếng Việt vì từng học trong trại tị nạn. "Dù bố mẹ chưa từng dạy tôi tiếng Việt, tôi nghĩ nếu biết ngôn ngữ này sẽ phần nào hiểu những vất vả và hy sinh của họ, từ đó trở thành một người nhân ái hơn", Toshi nói.

Đọc tâm sự của học viên, Tiến có thêm niềm tin dự án mình làm có ý nghĩa với cộng đồng. Hơn cả môn ngôn ngữ, tiếng Việt đối với học viên của VieTalk còn là công cụ để tìm về nguồn cội, hiểu thêm về bản sắc, con người Việt Nam.

Tiến (đứng giữa) trong một buổi sinh hoạt trại hè thanh niên tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến (đứng giữa) trong một buổi sinh hoạt trại hè thanh niên tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quá trình xây dựng giáo án, Tiến nhận thấy người không biết chút nào tiếng Việt sẽ không thể học theo sách giáo khoa ở trường tiểu học Việt Nam. Nam sinh tham khảo giáo trình, học liệu môn Tiếng Việt trong các đại học Mỹ. "Thông qua người quen, em xin được sách dạy tiếng Việt của Đại học California, Los Angeles, Mỹ, sau đó dựa vào để tiếp tục soạn ra giáo án của riêng VieTalk", Tiến nói.

Mong muốn trong 2-3 tháng người học có thể xưng hô và tham gia vào các cuộc hội thoại cơ bản bằng tiếng Việt, Tiến xây dựng chương trình học 10 tuần. Tháng đầu tiên, mỗi tuần em sẽ dạy lần lượt bảng 26 chữ cái tiếng Việt, các dấu, phụ âm ghép, cuối cùng là vần.

Với hơn 600 đơn đăng ký, Tiến chọn ra 145 người, chia vào 6 lớp và khai giảng đầu tháng 12/2020. Mỗi tuần, một lớp sẽ học một buổi, kéo dài hai tiếng do Tiến và bạn bè dạy. Với quan điểm không "cầm tay chỉ việc", Tiến xây dựng chương trình dựa trên việc gợi mở rồi để người học tìm hiểu. Nam sinh tận dụng các nguồn học liệu bằng tranh, ảnh, video để buổi học không nhàm chán.

Thời Tiến và một số học viên của VieTalk. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời Tiến và một số học viên của VieTalk. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến kể, vui nhất là những tiết học xưng hô. Tiếng Anh chỉ có hai đại từ nhân xưng là "I" và "you", còn trong tiếng Việt học viên phải làm quen với hàng chục cách xưng hô, tùy từng đối tượng và giữa hai miền Nam - Bắc của Việt Nam cũng có sự khác biệt trong một số ngôi, bậc. Lúc đầu, học viên thường xuyên nhầm lẫn, gọi "bà" xưng "em" hoặc gọi "thầy, cô" nhưng lại xưng "cháu".

Sau vài buổi luyện tập, học viên bắt đầu quen, gọi "thầy Tiến" và xưng tên mình một cách tự nhiên. "Em không yêu cầu mọi người gọi chúng em là thầy cô, chỉ muốn giới thiệu cách xưng hô trong văn hóa với mọi người. Khi được anh chị hơn tuổi gọi thầy Tiến, em hơi ngại nhưng cũng rất vui", Tiến kể.

Dịp Tết Nguyên đán, Tiến tổ chức nhiều hoạt động cho học viên trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam. Em đưa ra các từ như "chúc Tết", "thành công", "hạnh phúc", "may mắn", yêu cầu học viên ghép lại rồi dịch sang tiếng Anh. Ngoài ra, em cũng giới thiệu về tục lệ cúng ông Công ông Táo, tảo mộ, lì xì và mâm ngũ quả trong dịp Tết với mọi người.

Là học viên chăm chỉ của VieTalk, anh Toshi cho biết trước khi tham gia vào dự án chỉ có thể nói một số món ăn cơ bản như cơm tấm. Hiện, anh có thể giới thiệu rất nhiều về bản thân, gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, điểm mạnh và yếu. "Tôi thấy tự tin, có thể đến một cửa hàng Việt Nam, hỏi một số thứ", Toshi nói. Ngoài ngôn ngữ, anh còn được học thêm về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Anh bày tỏ hy vọng sẽ sớm được du lịch Việt Nam cùng bố mẹ và VieTalk có thể giúp đỡ nhiều người gốc Việt hơn.

Chàng trai 21 tuổi mở lớp học tiếng Việt xuyên biên giới
 
 

Từ khi có VieTalk, Tiến ngủ ít hơn, hạn chế xem phim, đi chơi và lướt mạng xã hội. Trung bình mỗi ngày, Tiến dành 3 tiếng cho VieTalk, vừa dạy, chấm bài hoặc phản hồi thắc mắc của học viên. Tuy nhiên, nam sinh cho rằng sự hy sinh này hoàn toàn xứng đáng và hạnh phúc với việc đang làm. "Em có cơ hội gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới, lắng nghe những câu chuyện về tình yêu đất nước, con người Việt Nam của họ. Dù là người dạy nhưng em thấy mình cũng được học thêm về văn hóa bản địa tại quốc gia họ đang sống", Tiến nói.

Sắp tới, Thời Tiến dự định mở rộng quy mô VieTalk, cả về đội ngũ giáo viên, nhân viên và người học. Em và cộng sự sẽ dạy thêm một khóa sơ cấp 10 tuần, trước khi dạy khóa trung cấp cho những người có trình độ tiếng Việt cao hơn một chút. Một số học viên đề nghị ủng hộ tiền cho dự án, Tiến cho biết sẽ dùng tiền đó xây dựng website và mua bản quyền Zoom để lớp học ổn định, không bị gián đoạn. Em xác định, VieTalk luôn miễn phí và chào đón bất cứ ai dành tình yêu cho tiếng Việt.

Sau khi tốt nghiệp, Tiến khẳng định sẽ về Việt Nam làm việc, mong muốn đóng góp cho giáo dục trong và ngoài nước. "Em không coi VieTalk là công việc tình nguyện đơn thuần mà sẽ là đại sứ để giới thiệu Việt Nam với các nước bạn. Em hy vọng có thể tạo cộng đồng người Việt hoặc dành tình cảm cho Việt Nam trên toàn thế giới, mang Việt Nam đến gần hơn mọi người", Tiến chia sẻ.

Thanh Hằng


Nguồn: /

Thêm hàng loạt đơn vị được liên kết tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Giáo dục và đào tạo

Hôm nay 11.5, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã công bố danh sách mới nhất các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam.

169 thí sinh thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tại Quy Nhơn

Giáo dục và đào tạo

169 thí sinh ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây nguyên tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định).

IDP và Hội đồng Anh cấp hơn 124.000 chứng chỉ trong 1 năm: 'Sức nóng' của IELTS

Giáo dục và đào tạo

Tổng số chứng chỉ IELTS do IDP và Hội đồng Anh cấp trong năm 2022 hơn 124.000 phần nào phản ánh sự sôi động của thị trường luyện thi, cũng như nhu cầu ngày càng tăng với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Hơn 90.000 chứng chỉ tiếng Anh bị cấp sai quy định: Hội đồng Anh khẳng định gì?

Giáo dục và đào tạo

Hội đồng Anh chính thức lên tiếng về kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT cho rằng đơn vị này cấp sai quy định hơn 90.000 chứng chỉ IELTS, Aptis trong năm 2022.

7.000 giáo viên nghỉ việc: Sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại giỏi vẫn làm ngành khác

Giáo dục và đào tạo

Mới đây, dư luận chú ý với số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ tháng 8.2023 đến tháng 4.2024 có 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó ở bậc mầm non, khoảng 1.600...

Bao nhiêu trường được tổ chức thi tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc?

Giáo dục và đào tạo

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) vừa công bố danh sách các đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, cập nhật đến tháng 4.2024.

Phụ huynh nhận đơn in sẵn 'xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10'

Giáo dục và đào tạo

Ngày 11.5, trên các diễn đàn mạng xã hội lan truyền lá đơn có tựa đề 'Đơn xin không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2024-2025' được cho là xuất phát từ một trường THCS tại...

Những lưu ý cho thí sinh sau khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT

Giáo dục và đào tạo

17 giờ hôm qua (10.5), việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã kết thúc. Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đưa ra một số lưu ý sau thời điểm này.

Khó khăn trong phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS

Giáo dục và đào tạo

Công tác phân luồng học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS gặp nhiều khó khăn, thách thức do bệnh thành tích và tâm lý của phụ huynh.

4 chàng 'thi cho vui', ẵm ngay 4 giải nhất giải toán trên máy tính cầm tay

Giáo dục và đào tạo

'Với trường em thì kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay là một sân chơi, tụi em cũng xác định đi thi cho vui thôi, nào ngờ mới 'bung' một chút thì...