Danh sách bài viết

Chuyển nhầm lệ phí xét tuyển 30 triệu đồng

Cập nhật: 25/10/2023

Chiều 14/7, chị Diễm (ngụ TP Quy Nhơn, Bình Định) đã nhận được 29.970.000 đồng từ trường Đại học Công nghiệp TP HCM. Đây là khoản tiền chị Diễm đã chuyển nhầm khi đóng lệ phí xét tuyển cho người em họ vào ngành Tài chính - Ngân hàng bằng phương thức xét học bạ.

Được em họ nhờ chuyển một khoản tiền về trường, khi được hỏi bao nhiêu, em nói "ba chục". "Tôi nghĩ là em nhờ đóng tiền học luôn nên tưởng là 30 triệu đồng. Chuyển xong, hỏi lại em thì mới vỡ lẽ", chị kể.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Công nghiệp TP HCM) cho biết nhận được tiền, nhà trường đã liên hệ ngay với thí sinh để kiểm tra. Sau khi biết người nhà thí sinh chuyển nhầm, bộ phận tài vụ đã làm thủ tục hoàn trả số tiền dư.

"Việc chuyển nhầm tiền lệ phí, học phí thi thoảng vẫn xảy ra, nhưng chỉ nhầm ở mức một con số, chẳng hạn 60.000 đồng thành 600.000 đồng. Đây là lần đầu tiên nhầm từ vài chục nghìn lên tới vài chục triệu", ông Nhân cho biết.

Cơ sở chính Đại học Công nghiệp TP HCM ở quận Gò Vấp. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cơ sở chính Đại học Công nghiệp TP HCM ở quận Gò Vấp. Ảnh: Mạnh Tùng.

Tháng trước, một nam sinh ở Kon Tum cũng chuyển nhầm 90 triệu đồng thay vì 90.000 đồng lệ phí xét tuyển cho 6 nguyện vọng vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Nhà trường đã hoàn lại số tiền bị chuyển nhầm sau đó.

Năm nay, Đại học Công nghiệp TP HCM tuyển 8.000 chỉ tiêu với hơn 60 ngành. Trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh gồm tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét kết quả học bạ lớp 12; xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trong đó, ngưỡng điểm sàn cho phương thức xét kết quả học bạ lớp 12 là 20 với cơ sở chính TP HCM và 18 với phân hiệu Quảng Ngãi (tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển). Phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực lấy ngưỡng điểm sàn 650 (thang điểm 1.200).

Mạnh Tùng