Danh sách bài viết

Cuốn sách 'hot' suốt gần 10 năm về 'khai minh' được đưa vào sách giáo khoa

Cập nhật: 16/04/2024

Nhà giáo dục Giản Tư Trung, tác giả cuốn Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh có trích đoạn trong sách giáo khoa lớp 11, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

THÚY HẰNG

Đó là cuốn Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh. Đến nay cuốn sách đã được tái bản tới 14 lần, với hàng trăm ngàn bản in. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tổng cộng 33.875 cuốn Đúng Việc đã được bán ra (chưa tính sách nói).

Luận về "đúng việc" thực chất là bàn về "khai minh"

Tác giả Giản Tư Trung cho biết ý tưởng đầu tiên để ông manh nha về việc viết nên cuốn sách này là từ năm 2002, khi ông đang ở nước Anh. Trong một buổi đang đi dạo tại thủ đô London, ông ngồi nghỉ chân ở quảng trường Trafalgar - quảng trường được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của hải quân Anh trong trận chiến Trafalgar lừng danh do đô đốc Nelson chỉ huy. Điều làm ông chú ý không chỉ là bức tượng của đô đốc đứng sừng sững giữa trời mà là dòng chữ khắc ở dưới tấm phù điêu gần chân cột "Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn công việc/bổn phận của mình".

Ông chia sẻ: "Công việc của mình" - Mấy chữ trên tấm phù điêu về trận chiến Trafalgar năm ấy cũng đã ít nhiều bắt đầu gợi lên và gieo vào trong tôi những suy tư về mình, về thời cuộc. Những suy tư đó đã thực sự thôi thúc tôi muốn viết một điều gì đó về "công việc", về làm đúng và làm tốt "công việc", về những "trận chiến" liên quan đến bản chất và chân giá trị của mọi vấn đề.

Đó không phải là những trận chiến hữu hình giữa người với người, giữa gươm với súng như trong quá khứ; mà là những trận chiến giữa cái đúng và cái sai, giữa khai minh và vô minh, giữa cõi phàm và cõi thiêng, giữa cái cao đẹp và cái thấp hèn của con người. Những cuộc chiến vô hình ấy cũng khốc liệt và có sức tàn phá khủng khiếp không kém bất kỳ cuộc chiến hữu hình nào: Các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn; con người bị cuốn vào những vòng xoáy hỗn mang, nghi ngờ chính những điều đã từng được coi là chân-thiện-mỹ; công việc nào, lĩnh vực nào, ngành nghề nào, vấn đề nào cũng có những điều được xem là "vấn nạn chưa có lời giải".

Trích đoạn

CHỤP MÀN HÌNH

"Bất kỳ ai chứng kiến và cảm nhận những điều đó hẳn cũng sẽ đau đáu một câu hỏi nhân sinh như tôi: Căn nguyên của những gì đang diễn ra trong xã hội này, căn nguyên của những vấn đề mà con người ngày nay đang gặp phải là gì và do đâu? Có rất nhiều lý do. Mỗi người sẽ chọn một cách lý giải, một cách giải mã riêng, tùy theo góc nhìn của mình. Và "đúng việc", "sai việc", cũng như chuyện định nghĩa lại mọi thứ và tìm về bản chất và chân giá trị cho mọi vấn đề là góc nhìn và cách tiếp cận mà tôi chọn cho mình trong cuốn sách này", tác giả Giản Tư Trung nói.

Niềm vui của tác giả đó là khi xuất bản, cuốn Đúng Việc được đông đảo độc giả đón nhận nồng nhiệt, từ các vị lãnh đạo, doanh nhân cho đến thầy cô giáo, giới trẻ... Và trích đoạn "Làm việc cũng là làm người" trong sách Đúng Việc đã xuất hiện trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 11 tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam).

"Với tôi, đây là một vinh hạnh lớn, bởi lẽ nhờ đoạn trích này trong sách giáo khoa mà tinh thần và tư tưởng của 'Đúng Việc' sẽ đến được với nhiều người hơn, không chỉ là các nhóm độc giả quen thuộc, mà còn là các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Vô số độc giả trên các diễn đàn và trong các khóa học mà tôi tham gia chia sẻ rằng, cuốn sách đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới suy nghĩ và nhận thức của họ, nhất là những vấn đề về nhân sinh. Và có không ít người đã đọc cuốn sách này nhiều lần và mỗi thời điểm đọc, họ có những trải nghiệm khác nhau, thấm thía hơn, khi bối cảnh và vốn sống thay đổi.

Một điều thú vị là trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có 9 bài học (tương ứng với 9 chủ đề), trích đoạn "Làm việc" cũng là "làm người" nằm trong bài học thứ 9 mang tên "Lựa chọn và hành động". Có 4 tác giả có trích đoạn/tác phẩm trong bài học thứ 9 này, và trích đoạn của tôi là văn bản cuối cùng, khép lại năm học, chuẩn bị bước vào lớp 12 để học sinh suy ngẫm bài học về "làm việc" và "làm người", về "đúng việc" và "khai minh", tác giả Giản Tư Trung nói.

Ai cũng muốn con trẻ 'nên người', vậy nên người là như thế nào?

Xoay quanh trích đoạn "Làm việc cũng là Làm người" được đưa vào sách giáo khoa lớp 11, nhà giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ thêm với Báo Thanh Niên nhiều điều thú vị về "làm người" cũng như sự học trong đời sống hàng ngày.

Tác giả, nhà giáo dục Giản Tư Trung trong lần chia sẻ với Báo Thanh Niên

THÚY HẰNG

Ông chia sẻ, nếu hiểu một cách nôm na, học đại học trong 4 năm chủ yếu là để làm việc/làm nghề thì học phổ thông 12 năm là tập trung học để làm người. Vậy làm người là làm gì?

"Các em học sinh hay được thầy cô, cha mẹ nói 'mong con mai này lớn lên thành người'. Không phải ai mới sinh ra đã là 'người' hay sao? Thế nào là con người, làm người là làm gì? Với những câu hỏi như vầy, cuốn sách Đúng Việc như một góc nhìn khai minh để bạn đọc có thêm mong muốn tìm hiểu về vấn đề này. Và như tôi viết trong cuốn sách 'tôi không có ý định trình bày một định nghĩa 'con người' thật hoàn hảo. Bởi tôi tin rằng, dù có tìm thấy khái niệm hoàn hảo đó hay không thì cũng không quá quan trọng, bởi chỉ riêng việc đặt ra câu hỏi 'Thế nào là con người' và luôn suy ngẫm, chiêm nghiệm về nó trong hành trình cuộc sống và trên đường đời cũng đã giúp chúng ta trở nên 'người' hơn một chút", tác giả có trích đoạn trong sách giáo khoa nói.

Thời đại AI, điều gì là quan trọng nhất với giáo dục?

Nhà giáo dục Giản Tư Trung cho rằng cần phải định nghĩa lại "sự học thời máy học". AI (trí tuệ nhân tạo) ra đời - nhân loại bước vào cuộc cách mạng mới - có thể là bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển của loài người. Càng trong bối cảnh đó thì sự dạy và sự học cũng phải bước vào một cuộc cách mạng.

Như tác giả Giản Tư Trung viết những dòng đầy thức tỉnh trong cuốn Đúng Việc: "Công việc của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm 'làm người, làm dân và làm nghề'. Lựa chọn 'đúng việc' hay 'sai việc' của mỗi người trong từng 'công việc' ấy sẽ làm nên cuộc đời họ, cũng như góp phần làm nên gia đình, tổ chức và xã hội mà họ đang sống. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú, cỏ cây và máy móc; con người tự do thì khác với con người nô lệ, con người công cụ, con người phận vị, con người hoang dã; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; người thầy thì khác với thợ dạy hay máy dạy; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; lãnh đạo thì khác với cầm quyền; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn. Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là 'mình' giữa các lựa chọn đó? Làm sao có thể làm 'đúng việc' khi chưa biết đâu là cái 'đúng'? Làm sao 'làm ra chính mình', làm sao 'được là chính mình' khi chưa biết 'đâu là mình'? Hành trình 'tôi đi tìm tôi' đó cũng là câu chuyện khai minh của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở".

Tác giả, nhà giáo dục Giản Tư Trung trong ngày ra mắt trọn bộ sách Lịch sử văn minh thế giới do Viện Giáo Dục IRED tổ chức

NVCC

"Nhiều người lo lắng máy móc có những điểm ưu việt vượt trội mình, thì con người sẽ sống làm sao? AI có làm thay đổi mọi thứ, có thách thức mọi ngành, mọi nghề và mọi người không? Câu trả lời là: chắc chắn có", ông nói.

"Có 2 vấn đề quan trọng nhất của giáo dục ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, đó là nhân tính và khai phóng. Nhân tính là thứ mà không có máy móc nào có thể thay thế được. Bởi lẽ, AI có thể rất giống người, nhưng rốt cuộc thì vẫn không phải người. Còn khai phóng giúp ta khai mở nhân tính và giải phóng tiềm năng để có thể trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm và luôn theo đuổi sự ưu tú trong bất cứ việc gì mà mình chọn làm. Và ngày nay, 'kẻ thù' của khai phóng không chỉ là sự vô minh của con người, mà còn là sự thao túng tràn ngập xung quanh chúng ta, nhất là trong thời đại bội thực thông tin. Tuy nhiên, ta cần làm rõ một chuyện, nếu có ai đó muốn thao túng mình thì đó là việc của họ, còn ta sẽ không đi thao túng người khác và cũng sẽ không bị thao túng bởi ai cả", tiến sĩ Giản Tư Trung, người có trích đoạn trong sách giáo khoa chia sẻ.

Tác giả Giản Tư Trung tốt nghiệp thạc sĩ về nghiên cứu phát triển tại Học viện Sau đại học Geneva, Thụy Sĩ; tu nghiệp về chính sách giáo dục quốc tế tại ĐH Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp tiến sĩ giáo dục tại ĐH London (UCL), Anh.

Ngoài cuốn sách Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh nổi tiếng, luôn "hot" trong gần 10 năm qua thì nhà giáo dục Giản Tư Trung còn là tác giả cuốn Sư phạm khai phóng và cuốn Quản trị bằng văn hóa cũng được độc giả đón nhận nồng nhiệt.


Nguồn: / Theo Thanhnien

Đề xuất có giáo viên tiếng Anh trong trường mầm non công lập

Giáo dục và đào tạo

Các trường mầm non ở Hà Nội có chung đề xuất Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ phê duyệt vị trí việc làm cho giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ tại...

'Thế hệ XO'

Giáo dục và đào tạo

Đồng hồ điểm 16 giờ 5 phút, chị Hoàng Thanh Hiền tắt phụt màn hình máy tính, sấp ngửa chạy ra bấm thang máy. Tới hầm xe, chị có 3 phút để choàng hết đồ bảo hộ, chống chọi với thời...

Chọn học ngành 'nóng' sẽ dễ có việc làm?

Giáo dục và đào tạo

Trong thời gian qua, nhiều ngành học mới ra đời đáp ứng xu hướng và được xem là ngành "nóng/hot". Tuy nhiên, những ngành học trước đó cũng vẫn không giảm 'nóng'. Vậy độ...

Chọn ngành 'nóng' phải chấp nhận cạnh tranh?

Giáo dục và đào tạo

Khi quyết định nộp hồ sơ vào các ngành học xu hướng, ngành 'nóng'/'hot', thí sinh có những thuận lợi và khó khăn gì? Với những ngành học không được xem là...

Từ hôm nay học sinh có thể thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Giáo dục và đào tạo

Bắt đầu từ hôm nay 24.4, thí sinh đang học lớp 12 có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên hệ thống quản lý thi ngay sau khi được cấp tài khoản và mật khẩu.

Nhóm sinh viên đại diện Việt Nam đến Anh giành cơ hội khởi nghiệp bằng AI

Giáo dục và đào tạo

Với ý tưởng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá tình trạng kích ứng và dị ứng da đầu, 3 sinh viên từ Trường ĐH RMIT Việt Nam đã vượt qua hơn 5.000 người để đại diện Việt...

Trang web tuyển sinh bị sập, dữ liệu thí sinh đăng ký có bị mất?

Giáo dục và đào tạo

Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM vừa thông báo gia hạn thời gian đăng ký thi các môn năng khiếu và đăng ký xét tuyển trực tuyến sau sự cố trang web tuyển sinh bị sập nhiều ngày liền.

Đề kiểm tra ngữ văn lan tỏa tinh thần 'Sống đẹp' từ cuộc thi Báo Thanh Niên

Giáo dục và đào tạo

Sáng 24.4, học sinh lớp 9 Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) làm bài kiểm tra môn ngữ văn có chủ đề xuyên suốt 'Sống đẹp', với ngữ liệu ở phần đọc hiểu là đoạn trích của những bài viết về...

Tài trợ gần 30 tỉ đồng cho các dự án tiếng Anh, giáo dục, nghệ thuật

Giáo dục và đào tạo

Hội đồng Anh tài trợ 946.000 bảng Anh (gần 30 tỉ đồng) để hỗ trợ 30 dự án hợp tác giữa Anh và Việt Nam ở 3 lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục, tiếng Anh nhằm tạo ra di sản lâu dài về kết nối, cộng tác...

Công bố phổ điểm 3 đợt đầu bài thi đánh giá năng lực HSA 2024

Giáo dục và đào tạo

Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố phổ điểm 3 đợt đầu bài thi đánh giá năng lực HSA 2024.